SỨ ĐIỆP CUỘC SỐNG
Nội dung
SỨ ĐIỆP CUỘC SỐNG
“Ai tin vào Con Thiên Chúa, người đó có lời chứng ấy nơi mình”
(1Ga 5, 10a).
“Quả thế, từ nơi anh em, Lời Chúa đã vang ra… Mà đâu đâu người ta cũng nghe biết lòng tin anh em đặt vào Thiên Chúa,
 khiến chúng tôi không cần phải nói thêm nữa”
(1Tx 1, 8).
 
CHIA SẺ SỨ ĐIỆP CUỘC SỐNG CỦA ANH CHỊ EM
Chúa đã ban cho anh chị em (ACE) một Sứ Điệp Cuộc Sống, đó là câu chuyện để ACE thuật lại.
Khi đã trở nên tín hữu, ACE cũng trở nên sứ giả của Thiên Chúa. Ngài muốn nói với những người thân cận ngang qua ACE. Thánh Phaolô nói: “Được Thiên Chúa sai đi, chúng tôi lên tiếng trước mặt Ngài, trong Đức Kitô” (2Cr 2, 17b).
Có thể ACE cảm thấy không có gì để chia sẻ, nhưng thực ra, đó là điều Ma Quỷ đang cố tình làm ACE lặng thinh. Nhẽ ra, ACE có cả một kho tàng kinh nghiệm mà Chúa muốn sử dụng để đem những người khác về trong gia đình Ngài. Kinh Thánh nói: “Ai tin vào Con Thiên Chúa, thì có lời chứng ấy nơi mình” (1Ga 5, 10a). Sứ Điệp Cuộc Sống của ACE gồm bốn phần:
  • Lời chứng của ACE: Câu chuyện về cách thức mà ACE bắt đầu đời sống thân tình với Đức Giêsu.
  • Những bài học cuộc sống của ACE: Những bài học quan trọng nhất mà ACE học được từ nơi Thiên Chúa.
  • Những say mê thánh thiện của ACE: Những điều Chúa muốn mà ACE say mê và để tâm nhất.
  • Tin Mừng: Sứ điệp cứu rỗi.
Sứ điệp cuộc sống bao gồm chứng từ của ACE.
Chứng từ của ACE là câu chuyện về cách thức Đức Kitô đã biến đổi đời ACE. Thánh Phêrô nói, chúng ta được chọn lựa bởi Thiên Chúa để “Loan truyền những kỳ công của Ngài, Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền” (1Pr 2, 9b). Đây là cốt lõi của việc làm chứng - cách đơn sơ, ACE chia sẻ kinh nghiệm cá nhân của mình về việc ACE nhận biết Chúa.
Đức Giêsu nói: “Anh em sẽ là nhân chứng của Thầy” (Cv 1, 8) chứ không nói: “Anh em là những người biện hộ cho Thầy”. Ngài muốn bạn chia sẻ câu chuyện đời ACE cho những người khác. Chia sẻ chứng từ của ACE, là một phần cốt yếu sứ mệnh của ACE bởi vì nó độc nhất. Không có câu chuyện nào giống câu chuyện đời ACE, vì thế chỉ có ACE mới có thể kể về nó. Nếu ACE không nói ra, nó sẽ mãi mãi mất đi. ACE không phải là một học giả Kinh Thánh, nhưng là người có thẩm quyền trên cuộc đời mình, và thật không dễ gì để tranh cãi với những kinh nghiệm cá nhân. Thực vậy, chứng từ của cá nhân ACE hiệu lực hơn một bài giảng, bởi vì người chưa tin nhìn các chủ chăn như những người bán hàng chuyên nghiệp, nhưng nhìn ACE như một “khách hàng hài lòng”. Đối với họ, ACE đáng tin hơn.
Những câu chuyện mang tính cá nhân cũng dễ gần gũi với người khác hơn là những nguyên tắc; vả lại, người ta thích nghe những câu chuyện đó. Chúng được chú ý, và người ta nhớ chúng lâu hơn. Những người chưa tin, hẳn sẽ chẳng hứng thú nếu ACE bắt đầu bằng việc trích dẫn lời các nhà thần học, nhưng tự nhiên họ sẽ hiếu kỳ về những kinh nghiệm mà họ chưa từng trải qua. Những câu chuyện kể bắc một nhịp cầu tương giao, trên đó, Đức Giêsu có thể bước từ lòng ACE sang lòng họ.
