Xanh – Sạch – Đẹp kiểu Việt
Nội dung

Xanh - Sạch - Đẹp kiểu Việt

 

depositphotos 7823644 stock photo eco green planet“Thế giới chịu nhiều đau khổ không chỉ do sự tàn bạo của những kẻ xấu mà còn do sự im lặng của những người tốt” (M. Luther King)

“Vì môi trường trong lành, hãy chung sức xây dựng … Xanh - Sạch - Đẹp”[1] là một trong những khẩu hiểu ấn tượng nhất được sáng tác để hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5/6 và năm Quốc tế về rừng 2011. Đây là khẩu hiệu mà có lẽ nhiều người trong chúng ta đã thuộc lòng mỗi khi nói về việc bảo vệ hay vận động cho việc bảo vệ môi trường. Thế nhưng khoảng cách giữa khẩu hiệu và thực tế lại là một vực thẳm thật khó được lấp đầy, nhất là tại Việt Nam, một đất nước mà nếu có cuộc thi sáng tạo khẩu hiệu cấp khu vực hay thế giới, thì chắc chắn vị trí quán quân khó vụt khỏi tay Việt Nam. Cách riêng về môi trường tại Việt Nam, một đất nước hình chứ S từng được ví như “cô gái đẹp chuẩn form” bởi sự trù phú tạo hóa ban tặng, thì nay vẫn có xanh đó, có đẹp đó và có sạch đó nhưng lại là những thứ xanh-sạch-đẹp giả tạo bề ngoài hay chỉ trên giấy, trên tivi mà bên trong hay thực tế lại là một môi trường đang đi xuống theo tốc độ nhanh dần đều từ một đất nước rừng vàng biển bạc thành một hình cô gái quá lứa lỡ thì với bộ xương khô, èo uột, tong teo không còn sức sống cùng những câu chuyện vô cùng thương tâm đang diễn ra do những chính sách sai lầm cùng sức tàn phá và khai thác vô tội vạ của các tập đoàn, các tổ chức và chính mỗi cá nhân là mỗi người trong đó có chúng ta mỗi ngày cách này hay cách khác đang góp phần rút ngắn hơi thở và rút cạn nguồn sống của môi trường tại Việt Nam.

Nhìn qua các bảng xếp hạng về tình trạng ô nhiễm, còn người Việt Nam nào dám tự hào về việc mình đang sống trong một quốc gia đáng sống nhất thế giới hay chưa bao giờ có được cơ đồ như ngày hôm nay[2] hay không? Theo nghiên cứu về chỉ số hiệu suất môi trường của Đại học Yale (EPI) nhằm đánh giá và xếp hạng các quốc gia về các vấn đề môi trường thuộc hàng ưu tiên trong hai lĩnh vực là bảo vệ sức khỏe con người và bảo vệ hệ sinh thái, thì Việt Nam nằm trong top 11 quốc gia ô nhiễm bụi nhất thế giới?[3] rồi theo một nghiên cứu khác thì Việt Nam đứng thứ 4 thế giới về gây ô nhiễm biển[4]… và còn nhiều những bảng xếp hạng hay những nghiên cứu khác về ô nhiễm môi trường, nơi mà Việt Nam vẫn giữ vững phong độ và đạt thứ hạng cao trong số những nước ô nhiễm môi trường cao nhất thế giới. Hãy nhìn, hãy nghe và suy gẫm về những số liệu không biết nói dối mà khắp các mặt báo và thực tế vẫn xảy ra mỗi ngày tại quê hương yêu dấu của chúng ta. Có bao giờ chúng ta tự hỏi tại sao Việt Nam thay vì xuất khẩu ô tô hay xe máy, hay công nghệ cao lại là quốc gia xuất khẩu người hàng đầu thế giới? Có bao giờ chúng ta dừng lại để suy ngẫm về thực trạng chảy máu chất xám cùng việc xuất ngoại đến các nước mà nhiều người trong chúng ta vẫn lên án là tư bản dãy chết hay không? Có bao giờ…và có bao giờ…? Tất cả cũng một phần do môi trường chúng ta quá ô nhiễm và kém phát triển khiến nhiều người không chốn dung thân và phải ra đi…

