Hạnh phúc từ thập giá
Nội dung
Hạnh phúc từ thập giá
Các Phúc trong Tin Mừng là một nghịch lý của tâm thức người đời: Phúc cho những ai nghèo khó. Phúc cho những ai đói khát. Phúc cho những ai khóc lóc. Phúc cho những ai bị oán ghét. Và khốn cho những ai giàu có. Khốn cho những ai no đủ. Khốn cho những ai vui cười. Khốn cho những ai được ca tụng. Quả thực, đây phải được coi như một cuộc cách mạng về những giá trị của đời người. Những người Chúa Kitô coi là có phúc thì thế gian cho là vô phúc. Còn những người mà Chúa Giêsu gọi là vô phúc, thì thế gian lại coi là có phúc.
Ðó là giáo huấn của Chúa Giêsu. Và đó cũng là chọn lựa cách sống của Ngài. Quả thật, khi Chúa Giêsu sinh ra trong hang đá Belem, Ngài chấp nhận nghèo đến mức độ nằm trong máng cỏ của con vật. Ngài chấp nhận chịu đói khát đến mức độ phải cần một vài giọt sữa của Mẹ để sống còn. Ngài cũng chấp nhận định luật tự nhiên của một trẻ sơ sinh cất tiếng khóc chào đời. Và Ngài cũng chấp nhận thân phận của kẻ bị ruồng bỏ bởi xã hội loài người nên phải sinh ra trong chuồng loài vật.
Khi Chúa Giêsu thi hành sứ vụ công khai, Ngài chọn lựa cách sống nghèo đến mức độ “con người không có chỗ dựa đầu”. Ngài chọn lựa thái độ của một người khát, phải hạ mình xin người phụ nữ Samaria chút nước để uống. Ngài để cho lòng mình tràn đầy xúc cảm đến mức đã khóc than cho Giêrusalem vì sẽ không còn một hòn đá nào trên hòn đá nào. Và Ngài cũng chấp nhận thân phận của một người bị ruồng bỏ, ngay cả bởi các môn đệ, người thì bán Thầy, người thì chối Thầy, và tất cả đều bỏ Thầy chạy trốn thoát thân.
Khi Chúa Giêsu trên thập giá, tình trạng của một người nghèo, một người đói khát, một người khóc than và một người bị ruồng bỏ đạt đến tột đỉnh trong cuộc khổ nạn của Ngài. Nghèo của một tên tử tội bị hành hình không một mảnh vải che thân. Khát của một tên tử tội bị hành quyết khi thét lên “ta khát”, chỉ được cho nếm chút giấm chua. Khóc than của một người con rất yêu dấu phải thốt lên với Cha mà mình rất vâng phục rằng: “Lạy cha, sao cha bỏ con?”. Bị oán ghét đến mức độ trở thành nạn nhân của sự bị loại trừ với bản án chết nhục nhã trên cây thập giá.
Tuy nhiên, xem ra đó là cái giá phải trả cho một hạnh phúc đích thực. Quả thật, hang đá Belem biểu hiện cái nghèo, cái đói, cái khát và cái bị ruồng bỏ, lời Thiên Sứ ca vang: “Vinh Danh Thiên Chúa trên Trời, Bình an dưới thế cho người Thiện Tâm”.
Trong 3 năm rao giảng công khai theo ý Thiên Chúa Cha là chấp nhận sống nghèo, sống thiếu thốn, sống đói khát, sống bị thóa mạ, lời của Thiên Chúa Cha từ trời vẫn vang lên: “Ðây là con rất yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người, các ngươi hãy vâng nghe lời Người”.
Và tiếp nối cây thập giá biểu hiện cao độ của cái nghèo, cái đói, cái khát, và bị giết chết, là niềm vui Phục Sinh: “Khi con người được nâng lên, ta sẽ lôi kéo mọi người lên cùng ta”.
Trong đời sống của người môn đệ bước theo Chúa Kitô, với bài “Phúc cho những kẻ nghèo khó. Khốn cho các ngươi là kẻ giàu có” này, ta đang đối diện với sự lựa chọn. Sự lựa chọn này được thể hiện trong suốt cuộc hành trình nên thánh của người Kitô hữu, từ khi có trí khôn và liên tục cho đến khi chấm dứt cuộc sống trên cõi đời này.
Ta chọn con đường dễ dãi, con đường đưa tới thú vui và lợi lộc ngay trước mắt; hay ta chọn con đường khó khăn, khổ nhọc, và đau đớn? Ta có bám víu lấy lạc thú, lợi lộc ở hiện tại hay muốn dấn thân và hy sinh những điều đó vì những giá trị quý báu hơn? Ta muốn có chủ tâm vào những phần thưởng của thế gian này, hay chú tâm vào lời hứa của Chúa Giêsu?
Nếu ta chấp nhận đường lối của thế gian, thì hậu quả là ta lìa bỏ những giá trị của Chúa Cứu Thế. Ngược lại, nếu ta chọn Chúa Cứu Thế, thì ta không thể không khước từ những giá trị trần gian.
Chọn Chúa Giêsu là Ðấng Cứu Thế, xem ra ta được ba điều: Sẽ hoàn toàn không khiếp sợ; hạnh phúc cách nghịch lý; và luôn gặp khó khăn cùng với niềm vui trên trời là phần thưởng, bù gấp bội cho những đau khổ ở trần gian. Thánh Phaolô nói: “Vì sự hoạn nạn nhẹ và tạm của chúng ta đem cho chúng ta sự vinh hiển cao trọng đời đời, vô lượng, vô biên” (2Cr 4, 17).
