Đức Phanxicô muốn có một thần học “quỳ gối, chìm đắm trong lời cầu nguyện”
Nội dung

Đức Phanxicô giải thích thần học phải “giải thích hiện tại một cách tiên tri” và nhận ra “những con đường mới cho tương lai” 

 

“Việc thúc đẩy thần học trong tương lai không thể chỉ giới hạn ở việc tái đề xuất một cách trừu tượng các công thức và khuôn mẫu của quá khứ”, Đức Phanxicô khẳng định trong Tông thư dưới hình thức Tự sắc Ad theologiam promovendam (Thúc đẩy thần học) được công bố ngày thứ tư 1 tháng 11 năm 2023, qua đó ngài phê chuẩn các quy chế mới của Giáo hoàng Học viện Thần học.

 

Giáo hoàng Học viện Thần học – chuyên nghiên cứu về Thiên Chúa và thần thánh – được Giáo hoàng Clement XI thành lập năm 1718 và trong suốt lịch sử được cải tổ nhiều lần, lần đầu tiên là giáo hoàng Gregory XVI năm 1838, sau đó Đức Gioan-Phaolô II với tông thư Inter munera Academiarum (Một trong những chức năng của Học việnnăm 1999. Gần 25 năm sau, đến lượt Đức Phanxicô cải tổ các quy chế, nhằm thúc đẩy một “nền thần học đi ra” có khả năng thích ứng với Giáo hội “có tính đồng nghị, truyền giáo và ra đi” mà ngài đang kêu gọi.

 

Trong tông thư mới, Đức Phanxicô giải thích thần học phải “giải thích hiện tại một cách tiên tri” và phân định “những con đường mới cho tương lai”. Dưới ánh sáng Mặc Khải, tông thư phải đồng hành theo những biến đổi sâu sắc do những “thay đổi thời đại” hiện nay gây ra.

 

Tuy nhiên ngài nhấn mạnh “sự mở ra với thế giới không được giảm xuống thành một thái độ ‘chiến thuật’”, nhưng dẫn đến một “hiện đại hóa về nhận thức luận và phương pháp luận” của thần học, một “thay đổi hệ biến hóa”.

 

Ngài xin các thần học gia làm việc hướng tới một “thần học bối cảnh cơ bản” bằng cách tuân theo “phương pháp quy nạp” để “đọc và giải thích Tin Mừng trong điều kiện sống hàng ngày của con người”. Ngài xin họ tính đến môi trường địa lý, xã hội và văn hóa. “Khoa học về Thiên Chúa”, theo sau “sự phân định các dấu chỉ thời đại”, phải có khả năng ủng hộ một văn hóa đối thoại bằng cách “cởi mở đối đầu với tất cả mọi người, những người có đức tin cũng như những người không có đức tin”.

 

Làm việc với các tôn giáo và tín ngưỡng khác
Đức Phanxicô cảnh báo: “Với thần học, mối nguy hiểm là để cho mình “bị nhốt vào sự tự quy chiếu, dẫn đến cô lập và vô nghĩa.” Ngài khuyến khích thần học “liên ngành” nhằm nhân rộng các quan điểm về một chủ đề nghiên cứu, yêu cầu thích hợp “các phạm trù mới được phát triển bởi kiến thức khác, để thâm nhập và truyền đạt các chân lý đức tin và truyền tải giáo huấn của Chúa Giêsu trong ngôn ngữ ngày nay, với sự độc đáo và nhận thức phê phán”.

 

Một thần học xây dựng trên “quỳ gối”
Vì thế ngài xin các Viện sĩ khởi xướng “một đối thoại liên ngành với các kiến thức khoa học, triết học, nhân văn và nghệ thuật khác, với những người có đức tin và những người không có đức tin, với những người thuộc các giáo phái kitô giáo và tôn giáo khác nhau”. Ngài cũng khuyến khích sự hợp tác với các tổ chức thần học khác trên thế giới.

 

Ngoài ra, Đức Phanxicô hy vọng thần học sẽ góp phần vào “cuộc tranh luận hiện nay về ‘tư duy suy nghĩ lại’”, bằng cách nuôi dưỡng một thần học “không trừu tượng và ý thức hệ, nhưng mang tính thiêng liêng được phát triển bằng cách quỳ gối, thấm nhuần sự tôn thờ và cầu nguyện”. Ngài cũng kêu gọi phát triển một “thần học bình dân” chú ý đến “tiếng nói của giáo dân” có khả năng giải quyết “với lòng thương xót những vết thương còn mở của nhân loại và tạo vật”. 

 

Học viện hiện có 35 thành viên 
Trong một thông cáo báo chí, giám mục Antonio Staglianò, giám đốc Giáo hoàng Học viện Thần học hoan nghênh việc cải tổ học viện. Học viện phải tạo khả năng “thúc đẩy, trong mọi lĩnh vực kiến thức, đối đầu và đối thoại” để “tiếp cận và thu hút toàn thể dân Chúa vào việc nghiên cứu thần học, để đời sống của người dân trở thành đời sống thần học”.

 

Kể từ khi xuất bản tông hiến tông hiến Anh em hãy rao giảng Tin Mừng Praedicate Evangelium năm 2022, Học viện được đặt dưới sự giám sát của Bộ Văn hóa và Giáo dục, do hồng y José Tolentino de Mendonça đứng đầu. Hiện nay Học viện có 35 thành viên và 18 thành viên danh dự.

 


Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Chi tiết