Người “bắt bớ” của Thiên Chúa
Nội dung
Người “bắt bớ” của Thiên Chúa
“Bà Miện mất rồi…”
“Kiếp phù sinh, tháng ngày vắn vỏi,
tươi thắm như cỏ nội hoa đồng,
một cơn gió thoảng là xong,
chốn xưa mình ở cũng không biết mình.” (Tv 103, 16-17).
Sự ra đi ở tuổi 79 thầm lặng như cuộc đời bà vậy. Bà Miện, người trông nom nhà thờ “vô thời hạn”, người “bắt bớ” của Thiên Chúa, người đã để cho Chúa ôm trọn cuộc đời mình.
Những cuộc gặp gỡ của hai bà cháu chỉ tính bằng phút nhưng cho tôi thật nhiều cảm nghiệm về lòng biết ơn, về tình yêu Thiên Chúa, tình yêu mà vốn dĩ đã luôn sẵn có từ muôn đời đang hiện diện và chỉ đợi tôi hay bất cứ ai kín múc.
Tôi nhớ như in tiếng cất kinh sang sảng của bà át cả tiếng các ông. Bà ở một mình, nhà cách nhà thờ một con ngõ, nên tôi hay gặp bà loanh quanh khi thì quét sân, nhổ cỏ đồi Hy Vọng, lúc thì nhặt nhạnh cho gọn gàng sạch sẽ nhà Chúa, tiện trông coi xem có đứa nào vào quậy hay không.
Đối với tôi bà là huyền thoại, bởi hễ nhắc tên bà Miện là đứa nào đứa đấy rén liền. Trên nhà thờ mà lén lút nói chuyện, quay ngang quay ngửa là ăn mấy cốc đầu; các cầu thủ nhí đang sung sức đá bóng mà thấy bà xuất hiện thì biết chắc sẽ bị chen ngang hoặc dừng giữa trận,… Bỗng dưng, bà trở thành nhân vật “canh giữ” mà người lớn kéo vào để dọa bọn trẻ…nghĩ cũng tội…nhưng bà chẳng buồn chi cả, còn tự xưng là “người bắt bớ” giùm Chúa.
Không giữ gì cho mình, bà chỉ một lòng giữ gìn Nhà Chúa và giữ cho linh hồn người khác. Bà thúc giục thiếu nhi đi nhà thờ, viếng Chúa, dạy cho mấy đứa biết cúi mình làm dấu, nhắc tụi nhỏ nhìn thấy rác biết nhặt bỏ vào thùng, bà là người “kéo” mấy cầu thủ nhí vào nhà nguyện Hy Vọng chầu Thánh Thể mỗi thứ Năm… Mắng vậy thôi nhưng hễ gặp bà lại chọc cho cười. Mải chơi thì bà nhắc đến giờ lên nhà thờ đọc kinh, quên không chào Chúa bà cũng nhắc… Tuổi thơ của tôi và của nhiều người đã gắn bó nơi nhà thờ, với hình ảnh bà như thế.
Không toan tính hơn thua, lòng chẳng nuôi hận thù, vậy sao lại quát mắng? Phải chăng, đó là cách bày tỏ tình thương “vụng về” của bà cụ thấy quay phim, chụp hình là ngại ngùng xua tay? Hình như càng thương càng chôn sâu trong lòng, sâu quá, lắm khi mấy đứa nhỏ vô tư mà cũng vô tâm không chạm đến được. Tình thương ấy cứ âm ỉ cho đến giờ lâm tử. Có lần bà bảo: “Không mắng tụi nó quậy, nhà thờ còn có Chúa mà con”; “Chúng nó mải mê lắm, không thúc là bỏ nhà thờ ngay”… Tôi thấy nỗi thao thức, bà đã đau đáu bên lòng “trách nhiệm cơi than” để ngọn lửa Tin và Yêu tiếp tục cháy. Cần mẫn, chất phác, chân thật với cái cách thương kỳ lạ, đó là những gì còn lại trong tôi về bà.
