THẦY MÀ PHẢI ĐAU KHỔ VÀ CHẾT?
Nội dung
THẦY MÀ PHẢI ĐAU KHỔ VÀ CHẾT?
Máccô 8:27-35
Đoản văn 8:27-35 chiếm một vị trí trung tâm trong Tin Mừng Mác-cô. Nó được dùng làm bản lề cho hai phần chính cuốn sách. Trong phần đầu (1,14-8,26), Đức Giê-su tự mạc khải như một kẻ khác thường và huyền bí qua nhiều phép lạ và lời nói đầy quyền uy. Đám đông kinh ngạc và môn đồ không hiểu; họ luôn tự hỏi: “Ông này là ai mà làm được những việc như thế?” (x. Mc 4,41; 1,27; 2,7; 6,2). Tuy nhiên, trong giai đoạn nói đây, Đức Giê-su cố ý giữ bí mật về lai lịch của Người. Sự căng thẳng này được tạm thời nới ra trong lời Phê-rô tuyên tín. Qua trung gian Phê-rô, các môn đồ lần đầu tiên thấy được mầu nhiệm thật sự của Thầy họ: Người là Đấng Mê-si-a. Lời tuyên xưng này kết thúc phần đầu Tin Mừng Mc và làm nên chóp đỉnh của phần đó.
Lời Tuyên Tín của Phê-rô
“Thầy là Đấng Mê-si-a”, Phê-rô đã nói với và nói về Đức Giê-su như thế. “Mê-si-a” trong tiếng Hip-ri hay “Ki-tô” trong tiếng Hy-lạp đều có nghĩa là “người được xức dầu”, người đã nhận được sự xức dầu từng trao ban sức mạnh Thần khí cho vua chúa, ngôn sứ, tư tế của dân được chọn. Từ này đã trở thành tên riêng của Đức Giê-su: Giê-su-Ki-tô là Giê-su Đấng Mê-si-a.
Đối với người Do-thái, từ Mê-si-a này là một cây đàn lý tưởng mà mọi sợi dây của nó đều làm rung lên các niềm kỳ vọng của Ít-ra-en. Nếu muốn đo lường tác động của từ đó, phải đồ đầy nó bằng những nghĩa rất khác nhau, tuy nhiên vẫn liên quan tới hai dữ kiện căn bản: Đấng Mê-si-a là sứ giả của Thiên Chúa, và Người sẽ được sai tới để trước hết cứu tuyển dân rồi cứu mọi dân tộc. Từ đó, một số mơ đến một ông vua hiếu chiến, số khác mơ đến một đại ngôn sứ loan báo công lý và thực thi chính nghĩa. Đối với tất cả, Người sẽ hùng mạnh, khôn ngoan, rất đạo đức, rất gần gũi Thiên Chúa, và là nhà giải phóng theo mọi nghĩa của từ này.
Nhưng không đời nào, tuyệt đối không đời nào người Do-thái lại đã tưởng tượng một Đấng Mê-si-a có thể đau khổ! Như đã nói ở phần dẫn nhập, lời tuyên bố thời danh của Phê-rô nằm tại vị trí trung tâm của cuốn Tin Mừng. Cho đến lúc đó thiên hạ vẫn không ngừng tự hỏi: con người này là ai vậy? Giờ đây, các môn đệ đã biết: Người là Đấng Mê-si-a. Nhưng một câu hỏi mới sắp làm họ đau xót và tràn ngập phần hai của cuốn Tin Mừng: làm sao Đấng Mê-si-a lạ lùng này, vốn sẽ là một nhà giải phóng, một tướng chiến thắng, mà lại có thể chết được?
Đức Giê-su đọc thấy sự không hiểu đó nơi họ. Thành thử họ chưa nên tỏ lộ cho đám đông tước hiệu Mê-si-a quá chất chứa nhiều mộng ước lâu đời ấy: “Người liền cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người”. Vâng, Người là Đấng Mê-si-a; vâng, Người sẽ là Đấng Cứu thế, nhưng chẳng theo ý nghĩ của họ: “Người bắt đầu dạy cho các ông biết Người phải chịu đau khổ nhiều, bị giết chết và sẽ sống lại”.
Lúc này đây, việc sống lại không đánh động họ; có lẽ họ mơ hồ nghĩ tới sự sống lại của mọi người công chính “ngày tận thế”, họ chưa thể quan niệm cuộc Phục sinh tuyệt đối độc nhất vô nhị này, một biến cố sẽ làm rực sáng tất cả vinh quang của Đấng Mê-si-a đích thực. Họ không chịu đựng nổi cú sốc của những từ gây công phẫn đặt bên cạnh Đấng Mê-si-a của họ: đau khổ, tử vong. Phê-rô cuống cuồng lên và bắt đầu trách Người nặng lời.
