Những lợi ích từ ‘Shadow Work’ – phương pháp tâm lý giúp bạn chấp nhận phần tối của bản thân
Nội dung
Chấp nhận phần tối của chính mình (những điều chưa hoàn thiện, những nét tính cách mà bạn phủ nhận, những sang chấn tâm lý từ quá khứ…) để phát triển bản thân một cách toàn diện là điều mà phương pháp shadow work khuyến khích bạn hướng tới.
Shadow work là phương pháp tâm lý được phổ biến bởi bác sĩ tâm thần học người Thụy Sĩ Carl Jung dựa trên khái niệm “shadow self” (tạm dịch: phần tối của bản thân) dùng để chỉ những phần tính cách mà chúng ta luôn tìm cách kìm nén, chối bỏ hoặc phủ nhận. Mặc dù phần tối này có thể thúc đẩy những cảm xúc tiêu cực như oán hận hay giận dữ, bác sĩ Carl Jung cho rằng nó cũng đóng vai trò cần thiết trong việc thúc đẩy những mặt tích cực của con người, chẳng hạn như khả năng sáng tạo. Đối với ông, phần tối là một phần không thể thiếu trong trải nghiệm của một người về thế giới và các mối quan hệ xung quanh.
Theo Carl Jung, tính cách con người được chia làm hai phần: một phần nổi trội được thể hiện ra bên ngoài và phần tối – những nét tính cách, đặc điểm, sang chấn… mà một người không muốn công khai, luôn bị kìm nén và che giấu. Bác sĩ Jung cho rằng, phần tối không phải là yếu tố tiêu cực trong tính cách và tâm lý, nó cũng góp phần tạo nên một bản thể toàn diện của một người. Khi bạn che giấu và kìm nén mặt tối của bản thân trong thời gian dài thay vì chấp nhận nó, đến một thời điểm nào đó, phần tối ấy sẽ bộc lộ ra bên ngoài bằng những tình trạng như căng thẳng, tự ti, hoài nghi về bản thân, khó xây dựng kết nối với mọi người xung quanh… Chính vì thế, shadow work giúp bạn học cách chấp nhận những điều chưa hoàn hảo của bản thân, thấu hiểu chính mình, từ đó quản lý và cân bằng mọi khía cạnh tâm lý, cảm xúc để phát triển toàn diện.
LỢI ÍCH TỪ VIỆC THỰC HÀNH SHADOW WORK
Lợi ích lớn nhất mà phương pháp tâm lý shadow work mang lại đó là giúp bạn chấp nhận toàn bộ những gì thuộc về mình để phát triển bản thân một cách thuận lợi. Ngoài ra, phương pháp này còn đem đến những tác dụng tích cực khác:
1. XÂY DỰNG KẾT NỐI VỚI MỌI NGƯỜI XUNG QUANH
Shadow work giúp bạn chấp nhận tất cả mọi khía cạnh của bản thân, cả tích cực lẫn tiêu cực, vì vậy, khi tiếp xúc với những người xung quanh, bạn sẽ dễ dàng cởi mở với những khiếm khuyết của người khác. Bạn hiểu rằng con người là tạo vật bất toàn của tạo hóa, không ai sinh ra đã hoàn hảo. Khi bạn biết cách khoan dung với những điều không hoàn hảo về tâm lý và tính cách của mình, bạn cũng sẽ làm điều tương tự với những người xung quanh, từ đó xây dựng những mối quan hệ lành mạnh và bền vững thay vì thất vọng khi phát hiện ra những đặc điểm tính cách không tích cực từ họ.
2. PHÁT TRIỂN KHẢ NĂNG SÁNG TẠO
Phần tối của bạn không chỉ chứa đựng những điều bất toàn trong tâm lý, nó cũng là nơi trú ngụ của những đặc điểm tiềm năng khác mà bạn không ngờ tới, chẳng hạn như khả năng sáng tạo. Bằng cách chấp nhận những yếu tố không hoàn hảo, những cảm xúc tiêu cực bên trong tâm hồn, bạn sẽ biết cách gọi tên và thể hiện chúng bằng nhiều hình thức khác nhau, đó có thể là hội họa, âm nhạc hoặc văn chương.
3. GIÚP BẠN XÂY DỰNG SỰ TỰ TIN
Như đã đề cập, khi bạn học cách khoan dung và chấp nhận phần tối bên trong, bạn sẽ cảm thấy thoải mái với bản thân một cách toàn diện. Từ đó, khi tiếp xúc với mọi người xung quanh, bạn trở nên cởi mở và tự tin hơn khi bộc lộ bản thân thay vì lo sợ ánh mắt phán xét của mọi người.
4. CẢI THIỆN SỨC KHỎE TINH THẦN
Kìm nén và che giấu phần tối của bản thân có thể khiến bạn đối diện với một số vấn đề tâm lý. Càng phủ nhận những mặt tối này, bạn càng cảm thấy chán ghét bản thân, căng thẳng vì lo sợ ai đó sẽ phát hiện ra những mặt tiêu cực của mình, thậm chí rơi vào trạng thái trầm cảm. Shadow work giúp chúng ta nhận ra rằng, mỗi người đều được tôn tạo bởi những yếu tố tích cực và tiêu cực. Đồng thời, phương pháp này giúp bạn giải quyết các vấn đề tâm lý từ gốc lễ, giúp bạn xác định những nguồn cơn khiến bạn cảm thấy không hài lòng về bản thân.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ THỰC HIỆN PHƯƠNG PHÁP SHADOW WORK?
