Noi gương Thánh GiuSe sống Đức Tin giữa lòng Dân Tộc
Nội dung

Tháng Ba là tháng mà cả Giáo hội dành để kính thánh Cả Giu-se cách đặc biệt. Trong suốt tháng này, Mẹ Giáo hội mời gọi tất cả con cái của mình cùng chạy đến thánh Giu-se với lòng yêu mến, học hỏi các nhân đức và cầu nguyện với ngài. Tại sao Giáo hội lại ưu ái ngài như vậy? Xin thưa vì ngài là cha nuôi của Đấng Cứu Thế, ngài đã dành cả cuộc đời, con người để cộng tác vào công trình cứu độ của Thiên Chúa. Tuy Thánh Kinh không tường thuật gì nhiều về ngài, nhưng ngài lại được Giáo hội tôn vinh bằng rất nhiều tước hiệu như: Thánh Cả, Đấng công chính, Bạn thanh sạch của Đức Maria, Đấng bảo vệ thần thế… Thế nên, không chỉ nhiều giáo phận trên khắp thế giới, mà toàn thể Giáo hội hoàn vũ nhận ngài là đấng bảo vệ, chở che. Vì Giáo hội luôn tin vào lời cầu bầu mạnh thế của ngài trước tòa Chúa và hằng khuyến khích mọi kitô hữu biết chạy đến nương tựa thánh nhân. Trong phạm vi bài suy niệm nhỏ bé này, người viết muốn hướng cái nhìn của độc giả cùng suy tư về thánh Giu-se là Đấng bảo trợ những người di dân và cùng noi gương ngài sống chứng tá đức tin giữa lòng dân ngoại.
Thánh Giu-se – Đấng bảo trợ những người di cư. Chắc hẳn khi nghe điều này thì nhiều người sẽ thắc mắc và nghĩ rằng trong Kinh Thánh không có đề cập bất cứ điều gì liên quan đến thánh Giu-se di cư cả. Tuy nhiên, chúng ta cùng nhớ lại đoạn Tin Mừng:“Khi các nhà chiêm tinh đã ra về, thì sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giu-se rằng: “Này ông, dậy đem Hài nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài nhi đấy!” Ông Giu-se liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập.” (Mt 2, 13-14). Vì tránh sự truy sát của vua Hê-rô-đê, nên thánh Giu-se phải đưa Chúa Giêsu cùng Đức Maria trốn sang Ai Cập và đây chính là hình ảnh thánh Giu-se di cư mà tôi muốn cùng mọi người suy niệm. Di cư được hiểu hôm nay là những người vì hoàn cảnh cuộc sống, vì phải đi tìm kiếm việc làm hay bất cứ lý do nào đó mà phải rời xa quê hương, xa gia đình họ hàng của mình để mong sao cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Thánh Giu-se cũng vậy, vì bảo vệ gia đình nhỏ bé của mình nên ngài cũng phải chấp nhận mạo hiểm trốn sang một đất nước khác, một ngôn ngữ, văn hóa khác, một tôn giáo khác. Trong suốt thời gian đó, ngài cũng phải rất cố gắng để làm quen với môi trường mới, cố gắng thích nghi với một nền văn hóa hoàn toàn xa lạ, vất vả, mệt nhọc mong sao tìm được việc làm để có miếng cơm, manh áo mưu sinh hàng ngày. Chính vì sự bươn trải vất vả nơi đất khách quê người, nên thánh Giu-se luôn thương cảm, nâng đỡ và che chở con cái của mình đang phải sống nơi đất lạ trên hành trình dương thế. Phải chăng khi vất vả, bộn bề với công việc thường ngày và vì sống giữa những người dân ngoại thì liệu rằng thánh Giu-se có bị dao động đức tin của mình hay sống xa lìa Thiên Chúa không ?
Thưa rằng: không. Không những vậy mà ngài luôn sống và xác tín niềm tin của mình vào Thiên Chúa trên đất nước Ai Cập. Lật lại từng trang Kinh Thánh, mỗi chi tiết diễn tả về thánh Giu-se thì hẳn nhiên sẽ thấy rằng ngài luôn có một thái độ sẵn sàng và tỉnh thức. Dù cho những cuộc báo mộng chỉ là trong giấc mơ. Nhưng ngài luôn luôn thi hành ngay mà không cần đắn đo hay chần chừ bất cứ lần nào. Điều ấy phần nào minh chứng cho ta thấy rằng, thánh Giu-se luôn sẵn sàng thi hành thánh ý của Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh. Tuy