Ước mơ thời covid-19
Nội dung
Ước mơ thời covid-19
“Mơ ước”– người ta thường nói tới, giống như một chén trà thanh xuân. Ước mơ luôn là điều người ta cảm thấy thú vị và hồi hộp và quả thực, có bao nhiêu con người hiện hữu trên mặt địa cầu, sẽ tồn tại bấy nhiêu mơ ước và khát vọng! Mơ ước thật đẹp! Nó đẹp và riêng tư!
Tuy nhiên, trong những thời điểm này, có lẽ đã đến lúc chúng ta cần sắp xếp, ước định và đeo cho “mơ ước” một cặp kính khác! Một cặp kính mang tính toàn cầu và phổ quát. Một ước mơ chung cho toàn nhân loại: Mơ ước một cuộc sống bình thường! Vì trong thời điểm này, người ta thường nói “một cuộc sống bình thường đã là quá xa xỉ”!
Cái tên Corona virus, rồi được “đổi tên” thành Covid-19, hầu như đã đeo bám và trở thành nỗi ám ảnh của toàn nhân loại trong gần hai năm trở lại đây. Những biến động phức tạp của dịch bệnh, sự không ngơi nghỉ của mọi tầng lớp khoa học và y tế gần như đã phải làm cho mọi hoạt động công nghệ lắng lại… Đúng thế, đã tới lúc chúng ta tạm buông ống nghiệm và dừng lại đôi chút để nói về ước mơ thực sự của chúng ta, của nhân loại này!
Trong suốt dòng lịch sử của nhân loại, chúng ta biết, đã xảy ra những dịch bệnh kinh hoàng trước khi xảy ra Covid- 19. Theo nguồn tin từ báo thanhnien.net, dịch bệnh Athens đã xảy ra vào những năm 430 TCN; đại dịch hạch Antonine vào khoảng năm 165 tại đế quốc La Mã. Sau đó là đại dịch hạch Cyprian vào năm 250 cũng tại La Mã đã lên cao điểm tới con số tử vong là 5000 người chết mỗi ngày. Năm 541, bệnh dịch hạch Justinian xuất hiện ở Ai Cập sau đó lây lan khắp Palestine và đế quốc Byzantine (nằm ở phía đông của đế quốc La Mã sau này) rồi lan đến vùng Địa Trung Hải cướp đi sinh mạng của hơn 40% dân số trong thành phố Constantinople và 1/4 dân số ở phía đông Địa Trung Hải, khiến tổng số nạn nhân lên đến hơn 50 triệu người (chiếm 26% dân số thế giới). Đặc biệt vào năm 1350, đại dịch “Cái chết đen” đã cướp đi sinh mạng của 1/3 dân số thế giới, khoảng 75 triệu người. Sau đó, tính theo thời gian hàng thiên niên kỉ, nhân loại vẫn phải thường xuyên đối diện với những căn bệnh dịch khiến cho cuộc sống con người phải hỗn loạn, hoang mang.
Tuy nhiên, tất cả các dịch bệnh cũng đã kết thúc!
Mỗi sự khó đi qua, lịch sử nhân loại sẽ để lại một khoảng trống… Khoảng trống ấy cho con người thời đại tự điền vào đó những suy nghĩ và câu trả lời của chính mình. Và đó là điều Thiên Chúa đang dùng để “vẽ những đường thẳng trên những nét cong” trên nhân loại.
Đối với Covid- 19, chúng ta tin chắc chắn rằng, rồi sẽ tới lúc cuộc rượt đuổi tử thần này cũng phải hạ màn! Tuy nhiên, nó sẽ để lại điều gì ngoài những đau thương và sợ hãi. Nó sẽ để lại gì trước một tương lai dày đặc sự tự tin thái quá của nhân loại với những thành quả khoa học và công nghệ? Tôi nghĩ, nó sẽ để lại rất nhiều, rất nhiều… cho tới khi chúng ta đủ khiêm tốn để nhìn nhận tất cả. Điều đáng nghĩ suy ở đây, là sau những đại dịch, tàn tích chúng để lại là gì? “Thời thế tạo anh hùng”, hoặc “cùng bần sinh đạo tặc”… là những câu nói phản ánh những “dấu vết” sau những cú thúc kinh hoàng của lịch sử.
