MỘT DÂN TỘC MỚI
Nội dung

MỘT DÂN TỘC MỚI

Is 62:1-5; 1 Cor. 12:4-11; Gioan 2:1-11

Sau lễ Chúa Chịu Phép Rửa tuần trước, phụng vụ Chúa Nhật tuần này mở đầu với các bài đọc của tuần II mùa Thường Niên, để tiếp nối những gì Giáo Hội muốn giới thiệu về Chúa Giêsu trong các tuần của mùa Giáng Sinh.

Qua các bài đọc, chúng ta nhận thấy sứ mệnh cứu độ của Chúa Giêsu qua những biểu thị phi thường: trước hết là ngôi sao dẫn ba nhà đạo sĩ (magi) đến thờ lậy Hài Nhi Giêsu trong lễ Hiển Linh, rồi đến tiếng nói từ trời xác nhận Đức Giêsu là Con Yêu Dấu khi Người chịu phép rửa ở sông Giođan, và hôm nay, nước biến thành rượu ngon trong tiệc cưới Cana để nói lên bản tính Thiên Chúa của Đức Giêsu – Người có thể biến đổi điều tầm thường thành phi thường.

Trong Phúc Âm Gioan, những việc lạ lùng của Chúa Giêsu thi hành thì được thánh sử coi là các dấu chỉ, hay dấu hiệu, điều đó có nghĩa chúng ta đừng tập trung vào các việc lạ lùng này, nhưng hãy nhìn đến Đức Giêsu để tìm hiểu, để suy nghĩ và để nhận biết Người là ai.

Sự kiện nước hóa thành rượu là dấu chỉ lạ lùng đầu tiên trong Phúc Âm Gioan, và điểm đặc biệt là dấu chỉ này xảy ra trong một tiệc cưới. Đây là một chi tiết có ý nghĩa đặc biệt mà Giáo Hội đã giúp chúng ta hiểu qua bài đọc một hôm nay, trong đó Ngôn Sứ Isaia nói về dân Israel rằng, “Ngươi sẽ được Chúa đem lòng sủng ái, và Người kết hôn cùng xứ sở ngươi. Như chàng thanh niên lấy nàng trinh nữ, Đấng tác tạo ngươi sẽ cưới ngươi về. Như cô dâu làm hoan hỷ chú rể, ngươi cũng làm hoan hỷ Chúa Trời ngươi.”

Giáo Hội muốn chúng ta nhớ rằng mối tương giao giữa Thiên Chúa và tuyển dân thường được các ngôn sứ ví như một hôn nhân mà mở đầu là tiệc cưới giữa Thiên Chúa – là chàng rể, và tuyển dân – là nàng dâu.

Rượu trong tiệc cưới tiêu biểu cho sự nồng nàn, mật thiết của đôi tân hôn. Nhưng dân Do Thái thường phản bội. Họ chạy theo các tà thần. Họ phản bội lời thề và không còn trung thành với Thiên Chúa. Hình ảnh đó tương tự như tiệc cưới ở Cana đã hết rượu. Sự kiện đó ám chỉ rằng mối tương giao giữa Thiên Chúa và tuyển dân trở nên tẻ nhạt và có lẽ Thiên Chúa phải chọn một dân tộc khác để thực hiện chương trình cứu độ của mình. Hay nói khác, thời Cựu Ước đã qua và bây giờ là thời Tân Ước.

Điểm thú vị ở đây là nếu ngày xưa một phụ nữ đã mở ra chương trình cứu độ khi không vâng lời Thiên Chúa nên loài người phải đầy đọa và Thiên Chúa phải cứu chuộc thì chương trình cứu độ mới cũng được mở ra bởi một người nữ, đó là Đức Trinh Nữ Maria, người đã mở đầu giai đoạn mới với lời nhận xét, “Họ hết rượu rồi.” Tại sao Thánh Sử Gioan không để gia đình tổ chức tiệc cưới nói lên sự khó khăn này với Đức Giêsu mà lại là Đức Maria, một vị khách được mời?

Để trả lời câu hỏi này chúng ta phải nhớ đến biến cố Truyền Tin, trong đó, Đức Maria đã chấp nhận lời mời của Thiên Chúa để trở nên người mẹ của Đức Giêsu – Đấng Cứu Độ. Và như thế, khi để Đức Maria ngỏ lời yêu cầu Đức Giêsu can thiệp để có rượu mới, Thánh Sử Gioan ám chỉ rằng Đức Maria là người đầu tiên trong chương trình cứu độ mới chứ không phải ai khác.

Tương tự như Evà là mẹ của chúng sinh trong chương trình cứu độ cũ thì giờ đây Đức Maria là mẹ của một dân tộc mới – những người theo Chúa Kitô. Điểm này được các nhà thần học giải thích qua cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu và Đức Maria. Sau khi được Đức Maria cho biết là, “Họ hết rượu rồi,” Đức Giêsu nói với mẹ của mình, “Này bà, điều bà lưu tâm có ảnh hưởng gì đến tôi? Giờ của tôi chưa đến.”

Con cái xưng hô với mẹ là “Bà” thì ít khi thấy trong các nền văn hóa, nhưng Thánh Sử Gioan dùng chữ “bà” (woman) ở đây để nhấn mạnh đến vai trò làm mẹ của toàn thể nhân loại, giống như Evà ngày xưa cũng được sách Sáng Thế gọi là “bà” (woman).

