Xa xỉ quá lương tâm ơi !
Nội dung

 

"Tôi làn việc này vì lương tâm !"

Con lạy ông "thánh" Mạnh ! Anh thích ăn gì em cúng !

Anh ơi là Anh ! Giữa cái chợ đời này mà anh lại khơi lên 2 chữ "lương tâm".

Có thể như câu nói : nhà đang yên con đừng về ! Câu nói của Anh cũng có thể diễn giải như thế này : "Nhà đang yên ! Anh đừng nhắc !"

2 chữ "lương tâm" nghe sao mà nó chói tai thế ! 2 chữ "lương tâm" nghe sao mà xa lạ quá ! 2 chữ "lương tâm" sao mà xa xỉ quá !

Ngày hôm nay, giữa một cái xã hội mà xem chừng ra đi tìm chữ "lương tâm" hơi bị khó. Có thể ví von nó như là mò kim đáy bể vậy.

Sau khi đọc tâm tình trăng trở về cuộc sốmg, bỉ nhân nhận được phúc đáp của một người : Nói thật ! Chúc mừng anh vì vẫn còn những cảm xúc lo toan trăn trở. Đôi lúc em bị đơ với cái xô bồ của xã hội và chán cái tình người. Chúc mừng anh vì dòng máu chảy trong tim anh đang vô cùng nóng. Còn em cảm thấy sợ chính bản thân mình, thật sự sợ vì nghe cái gì nhìn cái gì em cũng thấy nó giả dối đến hoàn hảo. Mệt mỏi và muốn thả lỏng từng tế bào trong cơ thể, thả lỏng cả não luôn. Vô cảm.  Hy vọng đây chỉ là trạng thái nhất thời và sẽ qua nhanh !".

Đọc những dòng này sao đắng đót quá ! Một Dược Sĩ, một Đảng Viên gần nhà mà thốt lên những lời như thế lòng mình an nổi sao ?

Dược sĩ theo Đảng nhiều chục năm và cũng là Bí Thư Đảng Bộ nơi dược sĩ làm việc đó chứ ! Thế nhưng rồi họ sợ cả bản thân mình.

Tại sao người ta phải sợ ? Vì người ta không thật với người khác và nhất là không thật với chính cả bản thân mình nữa.

Khi sống không thật cũng chính là lúc mà người ta đè nén, chà đạp cũng như dẹp bỏ tiếng nói của lương tâm trong lòng mình.

Lương tâm là tâm điểm sâu lắng nhất và là cung thánh của con người; nơi đây con người hiện diện một mình với Thiên Chúa và tiếng nói của Người vang dội trong thâm tâm họ (Vat II, GS số 16). Thiên Chúa đã dùng lương tâm để nói với chúng ta với tư cách là một sứ giả vĩ đại, một vị quan tòa công minh và một thầy dạy khôn ngoan.

Công đồng Vat. II cũng khẳng định về vấn đề lương tâm, như sau: “Con người khám phá ra tận đáy lương tâm một lề luật mà chính con người không đặt ra cho mình, nhưng vẫn phải tuân theo. Tiếng nói của lương tâm luôn luôn kêu gọi con người phải yêu mến và thi hành điều thiện cũng như tránh điều ác. Tiếng nói ấy âm vang đúng lúc trong tâm hồn của chính con người... Quả thật, con người có một lề luật được Thiên Chúa khắc ghi trong tâm hồn. Tuân theo lề luật ấy chính là phẩm giá của con người... lương tâm là tâm điểm sâu lắng nhất và là cung thánh của con người; nơi đây con người hiện diện một mình với Thiên Chúa và tiếng nói của Người vang dội trong thâm tâm họ” (HC Vui Mừng và Hi Vọng / GS số 16 – x. GLHTCG số 1776).

Đức Hồng y Newman trong thư gởi quận công Norfolk cũng đã nói về sự cao trọng của lương tâm, như sau: “Lương tâm là một lề luật của tinh thần con người, nhưng vượt trên con người. Lương tâm ra lệnh, nêu lên trách nhiệm và bổn phận, điều chúng ta phải sợ và điều có thể hy vọng....Lương tâm là sứ giả của Ðấng nói với chúng ta sau một bức màn, dạy dỗ và hướng dẫn chúng ta, trong thế giới tự nhiên cũng như trong thế giới ân sủng. Lương tâm là vị đại diện thứ nhất trong các đại diện của Ðức Kitô” (x. GLHTCG số 1778).

Còn nhớ đến Tông Huấn Amoris Laetitia. Trong Tông Huấn ấy khi đọc chậm và kỹ, ta thấy nhấn mạnh đến tầm quan trọng của lương tâm. Trong tài liệu này lương tâm được nói đến rất nhiều, ít nữa là 29 lần. Như Đức Thánh Cha nhận định rằng “từ khá lâu rồi, chúng ta vẫn cứ tin rằng chỉ cần nhấn mạnh những vấn đề đạo lí, đạo đức sinh học và luân lí, mà không cần khuyến khích người ta mở lòng ra với ân sủng, cũng đã đủ nâng đỡ các gia đình”[Amoris Laetitia, 37].

Và chính Đức Thánh Cha cũng nhìn nhận rằng “chúng ta cũng cảm thấy khó khăn khi muốn dành chỗ cho lương tâm của các tín hữu, là những người rất thường đáp lại lời mời gọi của Tin mừng cách tốt nhất ngay giữa những giới hạn của họ”[AL.37]. Từ đó ngài khẳng định rằng “chúng ta được mời gọi để đào tạo các lương tâm chứ không thay thế các lương tâm”[AL, 37]. Cần làm sao cho họ biết lương tâm là tiếng Chúa nói trong lòng mỗi người, giúp lý trí phán đoán để nhận biết và phân biệt tốt xấu, giúp họ làm lành, lánh dữ; biết lắng nghe và làm theo tiếng lương tâm dạy bảo.

