Thân phận ngôn sứ
Nội dung

THÂN PHẬN NGÔN SỨ

Mc 6,1-6

Năm 1960, một cuộc bắt bớ tôn giáo xảy ra tại miền nam Soudan (Bắc Phi). Một sinh viên Công giáo da đen tên là Paride Taban phải sang Ouganda lánh nạn. Trong thời gian ở nước này, chàng tu học để làm linh mục. Khi tình hình Soudan lắng dịu, linh mục trẻ Taban trở lại quê nhà. Cha được chỉ định phục vụ một giáo xứ vùng Palotaka. Tuy nhiên, cộng đoàn Phi châu của người cảm thấy khó mà tin được rằng người đã thực sự là linh mục. Cha Taban thuật lại: “Dân chúng ngờ vực nhìn tôi và nói: “Này anh bạn da đen, anh muốn nói gì vậy, anh mà lại là một linh mục à? Chúng tôi không tin nổi!” Sở dĩ thế vì trước đây, đám dân này chưa hề có được một linh mục da đen. Họ luôn được các thừa sai da trắng ban phát thuốc men, lương thực, quần áo. Còn linh mục trẻ Taban là dân từ bộ lạc Madi đến, lại chẳng có gì để cho họ, vì cũng nghèo khó như họ. Sự việc càng trở nên tồi tệ hơn khi cha Taban lại giới thiệu cho họ những đổi thay của Công đồng Vatican II. Những đổi thay này khiến họ phiền hà hết sức. Họ kháo láo với nhau: “Chàng thanh niên da đen này bày đặt quay bàn thờ trở xuống và lại còn làm lễ bằng ngôn ngữ địa phương nữa chứ! Chắc anh ta không phải là linh mục thật sự đâu!”. “Mãi về sau, vượt qua bao nỗi gian khó, cuối cùng giáo dân họ đạo Palotaka mới chịu chấp nhận cha Taban là linh mục.

Nghi Ngờ Và Mỉa Mai

Như trong câu chuyện trên, hôm trở về Na-da-rét, quê hương làng họ của mình, Đức Giê-su cũng gặp phải một hoàn cảnh tương tự. Sinh ngoại lệ tại Bê-lem nhân một cuộc điều tra dân số, Người đã trải qua thời thơ ấu và thanh niên tại Na-da-rét, cách xa những nơi đô hội. Có lẽ khoảng một trăm năm mươi gia đình ở đây. Dân cư sống đơn giản với nghề trồng trọt ô-liu và nho, lúa mạch và bánh mì. Mỗi gia đình có vài con dê. Ngày thứ bảy, hết thảy đến nơi cầu nguyện, một hội đường nho nhỏ. Trong Đức Giê-su, tất cả đều biểu lộ một con người bản địa, dân dã: toàn thể Tin Mừng là một mô tả về đời sống nông thôn, một trình thuật được viết bởi vài tay “nhà quê”, về một anh “nhà quê” đã sống giữa đám người “nhà quê” và diễn đạt với những lối so sánh “nhà quê”. Vậy thì chuyên môn của một bác thợ mộc trong kiểu sống là gì? Phải chăng đóng đồ đạc, bàn ghế, giường tủ? Sao lại phải vậy? Người ta ăn ngồi xổm ra đất, người ta ngủ ngay trên nền nhà mà! “Bác thợ mộc” Giê-su có thể có một vài tài vặt học từ Giu-se ... như làm hay sửa những cái ách và cày bằng gỗ. Nói tóm là một kẻ chẳng có chi nổi bật so với mọi người.

Việc Đức Giê-su hôm nay “đến hội đường giảng dạy” cũng thế, chẳng khác chi mọi người. Chớ nên lầm lẫn điều này. Đức Giê-su không phải là chủ lễ, Người chẳng đóng vai trò tư tế mà chỉ là một giáo dân tham dự. Tại Ít-ra-en, tất cả mọi nam nhân kể từ tuổi 12 là tuổi trưởng thành, đều là “tư tế”, thuộc “dòng dõi tư tế”, có quyền đọc và giải thích Thánh Kinh. Đó là việc Người làm hôm nay, khi rời chỗ mình để lên “đọc” và “giảng”.

