Giáng sinh nối kết đất – trời
Nội dung
Mỗi khi mùa Vọng về, những lời ca “Trời cao hãy đổ sương xuống…” lại dìu dặt âm vang nơi không gian thanh bình của các giáo đường. Đó không chỉ là một lời cầu nguyện thiết tha của những tâm hồn đang mong mỏi Đấng Cứu Độ, mà còn là lời tiên báo tràn trề niềm hy vọng, từng bước vén mở công trình cứu chuộc kỳ diệu của Thiên Chúa: “Trời cao hỡi, nào hãy gieo sương, mây hãy đổ mưa, mưa đức công chính; đất mở ra đi cho nẩy mầm ơn cứu độ, đồng thời chính trực sẽ vươn lên.” (Is 48,5).

Trời và đất, sương và mưa, nẩy mầm và vươn lên, những từ ngữ này khắc họa một khung cảnh bao la và một sự giao hòa giữa thiên quốc và phàm trần. Trời sẽ gieo sương, mây sẽ đổ mưa, nhưng nếu đất không mở ra, nguồn dưỡng chất sẽ chẳng thể thâm nhập và cây cối sẽ chẳng thể đâm chồi nẩy lộc. Ơn cứu độ của Thiên Chúa không đổ tràn trên thế gian một cách biệt lập, nhưng còn cần đến sự cộng tác của nhân loại. Giao Ước vĩnh cửu giữa Thiên Chúa và thế gian được hoàn thành trong sự đáp trả đúng mực của loài người, trong tình yêu và lòng thành tín.

Đức công chính xuất phát từ Thiên Chúa và sự công chính này xuất hiện nơi con người Đức Kitô, Ngài đã đến như một bông hoa của nhân loại, Ngài mặc lấy xác phàm, sống như một con người bình thường và được hoài thai bởi một người phụ nữ đơn sơ, vì thế ta chẳng thể phụng thờ và yêu mến Thiên Chúa cách trọn vẹn nếu như không yêu thương con người và những gì liên hệ đến nhân sinh.

“Đức Kitô vừa là nguồn sung mãn của Thiên Chúa vừa là hoa quả của trái đất chúng ta”, vì thế đêm Giáng sinh là một khoảnh khắc gặp gỡ và kết hợp nhiệm mầu giữa trời và đất. Ơn cứu độ đã được ban cho thế giới khi Ngôi Hai giáng thế, và ơn cứu độ ấy vẫn trải rộng trên cùng cõi địa cầu và trải dài từ ngàn xưa tới nay cho đến mãi muôn đời. “Khắp mặt đất sẽ tràn ngập vinh quang Chúa” (Is 40,5) “và mọi người sẽ thấy ơn Thiên Chúa cứu độ” (Lc 3,6). Đó là một tương lai hết sức tươi sáng cho nhân loại, nhưng liệu rằng giữa những biến động tàn khốc của thế giới, giữa những nỗi đau mà con người ngày nay đang phải gánh chịu, làm sao ta có thể cảm nhận được ơn cứu độ của Thiên Chúa?

Con người là một thụ tạo của Đấng Toàn Năng, vì thế con người sẽ chẳng thể sống một cuộc đời viên mãn nếu không hướng đến Đấng là chủ trái đất muôn vật muôn loài. Thế nhưng con người thời nay dễ bị mê hoặc bởi những tiến bộ của khoa học kỹ thuật và dễ bị lầm tưởng về khả năng và vị trí của mình trong thế giới. Họ muốn thâu tóm cả vũ trụ, họ tự hào vì sẽ nắm được tất cả những bí ẩn của thiên nhiên. Nhưng rồi rốt cuộc họ lại ra đi với những nỗi khắc khoải chẳng thể lấp đầy được… “Kính sợ Chúa là đầu mối khôn ngoan” (Tv 111,10), bởi lẽ đó, ai cậy trông vào Chúa và trở nên nhỏ bé trước mặt Ngài sẽ được sống một cuộc đời bình an lành thánh. Đức tin mang đến nguồn sức mạnh giúp người tín hữu có thể vượt qua được những nghịch cảnh của cuộc sống, cậy trông vào Chúa sẽ giúp ta thêm vững chãi trên đường đời. Tuy nhiên, vì sự yếu đuối và thiếu phân định của con người mà lắm khi thay vì “phó thác”, ta lại “thoái thác” vào Chúa. Làm sao ta có thể đạt được hạnh phúc nếu cứ ngồi yên một chỗ? Chúa không thể nắm lấy tay ta nếu như ta chẳng chịu đưa tay ra cho Người!