Chúng ta đang sống trong một thế giới và một đất nước mà ước mơ về một môi trường xanh sạch đẹp ngày càng được nhiều người theo đuổi và nỗ lực làm tất cả để gìn giữ hiện thực hóa. Chúng ta không phủ nhận con người nói chung và nhiều người Việt nói riêng ngày càng giác ngộ về tình trạng ô nhiễm môi trường và dần ý thức hơn cùng nỗ lực hơn trong việc chung tay bảo vệ môi trường để thực hiện hóa hay níu kéo ước mơ đẹp đó. Tuy nhiên, giấc mơ đó mãi chỉ là một giấc mơ không bao giờ tròn, bởi chúng ta chẳng thể nào lấy lại tất cả những gì đã mất, có chăng cũng là một hay một số phần nào đó mà thôi. Cùng với niềm tự hào luôn là một quốc gia “đội sổ” về thu nhập cùng chất lượng cuộc sống trên thế giới và trong khu vực, Việt Nam cũng đã và đang khẳng định “vị thế hàng đầu” của mình trong việc phá hoại và gây ô nhiễm môi trường. Việt Nam luôn tự hào về tiềm năng của mình, những tiềm năng mà nhiều nước thèm khát mà không thể có, nhưng lại giậm chân tại chỗ hay đi thụt lùi so với thế giới trong nhiều lĩnh vực, ngay cả trong những lĩnh vực mà Việt Nam có lợi thế vượt trội. Hệ quả là những sai lầm trong chính sách, trong giáo dục, trong ý thức hệ…khiến nền kinh tế và xã hội cũng như môi trường tại Việt Nam bị trì trệ và kém phát triển, để rồi thay vì phát triển kinh tế, cải tạo xã hội và môi trường thì người Việt Nam đang được thừa hưởng một trong những nền kinh tế chậm và kém phát triển nhất thế giới, kéo theo những lộn xộn trong đời sống xã hội và nhất là hít thở một môi trường ngày càng ô nhiễm và thoái hóa bởi thiên tai và nhân tai. Môi trường Việt Nam đã và đang được xây dựng xanh-sạch-đẹp theo kiểu Việt, một kiểu bị biến chứng và dị tật mà những hậu quả khôn lường đã và đang đè nặng trên vai những người dân Việt, nhất là những người thấp cổ bé họng trong xã hội. Vậy xanh kiểu Việt, sạch kiểu Việt và đẹp kiểu Việt là như thế nào?

Trước hết, với tham vọng xây dựng một môi trường xanh và thân thiện, nhiều dự án, chính sách cùng khẩu hiệu mà tên nổ rất kêu, nào là dự án nọ, siêu dự án kia… được đưa ra và được thông qua để đi vào triển khai, nhưng việc thực hiện nó thì thật là một cơn ác mộng mà hậu quả của nó khiến cho không ít người dân “xanh mặt” thậm chí “xanh cỏ” và môi trường chỉ còn biết rên siết và ngày càng tàn tạ. Việt Nam được biết đến là một đất nước giàu màu xanh mà như ca từ rất ý nghĩa của ca sĩ Phạm Trưởng: “đẹp làm sao bầu trời xanh, núi rừng xanh cánh đồng cũng xanh, biển bạt ngàn một màu rất xanh, màu cuộc sống…”[5] Màu xanh của những cánh rừng mà độ phủ đến gần 42%[6], xếp hạng cao trên thế giới cùng hệ sinh thái đa dạng[7]; màu xanh của bờ biển dài với những bãi biển xanh rì được xếp hạng thế giới mà bạn bè quốc tế phải ngưỡng mộ[8]; màu xanh của những đồng lúa bao la được ôm ấp bởi những dòng sông phù sa giàu có, với niềm tự hào là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới[9]; cùng màu xanh của bầu trời với những đường hàng không mang vị trí chiến lược mà nhiều nước lớn nhăm nhe, nhòm ngó... Một miền đất đã hội tụ được hai yếu tố thiên thời và địa lợi mà chỉ cần chất xúc tác mang tên nhân hòa, thì Việt Nam hoàn toàn có thể vươn xa và bay cao trong bàn cờ kinh tế, chính trị hay văn hóa, du lịch thế giới. Thế nhưng trời không chịu đất thì đất phải chịu trời vì nhân Việt đâu có hòa nên thiên nổi giận, địa bất lợi và nhân bất hòa.

