Lời xin lỗi chân thành
Nội dung
Lời xin lỗi chân thành
Về chủ đề chuyện buồn gia đình, nhiều chia sẻ có vẻ “vụn” nhưng nhận được sự đồng cảm của mọi người:
Một bạn gái có cha nóng tính, nghiện rượu và… có võ. Mỗi lần rượu vào, ông đều lôi vợ con ra chửi bới, “thượng cẳng chân hạ cẳng tay”. Khi tỉnh táo lại, ông toàn đổ thừa “tại xỉn quá, có nhớ gì đâu” nên chẳng cần xin lỗi, thậm chí không thèm tỏ thái độ ăn năn. Vào một đêm nọ, bị bố vác gậy đuổi đánh, trong cơn quẫn bách, bạn đã chạy vào bếp, lôi con dao dứ về phía ông để “phòng vệ chính đáng”. Từ đó, ông “ghim” vụ này, thường xuyên mắng mỏ, dằn vặt, kết tội “đồ bất hiếu”, đòi con gái phải chuộc lỗi và đền bù tổn thương tinh thần cho ông. Chứng tỏ ông chỉ “mất trí nhớ có chọn lọc”.
Nhân dịp nghỉ hè, hai mẹ con nhà kia về thăm quê ngoại, được bác cả - chị lớn của người mẹ - mời đến tư gia, vừa quây quần, đầm ấm vừa đỡ tốn tiền khách sạn. Bác cả tốt tính nhưng “khẩu xà tâm Phật”. Yên ổn được vài ngày, trúng hôm bác khó ở, giận con, bực hàng xóm…, nên mắng chồng xơi xơi; tiện thể trút giận lên đứa em ngay trước mặt cháu nhỏ. Đêm đó, người em nằm khóc thầm, con cô phải dỗ dành mẹ. Chuyến thăm quê “đang vui thì đứt dây đàn”. Sáng hôm sau cũng là lúc hai mẹ con về lại thành phố. Bác cả biết mình sai nhưng sĩ nên tránh mặt, không ra tiễn. Mãi tới lúc gia đình người em về nhà, bác cả vẫn không gọi điện hỏi han như lệ thường. Thật may, cô em đã “mở đường” cho chị bằng cách khuyên con gọi điện báo tin, trò chuyện tự nhiên như không. Vậy là bác cả thấy nhẹ cả lòng, cảm thấy chẳng cần xin lỗi gì nữa.
Có bạn nhân viên mới đi làm trong công ty, bị cấp trên khiển trách nặng nề. Ít lâu sau, sếp biết mình nhầm và bạn được giải oan. Dù sếp đã xin lỗi rất hoa mỹ và “văn vở” đến mức không bình thường nhưng bạn không hề nhẹ lòng vì nhận ra sự hạ cố, giả tạo trong lời xin lỗi ấy. Đồng nghiệp bảo: “Sếp đã xin lỗi rồi, hãy xóa hết và coi như chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không”. Họ không cho bạn cái quyền nghi ngờ lời xin lỗi ấy có chân thành hay không, chỉ cần biết “người ta đã xin lỗi rồi thì mình không được thế này thế kia, phải cười, chào, hỏi thăm”. Tập thể xúm lại tạo áp lực vô hình lên bạn, nếu bạn vẫn để bụng thì chẳng khác nào từ nạn nhân trở thành kẻ nhỏ mọn, xấu tính. Nhưng bạn thừa biết sếp chẳng thật lòng nhận lỗi, chỉ muốn tỏ ra mình là người thấu tình đạt lý. Thái độ đó làm bạn nhớ lại câu “Xin lỗi, được chưa?” từng là hot trend năm 2021.
*
Lại nhớ về mẩu chuyện trong “Đại Việt sử ký toàn thư”: Linh Từ quốc mẫu - vợ Thái sư Trần Thủ Độ - ngồi kiệu đi qua thềm cấm, bị quân hiệu ngăn lại, về dinh khóc với chồng: “Mụ này làm vợ ông, mà bị bọn quân hiệu khinh nhờn đến thế”. Ông tức giận, sai đi bắt. Người quân hiệu nghĩ mình chắc chết. Khi Thủ Độ vặn hỏi trước mặt, người này cứ kể lại đúng sự thật. Nghe xong, ông phán: “Ngươi ở chức thấp mà biết giữ phép như thế, ta còn trách gì nữa!”, sau đó ban thưởng vàng lụa rồi cho về.
Vào thời Trần, lính quân hiệu là chức vụ rất nhỏ bé trong quân đội. Trong khi đó, Trần Thủ Độ đang là Thái sư đương triều, quyền lực vô cùng lớn. Vậy mà ông chẳng hề cậy thế vội vàng phán xét và trừng phạt một người lính quèn, lại còn ban thưởng vì anh đã giữ vững luật lệ dù gặp phải hoàng thân quốc thích. Số vàng lụa đó cũng là lời tạ lỗi ngầm thay cho vợ, một lời tạ lỗi khéo léo và chân thành.
Thông thường, lời xin lỗi có vẻ dễ dàng với người ở vai dưới và yếu thế hơn. Ngược lại, chẳng mấy ai dám hạ sĩ diện xuống để xin lỗi người “dưới cơ” mình. Trong phim hoạt hình “Gấu đỏ biến hình” (2022) của Pixar, nữ chính là một cô bé 13 tuổi người Canada gốc Hoa, có khả năng biến thành gấu trúc đỏ mỗi lần rơi vào trạng thái cảm xúc mạnh. Khi công chiếu, phim được đông đảo khán giả yêu thích và khen ngợi. Một số khán giả châu Á đùa rằng phim đã làm sai một chi tiết nhỏ khi để mẹ của nữ chính, một bà mẹ người Hoa, xin lỗi con gái. Bởi đa phần phụ huynh châu Á không bao giờ làm thế, dù họ biết mình sai.
Có lẽ vì vậy mới có câu nhận định: “Người xin lỗi đầu tiên là người dũng cảm nhất. Người tha thứ đầu tiên là người kiên cường nhất. Người từ bỏ đầu tiên là người hạnh phúc nhất”.
Ths-Bs Lan Hải
Chi tiết
- Ngày: 29/01/2024
- Tác giả: Lm. Anmai