Gia đình là Hội thánh thu nhỏ và phản ảnh rõ nét tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi, nhưng ngày nay nhiều bạn trẻ đang ngao ngán vì phải chứng kiến biết bao cảnh tượng đổ vỡ xót xa. Phải chăng luồng ảnh hưởng thực dụng vô cảm của xã hội đã len lỏi vào nếp sống của các gia đình, khiến họ đi sai hướng? Ước chi các cặp vợ chồng đừng chỉ lao đao vì miếng cơm manh áo mà còn chăm lo cho đời sống tinh thần của tổ ấm đẹp đẽ ấy. Nếu vợ hết lòng vì chồng và chồng hết lòng vì vợ, nếu cha mẹ chủ tâm ân cần dạy dỗ bảo ban và chia sẻ cùng con cái, và con cái ngoan ngoãn vâng nghe cha mẹ, ắt hẳn đời sống vợ chồng sẽ là ý hướng và ước mơ của bao người. Tất cả những điều ấy đều hội tụ trong một gia đình nhỏ nơi Nadarét. Để có thể noi gương học đòi Thánh gia, hãy chăm chỉ suy tư và thực hành những lời Kinh Thánh dạy, đồng thời lắng nghe và thực hiện những giáo huấn của Giáo hội.

Thật vậy, Giáo hội là Hiền Thê của Đức Kitô và là nhiệm thể của Người, bởi thế tình trạng của Giáo hội không chỉ tác động đến các Kitô hữu mà còn có sức ảnh hưởng đến mọi miền thế giới. Tuy Hội Thánh do chính Đức Kitô thiết lập, nhưng Hội thánh cũng chẳng thể toàn thiện như Người. Hội thánh đang từng bước vươn lên cùng với sự phù trợ của Thiên Chúa và sự soi sáng dẫn đường của Chúa Thánh Thần. Hội thánh được sai đến thế gian để làm chứng cho Thiên Chúa, vì vậy Hội thánh vẫn vận hành theo phương cách của thế gian, làm sao để những hoạt động của Hội thánh không bị những làn sóng tục hóa xô đẩy và nhận chìm? Làm sao để khi nhìn vào Hội thánh, con người vẫn tìm được niềm hy vọng về những điểu tốt đẹp? Và làm sao để các tín hữu có thể cảm nếm được tình yêu của Thiên Chúa và được tiếp thêm động lực sống thánh thiện?

Mỗi cá nhân và mỗi gia đình đều là nhân tố quan trọng của xã hội, và đời sống con người sẽ chẳng thể an yên nếu như các nhà lãnh đạo nơi trần thế của họ không đưa ra những đường hướng hợp lý cho hòa bình của đất nước và của thế giới. Những nhà lãnh đạo nổi tiếng thời Cựu Ước đã liên lỉ mưu cầu và vâng nghe theo Chúa, dù đôi lúc họ như muốn ngã quỵ trước sức nặng của trách nhiệm lớn lao mà Chúa đã trao phó. Ước chi các vị hữu trách của các quốc gia không chỉ quan tâm đến chỉ số phát triển của kinh tế mà còn lưu tâm đến chỉ số hạnh phúc của con người. Sự sống chỉ thật sự dồi dào khi ta biết hướng đến Đấng là nguồn mạch của sự sống!

Vì Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống thế làm người với hình hài một bé thơ, nên sự sống của các thai nhi cần được bảo toàn. Vì Đấng Cứu Chuộc đã đầu thai nơi cung lòng một người phụ nữ, nên phẩm giá của người phụ nữ cần được trân trọng. Vì Thánh gia đã sống một cuộc đời nghèo khó, nên những người nghèo khổ cần được quan tâm và giúp đỡ. Ơn cứu độ của Thiên Chúa sẽ đổ xuống trong tôi, trong anh và trong em, Người sẽ thực hiện điều Người đã hứa trong chúng ta, vì chúng ta mà nhờ chúng ta, tất cả chúng ta đều được liên kết trong tình yêu của Người. Vì thế, ta sẽ tìm thấy hạnh phúc thực sự nơi Thiên Chúa và cả trong mỗi tha nhân.

Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ, hòa bình công lý đã giao duyên” (Tv 85, 11), ơn phúc sẽ được đổ xuống thế gian bằng một đáp trả kính cẩn của con người. Ước mong sao hòa bình và công lý được hiện hữu nơi thế gian này, vì Chúa đã đến, Người đang đến và sẽ đến một lần nữa để cứu chuộc những ai đã đặt trọn niềm tin vào Người.


Trúc Giang

Chi tiết