Ô nhiễm mạng xã hội
Nội dung

Ô nhiễm mạng xã hội

Theo Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2023, chỉ có khoảng hơn 6.7% các lãnh thổ trên thế giới đạt chỉ số chất lượng không khí AQI (Air Quality Index) ở mức tiêu chuẩn và an toàn. Hầu như hơn 93% các lãnh thổ còn lại đều bị ảnh hưởng từ ô nhiễm không khí ở những mức độ khác nhau.[1] Bên cạnh đó, còn rất nhiều báo cáo và nghiên cứu cho thấy thực trạng đáng báo động về tình trạng ô nhiễm trên trái đất. Khí thải, chất thải, hóa chất, nạn chặt phá rừng, đánh bắt bừa bãi… là những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường thiên nhiên khủng khiếp và phá vỡ sự cân bằng sinh thái; bạo lực, giết người, chiến tranh, lừa đảo, tham nhũng, ích kỉ, hận thù… là những thứ khiến môi trường xã hội và chính con người bị ô nhiễm ngày càng trầm trọng… Tình trạng đó đã và đang trở thành thảm họa hủy diệt nhân loại, mà Việt Nam cũng “ngạo nghễ” lọt top những quốc gia ô nhiễm nhất thế giới. Thật đau đớn khi phải thừa nhận chúng ta đang sống trong một thế giới tràn ngập ô nhiễm, mà chính chúng ta vừa là thủ phạm, nhưng cũng là nạn nhân đáng thương nhất của tình trạng ô nhiễm ấy.

Thật vậy, có thể nói con người là một sinh vật bị biến chất, ô nhiễm và gây ô nhiễm. Dù con người đã được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, được đặt trong sự thánh thiện và hài hòa với Thiên Chúa cũng như mọi tạo vật, với vũ trụ thiên nhiên và với chính mình thuở ban đầu. Thế nhưng, sự thánh thiện và hài hòa mong manh ấy đã hoàn toàn sụp đổ, khi con người dùng tự do của mình, nghe theo lời xúi giục của ma quỷ, sa ngã phạm tội và chống lại Thiên Chúa. Từ đó, bản tính con người bị tổn thương và hướng chiều về điều xấu, cũng như khiến tất cả các mối tương quan của con người bị rạn nứt. Con người, từ một hữu thể trong sạch, thánh thiện đã bị tha hóa và trở thành một hữu thể ô nhiễm, từ tư tưởng, tâm hồn, lời nói cho tới hành động. Con người gây xung đột với tất cả mọi thụ tạo và với vũ trụ thiên nhiên, với đồng loại và với chính mình. Con người trở thành một “vật chủ” mang nơi mình virus ô nhiễm khiến tất cả mọi thực tại và tạo vật mà con người gặp gỡ, chung sống… thậm chí ngay cả sản phẩm do con người tạo ra cũng bị ô nhiễm.

Một cách nào đó, ô nhiễm có thể được hiểu là sự tác động của con người vào một vật hay một thực tại làm biến đổi bản chất của nó, khiến nó gây ra những tác động tiêu cực cho vũ trụ thiên nhiên, cho tạo vật và cho chính đời sống của con người cả về vật chất lẫn tinh thần. Do đó, có thể nói con người, một sinh vật đã bị biến chất và ô nhiễm, vì tội lỗi đã tác động và làm biến chất tự do, món quà cao quý của Thiên Chúa ban, thứ mà lẽ ra là tốt, giúp con người trở thành nhà quản lý tài giỏi và khôn ngoan của Đấng Tạo Hóa. Thế nhưng, thay vì sử dụng tự do để phục vụ điều thiện, cũng như làm xanh sạch đẹp con người và môi trường sống, con người lại dùng tự do để hủy hoại thế giới và chính mình trong tội lỗi, đau khổ và cái chết. Cũng vậy, sự ô nhiễm quyền lực cũng là một trong những sự ô nhiễm mang tính bản chất và lây lan mà con người đã và đang dùng để gây ra những thứ ô nhiễm khác. Khi quyền lực và tự do bị ô nhiễm, con người điên cuồng phá vỡ tất cả mọi mối tương quan với Thiên Chúa, với nhau, với vũ trụ và với chính mình. Để rồi, khi quyền lực và tự do ô nhiễm phủ lấp trênmọi thực tại, chúng gieo vãi ô nhiễm và chết chóc thật đáng sợ.

