Trào lưu “Flex” và văn hóa “khoe”
Nội dung
Trong lúc suy nghĩ về xu hướng này, tôi lướt trên Facebook và thấy một group có tới 1,5 triệu thành viên với cái tên rất hấp dẫn: “Flex đến hơi thở cuối cùng”. Câu Slogan của Group là: “Flex là cuộc sống, flex là hơi thở, flex là đam mê”. Xem 1 lúc, tôi nhận ra một điều khá thú vị, đó là ai cũng có thứ gì đó để flex về mình. Có những người không có thành tích gì nổi bật để khoe, bỗng dưng phát hiện ra và flex luôn cái nồi cơm hai nắp của mình, người khác thì Flex 2 con ễnh ương mà anh ta gặp mỗi tối đi làm, người khác lại “Flex” hai ký chôm chôm vừa mua được với giá rẻ…Những cú “Flex” tưởng chứng “vô bổ” đó lại là niềm vui, niềm tự hào của rất nhiều người.
Thôi thì thanh xuân chỉ có 1 lần, hãy cứ flex hết mức trong thế giới riêng của mọi người, chứ bước sang thế hệ “lúa chín lúa cúi đầu” rồi thì dù thành tựu cao đến trời thì cũng chẳng còn sức mà “Flex”. Tuy nhiên, "flex" cũng cần được sử dụng một cách cân nhắc. Tự hào về những thành tựu của mình và chia sẻ niềm vui với người khác một cách tích cực là điều tốt, vì nó có thể truyền cảm hứng cho người khác, quan trọng là chúng ta cần biết cân nhắc và không để "flex" trở thành thước đo duy nhất cho giá trị của chúng ta.
Hiện nay, việc con người tìm kiếm sự thừa nhận và cảm giác đầy đủ không phải là điều hiếm gặp. Có một thực tế là khi một người cảm thấy thiếu thốn ở một khía cạnh nào đó, họ thường có xu hướng tìm cách bù đắp cho điểm yếu đó bằng cách tập trung vào một lĩnh vực khác, nơi họ có thể tỏ ra xuất sắc và được người khác thừa nhận.
Ví dụ, một người có thể đang trải qua khó khăn về khả năng kinh tế và cảm thấy thiếu thốn trong cuộc sống hàng ngày. Để thỏa mãn nhu cầu cảm giác đầy đủ và thừa nhận của họ, họ có thể bắt đầu tập trung vào việc mua sắm đồ hiệu hoặc dấn thân vào cuộc đua xã hội để thể hiện sự thành công vượt trội. Mặc dù họ đang đối mặt với tài chính khó khăn, nhưng việc này có thể có thể mang đến cho họ cảm giác sự sang trọng và thừa nhận từ người khác.
Trong lĩnh vực tâm lý và tình cảm, xu hướng này trở nên rõ ràng hơn. Những người có tâm lý mạnh mẽ thường có khả năng điềm tĩnh hơn, ít cần phải khoe khoang về sự đầy đủ của họ. Họ có thể tự tin và biết cách quản lý cảm xúc cá nhân một cách hiệu quả hơn. Họ thường không cần phải thể hiện sự mạnh mẽ của mình thông qua sự phô trương hoặc việc thể hiện sự độc đáo.
Ngược lại, những người có tâm lý yếu đuối thường có xu hướng tìm cách thể hiện sự đầy đủ của họ bằng cách kêu to hoặc tìm kiếm sự thừa nhận từ người khác. Điều này có thể xuất phát từ cảm giác sợ hãi hoặc tự ti của họ, và họ có thể cảm thấy cần phải khoe khoang về bản thân để xua tan cảm giác thiếu thốn của mình.
Flex, không hẳn là xấu, khi được sử dụng một cách tích cực, Flex có thể là nguồn động viên cho người khác theo đuổi mục tiêu và hoàn thành những thành tựu trong cuộc sống. Việc chia sẻ những kỳ tích cá nhân và niềm tự hào về những điều đã đạt được có thể truyền cảm hứng cho người khác và khuyến khích họ nỗ lực hơn. Hơn nữa, flex có thể tạo ra sự kết nối xã hội. Việc chia sẻ niềm vui và thành tựu cá nhân có thể làm cho chúng ta cảm thấy gần gũi hơn với người khác và xây dựng mối quan hệ tốt hơn. Tuy nhiên, điều quan trọng là sử dụng flex một cách cân nhắc và không lạm dụng. Việc khoe khoang quá mức hoặc không kiểm soát có thể biến chúng ta thành “tù nhân của dư luận”
Trong văn hóa Á Đông, khiêm tốn thường được đánh giá cao hơn là sự phô trương. Chúng ta nên tôn trọng giá trị bản thân mình bằng cách tạo ra những điều tích cực trong cuộc sống và đối xử với người khác với lòng tôn trọng và yêu thương chứ không phải phụ thuộc vào số lượng "like" nhận được sau mỗi lần “Flex. Do đó cần ý thức rằng; giá trị thực sự của mỗi người không phụ thuộc vào việc họ có được bao nhiêu lời khen ngợi hay sự thừa nhận từ người khác. Giá trị thực sự nằm trong những đóng góp và ý nghĩa mà chúng ta mang đến cho thế giới và cho những người xung quanh.
Chi tiết
- Ngày: 12/09/2023
- Tác giả: Lm. Anmai