Kinh Thánh không tường thuật chi tiết về thánh Giu-se, nhưng hẳn chúng ta cũng hiểu rằng mỗi bước đi, mỗi hành trình của thánh nhân đều là những bước đi giữa bóng tối và ánh sáng, mỗi hành trình đều là những sự run sợ và đầy lo lắng. Dù biết rằng Thiên Chúa hằng hướng dẫn và luôn quan phòng cho ngài, nhưng bản tính con người luôn yếu đuối và thánh Giu-se cũng không phải ngoại lệ. Thánh nhân cũng lo lắng, run sợ và bất an lắm chứ. Nhiều lúc ngài bước đi trong bóng đêm mà không biết sẽ đi về đâu, vậy mà ngài vẫn cứ bước. Tất cả những điều đó để nhằm làm nổi bật lên một điều rằng, thánh Giu-se hằng luôn xác tín vào Thiên Chúa, ngài luôn tỉnh thức và tĩnh lặng để lắng nghe ý muốn của Thiên Chúa và cùng một thái độ sẵn sàng, mau mắn thi hành ý muốn của Đấng Tối Cao.
Thời đại mà chúng ta đang sống là thời của công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Điều này cũng giúp ích cho cuộc sống của con người rất nhiều, nhưng cũng có nhiều bất lợi đi kèm theo. Một trong những bất lợi mà con người thời nay đang gặp phải là tình trạng phân bố khu vực kinh tế không đồng đều tình trạng anh chị em di cư ngày càng nhiều. Điều này cũng kéo theo nhiều hệ quả và ảnh hưởng tới đức tin của họ. Tỷ dụ như giữa những lo toan bộn bề của cuộc sống như thế, chắc hẳn nhiều anh chị em bị sao nhãng về đời sống đức tin, và vì ngày ngày phải lo lắng nhiều thứ, khiến tâm hồn họ không còn thời gian dành cho Chúa, nhiều người cũng bỏ việc đi tham dự Thánh Lễ vì nhiều yếu tố, nhiều gia đình không còn giữ các việc làm đạo đức truyền thống khi còn ở quê… Đứng trước tình trạng như vậy, Giáo hội cần quan tâm, đồng hành và đỡ nâng anh chị em di dân hơn lúc nào hết. Giáo hội cần nâng đỡ họ về mặt tinh thần và vật chất bao nhiêu có thể, hướng dẫn họ sống đúng chất Tin mừng trong cuộc sống hằng ngày dù ở bất kỳ nơi đâu và trong hoàn cảnh nào. Những ki-tô hữu di dân cũng cần phản chiếu tinh thần truyền giáo của mình tại những nơi mà mình đang sống, bằng chính đời sống chứng tá của Tin mừng, tham gia các sinh hoạt giáo xứ gần nơi mình ở đúng như Chúa đã dạy: “Chính anh em là chứng nhân của những điều này” (Lc 24,48).
Thêm vào đó, chúng ta cùng dâng những anh chị em ấy cho Thánh Giu-se, mẫu gương đời sống đức tin, và mẫu mực sống giá trị Tin mừng trong gia đình, nhằm thêm động lực, và khơi lên tinh thần truyền giáo cho người chưa biết Chúa. Dù trong hoàn cảnh nào, di dân hay vùng thôn quê, mỗi người Kitô hữu đều thực hành sống đạo và chăm lo cho cuộc sống của mình trong việc sống chứng tá Tin mừng, bằng chính hành động yêu thương đồng loại. Lời của thánh Arnold Janssen, Đấng Sáng Lập Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời đã đánh động nhiều tâm hồn hăng say dấn thân cho sứ vụ rao giảng Tin mừng: “Rao giảng Tin mừng là hành động yêu thương đồng loại trước nhất và cao cả nhất.”
Tóm lại, rao giảng Tin mừng hay truyền giáo là bổn phận và là sức sống của người Kitô hữu. Thánh Giu-se và gia đình Thánh Gia đã sống và thực hành việc bổn phận này một cách chu đáo trong đời sống đức tin và biến cố di cư. Xin Thánh Giu-se khẩn cầu cho mỗi người chúng ta biết noi gương Ngài và mọi thành viên trong gia đình Thánh Gia để sống các giá trị Tin mừng, sống chứng tá đức tin và sống sứ vụ loan báo Tin mừng bằng một cuộc sống chứng nhân trong môi trường sống của chúng ta.

Tháng kính thánh Giu-se 2023


Anthony Giu-se

Chi tiết