Sống mầu nhiệm thập giá trong đời thường

Sống mầu nhiệm thập giá trong đời thường
Nội dung

Khi sống trong thời đại văn minh và phát triển thì con người hôm nay cố gắng bằng mọi cách để làm cho đời mình được sung sướng, được thư thái và an nhàn. Do vậy, ngày hôm nay, người ta thường ngại nói đến khổ đau, đến sự hy sinh, đến thập giá. Và có thể chăng, một số Kitô hữu cũng thích đi tìm một Đức Kitô không có thập giá, không có khổ đau để cậy dựa, trông chờ và tin theo.

Trong ngày LỄ LÁ hàng năm, Giáo hội mời gọi chúng ta suy niệm về cuộc khổ nạn của Chúa Kitô. Thiết nghĩ đây cũng là thời điểm thật là phù hợp và cần thiết để chúng ta cùng nhau đọc lại thư thánh Phaolo như là chủ đề, là nền tảng cho bài suy niệm về đề tài thập giá này: “Trong khi người Do-thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy-lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô chịu đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận được, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do-thái hay Hy-lạp, Đấng ấy chính là Đức Kitô, sức mạnh và là sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (I Cor 1,22-24)

Đây là những cảm nghiệm, những tâm tình của người Tông đồ ngày xưa khi đi loan báo Tin Mừng. Và điều này cũng rất đúng cho thời đại hôm nay khi chúng ta cùng ngồi lại để nói với nhau về mầu nhiệm thập giá trong đời thường.

Thực tế cho thấy là con người hôm nay vẫn dùng sự khôn ngoan của mình để làm hạn chế, để tránh né đau khổ; và dùng sức mạnh của mình để chế ngự, để đẩy lùi khổ đau. Phải chăng đây là một sự giằng co, một cớ vấp phạm cho các Kitô hữu chúng ta trong thời đại hôm nay khi chiêm ngắm và suy niệm về thập giá, và khi được nghe lời mời gọi của Chúa Giêsu là mỗi người hãy vác lấy thập giá đời mình để đi theo Ngài (Mt 16, 24)

1. Sự khôn ngoan của loài người:

– Theo dòng thời gian, sự khôn ngoan của nhân loại đã làm cho nền văn minh thế giới ngày càng phát triển cao hơn và nhờ đó, con người tìm nhiều cách để đẩy lui đau khổ, cơ cực, lao nhọc bằng các thiết bị kỹ thuật, máy móc, thuốc chữa bệnh…
– Đã là con người thì ai cũng muốn an thân sung sướng, nhàn hạ và đôi khi cứ muốn đùn đẩy, né tránh công việc hay trách nhiệm; ai cũng ngại khó, ngại hy sinh… Và nếu tất cả mọi người đều sống theo kiểu đùn đẩy ngại khổ, ngại khó như thế thì còn đâu là sự ổn định trật tự xã hội, còn đâu là sự êm ấm của một gia đình?
– Hơn nữa, trong cuộc sống thường ngày chúng ta vẫn thấy nơi một gia đình mà cứ mạnh ai nấy sống, hay ai cũng “khôn ngoan” lo thủ thân thủ phận thì chắc hẳn gia đình đó sẽ không hạnh phúc và mau chóng nát tan.

Do vậy, thật cần thiết là phải có người và cần có những người biết hy sinh cho người khác. Và đây chính là quy luật, là đường lối, là sự khôn ngoan của Thiên Chúa trong Đức Kitô như Ngài đã từng nói:
– Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất… (Ga 12,24 tt
– Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi thì sẽ cứu được mạng sống ấy (Lc 9, 24; Ga 12, 26).

