Trung thành và sáng tạo
Nội dung
Trong những nhân vật được Đức giáo hoàng Phanxicô bổ nhiệm mới đây, Đức Tổng giám mục Fernandez, Tân Bộ trưởng Bộ Giáo lý đức tin, là người được dư luận quan tâm nhiều nhất. Chỉ trong hai tháng qua, ngài đã phải trả lời 40 cuộc phỏng vấn. Sở dĩ như thế là vì nhiều lý do. Bộ Giáo lý đức tin vẫn được coi là bộ quan trọng nhất, nơi cầm cân nảy mực cho đời sống đức tin của toàn thể Hội Thánh, vì thế người ta quân tâm xem ai sẽ là người lãnh trọng trách này. Ngoài ra, Đức Tổng giám mục người Argentina cũng được coi là người viết tông huấn Amoris laetitia của Đức Giáo hoàng Phanxicô. Hơn thế nữa, vị Tân Bộ trưởng còn được cho là người có khuynh hướng cấp tiến, ủng hộ đường lối của Giáo hội tại Đức quốc, vì thế, không những được dư luận quan tâm nhưng vị Tân Bộ trưởng này còn là đối tượng của nhiều phê phán, nhất là từ phía người Công giáo bảo thủ, theo truyền thống.
Đức Tổng Giám mục Fernandez
Những phê phán trên có cơ sở vững chắc không, và ngài có quan điểm thế nào về một số vấn đề nóng trong đời sống Giáo hội hiện nay? Ở đây chỉ xin trích dẫn hai phát biểu của ngài về hai vấn đề: sự bất đồng của một vài giám mục với đường hướng mục vụ của Đức Thánh Cha Phanxicô, và về Nẻo đường hiệp hành của Giáo hội Đức.

Khi được hỏi là “với tư cách Bộ trưởng, Đức cha sẽ xử lý ra sao với những người trong Hội Thánh, nhất là các giám mục và linh mục không theo giáo huấn của Đức Thánh Cha vì cho rằng nó đối nghịch với giáo huấn của Hội Thánh?”

Đức Tổng Giám mục Fernandez trả lời: “Khi chúng ta nói đến sự vâng phục huấn quyền, cần phải hiểu ít nhất theo hai nghĩa, không thể tách rời nhau và đều quan trọng như nhau. Một là theo nghĩa “tĩnh”, tức là “kho tàng đức tin” mà chúng ta phải bảo vệ và giữ gìn nguyên vẹn. Nhưng đàng khác, có đặc sủng riêng trong việc bảo vệ này, một đặc sủng mà Chúa chỉ ban cho Phêrô và các đấng kế vị Phêrô.

Trong trường hợp này, chúng ta không nói về “kho tàng đức tin” nhưng về một ơn ban sống động đang hoạt động nơi con người của Đức Thánh Cha. Tôi không có đặc sủng này, ông cũng thế, Đức hồng y Burke cũng vậy. Hiện nay chỉ có Đức giáo hoàng Phanxicô có ơn ban này. Bây giờ, nếu ông bảo tôi là có một vài giám mục có ơn đặc biệt của Chúa Thánh Thần để xét đoán giáo thuyết của Đức Thánh Cha, chúng ta sẽ đi vào vòng luẩn quẩn (vì bất cứ ai cũng có thể cho rằng mình nắm giáo thuyết chân chính), rồi sẽ có ly khai và lạc giáo. Hãy nhớ rằng những lạc giáo luôn cho rằng họ biết giáo thuyết chân chính của Hội Thánh. Ngày nay không may, không những một vài người cấp tiến rơi vào sai lầm ấy, nhưng điều nghịch lý là cả một vài nhóm bảo thủ truyền thống cũng thế.

Giáo thuyết chân chính chỉ có thể là ánh sáng, người dẫn đường, một nẻo đường chắc chắn và niềm vui cho tâm hồn. Nhưng rõ ràng là ngay cả Hội Thánh cũng không hoàn toàn nắm bắt được sự phong phú tròn đầy của Phúc Âm. Trong vài lãnh vực, phải mất nhiều thế kỷ Hội Thánh mới có thể trình bày rõ ràng những khía cạnh giáo thuyết mà trước kia không thấy rõ.

