“Linh đạo đóng vai trò chất đốt trong Hoạt Động Sinh Thái”
Nội dung
La Croix : Tại sao linh đạo sinh thái lại đặt ra vấn đề về đạo đức Kitô giáo?
Fabien Revol: Linh đạo sinh thái là một lĩnh vực rất rộng lớn, vượt ra ngoài các vấn đề Kitô giáo nhưng chúng tôi đã chọn tập trung vào cách tiếp cận Kitô giáo để cung cấp các công cụ, hiểu chúng ta đến từ đâu và cách định vị bản thân trước các nền linh đạo mới.
Trong thông điệp Laudato si’ (2015) của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi phát triển linh đạo Kitô giáo dẫn đến hệ sinh thái toàn diện. Cuộc hội thảo muốn đáp lại lời kêu gọi này của Đức Thánh Cha: một mặt, hiểu được nguồn gốc của hệ sinh thái này bằng cách cung cấp cho nó những nền tảng thần học; mặt khác, biết những đề xuất đã có để đáp lại lời kêu gọi này.
La Croix : Nhiều nền linh đạo nổi lên từ sự phát triển nền sinh thái, tại sao?
Fabien Revol: Linh đạo đóng vai trò chất đốt trong hành động sinh thái, nó là nơi dự trữ ý nghĩa. Nó làm cho sự dấn thân ăn sâu vào thời gian, bởi vì người tín hữu biết lý do tại sao họ hành động.
Sự chuyển động hướng tới sinh thái gắn liền với một sự chuyển tiếp nội tâm nào đó. Nhưng điều này vẫn chưa đủ, phải có một chuyển động hướng tới những gì vượt ra ngoài cá nhân và bao trùm toàn bộ công trình Sáng tạo. Những nền linh đạo mới này quan niệm một mối tương quan với siêu việt, vốn vượt ra ngoài khuôn khổ của các truyền thống tôn giáo khác nhau.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của các nền linh đạo về công trình Sáng tạo này là một tin tốt cho các Kitô hữu. Họ có thể coi đó là sự giúp đỡ để tìm thấy lại mối quan hệ đúng đắn với thiên nhiên. Điều này mở ra những viễn cảnh, cung cấp những nguồn lực nuôi dưỡng những cách tiếp cận tâm linh khác.
La Croix : Tại sao, bất chấp lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô và sự dấn thân của Giáo hội, lại có sự phản kháng từ một số tín hữu đối với hệ sinh thái?
Fabien Revol: Chúng ta là những người thừa kế của ba thế kỷ hiện đại, trong đó con người thực hiện trên thiên nhiên một mối quan hệ thống trị, một sự nô lệ hóa phần còn lại của công trình Tạo hóa. Nhận thức về thiên nhiên như một khối dự trữ tài nguyên là một phát minh của thời hiện đại. Kitô giáo từ lâu đã bảo đảm cho khái niệm này. Chúng ta đã rời xa thiên nhiên một cách đáng kể. Đây là lý do tại sao phải có cả một công việc để phân chiết quan niệm về mối quan hệ của chúng ta với thiên nhiên này, vốn đã trở nên trầm lắng qua nhiều năm. Đó không phải là dễ dàng.
La Croix: Tại sao một số Kitô hữu ngập ngừng do dự với các nền linh đạo gắn liền với sinh thái?
Fabien Revol: Nỗi sợ hãi to lớn của những Kitô hữu này khi đối mặt với sinh thái học, đó là chủ nghĩa phiếm thần, nghĩa là sự kiện nhầm lẫn giữa Thiên Chúa và công trình Sáng tạo. Thách đố của đức tin Kitô giáo hệ tại việc tìm thấy Thiên Chúa trong thiên nhiên, hiện diện mật thiết trong công trình Sáng tạo của Người, mà nó không trở thành nguyên lý của nó.
Ngoài ra, một số Kitô hữu do dự với sinh thái học vì họ thấy ở đó sự giảm thiểu con người so với các thụ tạo khác. Tuy nhiên, đây là những vấn đề sai lầm vốn tìm được sự giải quyết của chúng trong mô hình sinh thái toàn diện.
La Croix: Có sự đối thoại giữa các nền linh đạo khác nhau xung quanh hệ sinh thái không?
Fabien Revol: Các thành viên của các nền linh đạo không được thể chế hóa lo sợ đặc tính tuyệt đối của các tôn giáo truyền thống. Họ sợ rằng các truyền thống này muốn áp đặt đức tin của các truyền thống này lên họ và không có sự cởi mở để thảo luận. Đức Thánh Cha nhấn mạnh vào cuộc đối thoại “của các” nền linh đạo. Điều quan trọng là chúng ta phải duy trì đối thoại, các Kitô hữu tham gia vào phong trào sinh thái mà không cô lập mình với các nền linh đạo khác.
Nhận thức về sự tương tùy giữa các thụ tạo là một chủ đề quy tụ các tôn giáo khác nhau và các nền linh đạo mới. Đó là điểm gặp gỡ và là nguồn cảm hứng để cùng nhau giải quyết vấn đề về vị trí của con người trong vũ trụ.
La Croix: Chúng ta có thể đi đến chỗ đồng ý về một định nghĩa về sinh thái giữa các nền linh đạo khác nhau không?
Fabien Revol: Có một định nghĩa có tính lịch sử về sinh thái mà mọi người đều đồng ý và được Đức Thánh Cha lấy lại trong thông điệp Laudato si’: “Sinh thái học nghiên cứu mối quan hệ giữa các sinh vật sống và môi trường nơi chúng được phát triển” (đoạn 138). Nhưng từ định nghĩa này, nhiều thứ khác được ghép vào. Điều đặc biệt cản trở, đó là các vấn đề đạo đức sinh học vốn thuộc về khái niệm sinh thái toàn diện. Về những vấn đề này, những người bên ngoài Giáo hội đã không hiểu được Đức Thánh Cha và rất khó thảo luận. Chủ đề này vẫn là một trở ngại trong cuộc đối thoại với xã hội dân sự.
Theo nhật báo La Croix (30.08.2023)
Chi tiết
- Ngày: 04/09/2023
- Tác giả: Lm. Anmai