Ý nghĩa của hành hương Năm thánh?
Nội dung
Ý nghĩa của hành hương Năm thánh?
Hành hương là điều căn bản thuộc về năm thánh. Sắc chỉ số 5 viết: “Không phải ngẫu nhiên mà hành hương là yếu tố cơ bản của mọi sự kiện Năm thánh. Lên đường là đặc điểm của người đi tìm ý nghĩa của cuộc sống. Hành hương bằng cách đi bộ rất có lợi cho việc tái khám phá giá trị của sự thinh lặng, sự cố gắng và của điều thiết yếu. Năm tới, một lần nữa, những người hành hương của hy vọng sẽ không bỏ lỡ việc bước đi trên những con đường cổ xưa và hiện đại để sống kinh nghiệm Năm Thánh một cách mãnh liệt. Tại chính thành phố Rôma cũng sẽ có các tuyến đường đức tin, ngoài các tuyến đường truyền thống là các hầm mộ và bảy nhà thờ.
Khi đi từ nước này sang nước khác như thể biên giới đã bị xóa nhòa, khi đi từ thành phố này sang thành phố khác để chiêm ngưỡng thiên nhiên và các tác phẩm nghệ thuật, chúng ta có thể tận dụng những trải nghiệm và các nền văn hóa đa dạng để đón nhận cái đẹp. Cái đẹp ấy hòa quyện với lời cầu nguyện sẽ dẫn đến việc tạ ơn Chúa vì những điều kỳ diệu Ngài đã làm.
Các nhà thờ trong Năm Thánh, dọc theo các tuyến đường và ở kinh thành Roma, sẽ là những ốc đảo thiêng liêng, tại đó chúng ta có thể canh tân đời sống đức tin và thỏa cơn khát nơi nguồn hy vọng, trước hết bằng cách đến với bí tích Hòa giải, là điểm khởi đầu không thể thay thế của con đường hoán cải đích thực”.
Ngoài ra, trong một cuộc phỏng vấn Đức Cha Rino Fisichella, quyền Tổng trưởng Bộ Loan báo Tin Mừng: Dĩ nhiên, hành hương là một trong những dấu hiệu quan trọng nhất để bắt đầu kinh nghiệm về Năm Thánh. Nhưng hành hương còn tượng trưng cho cuộc sống của mỗi chúng ta. Chúng ta đang sống một cuộc hành hương. Sau Thế Chiến II, triết gia người Pháp Gabriel Marcel đã xuất bản cuốn Homo Viator, Người Hành Hương. Đây là con đường để khám phá lại tầm quan trọng của đức tin trong cuộc sống của chúng ta. Chúng ta không thể quên rằng cả thế giới ngày nay đang sống được bao quanh bởi một nền văn hóa mới, nền văn hóa này nói với chúng ta về công nghệ và trí tuệ nhân tạo. Những thanh niên 25 tuổi sống với ngôn ngữ và hành xử của nền văn hóa này. Dường như đức tin không còn có một vị trí quan trọng trong đời sống con người nữa, bởi vì công nghệ dường như mang đến những hy vọng – ở số nhiều – mà chúng ta mong muốn, nhưng chúng ta phải chuyển từ những hy vọng này sang niềm hy vọng, và điều đó đi kèm với một niềm tin vốn ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn và qua chứng tá của một tình bác ái ngày càng mạch lạc hơn.
Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ – dongten.net
Chi tiết
- Ngày: 13/12/2024
- Tác giả: linh muc Anton Maria Vũ Quốc Thịnh