Tuy nhiên, tiếng tăm của Đức Giê-su đã bay về làng mình: nào khôn ngoan, nào phép lạ... Thế nhưng thay vì hãnh diện, đồng hương lại tức tối. Tất cả những điều ấy không tương ứng với cái họ rõ về Người. Họ hiểu Người hơn bất cứ ai. Họ đã thấy Người lớn lên. Họ đã đến trường với Người. Người không có quyền khác với những gì họ đã tường tận về Người. Người không thể biết về Thiên Chúa nhiều hơn họ được. Việc người đồng hương liệt kê một loạt bà con của Đức Giê-su giúp ta hiểu rõ các suy nghĩ tầm thường của những nông dân chốn quê mùa hẻo lánh ấy. Đây là đời sống thị tộc: chân trời giới hạn nơi các ngọn đồi bao quanh thôn làng. Vậy y là ai? Tay đổi mới đang muốn lật nhào mọi phong tục của chúng ta, làm tan rã thế giới nhỏ bé của chúng ta, trong đó mỗi người được xét theo một hộ tịch cứng nhắc, trong đó các tương quan xã hội được xác định một lần thay cho tất cả, trong đó ai nấy phải ở vào vị trí của mình, đóng vai trò của mình, không thay đổi dùng một cái được! Thời nguyên thủy Giáo Hội, có một người rất chống Ki-tô giáo là Celsus. Ông ta thường chế giễu các Ki-tô hữu như sau: “Đấng sáng lập của quý vị chỉ là một anh thợ mộc dốt nát trong một làng quê nghèo hèn”. Một số Ki-tô hữu thời nay cho rằng khó chấp nhận được Đấng mà chúng ta gọi là Chúa, là Thượng Đế, lại chỉ được học hành trong một xưởng mộc chứ chẳng phải trong một trường đại học hẳn hòi.

Và họ vấp ngã vì Người” (diễn ý : và đó là chướng ngại làm cho họ không tin vào Người). Tin Mừng Mt 13,53-58 cũng kể lại cho ta “thất bại” này của Đức Giê-su. Người đã thực sự trải qua lắm biến cố khổ não. Ngày nay cũng có những người chọn thái độ như cư dân Na-da-rét lúc ấy. Một số nói rằng: “Tin Đức Giê-su thì được! Tin Giáo Hội thì không!” Vâng, như Đức Giê-su, Giáo Hội cũng có một khía cạnh phàm trần, rất phàm trần: các giám mục, các linh mục, các giáo dân... là những con người mà ai cũng biết rõ, biết quá rõ! Như lúc ấy người ta đã “vấp ngã” vì Đức Giê-su, lắm kẻ thời nay cũng vấp ngã vì Giáo Hội. Giáo Hội thật chướng tai gai mắt! Trang Tin Mừng này thành thử muốn nghiêm chỉnh đặt lại các vấn đề các khuynh hướng lý tưởng hóa của chúng ta: phải chấp nhận các bất toàn của Giáo Hội. Đó là thực tế của mầu nhiệm Nhập thể: phải chấp nhận Thiên Chúa ở thôn làng, Thiên Chúa đứng góc đường, Thiên Chúa tới trường học, Thiên Chúa là anh em của một ai đó!

