Giáo phận Cần Thơ có linh mục người Khmer đầu tiên
Nội dung

Giáo phận Cần Thơ có linh mục người Khmer đầu tiên

 

Ðó là linh mục Camilô Cao Xuân Tiến, người con họ đạo Ðại Tâm được Ðức cha Stêphanô Tri Bửu Thiên, Giám mục Chánh tòa giáo phận Cần Thơ, truyền chức cùng 9 tân chức khác vào ngày 5.6.2024, tại Trung tâm mục vụ giáo phận.

Tân linh mục năm nay 34 tuổi, sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông ở xã Phú Tâm, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng. Cha là con thứ ba trong gia đình có 3 chị em gồm 1 gái, 2 trai. Theo linh mục Carôlô Hồ Bặc Xái, Giám đốc Đại Chủng viện Thánh Quí, tân linh mục Cao Xuân Tiến là vị mục tử gốc Khmer đầu tiên của giáo phận, kể từ khi thành lập năm 1955. Cha Carôlô nhận xét vắn gọn về học trò của mình: “Người chân chất, hiền lành, luôn nỗ lực vươn lên trong suốt thời gian tu học và hơn hết là niềm khao khát dấn thân trở thành linh mục, phục vụ Dân Chúa một cách đầy thiện chí”.

 

Trong ngày nhận Bí tích Rửa Tội cách đây 20 năm

TỪ MỘT TÂN TÒNG…

Để nhận biết Chúa rồi giờ đây trở thành linh mục, cha Cao Xuân Tiến đã bền bỉ trong suốt cuộc hành trình dài “lội ngược dòng”. Ngay từ nhỏ, cậu Tiến được hấp thụ nền văn hóa và giáo dục đặc thù. Cha mẹ, họ hàng lẫn cộng đồng địa phương, tất cả những người xung quanh đều là những tín hữu Phật giáo Nam tông. Quan niệm và sinh hoạt của nhà Phật thấm vào hơi thở. Ngài kể: “Hồi trước, đã có lúc tôi cũng mơ ước đi tu. Gần nhà có tới 3, 4 ngôi chùa, tôi thường tới lui các chùa. Trong những cuộc vui chơi cùng bè bạn, tôi hay tô đắp tượng, vẽ hình là các sư, tượng Đức Phật… Kinh kệ Phật giáo cũng thuộc làu làu. Ba tôi từng đi tu trong chùa một thời gian nên rất sùng đạo, dạy con theo hệ tư tưởng nhà Phật”. Vậy mà, từ khi cha gặp cố linh mục Phêrô Tống Văn Năm, vị phụ trách cộng đoàn Đại Tâm khi đó, mọi thứ đổi khác mau lẹ.

Cậu Tiến được nhận Bí tích Rửa tội năm 14 tuổi, sau một chặng đường gian nan vượt 22 cây số mỗi tuần từ nhà đến thánh đường Đại Tâm ròng rã mấy năm liền, để tìm hiểu đạo, học giáo lý và tập tành giúp lễ như ước nguyện. Nhớ lại quãng thời gian này, cha cảm mến: “Hồi ấy mơ ước lớn nhất chỉ là được giúp lễ. Nhìn các bạn cùng tuổi mặc trang phục lễ sinh, chắp tay trên cung thánh, tôi cảm nhận được sự thánh thiện. Ngày được giúp lễ đầu tiên, tôi hạnh phúc quá chừng”. Niềm vui vừa chịu chức khiến cha nhìn lại một quãng đầy khó khăn mà chẳng ngại ngần: “Tôi nhớ nhất lúc nhỏ đi xe lôi hoặc xe đạp với mấy bạn trong xóm tới nhà thờ. Lúc đường sá khô ráo, cả đám bạn chạy đua coi ai tới trước, thiệt là vui. Xe của tôi thì cũ mèm, bị hư hoài, phải dẫn bộ, vậy mà vẫn đi lễ đều đều, không bỏ tuần nào”. Khó khăn của cậu bé tân tòng những năm tháng ấy không phải chỉ điều kiện hoàn cảnh gia đình, cha mẹ làm thuê thu nhập bấp bênh, ba chị em cùng lớn lên dưới mái nhà lá liêu xiêu in hằn trong ký ức; hay chuyện chiếc xe đạp cà tàng hư lên hư xuống, mà còn từ ngay chính gia đình, dòng họ. Bởi lẽ, những nền nếp cũ và tín ngưỡng từ bao đời đã ăn sâu trong tiềm thức cha mẹ, cô chú, đột nhiên có một cá nhân non trẻ chọn theo đuổi niềm tin xa lạ, nhiều người không khỏi hoài nghi. “Nhiều người trong dòng họ khó chịu, nên gia đình lúc đầu ngăn trở tôi là điều dễ hiểu. Nhưng rồi qua thời gian, có thể ba mẹ thấy tôi đi dự lễ, sinh hoạt, học được những điều hay, lối sống đẹp, vậy nên đã cảm thông. Cha mẹ tôi dần cởi mở hơn khi tiếp xúc với cha sở, được cha hướng dẫn, đỡ nâng cuộc sống…”, cha nói. Năm 2006, ông bà cố của linh mục Tiến gia nhập Hội Thánh. Từ đó, gia đình lui tới nhà thờ thường xuyên, nhiệt thành trong các phận vụ.