Hậu quả thật đáng buồn dù với những tiềm lực mạnh như vậy, sau một thời gian vật lộn với kiểu kinh tế thị trường định hướng, màu xanh của Việt Nam ngày càng bị đe dọa và phai màu bởi nạn phá rừng, săn bắt bừa bãi, nạn khai thác tài nguyên cùng sinh vật biển quá mức, cũng như lượng rác thải của Việt Nam ra biển đứng hàng đầu thế giới, rồi việc chạy theo kinh tế thị trường đi tắt đón đầu mà mất đi cơ hội trở thành một nước nông nghệp hiện đại như đúng tiềm năng của mình… Ngày nay, những khu rừng già, rừng đầu nguồn hay các quả đồi xanh bị bạt đi để bán và nhường chỗ cho những công trình vui chơi giải trí hay dùng vào việc xây dựng các khu công nghiệp[10]. Bên cạnh đó, thật đau lòng khi những hàng cây cổ thụ bị hạ đốn không thương tiếc để thay vào đó là những thảm bê tông nóng ran cùng màu xanh nhợt nhạt của những đám cỏ dại hay những hàng rau không thể trụ nổi dưới ánh nắng mặt trời hay những cơn bão lụt lớn. Cũng vậy, màu xanh của bầu trời bị xâm lấn bởi màu xám của khói bụi nhất là tại các thành phố và màu xanh của biển đựơc hòa tan và biến thành màu xám thậm chí đen của những bãi rác cùng nhưng thứ chất thải mà hằng ngày được thải ra từ chính những hoạt động của con người khiến nguồn tài nguyên biển ngày càng cạn kiệt. Còn đâu những mẻ cá lớn khi mà ngay cả trứng chúng ta cũng không tha và nhiều lắm những hậu quả đau lòng do việc khai thác quá mức tài nguyên biển đang khiền màu xanh trở thành màu xám và đen u ám cho cả đất nước và con người Việt Nam.

Thứ đến, nhiều người không khỏi trầm trồ trước những con đường sạch bong rác, những vật dụng, cùng những thực phẩm có vẻ sạch sẽ và bóng loáng với bề ngoài bắt mắt và tưởng chừng như siêu sạch. Ở Việt Nam, với xu thế cái gì cũng phải siêu sạch mới chịu, hàng loạt những mặt hàng chạy theo xu thế đó, nào là nước mía siêu sạch, nước tinh khiết siêu sạch, đá siêu sạch, rau siêu sạch, sữa siêu sạch hay thực phẩm siêu sạch… Thế nhưng sạch ở đây chỉ là sạch bề ngoài còn chất lượng thì lại không hề sạch. Hơn nữa, sạch kiểu Việt phải chăng là sạch bong sạch bóng, bởi chẳng còn một bóng cây nơi mọi người có thể ngồi hóng mát, chẳng còn một thảm thực vật xanh rờn nơi mọi người có thể vui chơi hay xả hơi sau một ngày làm việc cang thẳng khi mà cây đã bị đốn hạ và đất đã bị bê tông hóa; chẳng còn những ngôi làng đông vui đúng văn hóa làng của người Việt, mà nhiều ngôi làng giờ đây chỉ còn là làng già đến xác xơ bởi vắng bóng con người đến nỗi có những ngôi làng sạch bóng đàn ông vì nền kinh tế nơi các đô thì kéo đi mất. Rồi thử nhìn vào những sản phẩm được coi là sạch, mấy sản phẩm là sạch đúng nghĩa chuẩn chất lượng và thân thiện môi trường, hay để được sạch như vậy hàng tấn hóa chất  độc hại được sử dụng và thải ra mỗi ngày, cây sạch bóng sâu, sông sạch bóng tôm, biển sạch bóng cá, rừng sạch bóng thú, rau sạch bóng sâu mà ẩn sau màu xanh nhìn thì đẹp mắt ăn thì ngon ấy là biết bao chất độc như những kẻ thủ vô hình đang sẵn sàng đột nhập và phá hoại cơ thể chúng ta…Phải chăng đó chính là cái sạch mà Việt Nam đang theo đuổi?!?

