GIÁO HUẤN XÃ HỘI CÔNG GIÁO VỀ VAI TRÒ CỦA GIA ĐÌNH, CHA MẸ TRONG VIỆC GIÁO DỤC CON CÁI
Nội dung

GIÁO HUẤN XÃ HỘI CÔNG GIÁO VỀ VAI TRÒ CỦA GIA ĐÌNH, CHA MẸ TRONG VIỆC GIÁO DỤC CON CÁI

Giáo dục nước ta trong những năm qua đạt được nhiều thành quả đáng mừng: cơ sở vật chất, thiết bị được xây dựng, trang cấp thêm; đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý từng bước được nâng chuẩn nhằm đáp ứng nhu cầu dạy và học theo hướng hiện đại; chất lượng giáo dục - đào tạo không ngừng được  nâng cao,… Nhưng vẫn còn ở mặt này, mặt khác những hạn chế, đặc biệt là việc giáo dục đạo đức cho học sinh; việc kiểm tra, đánh giá các hoạt động giáo dục, ...

Giáo dục có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống con người, và ảnh hưởng ngày càng sâu rộng đối với sự phát

triển của xã hội" [*]. Vì vậy, mọi người dân Việt, người Kitô hữu nói riêng đều có bổn phận góp phần để xây dựng nền giáo dục nước nhà ngang tầm với giáo dục ở các nước tiên tiến trên thế giới.

Nhân Mùa Khai trường, năm học 2024-2025, bài viết này nhắc lại những giáo huấn của Giáo hội dành đặc biệt cho các bậc làm cha mẹ về vai trò của gia đình, của cha mẹ trong việc giáo dục con cái để chúng ta cùng suy ngẫm.

  1. Gia đình là "cộng đồng yêu thương và liên đới, nơi thích hợp để dạy dỗ và truyền đạt các giá trị văn hóa, đạo đức, xã hội, tâm linh và tôn giáo, … Điều này rất cần cho mỗi thành viên của gia đình và xã hội được phát triển và hạnh phúc". Khi thi hành công việc này, gia đình đã đóng góp vào công ích và trở thành ngôi trường đầu tiên dạy các đức tính xã hội, là điều mà xã hội nào cũng cần (Tóm lược Học thuyết Xã hội CG, số 238).
  2. Gia đình có vai trò đặc biệt và không thể thay thế trong việc dạy dỗ con cái. Thật vậy, tìnhyêu của cha mẹ không chỉ là nguồn mạch mà còn là nguyên lý làm sinh động, là chuẩn mực khơi gợi và hướng dẫn mọi hoạt động giáo dục. Giữa cha mẹ và con cái có mối quan hệ yêu thương, nên cha mẹ có nghĩa vụ và quyền lợi trong việc giáo dục con cái mà "không ai có thể thay thế, và không thể chuyển nhượng cho bất kỳ ai". Cha mẹ còn có nghĩa vụ và quyền lợi giáo dục tôn giáo, luân lý cho con em mình (TL HTXH, số 239).
  3. Cha mẹ là những nhà giáo dục đầu tiên, nhưng không phải là nhà giáo dục duy nhất đối với con cái, nên cha mẹ có bổn phận cộng tác chặt chẽ và sáng suốt với các cơ quan dân sự,… trong đó ưu tiên cho sự cộng tác giữa gia đình và nhà trường (TL HTXH, số 240).
  4. Cha mẹ có quyền thành lập và hỗ trợ các cơ sở giáo dục. Chính quyền có trách nhiệm hỗ trợ để phụ huynh được tự do thực sự mà thực thi quyền này (TL HTXH, số 241)

.Cha mẹ có trách nhiệm bảo đảm cho con em mìnhđược hưởng sự giáo dục toàn diện. Mọi nền giáo dục chân chính đều nhằm đào tạo con người hướng tới mục tiêu cuối cùng của mình, và vì lợi ích của xã hội mà con người thuộc về, cũng như trong các nghĩa vụ mà con người sẽ phải tham gia gánh vác khi trưởng thành. Sự giáo dục toàn diện này chỉ được bảo đảm khi con cái được giáo dục trong đối thoại, gặp gỡ, sinh hoạt xã hội, trong tình liên đới và hòa bình,… Trong việc giáo dục con cái, vai trò của người cha và của người mẹ đều cần thiết như Họ phải làm việc chung với nhau, phải thi hành quyền bính với lòng tôn trọng và sự dịu dàng, đáng tin cậy và khôn ngoan, quan tâm đến lợi ích toàn diện của con cái (TL HTXH, số 242).

  1. Cha mẹ còn có trách nhiệm trong việc giáo dục giớitính cho con cái mình. Do có sự liên quan mật thiết giữa tính dục với những giá trị đạo đức của con người nên việc giáo dục này phải giúp cho con cái hiểu biết và tôn trọng các chuẩn mực luân lý để chúng được trưởng thành một cách có trách nhiệm trong tính dục (TL HTXH, số 243).

Trong điều kiện hiện nay của xã hội, giáo dục nước nhà, thì việc cha mẹ nỗ lực xây dựng gia đình mình trở nên một cộng đồng yêu thương, gia đình hạnh phúc; chăm lo thật sự đến việc giáo dục văn hóa, đạo đức cho con cái; cộng tác tích cực với nhà trường qua các hoạt động của Hội phụ huynh học sinh, … là những việc làm thể hiện trách nhiệm công dân, việc thực hành Giáo huấn Xã hội Công giáo.

 

 

Hoàng An

 

Chi tiết