Ông kéo Đức Giê-su ra một bên như muốn che chở cho Người. Với ít nhiều trịch thượng, ông coi Thầy như yếu hơn ông, và muốn cất khỏi óc Thầy các tư tưởng cuồng điên về cuộc Khổ nạn. Nhưng chính Đức Giê-su đã quay về phía các môn đồ, đồng thời tái lập vị thế (c.33). Không phải Tôn sư theo môn đồ, nhưng môn đồ theo Tôn sư. Đức Giê-su chẳng chấp nhận một điều đình nào cả. Nếu họ chẳng muốn theo Người đến thập giá, thì chỉ còn một việc phải làm: giải tán họ. Phản ứng dứt khoát của Đức Giê-su chứng tỏ có sự bất đồng ý kiến sâu xa. Thật vậy, cuộc Khổ nạn của Người là do Thiên Chúa muốn (và do tình yêu đích thực đòi hỏi). Cố bắt Người tránh thoát tức là đẩy Người bất phục thánh ý Cha, quy tắc duy nhất của Người. Một sự xúi giục như thế chỉ có thể là công việc của Xa-tan, tên đã toan lôi kéo Người theo đường lối đó lúc Người bắt đầu công khai rao giảng (x. Mc 1,12-13; Mt 4,10). Khi hành động như vậy, các môn đồ đã ngăn cản Vương quốc Thiên Chúa đến. Ngoài ra, có lẽ các ông sợ rằng, nếu theo Đức Giê-su, cùng một số phận như thế sẽ chờ các ông. Điều này cũng khiến họ vấp phạm. Phản ứng của Phê-rô để lộ thâm ý của các môn đồ: tư tưởng và ước vọng của các ông đang còn bị các tiêu chuẩn thế gian này làm chủ. Các ông không nghĩ đến những điều thuộc về Thiên Chúa, nhưng đến những điều thuộc loài người, và theo phe Xa-tan. Là môn đồ của Đấng Mê-si-a, các ông lại trở thành phát ngôn nhân cho kẻ thù số một của Thiên Chúa! Thật mâu thuẫn và thê thảm!
Lời Tuyên Tín của Chúng Ta
Đức Giê-su cũng đặt câu hỏi ấy với chúng ta, với mỗi một người trong chúng ta: “Con bảo Thầy là ai nào?” Bài Tin Mừng này là tiếng gọi cá nhân nhất của Đức Giê-su mà chúng ta đã nhận được. Chúng ta chắc sẽ bị cám dỗ thưa lại: Thầy là những gì mà các sử gia và các nhà chú giải Kinh thánh nói với con về Thầy; những gì mà các tiểu thuyết gia và các điện ảnh gia, những người con tiếp xúc và những người con lắng nghe trong các khóa học, nghĩ về Thầy.
Nhưng với bản văn này, Đức Giê-su vượt qua tất cả những gì thiên hạ nói để nhìn tôi trực diện: phần con, con nói gì về Ta?
Như đã lưu ý, câu hỏi đó sắp chia Tin Mừng Mc thành hai: “Đức Giê-su bắt đầu cho các ông biết Người phải chịu nhiều đau khổ”. Cho đến đây, Người đã giảng dạy và chữa bệnh, nghĩ rằng qua đó sẽ hoàn tất sứ vụ của mình. Nhưng chỉ gặp toàn thất bại thôi. Các thủ lãnh tôn giáo, dân chúng, ngay cả các môn đệ đã chẳng hiểu Người là ai và đem gì đến cho họ. Người phải đi một con đường khác: tiến lên Giê-ru-sa-lem, lên thập giá. Từ nay, để biết Người là ai và để theo Người, phải chấp nhận thập giá.
Vậy con bảo Thầy là ai? Một bóng ma ám ảnh hàng thế kỷ? Một quan tòa phải đối chất vào phút chót? Một kỷ niệm xưa cũ êm đềm? Một bảo đảm cho thành công? Một chướng ngại trong sơ yếu lý lịch?... Hay là Đấng đã đau khổ và con phải đau khổ với, là một Đức Mê-si-a kỳ lạ trong đó con phải nhận ra Ngôi Lời vinh quang, kẻ thụ hình không thể chịu nổi và là Đấng phục sinh rất nhiệm mầu? Là Đường, là Chân Lý và là Sự Sống của con, luôn đòi hỏi con làm cho hành vi ngôn ngữ của con mỗi ngày phải phù hợp với những gì Thầy đã sống và đã rao giảng?
