Nhiệt tình truyền giáo của thánh Gioan Phaolô II
Nội dung
Lần đầu tiên Thánh Gioan Phaolô II nói về Tân Phúc Âm hóa là ngày 9/3/1983, tại Port-au-Prince, khi ngài ngỏ lời với các Hội đồng giám mục châu Mỹ La tinh. Hướng đến năm 1992, kỷ niệm 500 năm truyền giáo tại châu Mỹ, Thánh Gioan Phaolô II nói rằng dịp kỷ niệm đó sẽ phong phú ý nghĩa nếu Hội Thánh cam kết thực hiện cuộc Tân Phúc-âm-hóa, “mới về nhiệt tình, phương pháp, và cách diễn tả”. Những điều này thể hiện rõ nét trong chính cuộc đời của ngài.
Đến nay Thánh Gioan Phaolô II vẫn là vị Giáo hoàng đi đến nhiều nơi nhất trên thế giới. Tổng số thời gian ngài dành cho các chuyến thăm mục vụ là một năm rưỡi trong triều đại 26 năm giáo hoàng của ngài. Những chuyến đi xa với lịch làm việc liên tục chắc chắn làm cho ngài rất mệt, có khi kiệt sức. Có lần một phóng viên hỏi ngài làm cách nào Đức Thánh Cha có thể đi và làm việc liên tục như thế, ngài trả lời: “Tốt hơn là đừng nghĩ tới, cứ làm thôi!”. Một lần khác khi được hỏi tương tự, ngài nói: “Tôi cũng ngạc nhiên không biết tại sao.”
Chính nhiệt tình truyền giáo là động lực thúc đẩy ngài thực hiện nhiều chuyến thăm mục vụ như thế để thúc đẩy công cuộc loan báo Tin Mừng trên khắp thế giới. Có lần một bạn trẻ hỏi ngài tại sao Đức Thánh Cha đi khắp nơi trên thế giới vậy, ngài trả lời dí dỏm: “Vì cả thế giới không có mặt ở đây! Con có đọc lời Chúa Giêsu dạy không? Hãy đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian. Cho nên cha đi khắp thế giới”. Câu trả lời đơn sơ nhưng thật sâu sắc! Phải đi đến với người ta chứ không phải ngồi đó đợi người ta đến với mình. “Giám mục Roma là sứ giả tiên phong của đức tin nên ngài có trách nhiệm gieo vãi đức tin khắp thế giới” (10/3/1993), và vì thế ngài đi khắp thế giới để loan báo Tin Mừng, dù phải chấp nhận nhiều vất vả. Đúng như ngài kêu gọi trong thông điệp Redemptoris missio: “Tôi cảm thấy đã đến lúc phải dành toàn bộ sức lực của Hội Thánh cho công cuộc loan báo Tin Mừng cho các dân tộc”.
Nhiệt tình truyền giáo cũng thúc đẩy thánh Gioan Phaolô II tìm những phương pháp mới để loan báo Tin Mừng. Một trong những điều nổi bật là việc gặp gỡ người trẻ. Ngay từ đầu triều đại giáo hoàng, khi đi thăm các giáo xứ trong Giáo phận Roma, ngài ngỏ ý muốn gặp giới trẻ. Các Giám mục và linh mục ngỡ ngàng trước đề nghị đó, nhưng rồi họ thấy kết quả rất tốt, người trẻ đến rất đông. Sáu năm sau, những Ngày Giới Trẻ Thế giới bắt đầu hình thành. Ngày 22/5/1983, Đức Giáo hoàng mời các bạn trẻ đến Roma “gặp gỡ nhau trong cầu nguyện, chia sẻ, trò chuyện, vui ca”. Lời mời lần thứ hai ấn định cuộc gặp gỡ vào Lễ Lá 1985. Các bạn trẻ đáp ứng nhiệt tình. Sau đó Ngày Giới Trẻ Thế Giới chính thức được thiết lập qua Tông thư ban hành ngày 31/3/1985. Kể từ đó, Ngày Giới Trẻ Thế Giới trở thành một trong những điểm nổi bật trong đời sống của Hội Thánh Công giáo.
