Sống trung thực
Nội dung
Sống trung thực
Xưa có một vị quan nổi tiếng là khôn ngoan, cư xử đúng lễ nghĩa và có lòng độ lượng. Một hôm, có bác nông dân trong vùng đến xin quan xử kiện về việc ông bị mất một đàn gà. Ông nói: - Thưa quan lớn, nhà con vừa bị mất trộm một đàn gà. Xung quanh nhà chỉ có ba người hàng xóm, con rất nghi ngờ bọn họ. Quan lớn thẳng thắn đáp: - Yên tâm, ta sẽ có cách giúp ngươi. Quan liền triệu tập ba người hàng xóm lại và nói: - Hàng xóm của các ngươi vừa bị mất một đàn gà, và kẻ ăn trộm được cho là một trong ba ngươi. Ai là thủ phạm thì tự giác nhận đi.
Một trong ba người lên tiếng nói: - Chúng con vô tội, quan có chứng cứ không mà buộc tội chúng con. Quan đáp: - Ta sẽ phát cho các ngươi mỗi người một cây gậy, chúng có độ dài bằng nhau, hãy mang về, sáng mai lại mang đến cho ta. Đây là những chiếc gậy ta đã niệm thần chú. Kẻ nào có thói tham lam, tức khắc chiếc gậy sẽ dài ra. Người ăn trộm gà lo lắng thầm nghĩ ‘Chẳng biết chiếc gậy có thần kỳ như thế không. Tốt hơn là ta chặt bớt chiếc gậy đi, đến lúc nó mọc dài ra là vừa’.
Hôm sau, cả ba người đến trình quan lớn. Hai người kia hỏi: - Sao gậy của anh lại ngắn như vậy. Người gian dối đáp: - Các anh là thủ phạm nên gậy của các anh mới dài ra. Thấy một người có chiếc gậy ngắn hơn, quan lớn ra lệnh: - Bay đâu, bắt kẻ có gậy ngắn nhất lại cho ta. Làm gì có chiếc gậy nào thần kỳ như thế. Chiếc gậy nó không tự dài ra hay ngắn lại, mà là do ngươi gian dối lo sợ nên đã cắt bớt đi mà thôi.
Quý vị và các bạn thân mến,
Trung thực là một đức tính quan trọng trong việc hình thành nhân cách con người. Trung thực được thể hiện qua sự ngay thẳng thật thà trong suy nghĩ, lời nói và hành động với chính mình và với mọi người. Người trung thực là người đón nhận hiện trạng của chính mình với tất cả những ưu khuyết điểm. Họ luôn sống ngay thẳng liêm khiết và tạo được sự tin tưởng nơi người khác. Trái lại, những ai sống gian dối thường gây ra sự bất tín và không thể tạo dựng những mối tương quan bền vững. Trong thực tế, để sống trung thực không phải là điều dễ, nhất là trước sức cám dỗ của tiền bạc vật chất, chức quyền.
Con người ta ai cũng yêu thích sự chân thật và ghét điều giả dối. Thế nhưng chúng ta lại hay bị mê hoặc bởi những điều giả dối. Bởi lẽ giả dối thường được ngụy trang dưới lớp áo hoàn hảo. Có lúc vì yếu đuối, chúng ta không can đảm nhìn nhận sự thật mà có thái độ gian dối để che dấu lỗi phạm của mình. Trong nội tâm của con người luôn có sự giằng co giữa điều tốt và xấu, thiện và ác. Thánh Phaolô tông đồ có kinh nghiệm về điều này, ngài xác nhận “Điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại cứ làm” (Rm 7,15). Chúng ta cần phải dựa vào ơn Chúa giúp, vượt lên bản tính con người yếu đuối để tìm kiếm Chân Lý và những giá trị Nước Trời. Cuộc tìm kiếm này là hành trình dài của sự trải nghiệm thiêng liêng, của hy sinh từ bỏ. Chân Lý không nằm trong vẻ hào nhoáng bên ngoài nhưng trong sự khiêm tốn và cố gắng mỗi ngày.
Chúa Giêsu chính là hiện thân của Chân Lý luôn hiện diện cách khiêm tốn giữa chúng ta. Đôi lúc chúng ta đi tìm Chúa nhưng thực ra chúng ta tìm kiếm chính mình và những điều không thuộc về Thiên Chúa. Chúng ta sống và hành động như thể Thiên Chúa không tồn tại. Khi sống gian dối, thù hận, ghen ghét, đó là lúc chúng ta tách mình ra khỏi Chân Lý và nô lệ cho dối trá tội lỗi. Khi đi ngược lại với những đòi hỏi của Tin Mừng, đó là lúc chúng ta phản bội Chân Lý. Khi sống vô cảm thờ ơ với những nhu cầu của tha nhân, chúng ta không thể tận hưởng vẻ đẹp của tình yêu thương và giá trị của sự chia sẻ. Chỉ có những ai sống trong cầu nguyện và thi hành bác ái, người ấy mới đến gần Nước Trời, mới có Thiên Chúa hiện diện.
Lạy Chúa Giêsu là đường, là sự thật và là sự sống, xin giúp chúng con can đảm từ bỏ thói sống giả dối ích kỷ, biết thực hành lời Chúa với tất cả lòng yêu mến, hầu chúng con được giải thoát khỏi những ràng buộc của thế gian và trở thành chứng nhân của Tin Mừng Nước Trời. Amen.
Phương Anh
vietnamese.rvasia
Chi tiết
- Ngày: 24/05/2024
- Tác giả: Lm. Anmai