Nghe chuyện nào trước
Nội dung

 

 

Tôi sẽ kể cho bạn nghe hai mẩu chuyện. Một vui, một buồn. Bạn muốn nghe câu chuyện nào trước?

-  Vui trước?

-  Buồn trước?

-  Hay chuyện nào cũng được?

 

Tôi đã đặt vấn đề này tại một buổi nói chuyện. Có vị nói, sẽ nghe chuyện vui trước để duy trì niềm vui trước khi nghe chuyện buồn. Vị khác thì bảo, sẽ nghe chuyện buồn trước để chia sẻ với người kể. Một ý kiến khác thì cho rằng, chuyện nào trong đời cũng phải nghe, do đó nghe chuyện nào trước cũng được. Có vô vàn lý do khác nhau, nhưng chung quy lại không ra ngoài ba đáp án đã định sẵn: Vui trước, buồn trước và chuyện nào trước cũng được.

Mỗi người sẽ có một suy nghĩ và trả lời theo tâm trạng và cái nhìn của riêng mình cho nên sẽ đúng theo cách của từng vị. Nhưng nếu trả lời chỉ có thế thì cách nhìn vấn đề của chúng ta không xét tận cội nguồn để thấy biết tường tận và đầy đủ hơn. Cũng bởi một lý do, vừa nghe nói thì liền vội nghe theo rồi phán đoán, nhận định theo những gì đang diễn ra; quên tỉnh lại để nhìn cho thấu đáo mọi khía cạnh của vấn đề.

Một gợi ý thế này. Khi nghe hỏi như câu chuyện trên, chúng ta không cần vội nghe theo mệnh đề mà tỉnh tâm lại, nghe hết mọi vấn đề, nghe rất rõ, nhưng không phải vội vã nghe về, nghe theo vấn đề, cũng chẳng phải phớt lờ không nghe thấy. Chỉ là bình thường, cảm thông và nghe rất rõ ràng, rành mạch. Không những chỉ nghe mọi tình huống, sự việc đang xảy ra, mà suốt thông luôn cả khía cạnh: “Vì sao lại nói như thế?”. Đợi xong câu hỏi, chúng ta sẽ nhận ra và hỏi rõ mệnh đề:

Là bạn vì tôi, muốn kể cho tôi nghe; hay là vì bạn có vấn đề cần tâm sự với tôi? Nếu vì muốn tâm sự chia sẻ với tôi thì thấy câu chuyện nào tiện, bạn có thể kể trước, tôi đang sẵn sàng. Còn nếu vì tôi thì cuộc đời tôi không đơn thuần chỉ nằm trên những cân chuyện ấy, mà đã có hướng đi. Những mẩu chuyện bên đời chỉ để tham khảo, rút lấy kinh nghiệm và bổ túc thôi, cho nên mẩu chuyện nào cũng được.

Cuộc đời mỗi người nên có hướng đi rõ ràng và chắc chắn cho mình. Những câu chuyện trên mạng hoặc chung quanh chỉ có tính chất tham khảo. Chưa tốt sẽ cho ta rút lấy kinh nghiệm. Đã tốt sẽ bổ túc thêm. Có thế chúng ta mới an lòng để sống và phát triển, cuộc sống mới có được niềm vui. st

Chi tiết