Thói hung hăng của người Việt
Nội dung

Thói hung hăng của người Việt

Hung hăng là thể hiện một loạt các thái độ, hành vi sẵn sàng gây hấn, sử dụng lời nói hoặc hành động bạo lực chống lại người khác hoặc các vật thể xung quanh để gây ra tổn hại cho người hay vật với mục đích nhanh chóng đạt được mục tiêu của mình.

Va quẹt xe nhẹ, chưa kịp dựng xe lên, chưa biết phải trái ra sao, người hung hăng đã lớn tiếng: “Mày chạy xe thế à. Mày đền cho ông nếu không ông đập chết mẹ.”

Người ta thể hiện thái độ hung hăng dưới nhiều dạng: thể chất, tinh thần, lời nói, cảm xúc để áp đảo tinh thần người khác hòng giành lấy phần lợi về mình trước tiên. Lợi ở đây là vật chất, vị thế, hoặc nhiều khi chỉ vì thỏa mãn cảm giác thắng được người. Hung hăng không có nghĩa chỉ là đánh đập, hung hăng bằng lời nói, cảm xúc cũng gây ra chấn thương tinh thần cho người khác không kém hành động.

“Mày có im mồm ngay không? Mẹ mày nói mà mày còn cãi à? Mày mà hả họng khóc tiếng nữa thì tao bóp cổ chết mày.”

Người ta chia hung hăng ra làm hai dạng: bộc phát và có tính toán.

Bạn đang chạy xe đúng luật trên đường, một chiếc xe máy từ sau vượt phải, lạng ra cắt ngay đầu xe bạn và vọt đi, bạn giật mình tức giận thét lên chửi rủa kẻ chạy xe bất chấp tính mạng người khác, đó là hung hăng bộc phát. Hung hăng bộc phát xuất hiện khi ta tức giận và không kềm chế được cảm xúc.

Hung hăng có tính toán là lên kế hoạch kỹ lưỡng nhằm đạt mục đích, như: cướp xe, giật điện thoại, dùng bạo lực cưỡng chế đất đai của dân,… việc làm tổn thương người khác chỉ là một cách để đạt được mục đích nên người hung hăng có tính toán không màng đến việc sẽ gây tổn thương bao nhiêu người với mức độ ra sao.

Việc thể hiện sự hung hăng cũng có sự khác biệt giữa đàn ông và đàn bà. Đàn ông thường thể hiện sự hung hăng thông qua bạo lực thể chất: đánh nhau, đánh vợ, đánh con… Đàn bà ít có xu hướng bạo lực thể chất hơn, nhưng họ thường thể hiện sự hung hăng thông qua bạo lực lời nói, tinh thần, cảm xúc bằng những chỉ trích, nhiếc móc, sỉ nhục, xúc phạm phẩm giá người khác.

Môi trường sống, trong đó cách một người được nuôi dạy có ảnh hưởng trực tiếp và rất lớn lên tính cách con người. Một người được nuôi dạy trong gia đình có ba mẹ hung hăng thể chất và tinh thần thì đứa trẻ tin rằng hung hăng có thể giải quyết mọi việc. Nó sẽ sử dụng bạo lực khi có cơ hội và sẵn sàng dùng lời nói hung hăng gây tổn thương người khác.

Tính hung hăng của người Việt còn được “hun đúc” từ điều gọi là “dùng bạo lực để cướp chính quyền” và cai trị dựa trên sự sợ hãi. Trong rất nhiều trường hợp, ta thấy bạo lực được dùng như công cụ tối thượng, đôi khi có đối thoại xảy ra nhưng thực chất chỉ để che đậy bản chất. Với một hệ thống giáo dục từ trên xuống đều dựa trên nền tảng bạo lực trong câu chuyện cổ tích, trong các mẩu chuyện cách mạng, trong các giai thoại văn học, cả trong toán học… thì thử hỏi làm sao người Việt có thể tránh bị tiêm nhiễm?

 

Ở nhà, ba đánh, mẹ chì chiết sỉ nhục và ba mẹ chửi bới móc mỉa sỉ nhục nhau; đến trường bị nhồi vào đầu những thái độ thù nghịch, hận thù, bạo lực qua trang sách; thì một đứa trẻ sẽ không thể phát triển một cách bình thường. Nó sẽ là một đứa hung hăng khi lớn. Việc kiềm chế tính hung hăng sẽ khó hơn nhiều người được nuôi dạy bình thường.