Thế giới chúng ta đang sống là một thế giới ô nhiễm. Đó là điều không thể phủ nhận. Con người gây ô nhiễm một khi sử dụng quyền lực trong tự do mù quáng. Từ ô nhiễm môi trường, ô nhiễm âm thanh, ô nhiễm khí quyển… đến ô nhiễm tư tưởng, ô nhiễm thông tin, ô nhiễm văn hóa, ô nhiễm đạo đức… tất cả đều xuất phát từ sự ô nhiễm quyền lực và do con người. Môi trường, không khí, nguồn nước, vũ trụ thiên nhiên… là những  thực tại tự bản chất được Thiên Chúa dựng nên và trao ban trong sự hài hòa và tốt đẹp. Đó vốn là những món quà cao quý và tốt đẹp mà Thiên Chúa trao cho con người để canh tác, gìn giữ nhằm phục vụ cuộc sống và hạnh phúc của con người và mọi tạo vật. Nhưng khi con người bị ô nhiễm bởi tội lỗi, hữu thể ô nhiễm ấy đã trở thành vật chủ gieo rắc và làm lan truyền sự ô nhiễm ấy khắp mặt đất, phá hủy tất cả mọi sự hài hòa, gây chia rẽ với mọi thụ tạo, với thiên nhiên, với đồng loại và với chính mình, mà hậu quả bi đát nhất của sự ô nhiễm đó là đau khổ và cái chết…

Tuy nhiên, nơi con người vẫn còn đó mầm thiện, với khả năng Chúa ban, con người qua từng thời đại vẫn còn ý thức thân phận tội lỗi và bất toàn của mình. Để rồi không ngừng nỗ lực vươn lên, tái tạo xã hội và cải tạo chính mình bằng những sự phát triển vượt bậc trong mọi lĩnh vực, nhất là khoa học và công nghệ với hy vọng có thể đẩy lui tình trạng ô nhiễm do chính mình gây ra. Với khả năng tưởng như vô tận, con người tưởng rằng có thể dùng những phương tiện do mình tạo ra để loại bỏ tất cả sự ô nhiễm cho thế giới, cho vũ trụ và nhân loại… Thế nhưng, con người đã sai. Khi nhiều người đã ảo tưởng và ngạo nghễ tự hào về những thành quả do tay người làm nên, thì đó lại là lúc mà sự ô nhiễm lại lan tràn và trở nên nguy hiểm, khôn lường nhất. Tất cả môi trường mà con người sinh sống đều bị ô nhiễm, từ môi trường thiên nhiên, đến môi trường chính trị, môi trường kinh tế-xã hội… và cả môi trường tâm linh của con người. Tình trạng ô nhiễm ấy không ngừng phá hủy cũng như đe dọa sự sống của con người và sự tồn vong của trái đất….