Bất Lực Và Thất Bại

Ngôn sứ mà bị rẻ rúng, thì chỉ có nơi quê quán, nơi bà con, nơi nhà mình”. “Bụt nhà không thiêng!” Chính trong bà con dòng họ mình mà Đức Giê-su đã bị khinh bỉ nhất, bị hiểu lầm nhất. Một sự quen thuộc nào đó có thể ngăn cản những tương quan sâu xa. Giản lược Đức Giê-su vào những chiều kích nhân loại, đó là khinh bỉ Người. Gần gũi đích thực với Đức Giê-su trước hết không phải là gần gũi cách vật chất, thể lý; đâu phải chỉ cần làm các cử chỉ bên ngoài là đảm bảo thuộc “gia đình” Đức Giê-su cách tự động! Vì như chúng ta biết, cái làm nên “gia đình” đích thật của Đức Giê-su, đó không phải là huyết thống, nhưng là niềm tin vào Người: “Ai làm theo ý Thiên Chúa là anh chị em và là mẹ ta vậy” (Mc 3,35). Đức Giê-su đã tạo cho mình một gia đình mới: những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực thi.

Chính vì đồng hương không có niềm tin, nên “Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó” mà “chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ”. Đây là một mạc khải khá lạ lùng, làm đảo lộn các lược đồ tư tưởng có sẵn của chúng ta. Một cuộc chữa lành, lại do việc Đức Giê-su đặt tay, không đương nhiên là một phép lạ sao? Phải chăng Người đã thực hiện lắm cuộc “chữa lành” không phải là phép lạ? Điều đó có nghĩa là gì? Nghĩa là phải có đức tin mới có phép lạ thực. Một cuộc chữa lành chẳng đưa tới chỗ “tin nhận” Đức Giê-su thì không phải là một phép lạ thực... vì thiếu mất “ý nghĩa” chủ yếu.

Điều đó cũng cho thấy rằng, dẫu cần thiết, phép lạ chẳng đủ để ban đức tin. Dân làng Na-da-rét từng nói: “Biết bao phép lạ lớn lao đã được được thực hiện bởi tay ông ấy... trong các làng lân cận” (x. Lc 4,23). Hoạt động của Đức Giê-su không hiển nhiên mang tính mạc khải: ngay cả các phép lạ lớn nhất cũng chẳng đủ để giúp khám phá mầu nhiệm bản thân Người. Chúng ta có khi cũng tiếp tục xin Thiên Chúa can thiệp để “chứng tỏ Người là ai”. Tuy nhiên chúng ta được cảnh giác rõ ràng: “người ta có thể nhìn mà không thấy, nghe mà không hiểu” (Mc 4,12)... và “mặc dầu Đức Giê-su đã làm bao nhiêu dấu lạ lớn lao trước mắt họ, thế mà họ vẫn không tin vào Người” (Ga 12,37). Điều đó giúp ta hiểu tại sao một số Ki-tô hữu cũng nghi ngờ các phép lạ và Giáo Hội thận trọng biết bao... khác với mọi tay buôn bán chuyện ly kỳ.

Thái độ khước từ đức tin như thế xem ra là một trong những đặc điểm của toàn bộ giai đoạn hai của sứ vụ Đức Giê-su. Vậy là Đức Giê-su phải đương đầu với hiện tượng vô tín ngưỡng. Chúng ta đôi khi có cảm tưởng rằng đây là một hiện tượng tiêu biểu của thế giới hiện đại, như thể các thời đã qua nói chung là những thời của đức tin. Ngày càng thường hơn là người ta tố cáo Giáo Hội chẳng còn dạy đạo, chẳng còn tổ chức việc huấn giáo. Thế mà khi đích thân Đức Giê-su giảng dạy, và trong chính làng mình, môi trường lành mạnh và được gìn giữ, Người vẫn không thể làm xuất hiện đức tin! Biết bao cha mẹ hôm nay cũng thấy mình đứng trước hiện tượng đó, do từ phía con cái mình. Xin nhớ rằng chính Đức Giê-su, dẫu toàn thánh, cũng đã có những kẻ không tin trong gia đình thân thuộc.

Sự bất lực của Người trước thái độ vô tín của đồng hương cho thấy Thiên Chúa tôn trọng tự do chúng ta biết mấy. Sự bất lực nhiệm mầu này phải làm chúng ta suy nghĩ sâu xa: đức tin chúng ta có lẽ không vững chắc như ta tưởng... nó là một thực tại luôn bị đe dọa, rất ư mỏng dòn.

Chi tiết