Một giá trị khác của chứng từ nơi ACE, là nó có thể vượt qua những rào cản tri thức. Nhiều người vốn không chấp nhận thẩm quyền của Kinh Thánh, thường dễ lắng nghe một câu chuyện khiêm tốn có tính cách riêng tư. Đó là lý do trong sáu lần khác nhau, thánh Phaolô dùng chứng từ của ngài để chia sẻ Tin Mừng, thay vì trích dẫn Kinh Thánh (Cv 22-26).
Kinh Thánh nói: “Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất kỳ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em, nhưng phải trả lời cách hiền hoà và với sự kính trọng” (1Pr 3, 15-16). Cách tốt nhất “để sẵn sàng” là ACE hãy viết ra những chứng từ của ACE và học thuộc những điểm chính. Hãy chia nó làm bốn phần:
1. Trước khi gặp Đức Giêsu, cuộc sống tôi thế nào?
2. Làm sao tôi biết tôi cần Đức Giêsu?
3. Tôi cam kết đời tôi với Đức Giêsu thế nào?
4. Đức Giêsu đã thực hiện biến đổi nào trong đời tôi?
Dĩ nhiên, bên cạnh câu chuyện cứu rỗi của mình, ACE có nhiều chứng từ khác nữa. ACE có một câu chuyện cho mỗi kinh nghiệm, trong đó Thiên Chúa cứu giúp ACE. ACE hãy viết ra một danh sách các biến cố, hoàn cảnh, các cơn khủng hoảng mà qua đó, ACE được Thiên Chúa cứu thoát. Sau đó, hãy tinh tế sử dụng câu chuyện nào gần gũi nhất, phù hợp nhất để chia sẻ.

Sứ điệp cuộc sống của 
ACE bao gồm những bài học cuộc sống.
Phần thứ hai của sứ điệp đời ACE là những chân lý ACE học từ nơi Thiên Chúa qua những kinh nghiệm ACE có với Ngài. Đây là những bài học và những hiểu biết ACE học được từ Thiên Chúa, từ các mối tương quan, các biến cố, các cơn cám dỗ và những khía cạnh khác của cuộc sống. Đavít đã cầu nguyện, “Lạy Chúa, xin dạy con đường lối thánh chỉ, con nguyện đi theo mãi đến cùng” (Tv 119, 33). Buồn thay, chúng ta không học được bao nhiêu từ những gì đã xảy đến cho mình. Về những người Do Thái, Kinh Thánh nói: “Đã bao lần Chúa thương giải cứu, nhưng họ vẫn cố tình phản nghịch, đắm chìm trong tội ác của mình” (Tv 106, 43). Có lẽ ACE đã từng gặp những người như thế.

Thật khôn ngoan khi học biết từ kinh nghiệm bản thân, nhưng khôn ngoan hơn khi biết học hỏi từ kinh nghiệm của người khác.
 Sẽ không bao giờ ACE đủ thời giờ để học biết mọi điều trong cuộc sống bằng thử nghiệm và vấp váp. Chúng ta phải học từ những bài học cuộc sống của nhau. Kinh Thánh nói: “Đối với kẻ biết nghe, lời trách cứ của người khôn, tựa nhẫn vàng hay kiềng vàng hảo hạng” (Cn 25, 12).
Hãy viết ra những bài học chính yếu của đời mình để ACEcó thể chia sẻ cho người khác. Hãy biết ơn Salomon vì ông đã để lại cho chúng ta hai sách Châm Ngôn và Giảng Viên, với rất nhiều bài học thực tiễn trong cuộc sống. ACE thử tưởng tượng bao thất đoạt không cần thiết, vốn có thể tránh khỏi nếu chúng ta biết học hỏi từ những bài học cuộc sống của nhau.
Người trưởng thành phát huy thói quen, rút ra những bài học từ kinh nghiệm mỗi ngày. Tôi khuyến khích ACE lập một danh sách những bài học cuộc sống của mình. ACE thật sự không ngẫm nghĩ chúng nếu như ACE không viết chúng ra. Dưới đây là một vài câu hỏi gợi ý giúp bạn bắt đầu.
· • Chúa dạy tôi điều gì từ việc thiếu hụt tiền bạc?
· • Chúa dạy tôi điều gì từ đau khổ, u buồn và chán nản?
· • Chúa dạy tôi điều gì từ việc phải đợi chờ?
· • Chúa dạy tôi điều gì từ bệnh tật?
· • Chúa dạy tôi điều gì từ thất bại?
· • Chúa dạy tôi điều gì từ thất vọng?
· • Chúa dạy tôi điều gì từ gia đình, cộng đoàn, các mối tương quan, nhóm nhỏ của tôi và từ những người phê phán tôi?