Trong thư mục vụ năm 2006 mang tựa đề Sống đạo hôm nay (8-9-2006), các giám mục viết: “Trước những thay đổi hiện thời của xã hội làm ảnh hưởng không nhỏ đến cách nghĩ và lối sống của nhiều người, nhất là người trẻ, chúng tôi đề nghị một lộ trình sống đạo khởi đi từ việc đổi mới bản thân. Điểm căn bản trong việc xây dựng con người mới này là làm sao để bản thân mỗi người ý thức và sống  đúng phẩm giá của mình; bởi lẽ phẩm giá con người là quà tặng Thiên Chúa ban(…). Ngoài ra, mỗi người cũng cần được huấn luyện để có lương tâm ngay chính. Thật vậy, một trong những điều cấp thiết người Công giáo phải nêu gương là tìm hiểu giá trị của lương tâm và thực hành theo tiếng nói lương tâm của mình” (số 5)

Rõ ràng rằng Giáo Hội có trách nhiệm giúp đỡ và định hướng cho con người cũng như lương tâm của họ. Một cách cụ thể, đây là một sứ mệnh cao cả của các giáo huấn của Giáo Hội về luân lý. Ngoài ra, Giáo Hội còn luôn phải nhấn mạnh đến bổn phận của lương tâm đối với chân lý khách quan. Vì nhiều khi do những lý do và hoàn cảnh chủ quan cũng như khách quan – như môi trường giáo dục trong xã hội hay sự triền miên dầm mình trong một cuộc sống tội lỗi, v.v…– lương tâm con người có thể bị lệch lạc và không còn đưa ra những phán quyết trung thực phù hợp với chân lý khách quan nữa, nên lương tâm cũng cần phải được rèn luyện, vì “khi đứng trước một chọn lựa, lương tâm có thể phán đoán đúng, hợp theo lý trí và luật Thiên Chúa, hoặc ngược lại, phán đoán sai.”.

Vì thế, lương tâm con người luôn cần phải được giáo dục và rèn luyện một cách đúng đắn và cẩn thận. Chính Sách Giáo Lý Công Giáo (1993) đã dạy một cách rõ ràng như sau: “Lương tâm phải được rèn luyện và phán đoán luân lý phải được soi sáng. Một lương tâm được rèn luyện tốt sẽ phán đoán ngay thẳng và chân thật. Lương tâm này sẽ đưa ra những phán quyết theo lý trí, phù hợp với điều kiện đích thực như Đáng Sáng Tạo đầy khôn ngoan muốn. Việc giáo dục luơng tâm rất cần thiết cho những người chịu các ảnh hưởng tiêu cực và bị tội lỗi cám dỗ làm theo ý riêng và bỏ những giáo huấn chân thực.”

 

Để hành xử một cách có trách nhiệm, mỗi người phải tự soi sáng lương tâm của mình. Lương tâm tìm thấy những chỉ dẫn cách hành xử trong các tập quán, phong tục, luật pháp hiện hành. Không phải là thụ động làm theo luật pháp và phong tục gần như một cách máy móc. Lương tâm phải được cá vị hóa, phải tự hỏi mình cần nuôi dưỡng thứ quan hệ nào với luật pháp và phong tục. Luật pháp, chẳng hạn, có thể được sử dụng như là những tiêu chuẩn cấm đoán đối với những gì cần phải tránh. Vần đề ở đây là xây dựng bản thân và để Thiên Chúa thực hiện công trình của Ngài nơi chúng ta. Cần phải biết biện phân việc này. Đây là điều hết sức riêng tư.

Và khi nhìn vào thực tại của cuộc sống, người ta đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho chuyện này chuyện kia để rồi không cần biết lương tâm là gì. Có chăng là tranh cãi chữ lương tâm dịch sao cho đúng, dịch sao cho nó vuông còn để đi vào lòng người với cách giải thích bình dân thì không thấy. Chính vì lẽ đó, ngay cả người Kitô hữu cũng chả hiểu cũng như biết lương tâm là gì để mà sống.

Đối với người kitô hữu Việt Nam, việc rèn luyện lương tâm và thực hiện lương tâm ngay chính không những là một bổn phận thường xuyên, mà còn là một đòi hỏi của sứ mạng làm chứng cho Chúa trong tình hình xã hội suy thoái về đạo đức hiện nay nữa. các giám mục dạy : Anh chị em hãy “nêu gương sáng … ngay chính tại gia đình cũng như giữa nơi mình sống” ( Thư chung 2006, số 5)

Cảm ơn anh bạn Mạnh ! Giữa chợ đời mà người ta quay tít với cơm áo gạo tiền đến độ không còn giờ để học hỏi, để hiểu biết về những căn tính cơ bản nhất mà con người phải có là lương tâm thì thật là khó sống. Lương tâm cần và thật cần cho cuộc sống nhưng rồi đi đâu ta cũng ngầm nghe thấy "Lương tâm không bằng lương tháng". Cảm ơn Mạnh, ít ra Mạnh cũng thức tỉnh tiếng nói lương tâm mà từ xưa đến giờ không kịp nói tiếng nói của mình trong không ít lòng của nhiều người.

Lương tâm ơi ! Mi xa xỉ quá đấy !

Lm. Anmai. CSsR

 

Chi tiết