Hiệp hành coi trọng văn hóa
Nội dung

Hiệp hành coi trọng văn hóa

 

Ðức Tin được diễn tả qua và hội nhập vào các nền văn hóa. Ðể tiến tới một Giáo hội “Hiệp hành”, rất cần coi trọng yếu tố văn hóa, nếu không, sẽ không dễ dàng và thuận lợi. Sau đây, tôi xin chia sẻ văn hóa là gì? Văn hóa toàn cầu như thế nào? Bản sắc văn hóa Việt Nam ra sao? Và sau đó, vận dụng một số điểm văn hóa vào con đường hiệp hành.

 

Hiệp Hành” Hay “Đồng Hành” – Tổng Giáo Phận Hà Nội

 

VĂN HÓA LÀ GÌ ?

Có rất nhiều định nghĩa về văn hóa. Tôi xin nêu lên ba, có tính mục vụ. Trước hết, văn hóa là cái đẹp, và làm cho trở thành đẹp. Văn hóa là những giá trị cao quý của một người, một dân tộc. Thứ đến, văn là người và giáo hóa trở thành người có giá trị. Sau nữa, văn hóa theo Kitô giáo là tình yêu thương và nỗ lực đào luyện và thực hành trở thành một khối yêu thương. Như thế, văn hóa là giáo hóa trở thành một con người, một dân tộc đẹp và có giá trị. Ðẹp và giá trị cao quý nhất là con người nhân ái và giàu tình yêu thương.

VĂN HÓA TOÀN CẦU NHƯ THẾ NÀO ?

Căn cứ vào địa lý, khí hậu, kinh tế, người ta chia văn hóa toàn cầu thành hai phương: phương Tây và phương Ðông. Phương Tây, gốc du mục, cao nguyên, đồng cỏ, khô lạnh, chăn nuôi và du cư. Phương Ðông, gốc nông nghiệp, đồng bằng, nóng ẩm, sông nước, mưa nhiều, trồng cây, định cư.  Tuy nhiên, trong giao lưu văn hóa, thường có chuyển hóa lẫn nhau. Không hẳn có một loại hình văn hóa riêng biệt.

BẢN SẮC VĂN HÓA VIỆT NAM RA SAO ?

Dựa theo truyền thuyết: “Lạc Long Quân với Âu Cơ” mà ai cũng nghĩ nội dung nói đúng về dân tộc Việt Nam. Rút ra từ truyền thuyết này, Việt Nam có ba đặc trưng chính: Tính cộng đồng, tính độc lập tự trị và tính hài hòa. Sau đây, tôi xin nêu lên những nét văn hóa có liên quan tới “Hiệp Hành”.

ỨNG DỤNG

 

1. Tính cộng đồng: Trọng anh tài, anh hùng

Văn hóa cộng đồng, trọng tập thể, nảy sinh tinh thần đoàn kết toàn dân. Nên dân là quý, là gốc của xã tắc. Tuy nhiên, trọng dân, không phải dựa vào tập thể toàn dân, nhưng dân trọng anh tài anh hùng. Nên trọng dân là trọng anh tài và anh hùng trong dân. Hơn nữa, lịch sử dân tộc Việt Nam, được đúc kết thành hai sắc thái chính: “Chiến tranh xâm lược và lũ lụt”. Dân tộc bị xâm lược và lũ lụt, rất mong được có người cứu. Anh hùng, anh tài là những người cứu dân. Họ là những người có khả năng quy tụ dân vì họ cứu dân. Nếu chết vì dân, họ được dân phong làm thần thánh của dân tộc và xây đền miếu để thờ. Như đền Trương Hống, Trương Hát thời Lý Thường Kiệt; đền thờ và lễ hội Nguyễn Trung Trực thời nay. Trọng dân, nên trong tổ chức, có Hội đồng Kỳ mục: Hội đồng làng, xã, thời phong kiến. Thời nay, trong giáo xứ có Hội đồng Mục vụ. Tổ chức quốc gia, có Hội đồng Nhân dân, cao nhất là Quốc hội.

Dân Chúa, trong Cựu Ước, có Môisê, người anh hùng dân tộc. Chúa chọn ông trở thành người lãnh đạo tôi tớ. Dẫn dắt Dân Chúa  ra khỏi vùng đất nô lệ Ai Cập, tiến vào miền đất hứa, nơi tràn sữa và mật. Trong Tân Ước, Chúa Giêsu và các tông đồ, lãnh đạo phục vụ, dẫn dắt Dân Chúa và toàn nhân loại, tiến về Nước Trời, nơi miền đất quê hương hạnh phúc vĩnh hằng.

