Nhân đức khiêm nhường
Nội dung

Nhân đức khiêm nhường

jesus-and-pilate

Người có đức tính khiêm nhường, thì được mọi người sống chung quanh yêu thương và kính trọng. Nhưng theo bản tính tự nhiên thì ai cũng muốn thể hiện cái tôi của mình, ai cũng muốn được đề cao, cũng muốn được hơn người khác, vì thế cho nên hay khoe khoang, tự coi mình là trung tâm của cuộc sống cũng là lẽ thường tình của mỗi người. Nhưng người có lối sống kiêu căng, tự cao, tự đại thì thường bị mọi người xa lánh, vì ai cũng sẽ cảm thấy khó chịu khi phải giao tiếp với loại người này.

Sống khiêm nhường là thể hiện một tâm hồn luôn ý thức rằng; Mọi sự ta có đều do bởi Ơn Trên ban cho mà thôi! Vậy thì vì sao mà lại dám lên mặt kiêu căng, tự đắc?

Trong Phúc Âm Đức Giêsu chẳng đã khẳng định điều đó khi Philatô nói với Người: “Ông không biết rằng tôi có quyền tha và cũng có quyền đóng đinh ông vào thập giá sao? Đức Giêsu trả lời: “Quan chẳng có quyền gì trên tôi nếu Trời không ban xuống cho quan.” (Ga 19, 10-11)

Nhiều người có lối suy nghĩ rằng: Khi ta tỏ ra khiêm tốn thì ta sẽ bị người khác cho là hèn hạ, kém cỏi. Đây là lối suy nghĩ lệch lạc, bởi vì, thật ra khi ta sống khiêm nhường chẳng những ta không bị người khác coi thường mà ngược lại còn được mọi người yêu mến, kính trọng.

Trong các Mầu Nhiệm Kinh Mân Côi mà chúng ta thường đọc và suy gẫm mỗi ngày, thì nhân đức khiêm nhường là nhân đức đầu tiên mà chúng ta cầu xin. Năm sự vui: “Thứ nhất thì ngắm, Thiên thần truyền tin cho Đức Bà chịu thai. Ta hãy xin cho được ở khiêm nhường.” Như vậy, khiêm nhường là nhân đức cốt lõi, rất quan trọng trong đời thường ngày cũng như đời sống đạo của mỗi chúng ta.

Đối nghịch với khiêm nhường là kiêu ngạo, kiêu căng; đó là con đường dẫn đến sa đoạ và sự chết. Kinh Thánh ghi lại; thuở ban đầu, khi Chúa mới tạo dựng con người thì chính bởi vì lòng kiêu ngạo, muốn bằng Thiên Chúa nên nguyên tổ đã nghe theo lời con rắn dụ dỗ mà ăn trái cấm, bất tuân lệnh nên đã bị Chúa đuổi ra khỏi vườn địa đàng, để rồi phải lao động cực nhọc, phải đau khổ và cuối cùng phải chết! (x. St 3, 1-24)

Nhưng, song hành với lời cầu xin cho được sống khiêm nhường thì bản thân mỗi chúng ta cần phải nỗ lực thực hành nhân đức đó qua tấm gương sáng của Đức Mẹ và các thánh đã để lại cho chúng ta, để học đòi noi gương bắt chước các ngài.

Điển hình như: Gương của thánh Tôma Aquinô, chúng ta biết rằng tuy ngài rất thông minh, tài giỏi, nhưng trong cuộc sống của thánh nhân lại luôn tỏ ra khiêm nhường, thánh nhân  học sâu, hiểu rộng, uyên bác nhưng ngài nói; những hiểu biết của ngài chỉ là rơm rác nếu đem so với những gì ngài nhìn thấy và những gì ngài được mặc khải…Đặc biệt ngài sẵn sàng lắng nghe và học hỏi những điều hay lẽ phải từ những người sống chung quanh, ngay cả khi họ là “đối thủ” của ngài.

Mặc dù là một sinh viên giỏi giang nhưng ngài vẫn tỏ ra như một học trò dễ dạy như một em bé. Lần kia, tại phòng ăn, bề trên bắt ngài sửa lại cách phát âm của một từ cho chính xác, lập tức thánh nhân đã sửa lại ngay. Sau đó các bạn đồng lớp tỏ ra ngạc nhiên, thấy vậy thánh nhân liền trả lời: “Điều quan trọng không phải là ở cách phát âm của một từ ngữ, nhưng là có biết khiêm nhường và vâng phục hay không?”

Khi có người hỏi thánh nhân: “Làm thế nào để được cứu rỗi?” Thánh nhân liền trả lời: “Phải sống khiêm nhường.” Và đó cũng chính là con đường nên thánh của ngài.

Nhớ lại, thuở xưa khi đi rao giảng Tin Mừng, chính Đức Giêsu cũng đã vừa làm gương vừa khuyên bảo các môn đệ của Ngài là phải sống khiêm nhường: “Hãy học với tôi vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.” (Mt 11, 29) Thiên Chúa yêu thích những người có tâm hồn đơn sơ và sống khiêm tốn, dụ ngôn hai người lên đền thờ cầu nguyện minh chứng điều đó (x. Lc 18, 9-14). Chính vì thế cho nên, chỉ khi chúng ta thực hành được đời sống khiêm nhường thì chúng ta mới có thể làm đẹp lòng Chúa, như lời thánh Phêrô đã khẳng định: “Anh em hãy lấy đức khiêm nhường mà đối xử với nhau, vì Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường.” (1Pr 5, 5)

Sống theo lời Kinh Thánh chỉ dạy, thì mỗi Ki tô hữu cố gắng sống thi hành nhân đức khiêm nhường, lấy đó làm nhân đức nền tảng mà đối xử với nhau để trong gia đình hay cộng đoàn luôn có sự yên ấm, yêu thương và đoàn kết. Đó cũng là cách đề giới thiệu Chúa cho mọi người sống bên cạnh chúng ta.

Tác giả: Đa Minh Trần Văn Chính

Chi tiết