Là Đấng mà hàng tỷ con người nam nữ đã và sẽ yêu mến, tuy thế vẫn là Đức Giê-su độc nhất vô nhị của riêng con, mang một nét đặc biệt đối với con suốt cả cuộc đời? Là Đấng con không chỉ nhìn nhận như một vĩ nhân, một ngôn sứ của Thiên Chúa, cũng không chỉ noi gương để sống bác ái huynh đệ, song được con tuyên xưng như Nguồn mạc khải toàn bích, Đấng cứu rỗi duy nhất của nhân loại qua cuộc sống và cuộc tử nạn-phục sinh của Thầy?
Để đi đến cùng đích đời mình và hoàn thành sứ mệnh, Thầy đã phải từ bỏ ý muốn riêng tư (8,33), thành quả công việc, sự ủng hộ và dư luận tốt của quần chúng (cc.28-29), thậm chí cả mạng sống mình (c.31), nghĩa là đã phải từ bỏ tất cả để được Đấng là Tất Cả. Vậy con có muốn chấp nhận con đường dẫn tới sự sống thật, hạnh phúc thật như thế không? Sẽ đau khổ lắm đấy. Nhưng theo Thầy là phải vậy!
“Ai muốn theo tôi, phải vác thập giá mình mà theo”. Ở dưới thế, chúng ta sẽ chẳng có thể cất đi mầu nhiệm sự đau khổ không thể tránh này. Chúng ta chỉ có thể tín nhiệm vào Thiên Chúa, sự tín nhiệm khó khăn nhất: chờ đợi ngày chúng ta rốt cục sẽ biết tại sao Chúa Cha yêu thương đã không thể ban tặng cho Con của Người cũng như cho chúng ta một cuộc sống thiếu thập giá.
Một bà nọ có ông chồng rất khó tính. Bà luôn than thở: “Chúa ơi, thập giá Chúa giao cho con nặng quá, vác không nổi.” Càng già, ông chồng càng khó tính hơn. Một hôm, bà cầu nguyện: “Xin Chúa làm ơn cho con đổi một cây thập giá khác.” Thế là tối ấy, bà chiêm bao thấy mình đang vác thập giá lên đồi Gôn-gô-ta. Tới nơi, bà thấy thập giá nhiều vô kể: lớn có, nhỏ có, bằng gỗ có, bằng sắt có, bằng gai có, bằng lá có, bằng bạc có, bằng vàng cũng có, không thiếu hình thức nào, chất liệu nào... Mừng quá, bà tự nhủ: “Mình sẽ chọn cây thập giá vừa ý nhất để mang.” Bỏ thập giá của mình xuống một bên, bà bắt đầu lựa. Thấy cây thập giá bằng lá thật nhẹ, bà gật gù: “Mình già rồi, vác thập giá bằng gỗ hay bằng sắt kể ra cũng hơi quá sức. Cái này chỉ bằng lá thôi, vác là vừa!” Thế là bà kê vai vào để vác, không ngờ trong lá có gai, bà hoảng hồn thả xuống: “Chúa ôi, không được. Thập giá này tuy nhẹ, nhưng lại có gai, con không vác nổi. Cho con chọn một cây khác.” Thấy một thập giá vừa nhỏ, vừa đẹp, bằng vàng sáng rực, bà thích quá. Chẳng những nó gọn gàng, nhẹ nhàng, mà lại bằng vàng, túng thiếu chắc bán cũng được bạc vạn. Bà quyết định lấy thập giá đó. Nhưng khi vừa sờ tới, bà thốt lên: “Chúa ôi! Không ngờ nó lại là thập giá lửa, rờ vào không được”. Thế là bà buông ra. Bà lựa cây này, lấy cây khác, chọn cây nọ. Chẳng có cây nào vừa ý. Cuối cùng, bà lựa được một cây. Bà vui mừng vác nó, bụng nghĩ thầm: “Cây này rất vừa với mình, sao nãy giờ mình lại không để ý tới nó?” Bà nói: “Lạy Chúa, cho con cây này!” Chúa bảo: “Được, con cứ vác đi!” Mới đi mấy bước, bà kêu lên: “Ủa, đây là cây thập giá của mình mà! Vác nó đã mười mấy năm rồi, lúc nãy mình mới bỏ xuống, bây giờ lại vác nhằm nó nữa!” Thế là bà đứng dậy: “Lạy Chúa, xin tha thứ cho con! Thập giá mà Chúa ban cho con là tốt nhất, con không thể lựa cây nào khác hơn được nữa.”
Chi tiết
- Ngày: 16/09/2024
- Tác giả: Lm. Anmai