Giai đoạn hiệp hành, Chúa Thánh Thần, qua các vị lãnh đạo, đặc biệt là các linh mục, tu sĩ và tông đồ giáo dân, giáo dân lãnh đạo, là những anh tài anh hùng phục vụ Dân Chúa và toàn thể nhân loại, vượt qua biển đỏ, sa mạc với muôn vàn thử thách của thế gian, xác thịt và ma quỷ, tiến về hạnh phúc thật.

 

2. Văn hóa gốc nông nghiệp, trồng cây

Trọng gốc, trọng tuổi, trọng kinh nghiệm. Trọng những người đã làm việc, có chức vụ, gọi chung là viên chức cựu, những người có tuổi, đã từng trải trong cộng đồng. Họ được coi là ký ức cuộc sống. Họ đã phục vụ hết nhiệm kỳ, hoặc nay, đến tuổi nghỉ hưu.

“Người già được báo mộng, thanh niên thấy thị kiến”1. Nếu không có nhựa từ gốc rễ, cây sẽ không bao giờ có thể nở hoa: “Tất cả những gì cây có để cho hoa, đều đến từ những gì chôn vùi dưới đất2. Tất cả những gì đẹp đẽ về một xã hội đều liên quan đến cội nguồn của những người cao tuổi3. Khi người già truyền đạt ước mơ của họ, thì người trẻ nhìn thấy rõ ràng những gì họ phải làm. Khi những người trẻ tuổi không còn hỏi về những ước mơ của người già nữa, khi họ cắm đầu vào những tầm nhìn không vượt tầm mắt của họ, họ sẽ vất vả để thực hiện hiện tại và chịu đựng tương lai của họ. Nếu ông bà chúng ta khép kín trong sự buồn bã, thì những người trẻ sẽ nhìn vào các điện thoại thông minh của họ nhiều hơn. Màn hình có thể vẫn sáng, nhưng sự sống sẽ chết trước thời điểm của nó. Người già có những nguồn sự sống đã được trải nghiệm mà họ có thể cậy dựa vào. Họ sẽ đứng nhìn những người trẻ lạc hướng, hay sẽ đồng hành cùng họ bằng cách sưởi ấm ước mơ của họ? Ðức Thánh Cha cảnh báo: Nếu tuổi già không được trả lại phẩm giá của một cuộc sống xứng đáng với con người, thì nó kết thúc với việc đóng kín mình trong nỗi tuyệt vọng, tước đi tình yêu của mọi người. Tuổi già là một quà tặng cho tất cả mọi lứa tuổi của cuộc sống. Là một quà tặng của sự trưởng thành, của sự khôn ngoan4. Trong ứng xử với người già, tục ngữ đã đúc kết “Kính lão đắc thọ; kính già già để tuổi”; “Một mẹ già bằng ba hàng dậu”. Kinh Thánh khuyên, nơi nào có người đầu bạc - dấu chỉ mão khôn ngoan - hãy ôm lấy chân của họ mà học hỏi.

 

3. Trọng Ðức

“Càng cao tuổi, càng cao nhân đức”, nên người ta trọng cao niên. Theo tinh thần văn hóa Á đông: 60 tuổi ngồi chiếu trên để truyền đạt kinh nghiệm phát triển kinh tế nông nghiệp; 70 tuổi ngồi ngang với quan tri huyện; 80 tuổi ngồi ngang với tiến sĩ. Tuổi 64, tương đối hết dục. Nhật Bản thường coi độ tuổi 70 mới làm thủ tướng. Ở Á Châu, đa số các dân tộc lại nghèo, nên khi có chức có quyền ở độ “Trẻ tuổi tài cao” rất dễ bị cám dỗ hưởng thụ và sa ngã, ngay cả trong các tôn giáo. Về vấn đề này, không nên lấy Tây phương, gốc du mục làm chuẩn mực. Họ trọng sức mạnh, khống chế thiên nhiên, chiếm đoạt... nên thường độ tuổi 47 là cao điểm của học vấn: tiến sĩ và chức quyền cấp tổng thống. Họ nghỉ hưu sớm, ở độ tuổi 60 - 65. Hơn nữa, hiện nay họ đang bị khủng hoảng về lạm dụng tình dục hơn Á Ðông. Do đó, phải chăng nhiều nước, như Mỹ, Do Thái, Nhật Bản đã dùng người tuổi cao trong việc chọn lựa chức vụ cao của đất nước? Ðúng theo phương châm: “Chọn người hiền đức, dùng người tài năng”. Người hiền đức lãnh đạo, bên cạnh có cả một đội ngũ chuyên nghiệp, phục vụ, trẻ tuổi, tài ba - chuyển tiếp.

