Lòng mục tử giữa mùa đại dịch
Nội dung

LÒNG MỤC TỬ GIỮA CƠN ĐẠI DỊCH

          Với người thường chưa phải là Kitô hữu, chuyện giãn cách xã hội đã là khổ vì dừng biết bao nhiêu sinh hoạt. Với những ai mang trong mình dấu ấn Kitô hữu thì trở ngại lớn nhất có lẽ là việc phụng tự hay nói chính xác hơn đó chính là Thánh Lễ. Rất đơn giản là vì "người ta sống không nhờ cơm bánh mà nhờ Lời từ miệng Thiên Chúa phán ra". Lời Chúa được chia sẻ, được giảng giải qua linh mục và nhất là lương thực Thánh Thiêng đến từ Bí tích Thánh Thể.

          Thánh Lễ chính là trung tâm điểm của đời sống Kitô hữu bởi lẽ trong Thánh Lễ, với Thánh Lễ và qua Thánh Lễ, người Kitô hữu được kết hiệp hữu hiệu nhất với Chúa Giêsu Thánh Thể. Giãn cách xã hội chắc chắn sinh hoạt tôn giáo cũng bị hạn chế và đó là điều hiển nhiên để bảo vệ sức khỏe, bảo vệ nhân mạng của con người.

          Với lần "trở lại và lợi hại hơn xưa" của Corona Virus thì ta nhận thấy việc mục vụ, việc lo Thánh Lễ cho cộng đoàn dân Chúa có phần uyển chuyển hơn, có phần linh động hơn và nhất là có tình hơn cạnh cái lý.

          Nhìn vào giờ Thánh Lễ nhiều giáo xứ thì ta chợt nhận thấy có ít là giáo xứ Thị Nghè và giáo xứ Tân Phú và một số giáo xứ nữa thuộc Tổng Giáo Phận Sài Gòn là những giáo xứ linh động hơn trong việc cử hành Thánh Lễ. Đúng với luật giãn cách xã hội, Thánh Lễ ngày thường được trải dài từ 5 giờ sáng đến 8 giờ tối để thuận tiện giờ giấc cho mọi người cũng như giữ đúng khoảng cách khi tham dự Thánh Lễ.

          Tuyệt vời ! Phải chăng đây là cố gắng của các mục tử vì con chiên.

          Cạnh đó, nếu để ý, ta lại bắt gặp một Giáo Phận xem chừng là khép kín về nhiều khoản luật và được xem là cứng ngắt về luật đồng tế, luật dự tiệc cưới không cử hành Bí Tích Hôn Phối ... nhưng lại mở ra với Thánh Lễ.

          Thông báo được đưa ra cực dễ thương : "Đức Cha khuyến khích các cha xứ dâng Thánh Lễ trực tuyến cho giáo dân giáo xứ của mình".

          Xem ra thông báo này gợi lên rất nhiều tâm tình. Trước tiên là linh mục Chính Xứ vẫn thi hành sứ vụ của mình hàng ngày và nhất là phải ... soạn bài giảng nghiêm chỉnh. Nếu như dâng Lễ một mình hay với vài người thì dĩ nhiên bài giảng sẽ thu gọn chứ không tròn đầy khi có cộng đồng dân Chúa tham dự. Tiếp đến, điều mà tôi nghĩ hay nhất đó chính là kèm theo bài giảng thì giáo xứ như một gia đình Hội Thánh thu nhỏ nên cũng cần có những thông tin trong gia đình giáo xứ như an táng, giỗ, hôn phối, rửa tội trẻ con ... Có khi có những thông báo đến từ Đức Giám Mục Giáo Phận nhưng rồi gửi thông báo như thế nào đây nếu như trong xứ không có phần trực tuyến.

          Những điều này cần và rất cần gửi đến các gia đình Công Giáo vì lẽ nếu như không có Thánh Lễ trực tuyến của giáo xứ nơi mình tham dự thì e rằng trong giáo xứ của mình có chuyện gì đó chẳng ai biết được. Chẳng lẽ phải có người đi đến từng nhà để thông báo những thông tin của Giáo Xứ. Và có lẽ tốt nhất vẫn là sau phần Hiệp Lễ, cộng đoàn dân Chúa trong xứ được nghe lời của Chủ Chăn.

          Tưởng nghĩ rằng trong bối cảnh khó khăn, trong hoàn cảnh giãn cách xã hội như thế này thì Giáo Phận và Giáo Xứ nên chăng uyển chuyển như một số Giáo Xứ hay Giáo Phận Xuân Lộc đã tiến hành. Có như thế thì bầu khí sinh hoạt phụng vụ trong Giáo Xứ và Giáo Phận không bị xáo trộn và không bị giới hạn về thời gian và không gian nữa. Và cũng tưởng nghĩ không cần thiết "chế tài" rằng phải dự Lễ trực tuyến chỗ này chỗ kia bởi lẽ mỗi nơi có sự phong phú riêng của nơi đó kể cả thời gian phù hợp hơn với mỗi người và mỗi gia đình. Lễ nơi này có thể không phù hợp với cá nhân hay gia đình thì cá nhân hay gia đình có thể chọn nơi khác miễn sao không bỏ Lễ là được.

          Những ước mong chuyện tăng giờ Thánh Lễ hay tăng Thánh Lễ do chính Cha Xứ cử hành trự tuyến để cho cộng đoàn dân Chúa có thể đến trực tiếp với Thánh Lễ hay ít là có thể nghe những thông tin từ Giáo Xứ để ngày mỗi ngày sự hiệp thông, hiệp nhất vẫn quy tụ mọi người với nhau nên một với Chúa và trong Chúa qua linh mục Chánh Xứ, qua Giám Mục Giáo Phận của mình.

#
MP3
Chi tiết