Nghe người khác nói hay nói cho người khác nghe
Nội dung
Đã bao giờ chúng ta tự đặt lại câu hỏi để định vị hướng tiến nghe nhìn cho mình: “Chúng ta đang chỉ một bề nghe theo người khác nói, hay nói cho người khác nghe”?
- NGHE NGƯỜI KHÁC NÓI.
Không xác định lập trường để có hướng sống nghe nhìn cho rõ ràng, chúng ta dễ rơi vào hạng người chỉ biết nghe theo người khác nói mà không có gì là chính mình. Trong mình chỉ là một sự rỗng tuếch với những thứ hỗn tạp ngày nào cũng vội vã gom về, chưa kịp chọn lựa ra.
- NÓI CHO NGƯỜI KHÁC NGHE.
Đã có hướng đi cho riêng mình. Lập trường, cương lĩnh đã được xác định. Chọn hướng tiến “Không chỉ nghe người khác nói, mà có ngày mình sẽ nói được cho người khác nghe”. Người này sẽ luôn học hỏi, trau dồi, xác định được hướng đi cho cuộc đời. Lấy đó làm cấu trúc, hằng ngày nghe, đọc, học đều có chọn lọc để bổ túc vào sườn bài ấy. Điều xấu của người khác sẽ là kinh nghiệm cho chính mình. Việc hay của mọi người, sẽ là điều mình học được mà không phải trải qua giai đoạn thử nghiệm, trả giá. Và còn nhiều điều hay sau đó nữa.
Cứ như thế thẳng tiến, bổ túc cho hướng đi của mình. Hằng nghe thấy hết mà không bị nhầm lẫn hoặc đồng hóa. Cho đến khi thành tựu, tùy thời tùy nghi để nói hoặc nghe tự tại, không cần phải suy tính trước. Với một người đang nói thì mình lặng lẽ lắng nghe. Nếu khi thấy cần thiết và nhân duyên cho phép thì mình nói, tích cực góp ý, cống hiến. Có những việc cần phải nói mới giải quyết tốt thì tự nhiên nói. Với nhiều việc chỉ có nghe sẽ giải quyết thành công hơn thì chúng ta làm thinh.
- NGHE NGƯỜI KHÁC NÓI, HAY NÓI CHO NGƯỜI KHÁC NGHE?
Nhất thiết phải nói, hay cố định phải nghe đều là lý thuyết, rập khuôn. Cuộc đời thì vô vàn biến đổi. Làm sao để xác định được bao giờ nên nói và khi nào phải lắng nghe? Có khi nói nhiều sẽ gây tranh cãi, làm thinh thì bị bảo là sống khép kín, bất hợp tác hoặc khinh khi. Phải làm sao? Không phải đem chuyện bài tập để đòi giải khi chưa học phép số căn bản. Vấn đề ở đây là cần xác định hướng đi cho mình. Hằng ngày trau dồi trí tuệ, lặng tâm nghe nhìn. Tập thiền để an định tâm. Có những khoảng lặng để nhận ra nhiều điều. Theo thời gian, khi tâm đã lặng, trí đã sáng, nói và nín đều không động tâm, trong ấy trí tuệ và định lực sẽ cho chúng ta biết một cách kịp thời, lúc nào nên nói, trường hợp nào phải lắng nghe để đưa đến hiệu quả tốt cho cuộc đời, chứ không còn đặt ra là phải nói hay phải nghe gì nữa.
Vậy hằng ngày thích lên mạng xã hội để tìm xem có gì mới lạ, là hạng người chỉ biết nghe người khác nói, hay nói cho người khác nghe? Đây là việc mỗi người cần phải tỉnh lại, có trí tuệ sáng ra, để tự trả lời cho hướng đi của đời mình bằng hành động cụ thể hằng ngày trong cuộc sống. st
Chi tiết
- Ngày: 10/05/2024
- Tác giả: Lm. Anmai