 

4. Trọng Phụ nữ

Văn hóa Việt Nam có ba trọng: “Trọng nhà, trọng bếp, trọng phụ nữ”. Khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều, người Việt rất coi trọng nhà. Quan niệm: “Nhà cao cửa rộng”, quay về hướng Nam hoặc hướng Ðông Nam, tránh nắng chiều và gió chướng. Trọng bếp: “Tổ ấm” của gia đình, những lúc mưa gió, đi làm đồng về, sưởi ấm và ăn ưống. Phụ nữ là “Tay hòm chìa khóa”, là người có trực giác về đạo đức và hạnh phúc. Họ định hình tương lai, khát vọng tương lai.  Người phụ nữ chăm chỉ, kiên trì, giáo dục, đào luyện tương lai cho gia đình, dân tộc và nhân loại.

 

5. Trọng giới trẻ

Tục ngữ có câu: “Ra đường hỏi già, về nhà hỏi trẻ”. Họ rất chân thành và chuộng cận lân: “Yêu trẻ, trẻ tới nhà”. Trong Cựu Ước, Chúa dùng tuổi trẻ để nói tiên tri, giải thích thị kiến và chứng minh sự thật, giúp quan tòa kết án người vu oan, giải oan cho phụ nữ bị oan ức. Trong Tân Ước, Chúa Giêsu so sánh họ như Nước Trời và như điều kiện vào nước hằng sống. Thực tế, họ được coi là chủ và là chứng nhân tương lai. Vì thế, có châm ngôn: “Một là mục vụ giới trẻ hay là không làm gì hết, không có lựa chọn”. Giới trẻ là đối tượng được phục vụ không phải là để khai thác.

KẾT LUẬN

Trước hết, “Hiệp hành” coi trọng văn hóa, cần chú ý ứng dụng thuận theo đặc trưng văn hóa: “Ðộc lập, trự trị”. Ban điều hành đào tạo những người hướng dẫn hiệp hành trong dân. Rồi chính dân tổ chức hiệp hành. Họ thích độc lập, tự trị. Sau đó, ban tổ chức đúc kết, mà không ghi tên người phát biểu, họ sẽ tự tin, nói chân thành và hiệp hành sẽ thu lại nhiều điều bổ ích.

Thứ đến, trọng dân chính là trọng anh tài, anh hùng trong dân và trong Giáo hội, họ là linh mục, tu sĩ, tông đồ giáo dân, người giáo dân lãnh đạo. Họ được chọn và được đào luyện để phục vụ ơn cứu độ. Trong Hiệp hành và trong lúc này, cũng như tương lai, Dân Chúa nêu cao tinh thần cảnh giác, ý thức  bảo vệ nhân tài lãnh đạo. Lý do, ý đồ thâm độc của Ma quỷ là: “Ðánh đầu, đàn chiên sẽ tan rã”.

Tiếp theo, trọng lão thành là để cân bằng Ký ức - hiện tại, giữa hai thế hệ. Tuổi trẻ hôm nay, bị cám dỗ loại trừ người già, không ích lợi gì, trong xu hướng văn hóa loại bỏ. Theo Ðông phương, người ta tin và trọng “Âm đức”. Dù người già không còn đi lại, nhưng sự hy sinh cầu nguyện của họ vẫn đem lại hệ quả đẩy lùi sự dữ và góp phần cách vô hình vào sự bảo vệ và phát triển đất nước và giáo hội.

Rồi, trọng phụ nữ. Vì bản năng người Mẹ, bảo vệ văn hóa, tình yêu, sự sống, hạnh phúc và góp phần quyết định hình thái tương lai và đào luyện nền tảng thế hệ ban đầu cho anh hùng anh tài.

Sau cùng, chú ý trọng giới trẻ. Tất cả dành cho giới trẻ. “Người già được báo mộng, thanh niên thấy thị kiến”5.

 

Lm. Gioan Kim Khẩu Nguyễn Văn Hinh (D.Min.)

 

_____________________________________________

1 Giôen 3,1

2 Bài thơ, Francisco Luis Bernárdez

3 ÐTC Phanxicô: Bài giáo lý, Phải tìm lại sự liên kết, liên minh giữa người già và người trẻ, 23/2,

4 Ibid

5 Giôen 3,1v

Chi tiết