TẠI SAO THANH THIẾU NIÊN THƯỜNG NỔI LOẠN ?
Nội dung
TẠI SAO THANH THIẾU NIÊN THƯỜNG NỔI LOẠN ?
 
Ngày nay, người ta có xu hướng đầu hàng thanh thiếu niên. Tuy nhiên, ai mà biết được những thanh thiếu niên chểnh mảng ngày nay, một ngày nào đó sẽ trở thành những người lãnh đạo cộng đồng? Tin Mừng đã ghi lại một trường hợp như thế khi Giu-đa phản bội Chúa Giêsu và trao nộp người cho Quân Dữ. Đêm đó, trong Vườn Ghết-sê-ma-nê có rất nhiều tiếng la hét, khi Chúa Giêsu bị dẫn tới nhà thượng tế Cai-pha. Tiếng ồn ào đã đánh thức một cậu thiếu niên và cậu đã chay ra xem cái gì đang xảy ra; khi đó, cậu chỉ quấn có mỗi một tấm vải trên mình. Lúc  đuổi kịp những tên lính, đang khi  chúng đi qua Con Suối Kedron, cậu nhận ra rằng  Chúa Giêsu lúc này đang bị bắt. Cậu âm thầm đi theo Người, chứ không phải theo đám đông. Sau đó, cậu hạch hỏi mấy tên lính về lý do bắt Chúa Giêsu, có lẽ cậu đã nói với họ rằng việc bắt bớ này là sai trái.

Viên sĩ quan, vốn đã bực mình với Phêrô khi ông rút gươm chém đứt tai tên đầy tớ của thầy thượng tế, giờ lại nghe có người lên tiếng bênh vực Chúa Giêsu, liền cố tóm lấy thằng bé. Vì còn trẻ, cậu nhanh nhẹn hơn bọn lính, vuột ra khỏi tay chúng; nhưng tấm vải trên người của cậu bị níu lại, nên cậu ở truồng chạy lao vào trong bóng tối.

Sau này, cậu thiếu niên hiếu động đó đã đồng hành với thánh Phaolô và Ba-na-ba trong cuộc hành trình truyền giáo của các ngài. Khi họ còn ở trên biển và đi thăm đảo Cyprus, cậu cho thấy mình là một nhà truyền giáo đầy nhiệt huyết. Nhưng khi Phaolô và Ba-na-ba đổ bộ lên đất liền để truyền giáo cho những kẻ đầu trộm đuôi cướp, và sống giữa những vùng rừng núi hiểm nguy, cậu nhận thấy cuộc sống như vậy quá gian khổ và không thể tiếp tục cuộc hành trình. Thánh Phaolô đã khuyên cậu hãy trở về với mẹ cậu ở Jêrusalem; nhưng chỉ sau đó, cậu đã vượt qua được khó khăn này.

Thánh Phaolô đã ca ngợi cậu như một cộng sự đắc lực trong việc mục vụ của Ngài. Ta phải nhớ rằng cậu thiếu niên này trước đây từng vấp váp trong cuộc đời, giờ đã tìm ra con đường sống vĩnh cửu, cậu đã viết cuốn Tin Mừng Thứ Hai. Tên cậu là Mác-cô.

Truyện kể về ba học sinh bị đuổi khỏi trường. Một người bị đuổi do hay vẽ tranh nguệch ngoạc trong giờ học Địa Lý, một người bị đuổi do thường xuyên đánh nhau trong giờ ra chơi, người thứ ba bị đuổi do lén lút lưu trữ các loại văn chương Cách Mạng bên dưới tấm nệm giường. Ngày nay, không ai còn nhớ tới những học sinh xuất sắc trong các lớp đó; nhưng không ai trên thế giới mà không biết đến thiếu niên thứ nhất- Hít-le; thiếu niên thứ hai - Mussolini; thiếu niên thứ ba - Stalin. Các thầy cô giáo của ba học trò này đã ước ao giá mà ngày đó họ kiên nhẫn với chúng hơn một chút thì..!

Người trẻ thường có nhiều hoài bão hơn những người lớn tuổi, nhưng những người lớn thường không biết giúp người trẻ khơi lên những hoài bão đó, hay hướng dẫn chúng vươn tới những đỉnh cao. Người trẻ ngày nay sẵn sàng để dấn thân và có một tinh thần hy sinh, xả kỷ rất cao.

Những nhà lãnh đạo Đức Quốc Xã và Phát-xít mấy thập kỷ trước đây đã biết khai thác tinh thần xả thân nơi người trẻ. Người trẻ thường ngán ngẩm Chủ Nghĩa Tự Do nhạt nhẽo, vốn không đòi hỏi một sự từ bỏ nào cả. Nhưng người lớn đã không biết đánh thức những tiềm năng phong phú đó.

Liệu một người cha say xỉn suốt ngày có thể thuyết phục cậu con trai phải điều độ? Liệu một người vợ đã ba lần ly dị chồng có thể dạy cô con gái mình phải chung thủy? Tại sao lại không được? Bởi vì việc thanh thiếu niên có tuân phục mệnh lệnh hay không hoàn toàn lệ thuộc vào việc liệu họ có tôn trọng người đưa ra mệnh lệnh đó không. Thanh thiếu niên vốn biết rằng nếu cha mẹ của chúng còn không biết tôn trọng những người có thẩm quyền trên mình, thì dựa trên cái gì mà họ bắt con cái phải tuân phục họ?

Thanh thiếu niên thì không bao giờ nói rõ ra rằng: chúng không biết tại sao chúng lại nổi loạn chống lại cha mẹ mình; nhưng, như những kẻ thấp cổ bé miệng, chúng chống lại những người lớn, vì chính những người lớn này cũng không biết tôn trọng quyền bính.

Điều răn Thứ Tư trong đạo Công Giáo dạy Thảo Kính Cha Mẹ. Điều răn này là cái gạch nối giữa ba điều răn đầu - chỉ ra bổn phận đối với Thiên Chúa- và sáu điều răn cuối - diễn tả bổn phận đối với tha nhân. Điều răn Thứ Tư diễn ta một chân lý: các bậc cha mẹ nào luôn biết kính sợ Thiên Chúa sẽ dễ dàng dạy dỗ con cái thảo kính họ; những người con biết thảo kính cha mẹ luôn cảm thấy dễ dàng để thờ phượng Thiên Chúa. Tỉ lệ thanh thiếu niên phạm pháp sẽ dảm xuống rất nhiều nếu các bậc cha mẹ luôn biết coi Thiên Chúa như là trung tâm điểm đời mình.

Anh em SDB/VN - Manila chuyển ngữ
từ "Why Teenagers Rebel?" của tác giả Fulton J. Sheen

Chi tiết