Không những thế, Việt Nam luôn được biết đến với nhiều danh lam thắng cảnh cùng những cánh đồng thẳng cánh cò bay, những con sông, những dãy núi quả đồi mà bất cứ ai cũng phải ngỡ ngàng trước vẻ đẹp hoang sơ và kì vĩ mà tạo hóa đã ưu ái cho Việt Nam. Thế nhưng, thay vì bảo tồn và phát triển những vẻ đẹp đó, Việt Nam lại chạy theo lợi nhuận, sẵn sàng đốn hạ hàng loạt khu rừng, san phảng nhiều quả đồi để thay thế vào đó là những dự án nhân tạo phục vụ nhu cầu giải trí, khiến vẻ đẹp tự nhiên bị bóp méo thành vẻ đẹp nhân tạo méo mó gượng gạo và khập khiễng. Cùng với đó, những bãi biển đẹp cũng bị khai thác quá mức và không được bảo tồn khiến lượng rác thải ngày càng tăng, biến biển trở thành những bãi rác di động khổng lồ. Cũng vậy,  chất thải công nghiệp không được xử lý khiến nước biển ô nhiễm đến đổi màu làm sức hấp dẫn vốn có của biển trở thành cơn ác mộng với du khác cùng nạn chặt chém và lối ứng xử có thể nói không đẹp của một số người Việt Nam. Không những thế, những cánh đồng từng bạt ngàn và vàng ươm lại bị biến thành những khu công nghiệp những dãy chung cư hay bị chia lô để bán khiến cho nét đặc trưng đẹp đẽ vốn có nơi các làng quê Việt vốn trở thành miền kí ức của nhiều người nay chỉ còn trong hoài niệm… Như thế, việt nam có đẹp nhưng là “đẹp mặt chưa” mà thôi

Những con số hay những báo cáo về môi trường Việt Nam cùng một vài nét chấm phá ở trên chỉ là ở mức ước lượng và là bề nổi của vấn đề ô nhiễm môi trường tại Việt Nam. Bên cạnh hay nằm sâu trong vấn đề và trong chính cuộc sống, vẫn còn nhiều nhiều câu chuyện thực tế đau lòng và đáng sợ còn ẩn giấu, nơi mà hằng ngày hằng giờ môi trường vẫn đang bị tàn phá mà chỉ những người dân thấp cổ bé họng phải chịu hậu quả một cách nặng nề nhất. Dù chúng ta là ai, là chuyên gia hay không chuyên gia thì nhìn vào những số liệu, những bảng thống kê chúng ta cũng không khỏi giật mình và đau xót nhận ra thực trạng đáng thương của môi trường tại Việt Nam. Ước mơ xanh-sạch-đẹp của chúng ta đang dần bị hao mòn bởi chính sự vô tâm và im lặng của chúng ta mặc cho những sai lầm sai phạm liên tục xảy ra khiến mẹ trái đất đang rên siết mà nếu không có sự chung tay góp sức của mọi người từ chính phủ đến mỗi công dân là chúng ta, chắc chắn chúng ta sẽ phải tiếp tục lãnh những hâu quả do chính việc làm của chúng ta đang gây ra cho môi trường và cho mẹ thiên nhiên. Đừng đổ lỗi cho nhau, nhưng thay vì đổ lỗi hãy lên tiếng chứ đừng im lặng bởi nhiều khi im lặng lại chính là một tội ác, đúng như lời của nhà đấu tranh dân chủ M. Luther King: “Thế giới chịu nhiều đau khổ không chỉ do sự tàn bạo của những kẻ xấu mà còn do sự im lặng của những người tốt”[11]. Đồng thời, mỗi người hãy cùng góp sức chung tay hành động vì môi trường bắt đầu từ những việc nhỏ nhất tại ngay nơi chúng ta sống vì chính chúng ta không chỉ là nạn nhân nhưng còn là chính thủ phạm đã và đang gây những vết thương khó lành cho ngôi nhà chung mà chúng ta đang sinh sống và hưởng dùng.


[6] https://kinhtemoitruong.vn/ti-le-che-phu-rung-cua-viet-nam-va-nhung-con-so-biet-noi-51229.html truy cập ngày 24/03/2022
Hạ Trắng
Chi tiết