Đức tin và khoa học
Nội dung
Đức tin và khoa học
Trong một buổi gặp gỡ và giao lưu với các bạn sinh viên, một bạn ngoại đạo chia sẻ với tôi rằng: „Các môn thần học không có logic gì cả. Thần học chỉ là một mớ kiến thức để học thuộc lòng, kiểu nói sao nghe vậy, chứ không cần hiểu và cũng chẳng hiểu được. Vì các môn thần học bàn về những thứ trên trời xa rời thực tế, chứ không hấp dẫn, thức thời và có ích lợi như các môn khoa học khác…” Khi nghe những điều này, lúc đầu tôi thấy khó chịu, và có rất nhiều câu hỏi ùa đến với tôi. Tôi định phản pháo lại mà bảo rằng, bạn có biết gì về các môn thần học không, mà đưa ra kết luận như thế. Nếu bạn dựa trên tri thức khoa học để đánh giá về thần học, thì khoa học không cho phép bạn kết luận điều gì, nếu trước đó bạn chưa thấu hiểu và có bằng chứng xác thực về điều đó. Tạ ơn Chúa, lúc đó tôi vẫn bình tĩnh ngồi nghe và suy gẫm những điều bạn ấy chân thành chia sẻ. Nhưng quả thật, xét ở một khía cạnh nào đó, lời nhận xét của bạn ấy nghe cũng có lý. Đúng là trong kho tàng đức tin của chúng ta, có những mầu nhiệm vượt trên sự hiểu biết của trí hiểu và sự giải thích của lý trí. Chúng ta nói về chúng với ngôn ngữ trừu tượng và khó hiểu. Trong khi đó, ngôn ngữ của khoa học luôn rành mạch và rõ ràng. Một điều kiện quan trọng của khoa học là phải kiểm chứng được, trước khi phát biểu thành mệnh đề. Cho nên, đôi khi, chúng ta cũng muốn có những điều kiểm chứng được về đức tin.
Trong Tin Mừng Chúa Nhật II Phục Sinh,[1] ông Tô-ma đòi hỏi những thực nghiệm trước khi tin: „Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin” (Ga 20, 25b). Vấn đề của Tô-ma và của chúng ta ngày nay là chỉ tin những gì có thể sờ mó và đong đếm được. Đức Giê-su không lên án Tô-ma vì ông không tin, thay vào đó, Ngài cho phép ông thực hiện điều ông muốn: „Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. ”(c. 27.a). Tô-ma đã yêu cầu được chạm vào Chúa Phục sinh. Tuy nhiên, trong bài Tin Mừng, không có dấu hiệu nào cho thấy Tô-ma đã thực sự chạm vào vết thương của Chúa Giê-su, chỉ cần nhìn thấy Chúa Ki-tô bị đóng đinh và phục sinh là đủ rồi.
Đức Giê-su nói: “Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin” (c. 27b).[2] Theo bản dịch, dường như Tô-ma chỉ nghi ngờ thôi, nhưng động từ nguyên gốc Hy-lạp có nghĩa đen là không tin. Nhưng khi gặp được Chúa Phục Sinh, Tô-ma tuyên xưng đức tin một cách tuyệt vời: „Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” (c. 28). Nếu trước đó, Tô-ma dường như là người yếu lòng tin nhất, thì bây giờ ông đã trở thành người tin tưởng lớn nhất. Đức Giê-su không từ chối ban phúc lành cho Tô-ma. Ông đã được diễm phúc nhìn thấy Chúa Phục sinh và ông đã tin.
“Phúc thay[3] những người không thấy mà tin!” (c. 29). Có thể nói, đây là mối phúc cuối cùng mà Giê-su ban tặng. Phải chăng mối phúc này sẽ khiến những người ki-tô hữu đầu tiên cảm thấy bị thua thiệt, vì họ đã lỡ gặp và nhìn thấy Chúa Giê-su Phục Sinh? Không. Họ đã nhận được diễm phúc nhìn thấy, và họ đã trở nên chứng nhân về Chúa Ki-tô Phục Sinh. Ở một khía cạnh khác, một số ít ki-tô hữu đầu tiên được tận mắt nhìn thấy Chúa Giê-su Phục Sinh, họ không có „lợi thế” hơn nhiều so với chúng ta ngày nay, là những người không thấy mà tin. Nói một cách khác, Đức Giê-su không nói rằng những ki-tô hữu sau này sẽ được phúc hơn những tông đồ và những người ki-tô hữu đầu tiên đã được nhìn thấy, mà chỉ nói rằng chúng ta cũng sẽ được phúc lành như họ, nếu tin vào Chúa Ki-tô Phục Sinh.