Ngày nay Hội Thánh kết án việc tra tấn, nô lệ và án tử hình, nhưng điều này là không rõ ràng trong nhiều thế kỷ. Các tín điều là cần thiết vì trước đó có những vấn đề chưa thấy rõ. Giáo thuyết không thay đổi, Tin Mừng luôn là như thế, Mặc khải đã được thiết định rồi. Nhưng rõ ràng là Hội Thánh thật nhỏ bé trong cõi mênh mông của chân lý và cái đẹp, và Hội Thánh cần tiếp tục lớn lên trong sự hiểu biết của mình”.

Được hỏi về Nẻo đường hiệp hành của Giáo hội Đức quốc, ngài trả lời:

“Giáo hội Đức có những vấn đề nghiêm trọng và hiển nhiên là phải suy nghĩ về Phúc âm hóa mới. Đàng khác, ngày nay Giáo hội Đức không có những nhà thần học ở tầm vóc gây ấn tượng lớn như trong quá khứ. Nguy cơ của Nẻo đường hiệp hành là ở chỗ tin rằng bằng cách thực hiện một vài sự mới mẻ cấp tiến, Giáo hội sẽ nở hoa. Đây không phải là điều Đức giáo hoàng Phanxicô đề nghị, ngài nhấn mạnh đến nỗ lực thừa sai mới mẻ tập trung vào việc loan báo kerygma : tình yêu vô biên của Thiên Chúa được biểu lộ nơi Đức Kitô chịu đóng đinh và phục sinh.

Tôi không biết tại sao một vài đồng nghiệp của ông lại đồng hóa tôi với nẻo đường của Đức, điều mà tôi chỉ biết chút ít. Cuốn sách nổi tiếng nhất của tôi là cuốn Los Cinco Minutos del Spiritu Santo (5 phút của Thánh Thần), gồm những suy niệm hằng ngày về Chúa Thánh Thần, và đã bán 150,000 bản. Ông có biết cuốn sách đó không?

Đàng khác, tôi là một linh mục coi xứ và cũng là giám mục giáo phận. Ông cứ đi và hỏi các tín hữu trong giáo xứ của tôi xem tôi đã làm gì khi là cha xứ: chầu Thánh Thể, dạy Giáo lý, dạy Kinh Thánh, đem Đức Mẹ đến thăm các gia đình và cầu nguyện cho gia đình. Tôi có 10 nhóm cầu nguyện và 130 bạn trẻ.

Là Giám mục giáo phận, tôi thường hỏi người dân về những gì tôi trình bày trong các bài giảng ở Nhà thờ chính tòa cũng như khi đi thăm các giáo xứ: về Chúa Kitô, về cầu nguyện, về Chúa Thánh Thần, Đức Mẹ, việc nên thánh. Năm ngoái tôi đề nghị Tổng giáo phận tập trung vào việc “cùng nhau đi tới sự thánh thiện”. Dù các đồng nghiệp của ông nói gì chăng nữa, đó là cách tôi làm trước tình trạng dửng dưng tôn giáo trong xã hội. Giống như Đức giáo hoàng, tôi tin rằng nếu không có đời sống thần bí, chúng ta chẳng đi đến đâu cả” (National Catholic Register 12/09/2023).

Những phát biểu trên phần nào cho thấy đường hướng của vị Tân Bộ trưởng Bộ Giáo lý đức tin: trung thành và sáng tạo. Trung thành với nội dung mặc khải được truyền lại cho chúng ta, và sáng tạo để có thể loan báo nội dung ấy cho con người đang sống trong một thế giới không ngừng thay đổi. Nền tảng của sự trung thành và sáng tạo ấy là niềm tin vững vàng vào hoạt động của Thánh Thần trong lòng Hội Thánh, cách riêng nơi đấng được trao sứ mạng Phêrô. Cum Petro et sub Petro (Với Phêrô và dưới Phêrô), các tín hữu Công giáo được mời gọi sống đức tin và góp phần xây dựng Hội Thánh mà Chúa Giêsu đã hứa là “quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16,18).


Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Chi tiết