Thánh Sử Gioan không bao giờ đề cập đích danh Đức Maria mà chỉ gọi là “mẹ của Đức Giêsu”, và chỉ có hai lần chữ “bà” (woman) được thánh sử dùng để ám chỉ Đức Maria: lần đầu trong tiệc cưới Cana và lần thứ hai trên đồi Canvê khi đứng dưới chân thập giá của Đức Giêsu, lúc bấy giờ Đức Giêsu sắp thở hơi cuối cùng nên đã trao mẹ của mình cho tông đồ Gioan chăm sóc với câu nói, “Này bà, đây là con của bà.”

Tổng hợp hai biến cố này lại chúng ta mới có thể hiểu được câu trả lời của Đức Giêsu, “Giờ của tôi chưa đến.”

Đức Maria là Evà mới, là mẹ của một dân tộc mới nhưng dân tộc ấy chưa thành hình cho đến khi máu và nước từ cạnh sườn của Đức Giêsu đổ ra trên thập giá. Nước để tẩy rửa con người khỏi tội lỗi, và máu để trở thành lương thực thần linh nuôi dưỡng các tín hữu Kitô trong bí tích Thánh Thể.

Khi trên thập giá, đó mới là giờ của Đức Giêsu (Ga 13:1). Đó mới là lúc Đức Giêsu thể hiện tình yêu của mình bằng sự hy sinh, bởi vì “không ai có tình yêu lớn hơn người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu” (Ga 15:13). Có thể nói, trong tiệc cưới này, Thánh Sử Gioan không đề cập gì đến cô dâu và chú rể để chúng ta hiểu rằng chính Đức Giêsu là “chàng rể” và “nàng dâu” là những người theo Chúa Kitô, và Chúa đã yêu thương hy sinh cho mọi người chúng ta đến giọt máu cuối cùng.

Chúng ta đang trong tuần lễ đầu tiên của một niên lịch phụng vụ mới, trong đó, Giáo Hội muốn giới thiệu với chúng ta về Chúa Giêsu. Có lẽ sự giới thiệu đó được coi là không cần thiết đối với những người đã là Công Giáo. Nhưng cũng như một niên lịch phụng vụ được bắt đầu hàng năm, chúng ta cũng được nhắc nhở lại về sự hiểu biết của chúng ta về đạo.

Trước những dấu hiệu lạ lùng của Chúa Giêsu, chúng ta có thực sự tin rằng Chúa Giêsu là người cứu chúng ta hay không? Câu trả lời dĩ nhiên là có, nhưng chúng ta thể hiện lòng tin đó như thế nào mới là điều quan trọng.

Con người, nói chung, thường gắn bó với mẹ của mình nên chúng ta cũng gắn bó với Mẹ Maria hơn Chúa Giêsu. Điều nguy hiểm là sự gắn bó ấy có thể khiến chúng ta sai lầm trong cách thờ phượng. Chúng ta coi Đức Mẹ cao hơn cả Chúa Giêsu. Nhiều người còn nghĩ rằng Đức Mẹ sinh ra Chúa Giêsu thì có quyền hơn cả Chúa, nên tại sao lại phải chạy đến Chúa?!

Giáo Hội Công Giáo dựa vào Kinh Thánh để phát triển sự hiểu biết về Thiên Chúa. Chúng ta dựa vào lời Chúa trong các Phúc Âm để biết cách sống đạo đúng đắn. Và trong các phúc âm, những lời nói của Đức Mẹ thì rất ít so với những giảng dậy của Chúa Giêsu. Ngoài những lời của Đức Mẹ nói với thiên thần trong biến cố Truyền Tin, và nói với Đức Giêsu khi tìm được con mình trong Đền Thờ, hôm nay, trong tiệc cưới Cana, Đức Mẹ nói với những người phục dịch những lời quan trọng – có thể coi đó là lời mà Đức Mẹ muốn nói với chúng ta – “Hãy thi hành bất cứ gì Người (Chúa) nói”.

Các gia nhân ngày xưa đã vâng lời Đức Mẹ dặn và họ đã thi hành điều Chúa nói là “Hãy đổ đầy nước vào các bình”. Kết quả là nước đã biến thành rượu ngon. Chúa Giêsu có thể biến những điều tầm thường thành phi thường. Tương tự, cuộc đời chúng ta cũng sẽ thêm hương vị, nhiều thích thú bất ngờ khi chúng ta vâng lời Đức Mẹ dặn dò, “Hãy thi hành bất cứ gì Chúa nói” trong các phúc âm.

Kitô Hữu là phần tử của một dân tộc mới, có Đức Maria là mẹ và Chúa Giêsu là Anh Cả để giúp chúng ta vượt qua những khó khăn trong đời sống và đạt được hạnh phúc sau cùng. Tuy nhiên, để có được vinh dự ấy, chúng ta phải chứng tỏ sự quyết tâm theo Chúa bằng những hy sinh theo gương Chúa Giêsu, nhất là hy sinh ý riêng của mình, để trung thành sống phúc âm và góp phần xây dựng một dân tộc mới của Thiên Chúa.

Chi tiết