NỀN TẢNG THẦN HỌC CỦA SỨ VỤ TRUYỀN GIÁO
Nội dung
NỀN TẢNG THẦN HỌC CỦA SỨ VỤ TRUYỀN GIÁO
A.DẪN NHẬP
Trong sắc lệnh về hoạt động truyền giáo, Giáo hội đã minh định: “Tự bản tính, Giáo hội lữ hành phải truyền giáo, vì chính Giáo hội bắt nguồn từ sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần theo ý định của Thiên Chúa Cha” (AG2). Thật vậy, cụm từ “truyền giáo” đã trở nên khá gần với mỗi Kitô hữu. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu thấu về nền tảng thần học của sứ vụ cao cả này. Chính vì vậy, dưới đây chúng ta làm nổi bật vấn đề “nền tảng thần học của sứ vụ truyền giáo”.
B.NỘI DUNG
Nền tảng thần học của sứ vụ truyền giáo của Giáo hội không gì khác chính là: nền tảng Ba Ngôi; Nền tảng về cứu độ và Kitô học truyền giáo; Nền tảng Thần Khí của sứ vụ truyền giáo; Nền tảng Giáo hội và sứ vụ truyền giáo.
I. Nền Tảng Ba Ngôi Của Sứ Mạng Truyền Giáo
Trước hết, ta có thể khẳng định rằng: cốt lõi của bản chất sứ vụ truyền giáo của Hội Thánh chính là Thiên Chúa Ba Ngôi. Chân lý này đã được Công Đồng Vatican II một lần nữa khẳng định lại trong sắc lệnh Ad Gentes số 2. Công đồng còn quảng diễn thêm: “ý định này tuôn trào từ suối tình yêu, nghĩa là từ tình yêu của Thiên Chúa Cha, Người là Nguyên Lý vô Nguyên Lý, bởi Người, Chúa Con được sinh ra, và cũng bởi Người và nhờ Chúa Con mà phát xuất Chúa Thánh Thần.” (x. AG 2).
Ở lãnh vực này, có hai lời giải thích ngắn gọn. Thuật ngữ “bản tính truyền giáo” ở đây được hiểu như là đồng nghĩa với cụm từ mang tính chất truyền giáo; và như thế, tính chất này là một cấu tố làm thành Giáo hội. Về thuật ngữ “nền tảng Ba Ngôi”, nó không chỉ bao gồm những sứ mạng của Thiên Chúa đối với bên ngoài (ad extra), nhưng còn và trên hết là toàn thể Ba Ngôi như là một hiệp thông các Ngôi vị (Ba Ngôi hằng hữu). Lời thứ nhất liên quan đến bản chất thừa sai của Giáo hội, lời thứ hai qui chiếu đến nền tảng Ba Ngôi. Chính Thiên Chúa Ba Ngôi là nguồn mạch và nguyên nhân ban đầu cho sứ mạng thừa sai của Giáo hội. Theo đó, ta có thể nói rằng, một mặt, giữa Giáo hội và bản chất truyền giáo của mình, và mặt khác, giữa Giáo hội và Thiên Chúa Ba Ngôi, có một mối liên hệ về bản thể. Nói cách khác, bản chất truyền giáo của Giáo hội tự bản thể lệ thuộc vào Ba Ngôi. Nền tảng này có thể hiểu, vừa trong tương quan với điểm xuất phát, nghĩa là cội nguồn, vừa trong tương quan với điểm đến, nghĩa là cùng đích của mình. Hầu đạt “Mục đích tối hậu của sứ mạng thừa sai là làm cho mọi người có khả năng chia sẻ trong sự hiệp thông giữa Chúa Cha và Chúa Con” (RM 23), ngài nhấn mạnh đến bản chất Ba Ngôi của sứ mạng Giáo hội, gắn liền với phép rửa” (RM 47).
Điều này không chỉ Giáo hội Công Giáo nhìn nhận mà ngay cả những tác giả ngoài Kitô Giáo cũng nhìn nhận như vậy. Đối với Giáo hội Chính Thống, “Chiều kích Ba Ngôi và Kitô không thể tách lìa nhau, bởi vì Giáo hội càng là Giáo hội của Chúa Kitô bao nhiêu thì càng là Giáo hội của Chúa Ba Ngôi bấy nhiêu, và ngược lại.” Về cội rễ và nguồn mạch của sứ mạng Giáo hội, W. Andersen nhận xét rằng điều nền tảng và quyết định cho thần học về truyền giáo ấy Ba Ngôi phải được nhìn nhận như là nguồn mạch và cội rễ của sứ mạng truyền giáo.