Sự khôn ngoan của Thiên Chúa nơi thập giá của Đức Kitô là sự trao tặng, là sự dâng hiến hy sinh chính bản thân của Ngài để cứu độ con người. Và mầu nhiệm này vẫn đang được kéo dài trong cuộc sống nơi những hy sinh vất vả của những người cha mẹ, những anh chị và những người vẫn đang âm thầm hy sinh cho người khác, cho cộng đồng trong cuộc sống hôm nay. Thật là chí lý và chính xác khi đọc lại lời dạy của công đồng Vatican II được nói trong Hiến chế Vui Mừng và Hy vọng: “Con người là một tạo vật duy nhất ở trần gian được Thiên Chúa tạo dựng nên vì chính họ, và chỉ có thể gặp lại chính bản thân mình nhờ biết thành thật hiến dâng” (GS 24)

2. Sức mạnh của con người hôm nay
Trong khi người Hy-lạp thì tìm kiếm sự khôn ngoan và người Do-thái đòi hỏi những sức mạnh nơi điềm thiêng dấu lạ

Người Do-thái xưa kia cũng như con người hôm nay luôn muốn dùng sức mạnh để khống chế, muốn dùng tài lực để áp đặt. Nhưng lịch sử của nhân loại đã để lại nhiều bằng chứng hiển nhiên của sự thất bại. Khi đã khống chế thì luôn có uất ức, đã áp đặt thì sinh ra chuyện vùng dậy trả thù để rồi cả hai phía đều luôn sống trong sự bất an, lo sợ.

Ngay cả nếp sinh hoạt trong một gia đình, nếu mỗi người chỉ dùng quyền, dùng tiền để sai khiến, để áp chế người khác; thì liệu điều này có thật đúng đắn và hiệu quả không khi chúng ta hết quyền (già yếu), hết tiền.

Nhưng Đức Kitô lại xây dựng Nước Trời theo một hướng khác: Ngài dùng sự khiêm tốn của một nhúm men để có thể làm dậy cả khối bột; Ngài dùng sự yếu ớt mỏng giòn của một hạt cải nhỏ bé để từ đó nở ra một cây lớn với các hoa trái mà chim trời có thể nương náu cậy nhờ. Và chúng ta đã thấy là trong dòng lịch sử Giáo hội, Chúa Giêsu đã dùng 12 tông đồ – là những người bình thường, thấp kém trong xã hội thời đó – để xây dựng Nước Trời; và qua cuộc đời của các vị thánh và những người thiện tâm, Thiên Chúa đã dùng các ngài để làm thay đổi bộ mặt của trái đất này. Và từ đó chúng ta có thể thấy được sức mạnh của Thiên Chúa vẫn bao trùm và ngự trị trên nhân loại chúng ta. Ngay cả trong kinh nghiệm của mỗi gia đình, chúng ta thấy sức mạnh để bảo vệ và gìn giữ gia đình cũng như tạo dựng sự ấm êm hạnh phúc chính là sức mạnh của tình yêu. Chính tình yêu thương của từng thành viên trong (mỗi) gia đình chính là sức mạnh để giúp gia đình đứng vững và vượt qua những sóng gió của cuộc đời.

Trong xã hội hôm nay, khi sống đúng nghĩa những giá trị này, chắc chắn Giáo hội chúng ta cũng như mỗi người kitô hữu cũng bị thế gian cho là điên rồ và là điều ô nhục, khờ dại. Nhưng, cũng như thầy Giêsu, chúng ta vẫn âm thầm, nhẫn nại vác thập giá đời mình với niềm xác tín và hy vọng rằng thập giá đó sẽ dẫn đến vinh quang Phục sinh là sự êm ấm, là niềm vui hà hạnh phúc của mỗi người… chúng ta xây dựng Nước Trời ngay từ hôm nay.

3. Thập giá: con đường dẫn tới vinh quang Phục sinh

“Chúng tôi rao giảng một Đấng Kitô chịu đóng đinh – Ngài là sức mạnh, là sự khôn ngoan của Thiên Chúa”

Không như các tôn giáo khác: vị thần, vị Chúa của họ là một Đấng Tối Cao, Ngài ở xa tít và con người khó tiếp cận được Ngài. Ngược lại, trong tương quan giữa Thiên Chúa với con người được dàn trãi trong suốt dòng lịch sử nhân loại, chúng ta thấy đây là một tương quan CHA – CON. Và Thiên Chúa đã mặc khải cho chúng ta biết Ngài là một vị Thiên Chúa đi tìm kiếm con người, để thiết lập một tương quan cha – con gần gũi với con người, một tương quan liên vị. Hơn nữa, qua mầu nhiệm Nhập Thể, Thiên Chúa của chúng ta là một Thiên Chúa mang lấy cuộc sống của một con người để chia sẻ với con người kiếp sống trần gian: Ngài sống trong một gia đình có cha mẹ với những niềm vui và hạnh phúc; Ngài cùng lam lũ, khổ đau, buồn sầu, sợ hãi của kiếp nhân sinh, và cuối cùng Ngài đã chết như một con người.

