Lời mời gọi của Lễ Hiển Linh
Nội dung

LỜI MỜI GỌI CỦA LỄ HIỂN LINH

Ngày 25 tháng 2 năm 1758, một trong những kẻ thù ghét Kitô giáo nhất là Voltaire, đã viết cho người bạn của ông là d’Alembert: “Hai mươi năm nữa thì Thiên Chúa sẽ tiêu tan.”

Đúng hai mươi năm sau, ngày 25 tháng 2, 1778, bác sỹ của Voltaire cho ông biết là bệnh tình của ông hoàn toàn tuyệt vọng. Voltaire xin gọi linh mục đến. Nhưng những người chăm sóc cho ông toàn là những người chống đạo; họ đã không làm theo lời yêu cầu của ông. Ông đã kêu rú lên và tắt thở.

Nếu bạn đến thăm biệt thự Frederick I ở ngoại ô Berlin, bạn sẽ thấy căn phòng của Voltaire. Đây là một con người đã dùng những ngày đẹp nhất của đời mình trong nỗ lực chứng minh là không có Thiên Chúa. Bạn sẽ thấy những di tích ông để lại trong phòng. Bạn có thể đặt câu hỏi, ông ta sẽ nói gì giả như bây giờ ông ta có thể nói thêm một điều từ chiếc ghế cũ trong căn phòng đó.

Rồi bạn qua Paris và nhìn xem căn nhà mà một thời con người bất trung đó đã sống. Không còn dấu tích gì nhớ đến Voltaire. Khi còn sống Voltaire đã tiên đoán là sau một trăm năm nữa thì sách Kinh Thánh sẽ không còn tồn tại. Căn nhà đó bây giờ chất đầy những cuốn sách Kinh Thánh. Còn Voltaire đã biến mất khỏi mặt đất này (Treasury of Catechism Stories #15).

Mỗi người chúng ta được trao ban một cuộc sống. Mọi người Công Giáo đều học biết là mục đích của đời sống mỗi người là nhận biết, yêu mến và phụng sự Thiên Chúa và phục vụ nhau ở đời này và được hưởng hạnh phúc đời đời với Thiên Chúa. Giáo lý Công Giáo số 49 xác nhận, “Tạo vật không có Đấng Tạo Hóa sẽ tàn lụi. Bởi vậy các tín hữu thấy mình bị thúc bách bởi tình yêu Chúa Kitô hãy mang ánh sáng của Thiên Chúa hằng sống đến cho những người không biết Người hoặc từ chối Người.”

Khi mừng Lễ Hiển Linh Giáo Hội kêu mời chúng ta chiêm ngắm, nhìn nhận và tôn thờ Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa nhập thể làm người. Người đến để soi dẫn chúng ta cùng hành trình với Người trên con đường dẫn đế sự sống đời đời với Thiên Chúa.

Ý Nghĩa Hiển Linh

Ngôn Sứ Isaiah trong bài đọc thứ nhất công bố rằng Thiên Chúa sẽ xuất hiện cách rõ ràng sáng tỏ. Vinh quang của Thiên Chúa sẽ xuất hiện và chư dân sẽ tìm về sự sáng. Tất cả sẽ tuyên rao lời ca ngợi Chúa. Bài trích thư gởi tín hữu Ephêsô trong bài đọc hai xác nhận rằng những lời tiên tri và mặc khải của Thiên Chúa đã được thực hiện nơi Đức Giêsu Kitô. Người là nguyên nhân cho sự đoàn kết hợp nhất của mọi dân tộc. Bài Phúc âm kể lại câu truyện ba nhà Đạo sỹ từ Đông phương nhận ra ngôi sao lạ, và họ đã tìm đến Giêrusalem hỏi thăm, “Vua người Do Thái mới sinh ra hiện đang ở đâu?” Họ đã tìm đến để thờ lạy tôn phục và dâng lên Người lễ vật của họ bởi vì họ đã lâu ngày dầy công tìm hiểu và họ nhận ra danh tánh của Hài Nhi Giêsu nơi Bethlehem là ai.

Thiên Chúa Hiện Diện

Văn hóa thời xưa nhận ra Thiên Chúa và quyền lực của Người qua thiên nhiên, nơi bão gió, sắm sét, mặt trời, mặt trăng và tinh tú sao trời, cây cối cổ thụ, sông núi biển khơi. Nhiều nơi tôn thờ thần núi, thần sông, thần cây, thần cá, thần đá... Những người Hy Lạp và La mã cổ xưa tìm Thiên Chúa qua những huyền bí và những giấc mơ thần tiên. Văn hóa Đông phương tìm Thiên Chúa qua năng lực của tâm lý linh thiêng nơi con người, và qua vận mệnh tướng số. Người Do Thái tôn thờ một Thiên Chúa qua lịch sử của dân tộc. Và từ Do Thái Giáo, Kitô giáo trở nên một tôn giáo có đặc tính riêng tin tưởng rằng Thiên Chúa đã bày tỏ chính Người qua việc Đức Giêsu Kitô sinh hạ làm người. Qua nhiều thời đại, con người đã suy nghĩ tìm hiểu lý do và ý nghĩa của việc Con Thiên Chúa xuống thế làm người. Nhưng Mầu nhiệm Đức Giêsu Con Thiên Chúa xuống thế làm người chỉ có thể hiểu được qua lăng kính tình yêu. Đức Giêsu Kitô là dấu chứng của tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại. Người thương yêu nhân loại và Người xuống thế làm người để cứu nhân loại.

