Từ bỏ
Nội dung

TỪ BỎ

Nói tới “không thể từ bỏ”, chúng ta có thể dẫn ra một loạt ví dụ liên quan tới “từ bỏ”: Ví dụ Hằng Nga có thể từ bỏ chấp niệm để hưởng thụ cuộc sống thiên đình, chí ít cũng có thể cùng với Hậu Nghệ sống vui vẻ bên nhau, không cần phải ở trên cung trăng lạnh lẽo làm bạn với thỏ ngọc, ngày ngày chỉ có thể nghe thấy tiếng chặt cây không ngừng. Nếu như Hạng Vũ có thể từ bỏ cái gọi là “thể diện” của mình, cùng với Giang Đông phụ lão thực hiện đại kế khôi phục, thì có lẽ vương triều Đại Hán của Lưu Bang cuối cùng có thể trở thành thiên hạ của nhà họ Hạng. Nếu như Lí Thị của nhà Đường có thể từ bỏ tham vọng quyền lực, tránh huynh đệ tương tàn thì có lẽ bi kịch lịch sử “chính biến Huyền Vũ Môn” sẽ không xảy ra. Hay đệ nhất quyền thần Đại Thanh – Hòa Thân nếu có thể từ bỏ chấp niệm về tiền bạc thì cũng sẽ không đến nỗi cuối cùng phải nhận kết cục nhận dải lụa trắng vua ban để tự vẫn…

Dĩ nhiên, lịch sử không thể làm lại, chúng ta không nên nhắc lại những chuyện đáng tiếc ấy, nhưng cần hiểu rằng, rất nhiều ví dụ và sự nuối tiếc đều là vì con người mong muốn có được nhiều hơn mà không biết cách từ bỏ chấp niệm, khiến chúng ta bị lỡ dịp với rất nhiều điều tốt đẹp. Nếu ngay từ đầu đã sớm biết vậy thì hà tất phải để mọi chuyện xảy ra như thế!

Cuộc sống vốn là một quá trình tự tại, hạnh phúc, chỉ có điều, nhiều lúc chấp niệm của chúng ta quá nhiều, dục vọng giống như cái động không đáy, chẳng thể nào lấp đầy được. Con người lúc nào cũng cuống quýt muốn nắm lấy tất cả, có nhà rồi thì muốn có tiền bạc, có tiền bạc lại muốn có công danh, muốn nắm trong tay cả thế giới rực rỡ sắc màu… Những tham vọng ấy khiến con người dần trở nên sức cùng lực kiệt. Nhưng suy cho cùng, chúng ta đều chỉ là con người bình thường, ham muốn quá nhiều nhưng cái nắm được thì quá ít, con người sống trên đời chẳng qua chỉ vài chục năm trời, khi mệt mỏi khốn đốn sẽ tự hỏi: Hà cớ phải như thế? Chi bằng từ bỏ vấn vương bụi trần, sống vui vẻ với tâm thái tốt đẹp là hơn!

Trong lịch sử, đa số những người có được cuộc sống viên mãn, gia đình hạnh phúc hay sự nghiệp thành công đều là những người “cầm lên được, từ bỏ được”. Liêm Pha từ bỏ ân oán với Lạn Tương Như, tạo ra giai thoại đẹp “tướng tương hòa”; Phạm Lãi vứt bỏ bổng lộc triều đình mà Việt Vương đã hứa, cùng người đẹp du thuyền Thái Hố, tiêu dao thương hải; Trác Văn Quân và Tư Mã Tương Như bỏ qua cái nhìn của thế tục, dũng cảm theo đuổi hạnh phúc riêng tư nên mới có giai thoại thiên cổ “Phượng cầu hoàng”; Tư Mã Thiên dẹp qua một bên những tổn thương của nỗi nhục cung hình để dùi mài kinh sử, cho ra đời bộ Sử kí lưu truyền thiên cổ; Trương Tam Phong giũ bỏ phàm tục chốn nhân gian, cuối cùng trở thành tông sư sáng tạo ra Thái Cực quyền và Thái Cực kiếm…

Tất cả những ví dụ ấy, suy cho cùng đều ở hai chứ “từ bỏ” mà ra, người có trí tuệ sáng suốt ắt sẽ có thể có được thành công, tất cả đều là nhờ họ có thể vứt bỏ chấp niệm, dám từ bỏ những thứ không cần thiết.