Ngỡ Ngàng. Hối tiếc. Suy tư. Thương nhớ. Biết bao cảm xúc trước sự ra đi đột ngột của bà, mọi nỗi niềm trào lên trong ngần ấy trái tim.
FC nhí dừng giữa trận, tất cả im thin thít nhìn nhau. Bao trùm sân bóng là sự trống vắng đầy ứ trong lòng đến nỗi phải thốt ra: “Giờ không có ai mắng bọn em nữa rồi!“ Phải chăng đó là những lời mắng mỏ “gây thương nhớ”? Hẳn là nhiều lúc thấy bà “phiền phức” thì giờ đây lại mong lại nhớ đến thế.
Những gì bên ngoài có thể qua đi, nhưng những gì đã đọng lại trong tim thì in dấu không phai mờ. Từ nay, người ta sẽ còn nhớ và nhắc tên:
Một con người mang đến cả sự phiền hà và niềm vui. Là người đang khi quát tụi nhỏ không lên Đồi, bỗng nghe cha kêu: “Lên trượt cỏ đi các con” thì lại cười xuề.
Một thợ gặt ngày ngày đi nhặt nhạnh, thu gom những tâm tư, lỗi lầm về cho Thiên Chúa, người chiều chiều đứng bên đồi Hy Vọng như lời mời gọi hãy đến bên thập giá với Đấng là Tình Yêu.
Một tâm hồn khiêm nhường, bé nhỏ. Chẳng tự ái khi được bố thí, bà vui vẻ đón nhận vì biết mình sống cậy nhờ vào lòng quảng đại của người khác.
Một cuộc đời âm thầm, dù cô đơn vẫn một lòng chính trực, một lòng tin tưởng cậy trông nơi Chúa. Luôn là người đầu tiên lên nhà thờ. Dành giờ riêng với Chúa, Đấng bà một lòng kính tin. Tôi quen dần với những tấm hình chụp bà từ đằng sau. Bóng lưng khom khom cúi mình lần chuỗi “Ngày nào ta cũng đọc 100 kinh cho cha nhà mình”. Bà lặng lẽ quỳ trước Chúa Giê-su Thánh Thể, hình ảnh đó khắc sâu trong tâm trí và trái tim tôi.
Quả thật, “Ân tình Chúa thiên thu vạn đại, dành cho kẻ nào hết dạ kính tôn” (Tv 102,15-17). Cả đến giờ sau hết, bà cũng chỉ có một mình, nhưng là mình bà với Thiên Chúa của bà. Sau khi viếng nhà thờ, chưa kịp ra khỏi cổng bà đã ngã gục. Đến lúc chết bà vẫn cô đơn, nhưng thật ra, bà đang được phúc không phải ai cũng được, đó là ơn giống Chúa Giê-su, Đấng đã chết một mình trên thập giá, Ngài đã đáp trả hận thù bằng một trái tim cao cả và hiến mình cho một tình yêu trọn vẹn.
Bà đi nhưng vẫn ở lại và hiện diện cách khác, gần gũi hơn, nồng ấm hơn và sâu sắc hơn. Sự ra đi của bà càng khiến tôi thấm thía hình ảnh “Bà là mẩu bánh quý giá còn sót lại trên chiếc bàn cuộc sống và vẫn có thể nuôi dưỡng chúng ta bằng một hương thơm mà ta đã đánh mất – hương thơm của Ký Ức”[1] để cảm tạ và biết ơn.
Tạ ơn Chúa về những điều kỳ diệu Ngài đã làm nơi cuộc đời bà. Chào bà nhé! Người “bắt bớ”, người nghèo bé nhỏ của Thiên Chúa. Hẹn gặp lại bà trên Quê Trời!
Theresa Gabriel
Cánh Hoa Nhỏ
[1] Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, Thánh lễ Ngày Thế giới Ông Bà và Người cao tuổi lần thứ nhất
Chi tiết
- Ngày: 20/08/2023
- Tác giả: Lm. Anmai