Thấy Hài Nhi

Khi những nhà đạo sỹ đến Bethlehem và nhìn thấy Hài Nhi Giêsu, chắc hẳn họ đã không nhìn thấy một em bé có hào quang lộng lẫy và ánh sáng tỏa chiếu khác thường để nói cho họ biết đó là Vua trời đất và là Con Thiên Chúa. Trái lại bằng con mắt nhân loại, họ cũng chỉ nhìn thấy Chúa Giêsu Hài Đồng như một em bé đơn sơ yếu đuối, bọc trong khăn nằm trong máng cỏ. Họ chỉ nhận ra Hài nhi Giêsu là Con Thiên Chúa, là ánh sáng thế gian nhờ con mắt của đức tin.

Chúng ta có liên hệ gần gũi thật đẹp với những nhà Đạo Sỹ. Chúng ta là những người ở các thế hệ sau vẫn tiếp tục trong cuộc hành trình đức tin đi tìm gặp Đấng Cứu thế. Từ đâu đó lóe lên trong chúng ta một sự hiểu biết và một ước muốn đi tìm chân lý. Chúng ta cũng là những người đang nhìn và bước đi trong ánh sáng đức tin trong mọi nẻo đường của cuộc đời, khi vui cũng như khi buồn, khi cô đơn đau khổ cũng như lúc hạnh phúc vui tươi; khi thành công cũng như lúc thất bại; khi khỏe mạnh cũng như lúc yếu đau. Kitô hữu là những nhà đạo sỹ, những người khôn ngoan của thời đại đi tìm gặp Đấng Cứu Thế và làm sáng tỏ sự hiện diện của Người trong thế giới. Chúng ta có vai trò phải đóng và nghĩa vụ phải chu toàn; đó là làm sáng tỏ sự hiện diện của Thiên Chúa trong mọi nẻo đường của cuộc sống bằng cách luôn biết tìm hiểu và đón nhận Ngôi Lời của Thiên Chúa. Thiên Chúa cần sự cộng tác của chúng ta để tiếp tục công việc của Người. Thêm vào đó, những nhà Đạo Sỹ khôn ngoan đã không đến gặp Chúa với đôi bàn tay trống rỗng, nhưng họ đã đến với những lễ vật đặc biệt quý giá biểu tượng cho sự dấn thân và quy phục của họ đối với Con Thiên Chúa. Chúng ta cũng có thể dâng lên Thiên Chúa lễ vật bằng sự dấn thân hy sinh của chính chúng ta và những sản vật do tay chân và công sức của chúng ta để nói lên sự quy phục đối với Đức Kitô Đấng Cứu Thế của chúng ta.

Ngày đầu năm, sau khi dâng lễ kính Mẹ Thiên Chúa và trở về nhà xứ, tôi mở cửa bước vào thì chợt nhìn thấy một phong thư để ngay trên cửa. Mở phong thư ra tôi vui mừng và ngạc nhiên nhận được một ngân phiếu của một gia đình với hàng chữ, “Thưa cha, gia đình chúng con xin dâng $10,000 vào qũy xây cất thánh đường.” Tôi đã âm thầm cảm tạ Thiên Chúa và cảm phục lòng tin và tinh thần hy sinh quảng đại của người giáo dân. Tôi cũng phải tự xét mình xem tôi đã và đang dâng những gì cho Thiên Chúa và cho Giáo Hội của Người?

Lời Mời Gọi của Lễ Hiển Linh

Do đó, Lễ Hiển Linh không phải là chỉ là lễ nói lên tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại mà thôi; trái lại lễ Hiển Linh cũng còn là một lời mời gọi chúng ta đến với Thiên Chúa để bái phục Người. Đến với Thiên Chúa để dâng lên Người những lễ vật của đời chúng ta. Lễ hiển linh cũng mời gọi chúng ta ra đi mang tin mừng và chiếu tỏa tình yêu của Thiên Chúa cho thế giới. Là con cái của Thiên Chúa và là anh chị em của Đức Giêsu, chúng ta được kêu gọi trở nên chính sự bày tỏ của tình yêu Thiên Chúa. Thiên Chúa là Tình yêu. Do đó bằng một cách nào đó, tất cả mọi tình yêu đều bày tỏ Thiên Chúa. Đây chính là lý do và ý nghĩa làm Kitô hữu: Bày tỏ sự hiện diện của Thiên Chúa qua việc chúng ta dấn thân quyết tâm sống yêu thương. Thiên Chúa vẫn luôn luôn vô hình cho tới khi được chúng ta bày tỏ Người qua những cử chỉ và lối sống yêu thương của chúng ta đối với nhau.

Chi tiết