Giới trẻ, thích sống theo xu hướng và chạy theo trào lưu “chữa lành”
Nội dung
Giới trẻ, thích sống theo xu hướng và chạy theo trào lưu “chữa lành”
Thời gian gần đây, trào lưu “chữa lành” (healing) đang nở rộ trong giới trẻ. Không chỉ trên các diễn đàn mạng xã hội mà trong các buổi cafe, gặp mặt tán gẫu, cụm từ “đi chữa lành” cũng trở thành câu cửa miệng mỗi khi có chuyện không hài lòng.
“Đi chữa lành” khi… chưa kịp tổn thương
Trong xã hội phát triển với guồng xoáy của công việc cùng nhiều áp lực trong cuộc sống khiến cho nhu cầu được chữa lành, cần chữa lành ngày càng cao.
Cũng từ đó, các cụm từ liên quan đến hoạt động “chữa lành” xuất hiện khắp các trang mạng xã hội, từ “du lịch chữa lành“, “âm nhạc chữa lành“, đến “cách chữa lành vết thương tâm lý",... xuất hiện dày đặc trên mạng xã hội.
Xu hướng này phản ánh nhu cầu chăm sóc sức khỏe tinh thần của giới trẻ ngày càng tăng.
Bạn Ngọc Mai, sinh viên năm 4 tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, tâm sự: “Hiện tại mình vừa đi thực tập, vừa làm sáng tạo nội dung ở công ty. Áp lực đồng trang lứa khiến mình cảm giác như đang thụt lùi và nghi ngờ về năng lực của bản thân. Ngày nào mình cũng cảm thấy quá tải, vì vậy mình thường tìm những phương pháp chữa lành mọi người thường chia sẻ để giúp tinh thần thoải mái hơn.”
Để hồi phục lại năng lượng cho bản thân Mai chọn cách sống gần với thiên nhiên hơn, buông bỏ những suy nghĩ tiêu cực, làm những việc mà cô yêu thích…
Không phủ nhận, vai trò của “chữa lành” khi nhiều người tự xoa dịu được vết thương tâm lý, thoát khỏi lo âu, trầm cảm. Bên cạnh đó, việc nhà nhà, người người muốn được chữa lành tạo nên hiệu ứng đám đông, biến việc chữa lành tâm hồn trở thành trào lưu, sẵn sàng nghỉ bỏ công việc dang dở để nghỉ ngơi khi chưa thật cần thiết.
Cũng là một Gen Z, V.H.C, sinh năm 1997, một chuyên viên kinh doanh bất động sản chia sẻ cũng không ít lần anh tìm đến chữa lành.
"Thời gian gần đây cuộc sống của mình nhiều áp lực quá. Mình thường xuyên thức đêm đến 3 giờ sáng, sau đó ngủ đến 8 giờ dậy đi làm. Từ công việc với những deadline, rồi chuyện yêu đương không đâu vào đâu cả khiến mình mệt mỏi, mình thường xuyên tìm đến bạn bè để đi nhậu nhẹt, đi bar... để “giải quyết mọi chuyện", cô nói
Đối với C, đó là cách "chữa lành", và chi phí cho những lần"chữa lành" này đôi khi bằng cả tháng lương. Rất nhiều lần chưa hết tháng đã hết sạch tiền, phải đi vay mượn để “chữa lành” rồi lại rơi vào stress trở thành một vòng luẩn quẩn.
Trên thực tế, một bộ phận Gen Z có điều kiện kinh tế gia đình khá giả, có công việc thu nhập ổn, không phải gánh nặng chuyện tiền nong nhưng hay làm quá mọi chuyện, luôn suy nghĩ mọi thứ theo chiều hướng tiêu cực, luôn cảm thấy bản thân bị tổn thương dù là chuyện chẳng đáng gì.
Bên cạnh đó, không ít trường hợp Gen Z xuất thân trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, mưu sinh bằng đủ nghề để được tiếp tục con đường học vấn, những tưởng họ sẽ gai góc, mạnh mẽ hơn nhưng họ lại “tích cực” than vãn, gia nhập các hội nhóm “chữa lành” trên mạng xã hội.
Cũng có không ít trường hợp chạy theo trào lưu, tìm một góc thật chill để sống ảo, rồi đăng ảnh thở than lên mạng xã hội về cuộc sống không như ý. Đây không phải là bệnh tật, mà là một biểu hiện đáng quan ngại của việc thích sống theo xu hướng, tự huyễn hoặc bản thân bị những tổn thương không hề có từ thực tế.
Học cách tạo “kháng thể” tinh thần
Bên cạnh việc “ăn theo”, hưởng ứng phong trào để được nghỉ ngơi, biện giải cho sự lười biếng, lấy cơ để hưởng thụ thì vẫn có một bộ phận người trẻ rất dễ bị tổn thương, không thể là chủ cảm xúc của mình.
Họ dễ bị tác động, lung lay, thậm chí dẫn đến bế tắc chán chường, mệt mỏi, muốn rút lui khi bản thân không đạt được điều mong muốn.
Trên thực tế, có nhiều người tự “chữa lành” được cho bản thân mình và cũng có một số người “chữa lành” được cho người khác. Có một số người khi gặp những vấn đề về tâm lý thì cảm thấy rất nặng nề, đau khổ, mỏi mệt nhưng cùng vấn đề đó người khác lại diễn ra với cường độ thấp hơn.
"Chữa lành" thực chất là cơ chế tự nhiên của cơ thể con người, chúng ta cần hướng vào bên trong, lắng nghe cơ thể và tâm hồn mình, để luôn cảm thấy an yên, cân bằng dù bên ngoài xảy ra bất cứ điều gì.
Vì vậy cần có những biện pháp xây dựng đề kháng cho sức khỏe tinh thần giúp người trẻ lạc quan, tự tin, có tư duy định hướng đúng đắn. Nhận thức rõ trách nhiệm của tuổi trẻ, xây dựng tinh thần vượt khó, nhiệt huyết tìm tòi sáng tạo, khát khao “bùng nổ” để khẳng định bản thân.
Điều quan trọng là các bạn trẻ phải tập làm chủ cảm xúc, hình thành các kỹ năng quản lý cảm xúc, cùng lan tỏa điều tích cực và phủ xanh cuộc sống bằng những hình mẫu đẹp, có lý tưởng, lối sống lành mạnh.
Mai Phương Thảo
Chi tiết
- Ngày: 02/05/2024
- Tác giả: Lm. Anmai