Các bài Tin Mừng trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh cho chúng ta thấy rằng có nhiều loại đức tin khác nhau, có nhiều cách thức đón nhận đức tin khác nhau và có nhiều mức độ tin khác nhau. Người môn đệ yêu dấu tin khi nhìn thấy ngôi mộ trống (c. 8); Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đã tin, khi Chúa Phục Sinh gọi tên mình (c. 16); Các môn đệ chỉ tin, khi nhìn thấy Chúa Phục sinh (c. 20); Còn Tô-ma yêu cầu: Tôi phải chạm vào vết thương của Chúa Giê-su, thì tôi mới tin (câu 25)…. Như thế, mỗi người có những nhu cầu khác nhau và tìm thấy những con đường khác nhau để đến với đức tin.
Cũng như mục đích hướng tới Thượng Hội Đồng Giám mục thế giới lần thứ 16 vào năm 2023, với chủ đề: Hướng tới một Hội Thánh hiệp hành, Chúng ta được mời gọi: Hãy củng cố đức tin cho nhau; chúng ta cần nhau để lớn lên trong đức tin.
Mở rộng hơn, đức tin và khoa học không loại trừ nhau.[4] Cả hai cần nhau và bổ túc lẫn cho nhau. Các tri thức khoa học được hình thành ngang qua thí nghiệm và kiểm chứng. Các tri thức ấy cần các bằng chứng không thể chỗi cãi được. Còn các chân lý của đức tin không dựa trên cơ sở xác minh của thí nghiệm theo kiểu khoa học. Các chân lý của đức tin cũng không phải là kết quả của suy tư logic, và cũng không phải là một chuỗi luận đề giản lược được rút ra từ trong Kinh Tin Kính. Có thể nói đức tin, trước tiên, là đi vào mối tương quan với Một Đấng, là cuộc dấn thân của chính mình cho Ngài. Tất nhiên, những chân lý đức tin cũng cần một sự xác thực, nhưng không phải là sự xác thực như kiểu của khoa học.
Tóm lại, cả hai loại tri thức đều đặt nền móng trên nền tảng là các kinh nghiệm. Khoa học cần các thực nghiệm trong phòng thí nghiệm, còn đức tin đòi hỏi đi vào „tương quan” với Thiên Chúa. Những người tin đòi buộc phải biết chấp nhận, đặt trọn niềm tín thác vào Đấng thiêng liêng vô hình, không tỏ hiện hiển nhiên ra bên ngoài theo cách thức của một thực tại hữu hình, nhìn thấy được, sờ mó được, hoặc nắm lấy được. Có thể nói hai loại hiểu biết ấy nằm ở hai bình diện khác nhau, nhưng những gì khoa học tìm thấy và những gì đức tin khẳng định, không thể có đối nghịch thực sự. Nếu đức tin cần khoa học để thấu hiểu và diễn tả điều mình tin hơn, thì khoa học cần đức tin để mở rộng chân trời, mở rộng tầm nhìn và nhận ra ý nghĩa của mọi sự vật.
Xin Chúa Ki-tô Phục Sinh ban thêm bình an và ơn đức tin cho mỗi người chúng con. Amen.
Giuse Trần Văn Ngữ, SJ
[1]Tin Mừng Chúa Nhật II Mùa Phục Sinh Năm C: Đức Giê-su hiện ra với các môn đệ (Ga 20,19-31).
[2] Chúa Giê-su nói: καὶ μὴ γίνου (kai me ginou) = và đừng có, ἄπιστος (apistos) = không tin; ἀλλὰ πιστός (alla pistos) = nhưng tin.
[3] Từ nguyên gốc Hy Lạp μακάριος (makarios) = phúc lành (Động từ trong tếng Do thái אֶשֶׁר). Đây là từ mà Đức Giê-su đã dùng trong bài giảng về các Mối Phúc (Mt 5, 3-12). Các phúc lành mà Chúa Giê-su tuyên bố ở đây là Nước Trời (c. 3), Đất Hứa làm gia nghiệp (c. 4), được an ủi (c. 5), được cho thỏa lòng (câu 6), lòng thương xót (câu 7), được nhìn thấy Thiên Chúa (c. 8), được gọi là con Thiên Chúa (c. 9), và phần thưởng trên Trời (câu 10-12).
[4] Thông điệp Providentissimus Deus (Thiên Chúa quan phòng) của Đức Lê-ô XIII (18.11.1893). Đây là văn kiện đầu tiên đề cập sâu rộng đến các vấn đề về việc giải Kinh Thánh, cần song hành với sự phát triển trong các ngành khoa học đời. Đức Lê-ô cho rằng: “Nếu hai bên đều biết dừng lại ở trong giới hạn lãnh vực của mình, thì giữa nhà thần học và nhà bác học sẽ không có một mối bất đồng nào cả”.
Chi tiết
- Ngày: 25/11/2023
- Chủ đề: Lm. Anmai