Móng đỏ và định hướng …
Nội dung

MÓNG ĐỎ VÀ ĐỊNH HƯỚNG …

Chuẩn bị ăn sáng, thấy bàn tay con bé trọ học hôm nay có bàn tay khác khác. Tò mò bảo con bé xòe hai bàn tay ra thì 2 bàn tay đỏ choét …

Thì ra là tối qua, bọn nhóc rủ nhau làm … điệu.

Lát sau, Cha Xứ phát hiện ra và Cha cho ngay một bài nho nhỏ : “Ma nói cho mấy đứa nghe ! Sơn móng tay không phải là xấu. Về làng đi làm ruộng thì sơn đỏ để làm gì ? Mình phải biết suy nghĩ và chọn lựa cho việc mình làm chớ … Người ta làm công việc khác nhẹ nhàng người ta mới sơn, còn mình mình làm ruộng thì sơn làm gì ?”.

Dừng một lát, Cha coi “thành phẩm” và Cha nói tiếp : “Muốn sơn cho đẹp thì phải cắt cho gọn, dũa cho sạch.  Làm kiểu này xấu lắm !”.

Hình ảnh bàn tay móng đỏ nó cứ miên man trong đầu kèm theo biết bao nhiêu trăn trở nơi cái vùng nghèo này. Với người Kinh, đua đòi là đã khổ mà người đồng bào đua đòi nữa thì chả biết tương lai về đâu.

Móng đỏ chỉ là chuyện nhỏ với biết bao nhiêu vấn nạn ở cái vùng nghèo này.

Khổ nhất vẫn là vấn đề hội nhập văn hóa. Chuyện này đau đầu không chỉ ở người Kinh mà cả người đồng bào.

Người Kinh cần học biết văn hóa của Tây Phương cũng như các nước phát triển vùng phụ cận nhưng rồi không khéo thì sẽ thành văn hóa tả pí lù.

Ở cái vùng nghèo này, chuyện ngôn ngữ, chuyện hội nhập quả là điều đau đầu nhức óc chứ không phải giản đơn.

Chuyện đầu tiên có thể nói đến là ngôn ngữ. Đa phần, người đồng bào chỉ biết nói chứ không biết đọc và không biết viết. Lớp già thì miễn bàn và họ chỉ nói và nghe với nhau bằng tiếng của họ chứ không viết và đọc được. Lớp trẻ thì đi học phổ thông thì học bằng tiếng Kinh. Khi được đi học thì tâm lý mặc cảm không cho người khác biết mình là người đồng bào để đỡ xấu hổ. Đi học thì dùng tiếng Kinh và chúng nghĩ rằng ai nói tiếng Kinh giỏi thì đó mới là người giỏi.

Càng ngày càng gần người Kinh thì dĩ nhiên không tránh khỏi sự bắt chước. Trong làng, gia đình nào Kinh hóa nhiều nhất và nhanh nhất thì coi như là hơn người. Chính vì lẽ đó, cái văn hóa của đồng bào chả còn mà văn hóa Kinh cũng chẳng có.

Điều dĩ nhiên và dễ thấy nhất cũng như ảnh hưởng rõ nét ấy bao trùm lên đời sống tín ngưỡng, đạo đức.

Nếu như trước đây văn hóa làng bao nhiêu năm trời ôm ấp người đồng bào thì nay văn hóa đó vỡ ra. Và dĩ nhiên là đời sống tín ngưỡng đạo đức cũng bị tác động rất lớn.

Sẽ thiếu sót nếu không nói đến chuyện 3G, internet nơi bản làng. Những điều hay lẽ phải dường như khó nuốt hơn là những chuyện xập xí xập ngầu. Người Kinh chỉ lác đác vài người chia sẻ Lời Chúa hay những điều hay thì người dân tộc coi như không có. Người đồng bào lên mạng theo cách của họ và họ không chọn lựa.

Thật bất ngờ khi nhìn thấy trên các trang mạng ở vùng cao thiểu số này ngày hôm nay cũng không ít những văn hóa lạ lẫm nữa nạc nửa mỡ, nửa Tây nửa Ta.

Nhìn những bàn tay móng đỏ và những sinh hoạt thường ngày của những người nghèo ở đây sao đau quá. Chả biết tương lai của nhứa trẻ này sẽ đi về đâu khi cuộc đời cứ chơi vơi như thế này. Học xong Đại Học cũng chưa chắc có việc làm chứ đừng nói lớp 12. Rồi đây chúng sẽ ra sao khi rời xa nơi mà chúng được ăn học để về làng.

Nghĩ về những hội nghị những bàn tròn về chuyện truyền giáo, về lo cho những con người nghèo và bất hạnh này nó sao sao đó. Tùy mỗi nơi và mỗi thời và nhất là phải đến vày ở để ít là “ngửi” mùi của nhau. Không đơn giản để “ngửi” cũng như chịu và thấm được cái mùi khét ở cái vùng nghèo này đâu để mà nói. Có khi ham nói và vội nói quá hay ngồi máy lạnh để nói về một nơi nào đó mà có bản thân mình chưa đến ở thì thật là khó nói.

Cần và cần lắm đến, ở và hiện diện với họ chứ không phải là ngồi gõ bàn phím. Lại phải xin thêm ơn Chúa để mới có thể ợ và hội nhập với họ chứ không phải là ngày 1 ngày 2. Chuyện để hiểu văn hóa và ở cùng với những người khác tính khác nết khó đến mức nào. Và như thế, để ở với người khác dân tộc nữa thì cần phải hàng năm và chục năm và có khi cả đời.

Một người bỏ xứ sở của mình để đến ở một đất nước khác hơn chục năm trời và tốn biết bao nhiêu công sức nhưng hoàn toàn “tay trắng”. Người đó đã cố gắng biết ngôn ngữ, biết và ăn được thức ăn của những người mà mình đến nhưng thất vọng ê chề.

Lại càng thêm trăn trở khi lực bất tòng tâm cũng như không có khả năng bằng những vị tiền bối. Thôi thì cứ lần mò và phó thác để đi thôi. Tương lai cứ trao vào tay của người “Chủ Lò Gốm” chứ hơi đâu mà bận tâm.

Thương lắm mấy đứa móng đỏ ơi !

Thương lắm những người nghèo chân lấm tay bùn ơi !

 

 

 

 

#
MP3
Chi tiết