Tiền : Ta thờ nó hay nó thờ ta ?
Nội dung
Đâu đó trong đời, hơn một lần ta đã nghe : Đồng tiền là ông chủ xấu nhưng là nô lệ tốt. Và, nó là chủ ta hay nó là nô lệ hay là ta thờ nó và nó thờ ta lại là quan niệm về tiền cũng như cung cách sống với tiền của ta.
Tối, đang ngồi ráp chữ, chú em ở Vũng Tàu gửi cho vài tấm hình với chiếc xe tải đầy những vật dụng gia đình. Chưa kịp hỏi thì chú em chú giải : Con đang phụ dọn nhà cho Anh kia. Anh bị người em của anh đuổi ra khỏi nhà với lý do nhẹ nhàng là lấy đất làm bãi xe. Thực chất là chiếm đoạt miếng đất đó và đã từng thuê giang hồ đến giằng mặt trước.
Dẫu không quen biết với anh đó nhưng rồi chạnh lòng khi nhìn thấy con người ngày nay sao hành xử với nhau tệ như thế ! Cùng một chỗ chui ra, cùng bú chung dòng sữa mẹ nhưng rồi ...
Thật ra, câu chuyện cũng như tấm hình chú em ở Vũng Tàu gửi cũng chỉ là như giọt nước tràn ly của những câu chuyện về tiền,
Trước đó, một gia đình đang đau khổ lại càng đau khổ hơn khi người mẹ trong gia đình giở đủ trò để lấy mớ tài sản khi chồng mình đang ... hấp hối.
Như mối tình riêng, người con cả của gia đình tìm đến bỉ nhân để chia vui sẻ buồn trong cuộc sống như lời bỉ nhân hứa rằng sẽ ở bên cạnh em để cầu nguyện, để lo cho ba của em trong những ngày cuối đời.
Ba em đang khỏe mạnh bỗng dưng bị bướu trong não. Nằm bệnh viện nhiều ngày và cả nhiều nơi tốt nhất ở cái đất Sài Thành nhưng bác sĩ phán vô phương chữa trị. Gia đình sau khi bàn bạc để rồi thống nhất với nhau đưa ba về nhà an dưỡng.
Đau khổ đến tột cùng là khi ba đang trong cơn nguy kịch thì mẹ là người tìm đủ mọi cách để chiếm gia tài. Để giữ cho bầu khí thanh thản và bình an trong gia đình, trong tư cách là mục tử và cũng như là người anh tinh thần, bỉ nhân khuyên em cố gắng hết sức bình tĩnh để lo cho ba. Dù thế nào đi nữa cũng không được hỗn với mẹ. Cái gì thì cái cứ ghi âm cũng như kêu mẹ ký vào giấy xác nhận để sau này không phải tranh chấp.
Chuyện của em làm đau lòng nặng não ! Đơn giản là em có người em đang đi tu và gia đình xem ra là chân chất từ trước đến nay. Chả hiểu sao người mẹ lại trở chứng để đòi quyền lợi cho mình đang khi người chồng chỉ còn sống đếm từng ngày và cũng không còn tỉnh táo với những cơn co giật đau đớn. Chả biết làm gì để rồi chỉ thêm lời cầu nguyện cho ba của em và dặn em bình tĩnh cũng như xin Chúa cho đủ ơn để vác thánh giá Chúa gửi cho đến cùng.
Chưa hết ! Nhà chị có 2 chị em và vô cùng đơn độc. Cũng dính dự với gia đình như người thân để rồi lại mang thêm nỗi đau vào trong mình khi người chị bằng mọi cách tranh giành tài sản với người em.
Một ân nhân chuyên lo lắng về thuốc men cũng không tránh khỏi vòng vây của tiền bạc. "Cha ơi ! Cha thêm lời cầu nguyện cho ba con nha. Gia đình con đang gặp rắc rối ..."
Tưởng nghĩ trong tư cách là mục tử nên cần hỏi thăm để hóa giải nhưng khi biết được sự tình thì đến Chúa cũng không hóa giải được khi lòng người sôi sục lòng tham. Mẹ già đang còn sống đó nhưng có lẽ cũng chả vui khi đàn con cùng rắp tăm để giành tài sản. Nhẹ nhàng nhắn gửi : "Cha nhớ cầu nguyện cho ba con nhé ! Gia đình con lại rơi vào tình trạng rối về tài sản ..."
