LỄ PHỤC SINH: NGÀY LỄ CỦA SỰ KHIÊM HẠ
Nội dung
LỄ PHỤC SINH: NGÀY LỄ CỦA SỰ KHIÊM HẠ
Victor Cancino , SJ
Cv 10,34-43; Tv 118; 1Cr 5,6-8; Ga 20,1-9
Nhóm Sao Biển chuyển ngữ từ americamagazine.org

Sáng ngày lễ Phục Sinh, các môn đệ thân tín nhất với Chúa Giêsu vội vàng tìm cách giải quyết mọi việc. Sau đây là sự bối rối nói chung và một bài học mà mọi thế hệ môn đệ mới phải tái khám phá: Kinh nghiệm Phục sinh là kinh nghiệm diễn ra một cách chậm rãi và có chủ ý.

Các bài Tin mừng của Chúa nhật Phục Sinh đều mô tả cảnh mọi người đang chạy. Maria Mađalêna hốt hoảng trước việc tảng đá được lăn ra khỏi mộ Chúa Giêsu. “Bà chạy tìm Simon Phêrô và người môn đệ mà Chúa Giêsu yêu mến” (Ga 20,2). Sau đó, Phêrô và “người môn đệ kia” bắt đầu chạy về phía ngôi mộ để chính họ “xác thực” điều này có nghĩa là gì. Như Tin mừng thứ IV mô tả cảnh tượng diễn ra là một cuộc chạy đến ngôi mộ đầy kịch tính. “Cả hai cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô ” (Ga 20,4). Người môn đề này đã đạt được phần thưởng. “Người môn đệ kia” đã tới mộ trước và đợi Phêrô. Sau đó, người môn đệ chạy nhanh hơn này đi vào ngôi mộ trống, nơi “ông đã thấy và đã tin” (Ga 20,8).

Trong lúc đó, bản văn lại khó hiểu khi mô tả diễn tiến kinh nghiệm của Phêrô trước ngôi mộ trống. Khi đã đến mộ, ông có “thấy và tin” ngay lập tức như người môn đệ kia không? Điều duy nhất Tin mừng giải thích là hai ông chưa hiểu biết về những gì xảy ra sau đó, “Thật vậy, cho đến lúc đó, các ông vẫn chưa hiểu rằng, theo Kinh thánh, thì Ngài phải sống lại từ trong cõi chết.” (Ga 20,9). Trong trường hợp này, Tin mừng thứ tư có cùng quan điểm với với một đoạn trước đó nơi Tin mừng Máccô đọc ở Mùa Chay. Sau cảnh Chúa Giêsu mạc khải vinh quang trên núi khi Biến Hình, các môn đệ biết rằng Chúa Giêsu phải sống lại từ cõi chết. Bản văn thuật lại: “Họ giữ kín vấn đề, tuy vẫn thắc mắc với nhau về ý nghĩa câu: “Sống lại từ cõi chết” (Mc 9,9).

Có thể thật hữu ích trong tiến trình “thấy và tin” vào sự Phục sinh của chính chúng ta khi bỏ lại những gì không còn giúp đào sâu đức tin nữa. Thánh Phaolô nói đến điều này theo nghĩa có thể hiểu như sự chuyển động theo hướng đi xuống, nghĩa là điều nâng đỡ đức tin chúng ta là thật lòng và chân thành làm giảm bớt cái tôi của mình. Nếu làm ngược lại sẽ là ác tâm thổi phồng tính kiêu ngạo.

Trong bài đọc II, chúng ta có bài giảng lễ Phục sinh có lẽ được ghi nhận sớm nhất. Trong đó, thánh Phaolô so sánh bánh có men với bánh không men. Thánh Phaolô gợi lên hình ảnh “chút men xấu” làm dậy cả khối bột. Nói một cách ẩn dụ, việc dậy men này là bất kỳ chất xúc tác nào có thể làm hư hỏng một cá nhân hoặc cả cộng đoàn đức tin (x. 1Cr 5,6). Nếu thánh Phaolô viết thư này vào khoảng thời gian Lễ Vượt Qua, thì ngài đang đề cập đến Lễ Bánh không men diễn ra sau Lễ Vượt qua theo lịch Do Thái. Ngài đưa ra lời khuyên rõ ràng: “Anh em hãy tẩy trừ men cũ để nên bột mới anh em là bánh không men.” (1Cr 5,7). Tại sao thánh Phaolô khuyên hãy nên giống như bánh không men? Bởi vì Lễ Vượt qua của Kitô giáo tượng trưng cho sự tái lập cuộc sống trọn vẹn, một cuộc sống đòi hỏi con  tim, suy nghĩ và hành động mới. Như những người Do Thái đã cẩn thận loại bỏ từng chút những chất làm dậy men trong tuần lễ trước Lễ Vượt qua để tạo ra mẻ bánh không men mới, thì những Kitô hữu cũng phải tự thanh tẩy cả trong lẫn ngoài để nhường chỗ cho sức sống mới của Đức Kitô.

Ngày nay, những lời của thánh Phaolô vẫn còn khích lệ chúng ta. Mong rằng chúng ta cử hành đại lễ này không phải bằng thứ men cũ thổi phồng cái tôi của mình, mà bằng bánh không men tượng trưng cho sự chân thành và sự chân thật  mà chúng ta học được nhờ ân sủng. Đây là một tiến trình chậm rãi và có chủ ý. Để “thấy và tin” vào quyền năng phục sinh, đòi hỏi phải thực hành lòng khiêm nhường. Nếu các Kitô hữu ngày nay tự hào về bất cứ điều gì, thì đó là sự lớn lên về lòng khiêm nhường, khi họ tin vào mầu nhiệm phục sinh từ cõi chết.

CẦU NGUYỆN
Hôm nay, chúng ta có thể buông bỏ “thứ men cũ” nào trong cuộc sống?

Đâu là lời mời gọi đổi mới dưới ánh sáng của kinh nghiệm Phục sinh?

Chúng ta có mau chóng “thấy và tin” như các môn đệ đầu tiên không?

Chi tiết