Không làm được phép lạ nào
Nội dung

Không làm được phép lạ nào

 

Trở về quê Nazareth, nơi Chúa Giêsu sinh trưởng, Người không làm được phép lạ nào, vì họ không tin (Mc 6,1-6).

Tại sao họ không tin?

Người cùng quê với Chúa Giêsu họ có lý do để không tin vào Chúa Giêsu. Lý do làm sao trả lời câu hỏi: “Một Thiên Chúa siêu việt, vô biên, làm sao lại trở thành con người thực tại và giới hạn được?”. Không trả lời trực tiếp câu hỏi này, nhưng con người vẫn tin: con người có hồn có xác, hồn bất tử và xác hay chết. Làm sao dung hòa được cả hai yếu tố này trong một con người? Người ta vẫn tin nhiều cặp đôi tồn tại trong một: “vật chất - tinh thần; tự nhiên và siêu nhiên; hình và bóng…”.

Chỉ có thể hiểu được như thời đại của chúng ta vì căn bệnh GATO. Người làng, một số người không thể chấp nhận được con người này hơn con người kia. Con mình bao giờ cũng là số một và con ai giỏi hơn, tài năng hơn thì buông lời gièm pha, chỉ trích, tìm cớ để khinh thường. Người ta thường hay mắc bệnh khoe, khoe nhà, khoe của, khoe đẹp, khoe con… Giữa những con người GATO thì cũng chẳng có phép lạ cuộc sống nào vì không có chỗ cho bác ái, yêu thương, hiệp nhất.

Bệnh khoe khoang là một trong nhóm của lòng kiêu căng, tự mãn. Không thấy giới hạn của mình, nhất là những giới hạn của con người không thể vươn tới vô biên. Con người tiến tới phía trước luôn là con người nhận biết rằng phía trước còn là mênh mông, nếu không, con người sẽ chẳng tiến bước được gì ngoài giới hạn của mình.

Chúa Giêsu chấp nhận, vì phép lạ không phải là để chinh phục người ta mà chỉ là một trong dấu chỉ để người ta biết là có Chúa hiện diện. Điều cần thiết Chúa mời gọi sau những phép lạ và trong tất cả bài giảng huấn của Người là: Sám hối và tin vào Tin Mừng là chính Chúa.

Để tin vào Chúa, con người cần đi trên một lộ trình của lòng khiêm nhường tìm kiếm, gặp gỡ và hoán cải. Bởi niềm tin vừa là một ân ban Chúa mở ra cho con người, và đáp lại bằng ý chí vâng phục của con người trước Chúa.

 

Thực tại dẫn về Chúa

Buồn lòng trước sự cứng tin của con người. Chúa đến để giải thoát con người khỏi tội lỗi, nhưng con người lại thích trong tội lỗi hơn ánh sáng. Cứ mãi luẩn quẩn trong vòng vây của bóng tối và giữa những đau khổ, chán chường mà không muốn thoát.

Con người tự thân là một mâu thuẫn giữa quyến luyến và dứt bỏ, giữa cầm nắm và cho đi, giữa cái tôi và cái chúng ta… Sống trong mâu thuẫn giữa thực tại và lý tưởng, sống ảo và sống thật. Trong vòng mâu thuẫn đó, con người bị đưa đẩy hết bờ này sang bờ kia.

Ngay ở trong những thảm trạng của con người trải qua, người ta kinh nghiệm về cuộc đời của mình, càng muốn nắm giữ lại càng dễ mất. Kinh nghiệm này đi đến tận cùng vào giờ chết. Thế nên, càng giải quyết sớm tình trạng quyến luyến lại càng sống thấy ý nghĩa hơn cho cuộc đời. Tìm ra lý lẽ của cuộc sống mỗi người: sống với, sống cho và sống vì người khác. Đó là kinh nghiệm của con đường dứt bỏ.

Chúa lên tiếng mời gọi “Hãy theo Ta!”. Theo Chúa, đón nhận Tin Mừng giải thoát khỏi cái tôi của mình, khỏi sự tha hóa bởi thế tục, tìm ra ý nghĩa cuộc đời của mình ở trong Thiên Chúa. Thánh Phaolô kinh nghiệm sau khi dứt bỏ coi như mọi sự là rác, để được biết Chúa Kitô: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống trong xác phàm, là sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gal 2,20).

Có một niềm tin chắc chắn, tương lai sẽ mở ra và hiện tại được chiếu sáng, ý nghĩa cuộc đời sẽ gặp. Vậy còn chờ gì nữa không đặt niềm tin vào Chúa.

Xin cho con biết khiêm nhường tìm kiếm Chúa!

Linh mục Giuse Hoàng Kim Toan

Chi tiết