Người Việt có đời sống tinh thần ngày càng bức bối. Những mâu thuẫn nội tại không được giải quyết, bị ứ đọng trong tâm trí, chỉ chực chờ cơ hội là nhảy xổ ra trở thành thái độ hung hăng để giải tỏa ẩn ức.

Người Việt cũng thể hiện thái độ hung hăng chỉ để chứng tỏ bản thân, y như trẻ con 13-14 tuổi. Trẻ 13-14 rồi sẽ trưởng thành, nhưng những người thể hiện thái độ hung hăng để chứng tỏ thì không bao giờ trưởng thành, họ mãi tuổi 13.

“Mày biết tao là ai không? Mày liệu hồn tao nhe mạy.”

“Ăn nói láo toét, tao mà mày dám đụng thì mày tới số rồi.”

Người ta nghiên cứu và chỉ ra rằng những người thường nói những lời hung hăng như trên là những người thường có chỉ số IQ thấp.

Người hung hăng tin rằng khi họ sử dụng thái độ hung hăng, bạo lực thì họ sẽ nhanh chóng đạt được mục tiêu. Do đó, nếu họ nhận thấy thái độ hung hăng với đối tượng nào có khả năng bẻ gãy không cho họ đạt mục tiêu thì… họ sẽ tự động chuyển thái độ.

Một đứa hung hăng chửi bới dọa đánh người khi va quẹt xe là bởi nó muốn người kia phải đền tiền, phải xin lỗi hoặc năn nỉ nó. Nhưng nếu người kia phản ứng lại bằng thái độ hung hăng hơn, lấn át hơn nhiều lần, tự động phản ứng tâm lý sẽ diễn ra làm cho nó trở nên chột dạ và chuyển thái độ sang “Em xin, em có lỗi, em xin!” Nếu nó không thấy bị lấn át quá nhiều, nó sẽ phản ứng tương xứng: đập nhau, chừng có bên thắng thế thì tính tiếp.

Các bạn có thể dễ dàng đọc được những tin tức người ta đánh nhau, chém nhau vì những chuyện rất nhỏ nhặt, ấy là bởi tính hung hăng không được kiểm soát. Các bạn cũng dễ dàng đọc thấy tin họ đánh nhau, đánh dân, họ sử dụng bạo lực với dân biểu tình… Ấy là do họ vừa có tính hung hăng trong người, vừa được bao che cho tính hung hăng đó, vừa ngạo mạn thể hiện vị thế kẻ có quyền lực. Bạo lực của họ là có mục đích.

Ở thời này, khi thế giới ngày càng xích lại gần nhau, trao nhau những giá trị nhân bản, yêu thương, chia sẻ, vị tha, bao dung, thấu hiểu, giải quyết mâu thuẫn thông qua đối thoại thông minh… mà ta vẫn giữ tâm thế của kẻ hung hăng thì ta trở thành kẻ côn đồ trong mắt người văn minh. Câu chuyện thể chế là câu chuyện nói mãi rồi và sẽ đến lúc chúng ta thay đổi được điều đó. Trước mắt, để chính chúng ta trở thành người thông minh, biết đối thoại, biết kềm chế cảm xúc thì chúng ta phải tự sửa mình. Bởi khi cố ý hay vô tình thể hiện thái độ hung hăng với người xung quanh thì người xung quanh sẽ cảm thấy sự thù nghịch, đối thoại sẽ khó có thể thành công.

Tôi cũng là một người hung hăng bộc phát. Cho đến giờ, việc kềm chế vẫn là một điều khó khăn. Thay dổi tính cách là điều không hề dễ dàng chút nào, nhưng vẫn phải kềm chế bởi ta muốn hoàn thiện hơn mỗi ngày. Ta không muốn để sự hung hăng của chính mình hoặc của người khác gây ra tổn hại cho ta và anh chị em, làm ảnh hưởng đến việc chung. Để làm được điều lớn lao hơn cho cộng đồng, bắt buộc phải sửa mình trước đã.

Chi tiết