Những sản phẩm do con người tạo ra cũng trở thành những mảnh đất màu mỡ để con người gieo rắc sự ô nhiễm, mà mạng xã hội cũng không thể thoát khỏi sự ô nhiễm đáng sợ ấy. Từ một phương tiện, một thành tựu đáng kinh ngạc mà con người dùng trí thông minh để tạo ra với mục đích đơn giản và tốt đẹp là phục vụ ích chung, giúp con người gần nhau hơn, làm việc dễ dàng hiệu quả hơn và mang về lợi ích lớn hơn. Nhưng chỉ sau một thời gian rất ngắn, chính con người đã dùng thứ quyền lực và tự do đã bị ô nhiễm của mình làm hoen ố, khiến mạng xã hội cũng rơi vào tình trạng ô nhiễm, thậm chí ngày càng trầm trọng và đáng báo động. Ô nhiễm mạng xã hội là việc con người đã lạm dụng quyền lực để làm biến chất mục tiêu và bản chất của mạng xã hội, biến nó từ một nền tảng phục vụ con người, xây dựng mối hiệp thông và lan tỏa tri thức và những giá trị tốt đẹp cho nhân loại. Thế nhưng, mạng xã hội đã bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi biết bao chất độc mà thủ phạm là chính con người. Nó trở thành mảnh đất phì nhiêu có đủ thứ thật-giả, tốt-xấu lẫn lộn, khiến cho cuộc sống con người chi phối và thậm chí mất phương hướng, khiến những giá trị nền tảng bị lung lay tận gốc rễ. Không những thế, nó còn khiến tự do của con người bị hạn chế, trở thành mảnh đất đầy những sỏi đá, gai góc và chất độc có thể đầu độc và làm ảnh hưởng xấu tới tất cả mọi người. Những tác hại do sự ô nhiễm mạng xã hội có thể xuất hiện đầy trên mặt báo, trên ác phương tiện truyền thông xã hội và trong cuộc sống hằng ngày: tin giả, lừa đảo, bạo lực, tự tử, tuyên truyền, mê tín… Những thứ đó và nhiều hơn nữa, chẳng cần nói ra và chẳng cần nói quá nhiều mà chúng ta đều biết, nhưng nhân loại vẫn loay hoay, bế tắc tìm cách ứng phó với những vấn nạn nhiễu nhương hằng ngày vẫn xảy ra trên mạng xã hội, nhất là khi trí tuệ nhân tạo (AI) đang ngày càng phát triển. Con người trở thành nạn nhân đáng thương nhất của “đứa con tinh thần” do chính mình tạo ra…

Như thế, mang nơi mình mầm mống của sự ô nhiễm, con người, dù vẫn nỗ lực để tái tạo xã hội và môi trường, nhưng dường như sự kiêu ngạo thâm căn cố đế vẫn hướng con người trở thành kẻ gây ô nhiễm và gieo rắc nỗi sợ hãi, sự hủy diệt và cái chết trên mọi thực tại mà con người được giao phó hay tiếp xúc và sử dụng, trong đó có internet và mạng xã hội, những sản phẩm do chính con người tạo ra. Để rồi, từ một đầy tớ tốt và trung thành, mạng xã hội đã noi gương ông chủ của mình, đang nổi dậy và chống lại chính chủ nhân đã tạo ra nó, bởi chính con người cũng là kẻ đã phản loạn và chống lại Thiên Chúa, Đấng Sáng Tạo và làm ra con người.

Dẫu vậy, giữa một thế giới và nhân loại ô nhiễm tự bản chất do tội lỗi ấy, vẫn còn những con người, những tổ chức, những tôn giáo và nhất là Giáo hội, Thân Mình của Chúa Ki-tô, vẫn âm thầm níu lại hy vọng của sự sống và sự tái sinh. Cùng với những cố gắng của các cá nhân và tổ chức vì con người và môi trường trên khắp thế giới, Giáo hội trong sự gắn kết với Đầu là Đức Ki-tô và sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, vẫn đang vươn mình lên như bông sen giữa ao bùn đầy hôi tanh, để cộng tác vào công cuộc dài hơi giúp cho môi trường và nhân loại trở nên trong sạch, tốt đẹp và nhân bản hơn bằng những hoạt động cụ thể vì hòa bình và sự sống. Cùng với đó, Giáo hội như một chiến binh vẫn bền bỉ cống hiến hết mình, góp phần tái tạo thế giới bằng chính Lời Hằng Sống theo lệnh truyền của Đức Ki-tô, Đấng đã vì yêu mà chết và sống lại để cứu độ con người, biến con người từ kẻ bị ô nhiễm trở nên tinh tuyền và đáng hưởng sự sống muôn đời mà con người đã đánh mất vì tội lỗi. Chúa Giê-su, nhờ cái chết và sự phục sinh, đã tẩy rửa nhân loại khỏi mọi vết nhơ do sự ô nhiễm gây ra, cũng như làm sạch mọi hoen ố do tội lỗi và biến đổi con người thành một thụ tạo mới. Với sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Giáo hội cũng đang tiếp tục miệt mài thực hiện công cuộc tái tạo thế giới và con người ngày hôm nay bằng chính hoa trái do con người tạo ra nhờ khả năng của mình. Bởi vì Giáo hội luôn tôn trọng và tận dụng mọi thành quả của trí khôn con người là công nghệ, là khoa học, là truyền thông, là internet… và mạng xã hội, những đầy tớ, những phương tiện vô cùng hiệu quả cho công cuộc loan báo Tin Mừng và tái tạo thế giới nếu biết sử dụng trong sự khôn ngoan và dưới ánh sáng của Tin Mừng…