Sứ điệp cuộc sống của ACE bao gồm việc ACE chia sẻ những say mê thánh thiện của mình.
Chúa là một Thiên Chúa say mê. Ngài tha thiết yêu thích một số điều này và cũng chê ghét một số điều kia. Một khi ACE trở nên gần gũi với Ngài hơn, Ngài sẽ ban cho ACE niềm say mê một điều gì đó cũng là điều Ngài nặng lòng, để rồi ACE là người nói thay cho Ngài trong thế giới. Đó có thể là niềm say mê về một công việc, một mục đích, một nguyên lý hay một nhóm người. Dẫu đó là gì đi nữa, thì ACE cũng sẽ cảm thấy bị thôi thúc nói về nó, và làm những gì có thể để tạo nên một sự đổi mới.
ACE không thể không nói về những gì ACE ưu tư nhất. Đức Giêsu nói: “Lòng có đầy, miệng mới nói ra” (Mt 12, 34b). Hai mẫu gương cho chúng ta là Đavít, “Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà con phải thiệt thân” (Tv 69, 10a) và Giêrêmia, “Lời Ngài cứ như ngọn lửa bừng cháy trong tim, âm ỉ trong xương cốt. Con nén chịu đến phải hao mòn, nhưng làm sao nén được!” (Gr 20, 9).
Thiên Chúa ban cho một số người một niềm say mê thánh thiện nào đó để cổ vũ một mục tiêu. Thông thường, đó là một vấn đề mà cá nhân họ đã trải qua, chẳng hạn: lạm dụng, nghiện ngập, son sẻ, chán nản hoặc một khó khăn nào đó. Đôi khi, Chúa ban niềm say mê cho một số người, để họ nói thay cho một nhóm người khác vốn không thể tự mình nói ra: các thai nhi, những người bị bách hại, người nghèo, các tù nhân, người bị đối xử tệ bạc, những người bất hạnh, và những ai không được xét xử công minh. Để bảo vệ những người cô thế cô thân, Kinh Thánh có rất nhiều lệnh truyền.
Thiên Chúa dùng những con người nhiệt thành để mở rộng vương quốc Ngài. Ngài có thể ban cho ACE niềm say mê thánh thiện để lập một cộng đoàn mới, củng cố các gia đình, tài trợ cho việc dịch Kinh Thánh hoặc huấn luyện các nhà lãnh đạo Kitô hữu. Có thể ACE được ban tặng niềm say mê tốt lành, đem Tin Mừng cho những nhóm người đặc biệt: những người kinh doanh, thanh thiếu niên, sinh viên ngoại quốc, các bà mẹ trẻ, hoặc những người có một sở thích đặc biệt hay một môn thể thao nào đó. Nếu bạn cầu xin, Chúa sẽ để cho bạn nặng lòng về một quốc gia hay một nhóm dân tộc nào đó, vốn đang cần một chứng từ Kitô giáo mạnh mẽ.
Thiên Chúa ban cho chúng ta những niềm say mê khác nhau, để bất cứ điều gì Ngài muốn thực hiện trong thế giới này, đều được hoàn thành. ACE đừng ước mong những người khác có cùng niềm say mê như ACE. Thay vào đó, ACE phải lắng nghe và coi trọng sứ điệp cuộc sống của người khác, bởi vì không ai nói hết được. Đừng bao giờ coi thường niềm say mê tốt lành của người khác. Kinh Thánh nói: “Được người ta tỏ lòng nhiệt thành là điều tốt” (Gl 4, 18).

Sứ điệp cuộc sống của bạn còn có cả Tin Mừng.
Tin Mừng là gì? “Trong Tin Mừng, sự công chính của Thiên Chúa được mạc khải, nhờ đức tin để đưa đến đức tin” (Rm 1,17a). “Thật vậy, trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hoà giải với Ngài. Ngài không còn chấp tội nhân loại nữa, và giao cho chúng tôi công bố lời hoà giải” (2Cr 5, 19). Tin Mừng chính là khi chúng ta tin rằng, ân sủng của Thiên Chúa cứu rỗi chúng ta, ngang qua những gì Đức Giêsu đã làm, tội lỗi chúng ta được tha, chúng ta sống theo đúng mục đích, và được hứa ban một nơi cư ngụ trên thiên đàng.
Có cả hàng trăm cuốn sách thế giá, hướng dẫn cách chia sẻ Tin Mừng. Tôi có thể cung cấp cho ACE danh sách những cuốn vốn hữu ích cho tôi. Nhưng tất cả việc huấn luyện sẽ không thôi thúc ACE làm chứng cho Đức Giêsu, cho đến khi ACE thấm nhuần niềm xác tín. Điều quan trọng nhất là, ACE phải học yêu thương những người hư mất như Chúa yêu thương.
