Thương quá bạn nhỏ ơi !
Nội dung

 

Cuộc "dẫy mã" gần kết thúc. Đang đến công đoạn cuối thì có một con bé con bước vào. Vì hay chóng mặt nên cũng chẳng quay qua nhìn làm chi. Chỉ đến khi nhìn thấy người khách bên cạnh cầm trên tay tập vé số từ tay con bé mới nhận ra con bé con đó đi mời vé số.

Sau khi cái đầu gọn gẽ, thanh toán tiền cho bác thợ cạo xong, bỉ nhân mới hỏi thăm cô bạn nhỏ :

- Con, năm nay con học lớp mấy ?

- Dạ con học lớp 6

- Nhà con có mấy anh chị em ?

- Dạ 3

- Sao con phải đi bán vé khi con còn nhỏ như thế này ?

- Dạ nhà con nghèo quá Chú ơi ?

- Vậy con còn đi học không ?

- Dạ còn !

- Còn học sao con phải bán ?

- Dạ con phụ thêm ba mẹ ...

Sau cuộc trò chuyện chóng vánh, bạn nhỏ quay lưng đi để mời người kế tiếp.

Trên đường đi bộ về, những bước chân chầm chậm chợt thầm nghĩ lại đời bạn nhỏ. Bạn nhỏ nhìn kháu khỉnh lắm đó chứ ! Bạn nhỏ may mắn hơn nhiều người là có khuôn mặt dễ mến. Thế nhưng rồi chỉ mới lớp 6 thôi nhưng phải vất vả tìm kế sinh nhai cùng cha mẹ.

Có lẽ mình chỉ là người ngoài và mình ở góc nhìn của mình. Có lẽ cha mẹ của bé cũng đau lòng lắm khi cho con mình đang còn đi học mà phải kiếm sống như thế này.

Thật ra thì cũng chả khó để lý giải về em. Ở cái vùng quê chả ra quê mà thị chả ra thị này hình như cái nghèo nó mến dân vùng này lắm. Cái nghèo dường như cứ muốn ôm chầm cái địa danh thương mến này. Mấy chục năm rồi nhưng nơi đây vẫn thế để rồi tệ hơn huyện nhỏ vùng biên mà tuần trước tôi được đi ngang nó.

Thử hỏi ruộng cũng chả có mà nhà máy cũng chả mọc lên ngoại trừ cái nhà máy đường cũ kỹ nằm bên tay phải cổng chào trước khi vào đô thị thì làm gì nâng cao cuộc sống. Nhìn chung, chả có gì để có tia hy vọng để phát triển cái con đường oan trái thời chiến sự. Biết bao nhiêu người phải bỏ mạng trên trục chính giao thông này và đến nay con đường này trở nên heo hút.

Ở nơi đây, tìm cho mình một chuyến xe đi đâu đó hình như tìm cũng chẳng thấy. Có chăng chỉ đi về Sài Thành hay phố núi Gia Lai và kèm theo đó Tuy Hòa Phú Yên mà thôi. Muốn đi đâu cũng phải "nhảy" xe chuyền qua xe khác. Và sau 5 giờ xế, muốn đi đâu cũng chẳng có xe để đi mà về thì cũng chả có xe về.

Vậy đó ! Nơi cái vùng mà nghèo cứ như bạn thân lắm thì có biết bao nhiêu gia đình như bạn nhỏ.

Người Kinh đã như thế thì người thiểu số sẽ thế nào ?

Chả cần phải nhiều lời để giải nghĩa minh oan. Ai nào đó hơn một lần đến đây sẽ thấy chứ không phải là cảm cái "nồng độ" nghèo cứ bám mãi người dân.

Nhìn bạn nhỏ, nhớ đến những đứa nhỏ đang trọ học chung nhà hay bên kia đường nhà "bờ sa" chăm sóc sao mà thương quá. Bọn nhỏ này rồi đời sẽ đi về đâu khi tương lai còn đó những sương khói mịt mù.

Thôi đi mà ! Nghĩ đến bạn nhỏ bán vé số và những đứa nhóc trong làng làm gì cho nó mệt. Nghĩ mãi cũng chả tìm ra lối thoát cho bọn chúng. Ơ nhưng mà không nghĩ làm sao được khi cái nghèo nó cứ không hề muốn buông tay những gia đình nghèo như gia đình bạn nhỏ bán vé số hay gia đình của những đứa trẻ sống chung quanh.

Nỗi trăn trở về những mảnh đời bất hạnh nó cứ quanh quẩn ngay cả nó chui vào trong giấc ngủ đêm ...

#
MP3
Chi tiết