Dĩ nhiên thì cầu nguyện để Chúa biến đổi lòng của anh chị em trong gia đình để anh chị em trong gia đình thu xếp cách gọn nhất và bình an nhất vì dù sao cũng là người Công Giáo. Hơn thế nữa, tất cả con cháu trong gia đình đều uống chung dòng sữa mẹ cũng như nghe cùng lời dạy dỗ của cha.
Nhiều và nhiều lắm những câu chuyện về tiền. Và, bi đát hơn nữa khi nó xảy đến và len lỏi vào tận nhà tu.
Nhiều chứ không chỉ là một. Các nữ tu đều nói về tiền trong Hội Dòng. Có những Hội Dòng bi đát đến độ khi chị em còn trẻ còn khỏe cày kiết xác nhưng khi đau bệnh thì gia đình ... tự xử hay cùng lắm chỉ ở mức qua loa.
Xét cho bằng cùng, tu hay không tu, dòng hay không dòng thì tất cả cũng là con người. Ai nào đó dù đã tu nhưng khi bỏ chiếc áo dòng ra thì họ vẫn là con người và có khi rất người nữa là khác. Khi đó, họ lộ diện lên hình ảnh của những kẻ tham tiền, tham danh và tham lợi.
Và, thật ra mà nói, cả bỉ nhân cũng là người tham tiền. Như đã từng chia sẻ với người anh thân thương đang sống chung : "Em chả giấu gì anh. Em là kẻ cực kỳ tham tiền và cũng cực kỳ thù tiền. Tiền nó cần để trang trải trong cuộc sống hàng ngày nhưng nó cũng là thứ vũ khí giết mình khi mình theo đuổi nó".
Thật thế ! Khi mình quá bám víu vào tiền bạc thì mình sẽ bị làm nô lệ cho nó và điều hiển nhiên kèm theo đó là đánh mất tình nghĩa anh em và những người chung sống. Có thể ít tiền một chút mà lòng lại thư thái bình an.
Có một bà mẹ trẻ với hai con chả hiểu giác ngộ điều gì nên không ngần ngại viết : "Cha ơi ! Con đến giờ chỉ cần đủ ăn đủ mặc thôi chứ không bon chen nữa. Giành thời gian cho Chúa, cho gia đình nhỏ này là đủ". Hay quá ! Cô sớm giác ngộ để không rơi vào cám dỗ của những đồng tiền lôi kéo.
Thật thế ! Ai mà không cần tiền nhưng tiền mình cần ở mức độ nào cũng như mình nhận từ nơi đâu ? Có những người hết sức âm thầm để chia sẻ trong công việc mục vụ hay thuốc men nhưng rồi có những người cho chả là mấy nhưng chỉ thiếu điều VTV chưa biết. Và, đau hơn nữa là có khi những nguồn tiền mà họ biếu xén đó lại là những đồng tiền bất minh hay bóc lột của người khác. Thế cho nên những người tu đừng thấy tiền nhiều đem đến cho mình mà mừng rỡ.
Kèm theo đó, những đồng tiền người ta thương trao tặng thì dẫu nó không phải là tiền đen, tiền xấu thì nó lại nhuốm từng giọt mồ hôi vả cả nước mắt của người tìm ra nó. Nhất là trong thời buổi hiện tại, với những khó khăn của Conona Virus thì việc tìm tiền cực khó.
Nhiều người vô tư không hề nghĩ đến những chia sẻ mà người khác trao cho có khi là sự nhịn ăn, nhịn mặc và là đồng tiền của những bà góa. Những người giàu có cho đi không đơn giản như những người nghèo cũng như đàng sau lưng sự cho đi đó lại là nhiều câu hỏi bí ẩn mà không ai biết.
Bỉ nhân, khi nhận của ai đó đều ý thức được những chia sẻ của những người thân quen đều là mồ hôi và nước mắt để khi chi dùng thật sụ phải cân nhắc. Hơn thế nữa, xung quanh mình còn nhiều và nhiều người nghèo lắm.
Đồng tiền, như đã nói, ta sẽ tôn thờ nó hay nó là đầy tớ của ta do cách ta chọn. Xét cho bằng cùng ai ai khi nằm xuống cũng chả mang theo dẫu 1 xu đến mộ phần nên cần cân nhắc hơn khi kiếm tiền, khi sử dụng tiền trong cuộc sống hàng ngày của ta.
Chi tiết
- Ngày: 17/11/2020
- Tác giả: Linh mục Anmai CSsR