Có rất nhiều cách để thực hiện shadow work, tuy nhiên, để thực hiện phương pháp này thành công, bạn phải dành thời gian kết nối với thế giới nội tâm để đối diện với phần tối mà mình đang che giấu.
1. XÁC ĐỊNH PHẦN TỐI
Hãy chú ý đến phản ứng của bản thân trước một tình huống cụ thể nào đó. Những phản ứng này có thể là những gì còn sót lại của những sang chấn tâm lý trong quá khứ, kéo theo những nỗi sợ mà bạn luôn cố gắng che giấu. Bằng cách chú ý đến những phản ứng này, bạn có thể tìm ra cách để quên đi những trải nghiệm không tích cực, học cách vượt qua chúng để trở nên vững vàng hơn khi đối diện với những điều tương tự trong tương lai.
Bạn có thể xác định phần tối và đối diện với nó bằng cách soi chiếu hình ảnh của bản thân lên người khác. Đôi khi, những người xung quanh là tấm gương phản chiếu tất cả những nỗi sợ hãi, nỗi ám ảnh trong tiềm thức và cả những nét tính cách mà bạn chối bỏ. Hãy chú ý đến cách những suy nghĩ và cảm nhận của bạn khi tiếp xúc với mọi người. Khi bạn cảm thấy khó chịu với những hành vi, đặc điểm tính cách của đối phương, có thể bạn cũng đang đối diện với những phần tối mà bản thân đang che giấu.
2. NGHĨ VỀ TUỔI THƠ
Đâu là những cảm xúc, thói quen mà khi còn bé, người lớn thường bảo bạn phải loại bỏ? Nhiều đứa trẻ hoạt bát, tinh nghịch thường được cha mẹ dạy phải trở nên trầm tĩnh và ngoan ngoãn hơn, hay ngược lại, những đứa trẻ trầm tính thường được người lớn thúc giục hòa nhập vào đám đông và cởi mở hơn. Vì vậy, những đứa trẻ này sẽ lớn lên với niềm tin rằng những đặc điểm mà chúng sở hữu không xứng đáng được công nhận, từ đó che giấu những đặc điểm này để làm hài lòng những người xung quanh. Xác định những yếu tố này có thể giúp bạn giải quyết những tổn thương tâm lý bên trong, từ đó học cách cân bằng những mặt tối ấy để trân trọng bản thân hơn và phát triển toàn diện.
3. BỘC LỘ PHẦN TỐI CỦA BẢN THÂN BẰNG NGHỆ THUẬT
Nghệ thuật là phương tiện hữu ích giúp bạn thoải mái bộc lộ phần tối bên trong. Bạn có thể cho phép bản thân thể hiện mọi xúc cảm tiêu cực thông qua hội họa, âm nhạc hoặc văn chương. Đây là cách để bạn đối diện và nhìn nhận phần tối của mình một cách trực quan thay vi chối bỏ nó, để từ đó dần cởi mở hơn với bản thân và giải tỏa những áp lực trong tâm hồn.
4. VIẾT NHẬT KÝ CẢM XÚC
Tương tự với việc bộc lộ phần tối qua nghệ thuật, viết nhật ký cũng giúp bạn giải tỏa mọi suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực của bản thân để giải tỏa áp lực. Mỗi ngày, bạn hãy dành một vài phút viết tự do bất kỳ điều gì xuất hiện trong tâm trí hoặc những cảm nhận của bản thân về những trải nghiệm trong ngày. Thông qua con chữ, bạn dễ dàng hình dung những gì bản thân đang trải qua để từ đó học cách cảm thông và dịu dàng hơn với chính mình.
5. TỰ ĐẶT CÂU HỎI CHO BẢN THÂN
Bạn có thể đối thoại với bản thân bằng cách đặt một vài câu hỏi để tìm ra đâu là phần tối mà mình đang che giấu, làm cách nào để đối diện với nó và điều gì trong cuộc sống có thể khiến bạn bộc lộ những cảm xúc tiêu cực. Dưới đây là một số câu hỏi mà bạn có thể tự đặt cho chính mình:
– Bạn nghĩ rằng mọi người xung quanh đang nhìn nhận bạn như thế nào? Họ thường kể với người khác điều gì về bạn và điều này khiến bạn cảm thấy ra sao?
– Đối với bạn, đâu là những đặc điểm tính cách tồi tệ nhất mà một người sở hữu? Bạn có cho rằng mình sở hữu những đặc điểm đó hay không?
– Những ký ức nào khiến bạn xấu hổ?
– Bạn ghen tỵ với ai và tại sao?
– Bạn sợ hãi điều gì? Đâu là cách bạn đối diện với những nỗi sợ đó?
– Bạn mong đợi người khác hiểu gì về bạn?
Ai cũng sở hữu phần tối trong tâm hồn. Chúng sẽ trở thành nỗi ám ảnh, dẫn đến những vấn đề về mặt tâm lý nếu chúng ta cứ mãi che giấu thay vì thừa nhận và chấp nhận chúng như một phần của chính mình. Học cách đối diện với phần tối của mình qua phương pháp shadow work giúp bạn tự tin hơn vào bản thân, chấp nhận những sự bất toàn của chính mình để sống một cuộc đời an yên, từ đó phát triển bản thân một cách toàn diện.
Theo Elle
Chi tiết
- Ngày: 12/11/2023
- Chủ đề: Lm. Anmai