Thiên Chúa không bao giờ dựng nên một người mà Ngài đã không yêu thương. Đối với Ngài, mọi người đều quan trọng. Khi Đức Giêsu dang rộng đôi tay trên thập giá, Ngài như đang nói, “Thầy yêu chúng con nhiều như thế này!”. Kinh Thánh nói: “Tình yêu Đức Kitô thôi thúc chúng tôi, vì chúng tôi nghĩ rằng: nếu một người đã chết thay cho mọi người, thì mọi người đều chết” (2Cr 5, 14). Bất cứ khi nào ACE cảm thấy thờ ơ với sứ vụ của mình trong thế giới, hãy dành một khoảng thời giờ để suy gẫm những gì Đức Giêsu đã làm cho ACE trên thập giá.
Chúng ta phải nặng lòng với những người yếu kém, vì Chúa rất quan tâm đến họ. Tình yêu không cho phép chọn lựa. Kinh Thánh nói: “Tình yêu không biết sợ hãi; trái lại, tình yêu hoàn hảo loại trừ sợ hãi” (1Ga 4, 18a). Cha mẹ sẽ chạy vào một căn nhà đang cháy để cứu con mình, vì tình yêu dành cho con lớn hơn nỗi sợ hãi của họ. Nếu ACE ngần ngại chia sẻ Tin Mừng cho những người chung quanh, hãy cầu xin Chúa đổ đầy lòng ACE tình yêu thương họ.
Kinh Thánh nói: “Chúa không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn cho mọi người đi tới chỗ ăn năn hối cải” (2Pr 3, 9). Bao lâu ACE còn biết một người chưa mạnh mẽ đủ, ACE phải liên lỉ cầu nguyện cho họ, phục vụ họ trong yêu thương,,, và chia sẻ Tin Mừng cho họ. Bao lâu còn một người trong cộng đoàn chưa có cảm thức thuộc về cộng đoàn , ACE phải không ngừng tìm đến với họ. Cộng đoàn nào không muốn tăng trưởng, là cộng đoàn đang nói với người khác lời này: “Chúng tôi đang đi xuống hoả ngục!”.
ACE sẽ sẵn sàng làm gì để những người mà ACE quen biết được lên thiên đàng? Mời họ đến nhà thờ? Mời họ đến cộng đoàn ? Chia sẻ câu chuyện cộng đoàn, chuyện đời ACE ? Tặng họ cuốn sách này? Mời họ một bữa ăn? Cầu nguyện cho họ mỗi ngày cho đến khi họ được cứu độ? Cánh đồng sứ mệnh của ACE chính là môi trường chung quanh ACE. Đừng bỏ lỡ những cơ hội Chúa ban cho ACE. Kinh Thánh nói: “Anh em hãy ăn ở khôn ngoan với người ngoài; hãy tận dụng thời buổi hiện tại” (Cl 4, 5).
Có ai được lên thiên đàng nhờ ACE không? Có ai trên thiên đàng sẽ đến nói với ACE rằng: “Cám ơn anh/chị. Phải chăng nhờ sự ân cần của anh/chị, đã chia sẻ Tin Mừng cho tôi nên tôi được ở đây?”. Thử tưởng tượng niềm vui khi chào đón những người trên thiên đàng, những người mà ACE đã giúp đỡ để họ có mặt ở đó. Ơn cứu độ đời đời của một linh hồn, thì quan trọng hơn bất cứ điều gì ACE có thể thành đạt trong cuộc đời này, vì chỉ con người mới tồn tại mãi mãi.
Với buổi học hỏi hôm nay, ACE đã học biết những ý muốn Thiên Chúa dành cho đời ACE: Ngài tạo thành ACE, để ACE là một thành viên của gia đình Ngài, một kiểu mẫu của chính Ngài, một bài tán dương của vinh quang Ngài, một sứ giả của ân sủng Ngài, và là một thông tín viên của Tin Mừng Ngài đến với người khác. Chúng ta cầu nguyện cho nhau hoàn thành ý muốn của Thiên Chúa trong cuộc đời chúng ta.
Quả thật, việc Loan báo Tin Mừng rất quan trọng, vì chúng ta chỉ có một thời gian ngắn để chia sẻ sứ điệp đời mình và hoàn thành sứ mệnh của chúng ta, phải không anh chị em?
Tự vấn:
Khi tôi ngẫm nghĩ đời mình, Chúa muốn tôi chia sẻ điều gì với anh chị em?
Chi tiết