Như vậy, truyền giáo của Giáo hội, “dựa trên chính sứ mạng thừa sai của Thiên Chúa Ba Ngôi” (RM 1). Chính Thiên Chúa Ba Ngôi là nguồn mạch và cội rễ cho sự hiện hữu và sứ mạng thừa sai của Giáo hội (x. AG 2). Theo chiều hướng này, ta có thể nói rằng giữa Giáo hội và Thiên Chúa Ba Ngôi có một mối liên hệ về bản thể, hoặc Giáo hội là hình ảnh của Chúa Ba Ngôi.
II. Nền Tảng Về Cứu Độ Và Kitô Học Truyền Giáo
Ai đó đã nói: Truyền giáo khởi đi từ lệnh truyền của Chúa Giêsu và có mục đích mang lại ơn cứu độ cho mọi người. Nên ta chẳng lạ gì khi có nhận định: nội dung và phương pháp của Truyền giáo được quyết định bởi môn Kitô Học và Cứu Độ Học.
Tuy nhiên trên thực tế, truyền giáo dù là lệnh truyền của Chúa Giêsu, nhưng nó chưa bao giờ là dễ dàng. Ngược lại, hành trình đó là một hành trình trên đại dương mênh mông thường xuyên phải đối diện với bão tố và phong ba… thật vậy, cùng nói về Kitô học, nhưng có nhiều quan điểm khác nhau, nhiều giáo thuyết khác nhau và có khi cả mâu thuẫn với nhau. Mỗi quan điểm đó đều có những lập trường có khi là khách quan, có khi là chủ quan hầu mong học thuyết của mình, của nhóm mình được đón nhận.
Vấn đề đó trở thành vấn đề trung tâm về tranh luận sứ vụ để rồi đi đến kết luận. Sứ vụ Kitô giáo dựa vào niềm tin nơi Đức Giêsu Kitô. Đánh giá thấp hoặc loại bỏ sứ vụ Kitô giáo này đối với mục đích của Đa nguyên tôn giáo sẽ là một sự sai lạc để chối bỏ niềm tin về Đức Giêsu Kitô.
Quả thật, Niềm tin vào Chúa Kitô như là Đấng cứu độ phổ quát là nền tảng của Giáo hội. Sự chết cứu chuộc và sống lại của Đức Kitô có ý nghĩa phổ quát. Người đã ước mong nhiều “Dân Ngoại” vào “Vương Quốc” của Người (Mt 8,11; Lc 13,12). Ý nghĩa cứu chuộc phổ quát về sự chết của Đức Giêsu còn được ám chỉ trong nhiều đoạn Tin mừng và Tông đồ công vụ (Ga 5, 25).
Tất cả những điều đó làm nổi bật sự “chủ động” của Thiên Chúa. Đối với tất cả tôn giáo hữu thần, Thiên Chúa là nguồn của mọi ơn cứu độ. Thánh Công Đồng Vatican II đã tuyên bố:
“Điều nói trên đây không phải chỉ có giá trị cho các tín hữu nhưng cho tất cả những ai có thiện chí được ơn thánh hoạt động một cách vô hình trong tâm hồn. Thật vậy, vì Chúa Kitô đã chết cho mọi người và vì ơn gọi cuối cùng của con người thực ra là duy nhất, nghĩa là do Thiên Chúa, cho nên ta phải tin chắc rằng Chúa Thánh Thần cho mọi người khả năng tham dự vào mầu nhiệm phục sinh ấy, cách nào đó chỉ có Chúa biết thôi” (GS 22; RM 6, 10, 28).
Tóm lại, sứ vụ Kitô giáo, đối với nội dung lẫn phương pháp, đặt nền tảng trong sự am hiểu và niềm tin của Giáo hội vào Chúa Kitô như là Con Thiên Chúa, Người đã làm người, đã chết và đã sống lại để cứu độ nhân loại, và đã ban Chúa Thánh Thần cho các môn đệ. Thế nên, không thể có sứ vụ Kitô Giáo nào mà lại không có sự loan báo về Đức Giêsu Kitô. Hơn nữa, ơn cứu độ mà Đức Kitô mang lại không phải là “chính sách bảo hiểm” tôn giáo. Nhưng ơn cứu độ đó như là một sự duy nhất mang tính khách quan, chứ không phải chỉ mang tính chủ quan (Eph 4, 24).