Và thế là ĐỜI TA CÓ CHÚA: Có Chúa đồng hành với ta trên mọi nẻo đường, có Chúa cùng chia sẻ mọi gian nan thử thách trong cuộc đời ta; để nhờ sức mạnh của tình yêu thương được biểu lộ nơi cậy thập giá mà Thiên Chúa đã thực hiện lời hứa cứu chuộc con người.

Người đời vẫn nói mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh và con người không ai giống ai… thì chắc hẳn là thập giá của mỗi người cũng khác nhau nhiều. Nhưng tựu trung lại là Chúa Kitô vẫn mời gọi mỗi người hãy vác lấy thập giá của mình để đi theo Ngài.

Chắc hẳn mỗi người trong chúng ta đều nhận diện được thập giá đời mình: từ vấn đề sức khỏe, vấn đề gia đình, công việc, tương quan… và nhiều khi những nỗi khổ, nỗi đau này cứ đeo bám đời mình. Chúa Kitô đã vác lấy thập giá của Ngài, đã đi trọn con đường thập giá và làm cho thập giá của Ngài nở hoa là ban ơn cứu độ cho con người… thì mỗi người chúng ta cũng noi gương Chúa Giêsu biết vác lấy thập giá đời mình, đi trên hành trình đức tin và nhận lấy thập giá này như là phương tiện để thanh luyện bản thân và là phương thế để thánh hóa đời mình.

Cuộc đời là nơi khổ đau, là chốn lưu đày… nhưng đức tin Kitô giáo dạy chúng ta nhìn những nỗi đau khổ này như là phương tiện để thanh luyện bản thân, là phương cách để nên một với Chúa Giêsu chịu tử nạn và là cơ hội để góp phần cứu độ bản thân và cứu độ thế giới. Khi thanh luyện được cái nhìn về đau khổ như thế, là lúc chúng ta đang tham dự vào Mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Chúa Kitô.

4. Tạm kết 

Chiêm ngắm và suy niệm về cây thập giá của Đức Giêsu, chúng ta học được 2 điều này:
Sự vâng phục của Đức Kitô với thánh ý Thiên Chúa và biết phó thác và cậy trông vào Thiên Chúa. Từ đó mỗi người chúng ta cũng biết vác thập giá đời mình trong sự vâng phục thánh ý Thiên Chúa với tất cả niềm phó thác cậy trông.

Đồng thời, bằng sự cảm thông, nâng đỡ sẻ chia, chúng ta cùng giúp nhau để mỗi người có thể vác được trọn vẹn thập giá của họ như thánh Phaolo đã nói: “Anh em hãy mang vác gánh nặng cho nhau” (Gal 6,2). Tự bản thân chúng ta đều biết, cây thập giá mà mỗi người đang mang vác đã là một gánh nặng (cho họ), thì chúng ta cũng đừng chồng chất gánh nặng thêm nữa trên vai anh chị em của mình. Phải chăng khi hành xử như thế với anh chị em – chồng chất gánh nặng trên vai của họ – là chúng ta đang sống phản Tin Mừng và lỗi đức bác ái với anh chị em chúng ta và có phần bất nhân với họ.

Vinh quang của ta là thánh giá Đức Giêsu Kitô, nơi Người ơn cứu độ của ta, sức sống của ta Phục sinh của ta. Nhờ Chúa ta được cứu độ, nhờ Chúa ta được giải thoát”. Điệp khúc của bài ca này vẫn được nhắc đi nhắc lại trong mỗi lần suy tôn Thánh giá của Chúa Kitô. Và mỗi người chúng ta cũng mãi mãi hát vang điệp khúc này trong hành trình thập giá mỗi ngày.

Lm. Lê Văn La Vinh. OP

Chi tiết