Thật vậy, Giáo hội ý thức rằng giữa một môi trường ô nhiễm, những chi thể vẫn còn đó những dấu vết của sự ô nhiễm và nguy cơ bị tái nhiễm. Dù vậy, Giáo hội không chùn bước, nhưng luôn mời gọi mọi chi thể của mình xả thân gieo rắc hạt giống Lời Chúa, lan tỏa văn hóa sự sống và tình yêu đến cho nhân loại đang quằn quại và đau khổ bởi những con virus quái ác của sự ích kỉ, hận thù, tham lam… cùng với sự ô nhiễm đa dạng đang lan tràn và dập tắt hy vọng của nhiều tâm hồn, nhất là trong thế giới ảo, nơi mạng xã hội đang bị lạm dụng và bị ô nhiễm. Cũng vậy, Giáo hội cũng không quên cảnh báo và cảnh tỉnh con cái mình dù là ai và thành phần nào, khi thực hiện sứ mạng loan báo Tin Mừng, hay làm những công việc giúp xoa dịu nỗi đau của nhân loại, nhất là trên mạng xã hội đừng quên bám lấy Đầu là Đức Ki-tô, kết hợp với Thân Mình là Giáo hội, khiêm nhường để Chúa Thánh Thần làm việc. Nhờ đó, mọi ki-tô hữu mới có thể kín múc nguồn nghị lực dồi dào và có thể trang bị cho mình thứ vắc-xin toàn năng và đồ bảo hộ tốt nhất, để có thể trở thành những chiến binh của Chúa. Nhờ đó, Giáo hội, với sự nhiệt tâm của mọi chi thể, mới có thể giúp nhân loại đẩy lui tình trạng ô nhiễm đang lan tràn trong xã hội, nhất là trên mạng xã hội. Đồng thời, giúp những mối tương quan của con người với Thiên Chúa, với vũ trụ thiên nhiên, với đồng loại và với chính mình, những mối tương quan đã bị đứt gãy do sự ô nhiễm được tái tạo và nối kết như thuở ban đầu…

Tắt một lời, cũng như bông sen, dù sống giữa đầm lầy, một môi trường đầy ô nhiễm và bợn nhơ, vẫn có đủ sức sống nhờ sự chọn lọc và sức đề kháng, để vươn lên, tỏa hương và làm cho đời tươi vui, thì mỗi chúng ta, những tông đồ của Chúa trong thời đại này, cũng phải vươn lên và xả thân trở thành chứng nhân giữa đời và trên không gian mạng. Cách riêng, mỗi chúng ta hãy can đảm đi vào chính những nơi đang bị ô nhiễm, làm tất cả với ơn Chúa và sự cộng tác của mọi người, để canh tác và cải tạo giúp những mảnh đất đầy sỏi đá, đầy gai góc và ô nhiễm trở thành những mảnh đất tốt, để tình yêu và Tin Mừng sự sống được lan tỏa đến muôn người, nhất là những tâm hồn đang bị tác động và chênh vênh bởi tác hại từ sự ô nhiễm mà chính con người đang gieo rắc mỗi ngày. Mỗi chúng ta hãy trang bị cho mình những hành trang cần thiết cho sứ vụ loan báo Tin Mừng và làm sạch môi trường sống xung quanh, trong đó có mạng xã hội, như thánh Phao-lô đã quả quyết: “Vậy hãy đứng vững: thắt đai lưng là chân lý, mình mặc áo giáp là sự công chính, chân đi giày là lòng hăng say loan báo Tim Mừng bình an… Sau cùng, hãy đội mũ chiến là ơn cứu độ và cầm gươm của Thần Khí ban cho, tức là Lời Thiên Chúa”[2]

Hừng đông


[1] Cf. https://hocvienkhongkhi.com/2023/07/10/25-thanh-pho-o-nhiem-khong-khi-2023/

[2] Cf. Ep 6,14-16

Chi tiết