Chọn Chúa Giêsu là Ðấng Cứu Thế, ta cũng nhận được lời thách thức: “Bạn muốn hạnh phúc theo đường lối thế gian, hay theo đường lối Chúa?”. Câu trả lời của ta được biểu hiện trong cuộc sống thường nhật của mình. Kết quả là nếu ta chọn Chúa Giêsu, cuộc sống ta là nỗ lực trở nên giống Chúa Kitô trong những giá trị mà Ngài mời gọi chúng ta đón nhận.
Theo Tông huấn Gaudete et Exultet của Ðức Giáo Hoàng Phanxicô, chúng ta được mời gọi bước vào con đường nên thánh theo các phúc thật của Chúa. Thật vậy:
Theo gương mẫu sống nghèo của Thầy Chí Thánh, người môn đệ Chúa Kitô được mời gọi sống một đời sống khổ hạnh và giản dị. Họ cũng được mời gọi chia sẻ đời sống của những người túng thiếu nhất, và nhất là được mời gọi nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu, Ðấng tuy giàu có, “đã tự nguyện trở nên nghèo khó” (2Cr 8,9) (số 70).
Theo gương mẫu sống than khóc của Thầy Chí Thánh, người môn đệ của Ðức Kitô trở thành một người biết nhìn nhận đúng như sự thật về mình và về tha nhân để biết cảm thông với những nỗi buồn đau của kiếp sống làm người. Họ không ngại chia sẻ khổ đau của người khác, để “khóc với người khóc” (Rm 12,15) (số 76).
Theo gương mẫu sống đói khát như Thầy Chí Thánh, người môn đệ Ðức Kitô nhận ra rằng đói và khát là những kinh nghiệm nhức nhói, vì chúng liên quan tới các nhu cầu căn bản và bản năng sống còn của chúng ta. Theo thánh Matthêu, đây là sự đói khát công lý và khát khao sự chính trực. Vì thế, “Hãy tìm kiếm lẽ công bình, sửa phạt người áp bức, bảo vệ cô nhi, biện hộ cho quả phụ” (Is 1,17) (Số 77 và 79)
Và cuối cùng, bằng con đường thập giá, chính Chúa Giêsu cảnh báo rằng con đường mà Người đề nghị các môn đệ đi là lội ngược dòng, thậm chí là thách thức xã hội bằng cách sống của mình, và vì thế trở thành một sự quấy rầy. Cũng như ngày xưa, đó vẫn còn là việc đổ máu như một cách thế biểu lộ đức tin, hoặc bằng những cách tinh tế hơn, là bị vu khống và bị lừa dối (Mt 5,11). Có những lúc khác, bách hại có thể mang hình thức chế giễu, trong đó người ta tìm cách phỉ báng đức tin của chúng ta và cố biến chúng ta thành như trò cười (số 90 và 94).
Một người Mỹ đã ghi lại một chúc thư có nội dung như sau: “Sẽ có một ngày thân xác tôi sẽ được cuộn tròn lại vào tấm chăn giường trắng xóa tại bệnh viện. Một lúc nào đó, một bác sĩ sẽ tuyên bố não bộ của tôi đã ngưng hoạt động, và sự sống của tôi đã chấm dứt. Lúc đó xin các bạn đừng tìm cách dùng máy móc để đưa vào thân xác tôi sự sống nhân tạo. Xin cũng đừng gọi cái giường tôi đang nằm trên đó là giường chết, hãy gọi đó là giường của sự sống. Xin dùng thân xác tôi để giúp cho người khác có được một cuộc sống sung mãn hơn.
Xin hãy tặng đôi mắt của tôi cho một người đàn ông chưa một lần được nhìn thấy mặt trời lên, hoặc nhìn thấy gương mặt của một trẻ thơ, hay tình yêu trong ánh mắt của một người đàn bà.
Xin hãy tặng trái tim tôi cho một người, mà trái tim không còn biết gì khác hơn là một chuỗi ngày đớn đau.
Xin hãy tặng máu của tôi cho một thiếu niên, mà người ta vừa kéo ra từ một tai nạn giao thông, để cậu có thể sống và thấy được con cháu của mình.
Xin hãy tặng trái thận của tôi cho một người đang sống qua ngày nhờ một chiếc máy.
...
Xin hãy trả tội lỗi của tôi cho ma quỷ, còn linh hồn tôi xin phó dâng cho Thiên Chúa.
Nếu tình cờ các bạn muốn nhớ đến tôi, xin hãy nhớ đến tôi bằng một nghĩa cử hay một lời tử tế, mà một người nào đó đang cần bạn thực hiện.
Nếu bạn làm được tất cả những gì tôi vừa xin, tôi hy vọng bạn và tôi sẽ được sống mãi”.
Ðó là sự chọn lựa bước vào con đường phúc thật của Chúa Kitô như Ngài đã chọn lựa trong suốt cuộc sống ở trần gian, mà cao điểm là cuộc khổ nạn của Ngài. Ðây cũng là cách mà thánh Phaolô diễn tả hạnh phúc thật “trao tặng thì hạnh phúc hơn là lãnh nhận”. Ðó cũng là thách đố cho chúng ta là những môn đệ của Chúa Kitô trong thế giới tục hóa ngày nay. Nhưng đó là ước mơ của Chúa Kitô, vì Thiên Chúa xuống thế làm người, “Ta đã đem lửa đến thế gian và không ước mong điều gì cho bằng thấy lửa ấy cháy lên”.
Ước gì, ước mơ của Chúa Kitô về phúc thật cho thế giới, sẽ được thể hiện mỗi ngày mỗi trọn hảo hơn trong cuộc sống đời thường của mỗi chúng ta.
Giám mục Giuse TRẦN VĂN TOẢN - GP Long Xuyên
Chi tiết
- Ngày: 17/02/2022
- Tác giả: Lm. Anmai