III. Nền Tảng Thần Khí Của Sứ Vụ Truyền Giáo
Trong thông điệp “Sứ Vụ Đấng Cứu Thế” đã gọi Chúa Thánh Thần là tác nhân siêu việt và chính yếu của sứ vụ Giáo hội. Thật vậy, chương thứ ba với tựa đề “Chúa Thánh Thần và sứ vụ của Giáo hội” đã đề cập đến những nền tảng Thần khí của sứ vụ Kitô hữu. Thông điệp minh chứng rằng sứ vụ của Đức Giêsu Kitô luôn luôn liên kết với Chúa Thánh Thần (x. RM 36).
Lời quả quyết này của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đưa tới một hệ luận: nếu chỉ cậy dựa vào yếu tố nhân loại thôi thì công cuộc loan báo Tin mừng đã thất bại ngay từ trong trứng nước! Nó chẳng khác gì “dã tràng xe cát biển Đông”. Đây là những lý do đưa tới hệ luận trên:
+ Ý định của Thiên Chúa trong tạo dựng: Công thức tuyên tín Kitô hữu bắt đầu bằng lời tuyên xưng: tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần, là Thiên Chúa, Đấng ban sự sống. Người nhiệm xuất từ Chúa Cha và Chúa con… Người đã phán dạy qua các ngôn sứ. Công thức tuyên xưng này nảy sinh từ kinh nghiệm người Kitô hữu về Thiên Chúa như Thiên Chúa Ba Ngôi và cũng chính là nền tảng của tất cả niềm tin và hoạt động của người Kitô hữu.
+ Ý định của Thiên Chúa trong Cựu Ước: Trong Cựu Ước, nói rất nhiều về vai trò hoạt động của Chúa Thánh Thần (x. Ds 11, 16); (x. Ds 11, 17. 25-26); (x. Ds 11, 29), đó là cứu cánh của dân Israel. Niềm hy vọng và mục đích cuối cùng của dân Israel là sự lãnh nhận Thần Khí. Các Ngôn sứ trình bày nhiều về điểm này như Isaia, Giêrêmia, Êdêkien (x. Is 32, 15); (Is 44,3); (x. Gr 3131-34), (x. Ed 36, 26-27); (x. Ed 37,1-14) …
+ Chúa Kitô và Thánh Linh: một sứ vụ Thần Linh trong Tân Ước. Theo Tân Ước, Chúa Cha khởi đầu sứ vụ sai Chúa Con và Thần Khí (x. G1 4, 4-6). Các Giáo phụ khẳng định rằng: Thần Khí “đi trước, đồng hành và bước theo” Chúa Con trong sứ vụ trần thế: x. Ga 17, 24; 1Pr 1, 20; Kh 13, 8; Mt 25, 34; Ep 1, 4; Kh 17, 8) về vận mệnh vĩnh hằng của nhân loại.
+ Thần Khí và Nước Thiên Chúa: Toàn bộ sứ vụ của Đức Giêsu Kitô đều nhắm tới “Nước Thiên Chúa” hay vương triều của Thiên Chúa. Nhưng vương triều này được thiết lập chính bởi việc ban Thần Khí.
+ Thần Khí Và Sứ Vụ Của Giáo hội: Cũng như với Đức Giêsu Kitô, Thần Khí “đi trước, hành động và bước theo” Giáo hội trên đường sứ vụ. Thần Khí làm cho các Tông đồ trở thành những nhà truyền giáo, làm chứng cho sự Phục sinh của Đức Kitô (Ga 3, 33); (Mc 16,45; Rm 15,8).
+ Thần Khí Và Lịch Sử Nhân Loại: Hoạt động của Thần Khí không thể bị giới hạn vào mạc khải của Cựu Ước và Tân Ước, hay chỉ đóng khung trong Giáo hội mà thôi. Thật vậy, chắc chắn rằng Thần Khí hoạt động trong Giáo hội ở một mức độ đặc biệt nào, khi tất cả các Tông đồ ra đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng (Mc 16, 20); các đặc thù nơi Phaolô và Barnaba (Cv 13, 2-4).
Như vậy, Chúa Thánh Thần giữ vai trò chủ đạo trong toàn bộ sứ vụ của Giáo hội, đặc biệt sứ vụ Giáo hội trong hoạt động truyền giáo. Người chuẩn bị cho các Tông đồ và cộng đoàn những người truyền giáo đã được rửa tội. Người chuẩn bị cho sự loan báo Tin Mừng của Giáo hội qua việc gieo vãi và phát triển những ân huệ nơi tất cả các dân tộc, nơi nền văn hóa và tôn giáo của họ. Chính Thánh Thần là Đấng gieo vãi những “hạt giống của Lời” đang hiện diện nơi họ và chuẩn bị cho sự chín mùi của họ nơi Đức Giêsu Kitô.