 

Cùng các thành viên trong gia đình

RỒI MỘT NGÀY ĐI TU, MẶC ÁO DÒNG…

Sau khi hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông, chàng thanh niên Tiến theo học ngành chế biến thực phẩm tại trường cao đẳng nghề Sóc Trăng. Đến cuối năm nhất, được sự khuyến khích của cha Năm, chàng sinh viên đã tạm gác đèn sách, sẵn sàng cho hành trình mới. Vị linh mục trẻ cảm nghiệm động lực lớn thôi thúc là may mắn được các đời cha xứ từ cha Năm đến cố linh mục Phêrô Nguyễn Trung Viên theo sát để có những chỉ dẫn kịp thời. Hơn nữa, về phía gia đình, cha cũng nhận được sự ủng hộ. Bà cố Lâm Thị Xuân Hương hồi tưởng: “Lúc đó, con đòi đi tu như mấy cha trong nhà thờ, tôi thấy cũng tốt thì cho đi”. Trong câu chuyện, người mẹ tân tòng trải lòng là luôn xin cho người con được ơn bền đỗ. Bà kể ngày con bước lên bàn thánh thụ phong linh mục, cả xứ đạo vui mừng cùng với gia đình. Đối với bà cố bây giờ, việc có con trai trở thành linh mục là niềm hạnh phúc tột độ. Bà mong ước giá như ông cố còn tại thế để chứng kiến niềm vui của gia đình nhỏ thì vui biết mấy, nhưng Chúa đã cất ông đi từ 4 năm trước. Còn tân linh mục nhớ về cha trong niềm cảm xúc: “Cha là chỗ dựa vững chắc và cũng là tấm gương về sự nhiệt thành. Chục năm trước, khi tôi mới chân ướt chân ráo dự tu, gia đình khổ cực lắm. Cả nhà làm ruộng, không đủ sống nên đi làm thuê. Cha mẹ xay lúa, nhổ mạ, đi nơi khác cắt lúa… Là đứa con nhà nông, tôi hiểu cha mẹ vất vả. Cũng nhiều lần muốn xin thôi tu. Hàng xóm thắc mắc sao lại phải đi tu, trong khi gia đình còn lo từng miếng ăn? Nhưng cha tôi không hề than phiền, ngược lại không muốn con từ bỏ con đường đã chọn. Cho nên khi đón nhận hồng ân cao quý này, tôi nghĩ mình đã không phụ lòng cha”.

Với thiếu nhi vùng quê

Cha Tiến vẫn đang đợi để đón nhận bài sai đầu tiên, và tâm niệm, dù được gởi đến đâu cũng sẽ cống hiến hết mình; nhưng nếu được may mắn phụ giúp các cộng đoàn giáo dân Khmer tại giáo phận sẽ là niềm vui lớn, như thể được quay về nguồn cội để đáp đền.

Hùng Luân

Chi tiết