Mỗi lần “từ bỏ” là một lần dọn dẹp gánh nặng đang mang trên mình, vứt đi cái “tay nải hành lí” không đáng được chúng ta mang theo, để rồi sau đó, chúng ta có thể thoải mái tiếp tục con đường của mình cho đến tận khi đạt được mục tiêu của cuộc đời. “Từ bỏ” cũng là một cảnh giới đáng mơ ước của tâm hồn, chúng ta dùng cảnh giới mà “vạn vật đều có thể từ bỏ” để nhìn nhận cuộc đời, cho dù làm người hay làm việc, tự nhiên có thể bớt đi được một chút nghi kị, thêm một chút thản nhiên; bớt một chút bất mãn, thêm một chút bình tĩnh; bớt một chút tranh đấu, thêm một chút hòa thuận; cuộc sống chẳng phải sẽ thoải mái tự tại hay sao?

Một đứa trẻ thò tay vào trong lọ lấy kẹo, nó muốn một lần lấy được nhiều chiếc nên đã lấy một nắm to, kết quả là tay bị mắc ở miệng lọ, làm thế nào cũng không thể rút ra được, sợ đến nỗi bật khóc. Ông nội nhìn thấy dáng vẻ lo lắng của cháu, chậm rãi nói: “Xem kìa! Cháu vừa không muốn bỏ lại số kẹo đó, lại vừa muốn rút tay ra, chi bằng biết đủ một chút, lấy ít đi một chút, nắm tay nhỏ lại tự nhiên sẽ có thể dễ dàng rút tay ra thôi!”

Trong cuộc sống, để “có được” thì cần có đầu óc thông minh, còn muốn “từ bỏ” thì lại càng cần có trí tuệ và dũng khí. Con người lúc nào cũng chỉ mưu cầu chiếm hữu mà rất ít khi biết từ bỏ đúng lúc.

Và như vậy, người có tiền thì bị tiền bạc làm cho mệt mỏi, còn người có tình cảm thì bị tình cảm làm tổn thương… Biết từ bỏ, dĩ nhiên không phải là yêu cầu chúng ta không làm gì cả, mà là sau khi hành động thì không nên đặt quá nặng yếu tố thành – bại, được – mất: tiền dĩ nhiên phải kiếm, nhưng sau khi kiếm được thì phải chi dùng thích hợp chứ không nên giống như Grandet ôm chặt tiền không chịu bỏ ra; tình cảm nên hi sinh, nhưng không cần nhất định phải được báo đáp…

Trong mắt người bình thường, vạn sự vạn vật của thế gian đều là vật thực, con người luôn nhìn nhận vạn vật thế gian bằng con mắt vốn có, dùng con mắt thế tục để đánh giá tất cả sự vật, vì thế thường bị những phiền não thị phi làm cho nghi hoặc, cuộc đời thêm biết bao đau khổ nhưng lại không biết làm thế nào để giải thoát.

Muốn giải thoát vô số phiền não trong nhân gian, để tâm tịnh như nước, nếu chỉ đơn thuần dựa vào cái gọi là “thông minh tài trí” thế tục thì mãi mãi là không đủ, rất nhiều khi chúng ta cần đến một dũng khí, đó là dũng khí dám từ bỏ vấn vương những chuyện hão huyền.

“Từ bỏ” là một tâm thái, một triết lí nhân sinh, một trí tuệ lớn. Biết cách từ bỏ vấn vương và mọi sự hão huyền là phương thuốc thần diệu giúp chúng ta vui vẻ, xóa bỏ muộn phiền, nhờ thế mà đường đời sau này – khi đã biết “từ bỏ” sẽ càng vui vẻ hơn, giúp chúng ta có thể đi xa hơn, bay cao hơn, nhìn thấy được những cảnh giới đẹp đẽ, hòa bình hơn.

Chỉ cần chúng ta biết “từ bỏ” đúng lúc, dùng tâm thái ôn hòa để đối mặt với cuộc sống phức tạp rối ren, thì cuộc sống của chúng ta sẽ tràn đầy “tiếng chim ca suối chảy”.

 

Chi tiết