Tình yêu “vay -trả”
Nội dung

Có người nói thế này: “Tình yêu không phân loại con người, chỉ có con người mới phân loại tình yêu.” Quả thật, chính con người đặt nhiều định nghĩa cho tình yêu. Một loại tình yêu nổi bật mà chúng ta thường thấy là tình yêu “vay - trả” dần trở thành một hiện tượng xã hội, âm thầm len lỏi vào cuộc sống con người để rồi cuối cùng trở thành vấn đề nhức nhối cho xã hội nhân loại.

“Vay - trả” như thế nào? Bạn yêu tôi, tôi cũng yêu bạn; tôi yêu bạn, bạn cũng phải yêu tôi; bạn không đáp trả, tôi sẽ không yêu bạn nữa. Như vậy là một tình yêu công bằng ư? Tôi mua tình yêu của bạn bằng vẻ ngoài dễ thương của tôi; bạn mua tình yêu của tôi bằng sự vui tươi của bạn. Dù sao, trong cả hai trường hợp, tình cảm trở thành thị trường trao đổi trong đó tình yêu là sản phẩm có giá trị nhất định và hữu hạn.

Thật dễ nhận ra kiểu tình yêu này trong cuộc sống xã hội hiện đại, đặc biệt là trong thời gian kéo dài của đại dịch Covid. Mỗi bối cảnh xã hội nhạy cảm đòi hỏi những hành động thực tiễn của tình yêu để sẻ chia và giúp đỡ. Và chính trong bối cảnh đó, mặt nạ của kiểu tình yêu “vay trả” được phơi bày. Sẽ chẳng dễ dàng để một ai đó làm tình nguyện, phục vụ nếu thiếu những tấm hình để làm bằng chứng, để truyền thông hay thậm chí để khoe khoang. Giúp đỡ người khác trở thành một phương thức để tôi đánh bóng tên tuổi bản thân, gia nhập tình nguyện như một phong trào hay một “trend” xu hướng.

Thật đáng nói hơn về những khía cạnh đạo đức thấm nhuần tinh thần người Việt như đạo hiếu, đạo nghĩa thầy trò - những điều chưa bao giờ được đặt lên bàn cân thì nay lại có những cách cân đo lạnh lùng. Nhiều bạn trẻ ngồi trên ghế nhà trường có tư duy cho rằng thầy cô cũng chỉ là những người làm nghề truyền giảng, một nghề lấy lương như bao nghề nên “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” không còn là đạo lý của việc giúp đỡ người khác được đổi bằng những tấm hình như thế - nếu tôi không được trả lại cái gì vậy sao tôi phải giúp đỡ?

Từ nhiều nguyên nhân khác nhau, kiểu tình yêu này trở nên phổ biến: Một dịch bệnh tâm hồn giữa thời đại dịch bệnh thể lý hoành hành. Đầu tiên nó là hệ quả của lối sống tư lợi, chỉ biết đến lợi ích của bản thân: Đưa tay ra để có thu về, cho đi để nhận lại. Lối suy nghĩ đó làm con người quen tính toán thiệt hơn. Tư duy lý trí, công bằng một cách áp đặt và khắt khe đó ngăn cản con người chạm tới cái hồn, cái thiêng của tình yêu và khó hơn nữa để chạm tới tình yêu đích thực. Tiếp đến không thể không xét ảnh hưởng của thời đại công nghệ lên nhân cách con người. Một thời đại bùng nổ mạng lưới các ứng dụng và vật dụng thông minh. Từ những cơn sóng dữ dội của internet “3G, 4G…”, tới cách mạng công nghệ “3 chấm, 4 chấm…”, và mới đây nhất là phần mềm “chat JBT” đang nổi lên như một cơn sốt toàn cầu... Tất cả, tất cả đều góp phần tạo nên sự thay đổi của nhân bản, hướng con người vào lối tư duy máy móc. Con người sử dụng thiết bị công nghệ, tham gia vào đời sống công nghệ để rồi đắm chìm vào tu duy công nghệ: Có qua có lại.

Tình yêu bị biến chất. Lẽ thường mẹ yêu con vì con là con của mẹ chứ không phải vì mẹ cần con đáp trả trong lúc tuổi già. Lẽ thường phải là tôi giúp đỡ anh mong anh vui vẻ bình an chứ không phải để được anh trả lại vào một ngày nào đó. Lẽ thường phải như vậy, thật lý tưởng, thật an vui, chứ không phải đầy tính toán, tư lợi và máy móc. Con người trở nên thiếu tin tưởng lẫn nhau vì mọi hành động yêu thương đều có lý do. Mà cũng chẳng phải chỉ là thiếu tin tưởng, nhưng còn đề phòng nhau vì chẳng ai muốn mình thiệt thòi trong những cuộc trao đổi lợi ích như thế. Sống trong sự đề phòng cảnh giác đó, con người bắt đầu xét đoán nhau, đổ vỡ các mối tương quan chỉ là một sớm một chiều. Hơn thế nữa, việc giúp đỡ đó có định giá thì việc biết ơn theo sau cũng có giới hạn. Hai chữ “cám ơn” trở nên nhẹ như bông vì lối suy nghĩ: “Đó là điều mình đáng được nhận, là điều mình đã trả đủ.v.v.” Có lòng biết ơn, con người mới biết hạnh phúc thực sự là gì. Mất đi lòng biết ơn thì cuộc sống con người còn lại gì đây?

Một giai đoạn biến động kinh tế xã hội, một thời kỳ chiến đấu với kẻ thù chung là dịch bệnh đẩy lên một làn sóng dư luận về đạo đức, luân lý. Chiến tranh, dịch bệnh, đói kém, thiên tai… nhắc nhở mỗi người đang sống phải tìm cách tẩy trừ kiểu tình yêu vay trả ra khỏi đời sống. “Khi ta thay đổi, thế giới sẽ thay đổi” 9 (Karen Casey), chính bản thân chúng ta phải mở lòng biết cho đi với đôi tay rộng mở và luôn giữ lòng biết ơn chân thành từ những điều giản dị trong cuộc sống. Từ những thay đổi quảng đại nơi mỗi chúng ta, ngọn lửa tình yêu đích thực sẽ được lan tỏa cho những người xung quanh. Chúng ta - những người trưởng thành cần quan tâm đặc biệt đến việc giáo dục nhân bản, đạo đức cho thế hệ trẻ, không chỉ bằng những lời nói suông, những bài học sách vở, nhưng bằng những hành động thực tiễn, làm gương sáng cho con em. Thế giới vẫn luôn tràn đầy những điều ngọt ngào và tốt đẹp, tin tưởng vào cuộc sống, tin tưởng vào bản thân và tin tưởng vào những người xung quanh để bản thân hạnh phúc và mọi người đều hạnh phúc.

Thật đáng ngưỡng mộ những người cho đi mà không nhớ, nhận mà không quên. Mẹ Têrêsa từng nói: “Điều quan trọng không phải là mức độ của các hành động của chúng ta mà là lượng tình yêu dành cho chúng.” Khi nói về một sự giúp đỡ, thật tuyệt vời khi động cơ lớn nhất thúc đẩy nó là tình yêu.

Chi tiết