IV. Nền Tảng Giáo Hội Học Của Truyền Giáo
Trong vấn đề này thiết nghĩ thật khó để tách rời giữa Giáo hội và Truyền giáo hoặc ngược lại. Quả thật, Công đồng Vaticanô II nhấn mạnh rằng: việc truyền giáo là bản chất tự nhiên của Giáo hội (AG 2). Bởi chính Chúa Giêsu đã sai Giáo hội tiếp tục sứ vụ của Ngài: Các con hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Thầy (Mt 28, 16-20). Vì thế, Giáo hội luôn luôn phục vụ cho sứ vụ này.
Sứ vụ ấy khởi đi trong việc phục vụ Nước Thiên Chúa. Quả thế, Nước Thiên Chúa và Triều Đại của Ngài là một chủ đề rất quen thuộc trong Kinh Thánh. Tin Mừng Nhất Lãm giới thiệu Nước Thiên Chúa như một chủ đề rao giảng của Chúa Kitô.
Từ chủ đề rao giảng đó, Giáo hội là “một Giáo hội Truyền giáo”. Điều này được chứng minh nơi cả bốn sách Tin Mừng và sách Công Vụ Tông Đồ khi đều ghi lại mệnh lệnh truyền giáo (x. Mt 28, 18-21; Mc 16, 15-16; Lc 24, 45-49; Ga 20-21; Cv 1, 8).
Khi thực hiện mệnh lệnh Truyền giáo đó, Giáo hội chắc chắn luôn luôn là một sứ vụ trong bản chất mang ý nghĩa đầy đủ và hiển nhiên của mình. Giáo hội biểu lộ sự phong phú thiêng liêng của mình trong việc sinh ra những Giáo hội mới, được gọi là “từ Giáo hội đến Giáo hội”. Điều này được áp dụng cho Giáo hội hoàn vũ và cả các Giáo hội địa phương nữa.
Việc thiết lập các cộng đoàn mới là cần thiết và quan trọng. Nhưng không bao giờ được phép quên rằng: Thiên Chúa muốn hiệp nhất nhân loại nên một trong một gia đình dựa trên khuôn mẫu Thiên Chúa Ba Ngôi. Giáo hội là dấu chỉ cho sự hiệp nhất này.
Dẫu vậy, ta không thể phủ nhận vai trò của Giáo hội địa phương. Nơi đó, các tín hữu có môi trường để tòn tại và phát triển. Để đúng với ơn gọi của mình, Giáo hội địa phương pahir hiện diện trong môi trường văn hoá riêng mình. Tính Công giáo của Giáo hội được thể hiện một cách đúng đắn trong việc làm cho mầu nhiệm Đức Giêsu Kitô hiện diện trong bối cảnh của mình. Giáo hội được Đức Kitô kêu gọi để làm cho mầu nhiệm cứu độ hiện diện trong bối cảnh văn hoá xã hội. Giáo họi phải thừa nhận nền văn hoá đó. Vì Giáo hội sống chiều kích truyền giáo.
C. TẠM KẾT
Tóm lại, dù muốn hay không Giáo hội cũng không đi ra khỏi sứ mệnh truyền giáo của mình được, vì nền tảng thần học của sứ vụ này được đặt nền trên chính những cột trụ quan trọng để nâng đỡ là: Chính Ba Ngôi, chính Chúa Kitô và công trình cứu độ, chính Thần Khí Chúa, và chính Giáo hội. Sứ mạng ấy dù khó khăn, dù chông gai, dù có bị bão táp đánh nhưng chúng ta luôn tin tưởng có sự nâng đỡ của Thiên Chúa Ba Ngôi vì ý muốn của Ngài là cứu độ mọi người. Chúng ta tin có sự đồng hành của Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần vì sứ mạng của các Ngài. Hơn thế, chúng ta nhớ lại lời Đức Giêsu đã khẳng định “Thầy sẽ xây hội Thánh của Thầy và quyền lực tử thần sẽ không thắng được” (Mt 16,18). Với tất cả những điều đó, chúng ta mạnh dạn sống theo lời mời của Đức Thánh Cha Phanxicô: “Tôi muốn có một Giáo hội bị bầm dập, bị tổn thương và dơ bẩn vì đã ở ngoài đường, còn hơn một Giáo hội bệnh hoạn vì đóng cửa và thanh nhàn bám víu vào sự an toàn riêng của mình”, có như thế cánh đồng truyền giáo mới phong phú, hầu kết trái là các linh hồn.
HT
Chi tiết
- Ngày: 27/10/2024
- Tác giả: linh muc Anton Maria Vũ Quốc Thịnh