Không ai có thể phủ nhận sức hút của Thánh Gioan Phaolô II với giới trẻ. Sở dĩ như thế là vì ngài tin tưởng và yêu mến người trẻ, sẵn sàng lắng nghe họ và người trẻ cảm nhận được điều đó. Đồng thời ngài rất thẳng thắn và chân thành khi gặp gỡ, nói chuyện với người trẻ. Ngài không tìm cách giảm nhẹ những đòi hỏi của Tin Mừng nhưng ngài trình bày cách thẳng thắn và chân thành, vì ngài tin rằng ẩn sau vẻ dửng dưng bên ngoài đối với tôn giáo, vẫn là nỗi khát khao tôn giáo mãnh liệt: “Nền văn hóa ngày nay đôi khi chống lại Đức Kitô cách nặng nề, đôi khi lại coi thường Ngài, nhưng trong sâu thẳm tâm hồn, họ vẫn chờ đợi Đức Kitô”. Hơn thế nữa, Thánh Gioan Phaolô II ý thức rằng chính người trẻ làm cho Hội Thánh tươi trẻ lại, vì vậy ngài khuyến khích hàng giáo sĩ quan tâm đến giới trẻ: “Cần phải tập trung vào người trẻ. Tôi vẫn luôn nghĩ như thế. Thiên niên kỷ thứ ba thuộc về họ, và bổn phận của chúng ta là chuẩn bị cho họ” (2/3/1995).
Cùng với phương pháp mới là cách diễn tả mới. Một trong những cách diễn tả mới là sự nhạy bén với giới truyền thông. Thánh Gioan Phaolô II là vị Giáo hoàng đầu tiên trả lời phỏng vấn trên những chuyến bay. Trước đó, Đức Phaolô VI cũng thực hiện những chuyến thăm mục vụ nước ngoài, có các nhà báo cùng đi, nhưng ngài chỉ gặp và nói ít câu chào chúc thôi. Còn với thánh Gioan Phaolô II, những cuộc phỏng vấn trên các chuyến bay đã thành bình thường và là thông lệ cho các vị Giáo hoàng kế tiếp.
Trực tiếp trả lời những câu hỏi của các nhà báo là điều không dễ dàng, nhất là với các vị Giáo hoàng, vì phát biểu của các ngài có tầm quan trọng đặc biệt với cả thế giới. Tuy nhiên Thánh Gioan Phaolô II sẵn sàng trả lời các câu hỏi của giới truyền thông vì ngài biết rằng đó chính là điều người ta (nhà báo và nhiều người khác) quan tâm chứ không chỉ là điều mình quan tâm hoặc nghĩ rằng người ta quan tâm. Chính qua những câu trả lời phỏng vấn chứ không phải qua những diễn văn dọn sẵn, mà sứ điệp Tin Mừng đến được với nhiều người hơn, và hình ảnh Hội Thánh trở nên gần gũi hơn với công chúng. Một nhà báo kỳ cựu nhận xét rằng qua cách sử dụng các phương tiện truyền thông, Thánh Gioan Phaolô II cho thấy triết lý của ngài:
- Hiện diện và hành động quan trọng hơn lời nói. Hãy nhớ lại tấm hình ngài đến thăm Mehmet Ali Agca (người có ý định ám sát ngài) đã gây tác động lớn thế nào trên thế giới!
- Ngày nay các phương tiện truyền thông ngày càng phát triển và tác động trên đời sống con người. Không những chúng ta nên mà còn phải vận dụng các phương tiện này để phục vụ công cuộc loan báo Tin Mừng.
“Nhiệt tình mới, phương pháp mới, cách diễn tả mới” là những bài học quý giá cần học hỏi nơi Thánh Gioan Phaolô II.
(Những trích dẫn trong bài được rút ra từ John Paul II, the Man of the Millennium của Luigi Accattoli.)
Chi tiết
- Ngày: 24/10/2023
- Chủ đề: Lm. Anmai