Ngay lịch sử Giáo Hội cũng sinh ra những vị thánh và con người được nhắc tới với tấm lòng yêu thương thực sự. Tuy nhiên, cũng không thiếu những “nỗi đau chồng chéo nỗi đau”. Khi thảm họa toàn nhân loại xảy ra, có những con người vẫn ung dung đóng khung cuộc sống vị kỉ, lợi dụng thời thế để sinh lợi cho bản thân hay bộ tộc của mình.
Đại dịch thực sự là những khoảng thời gian đau thương! Tuy nhiên, dừng lại một chút, chúng ta sẽ thấy, đây cũng là lúc quả địa cầu này cần được “sóc” lại cái trật tự ban đầu của nó – trật tự mà Thiên Chúa đã tạo dựng từ khởi thủy. Cái khởi thủy con người và vạn vật dưới đất đều nhớ mình chỉ là thụ tạo. Thiên Chúa không bao giờ là tác giả của sự dữ, nhưng chính tội ác và những khuynh năng tàn độc của con người đã tự lên án chính mình (x. St 3). Do đó, đây là lúc con người cần bám vào nhau để chiến thắng, chứ không phải là lúc nhóm này đả kích nhóm kia. Đây là lúc vũ khí tối tân nhất để chiến đấu không phải là sung ống, đạn hộp, không phải là cơ binh hạm đội… nhưng là một manh khẩu trang bé xíu trên mỗi khuôn mặt! Đây là lúc con người phải nhìn nhận sức mạnh đích thực không nằm ở chiến binh, mà nằm ở “chiến thuật bác ái”. Là lúc con người cần nhận ra rằng, bảo vệ và cứu giúp người khác cũng là bảo vệ chính mình…
Đây cũng là lúc không phải ai nấy đi tìm đường tẩu thoát, và lục lọi cho ra con đường mơ ước riêng tư đời mình, mà là lúc chúng ta phải chung nhau dệt một ước mơ nền tảng nhất: một cuộc sống yên bình! Ước mơ nhân loại thoát khỏi dịch bệnh. Mơ ước con người không còn phải xa cách nhau, sợ hãi nhau. Không còn phải lùng bắt, truy vết nhau như những “tội phạm”…
Ước mơ của chúng ta được dệt thành, bây giờ không phải bởi những ống nghiệm, cũng không phải dựa trên công nghệ và khoa học. Nó được dệt thành nhờ sự tương trợ và tình thân hữu phổ quát đối với nhau. Nó cũng được dệt thành khi người ta nhận ra, tất cả chúng ta được Thiên Chúa tạo dựng cùng một phẩm giá, để tương trợ và yêu thương nhau chứ không phải để hủy hoại nhau bằng bất cứ hình thức nào…
Ước mơ không bao giờ được dệt thành, nếu một số người “nắm” còn một số người lại “buông”. Nó cũng chẳng dành cho khi một tầng lớp “cho” còn một tầng lớp “nhận”… cũng thế, nó không dành cho một nhân loại với một số cố gắng còn một số lại hưởng thụ và hủy diệt! Chúng ta chỉ nắm tay nhau để tạo sức mạnh, khi đó những cơn sóng bão táp sẽ qua đi, và dấu ấn để lại, cho dù xảy ra điều gì, mỗi chúng ta đều không hối tiếc cho một đời hiện hữu của mình!
Mơ ước cơn đại dịch qua đi, và nhân loại sẽ nhận ra rằng…tất cả chúng ta là con một Cha trên Trời, cùng một phẩm giá! Và ước mong, chúng ta có chung một niền tin vào Thiên Chúa Toàn Năng và Thương Xót!...
Cát Trắng
Chi tiết
- Ngày: 10/10/2021
- Tác giả: Lm. Anmai