Ði trọn đường tình Giêsu
Nội dung

Ði trọn đường tình Giêsu

 

Con đường tình yêu của Đức Giêsu đang được hơn 2 tỷ người đi theo. Nhưng thử hỏi họ đang đi như thế nào và làm sao để có thể đi trọn con đường?

  1. Những người không đạt tới đích điểm cuối cùng

Nhiều tín hữu bước trên con đường Giêsu, nhưng mỗi người có thể đi với thái độ khác nhau và tới được những đích điểm khác nhau.

1.1. Những người lạc đường

Trước hết, có những người lạc đường. Họ đi theo con đường tưởng là của Đức Giêsu nhưng lại không đi với tình yêu như Người, nên không đạt tới đích cuối cùng. Họ giống như người Do Thái: tuân giữ rất kỹ những lề luật, lễ nghi là giao ước mà cha ông họ đã ký kết với Thiên Chúa, nhưng chỉ giữ theo hình thức bên ngoài, thiếu hẳn tâm tình thảo hiếu bên trong (x. Gr 31,31-34). Đức Giêsu đã chê trách họ theo lời tiên tri Isaia: “Dân này thờ kính Ta bằng môi miệng nhưng lòng chúng lại xa Ta” (x. Mt 15,8; Mc 7,6; Is 29,13). Vì thế, qua lời tiên tri Giêrêmia, Chúa sẽ thiết lập một giao ước mới ghi khắc trên trái tim họ: “Ta sẽ khắc vào tâm khảm chúng lề luật của Ta… Chúng sẽ không còn phải dạy bảo nhau: hãy học cho biết Đức Chúa. Tất cả sẽ hiểu biết Ta. Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân của Ta”.

Nhiều tín hữu Kitô giáo cũng có thể đang lạc đường như người Do Thái thời Đức Giêsu. Không ít tín hữu đã không đi vào đúng con đường tình yêu của Đức Giêsu vì thật sự không có tình yêu bên trong, vì vẫn chiều theo những tham vọng và dục vọng, vẫn tàn sát và giết hại lẫn nhau. Các cuộc xung đột hiện nay giữa những con người nói rằng, mình tin vào Thiên Chúa là bằng chứng cụ thể về những kẻ lạc đường này.

1.2. Những người không đi trọn con đường

Tiếp theo là những người chỉ đi theo Chúa Giêsu trên đoạn đường họ thích, chứ không phải để được cứu độ và cùng cứu độ với Chúa Giêsu.

Họ giống những môn đệ theo Chúa Giêsu đến tiệc cưới Cana (x. Ga 2,1-12) để được ăn uống, hưởng lợi lộc hay ân sủng nào đó, được dân chúng quý mến vì phân phát những tấm bánh của Chúa Giêsu, hoặc dẫn bệnh nhân đến với Người. Họ thích thú vì được ca tụng, vỗ tay, nhưng lại không chấp nhận những lời khó nghe, những tiếng xầm xì chê trách, những lần bị xua đuổi. “Nhiều môn đệ đã bỏ Chúa Giêsu” (Ga 6,66), nhưng vẫn mang danh là Kitô hữu!

Có người theo Chúa Giêsu đến núi Tabor để được biến hình. Họ được biến hình vì theo Chúa Giêsu trong đời tu ở các chủng viện, tu viện là được học hành, được tôn trọng ngoài xã hội, được lợi lộc đủ thứ. Nhưng họ chỉ dừng lại ở đó, không dám xuống núi để đi đến đoạn cuối của con đường tình yêu là đồi Canvê với cái chết nhục nhã trên thập giá. Vì thế, khi gặp đau khổ, bệnh tật, thất bại, hay bị phản bội, giam cầm, tù tội…, nhiều người đi tìm con đường khác để an thân.

Đó là chưa kể những người đang bị quyến rũ bởi cuộc sống hưởng thụ vật chất, đang  tin tưởng sai lạc là khoa học sẽ giải quyết được mọi vấn đề của con người. Ở nhiều nước Âu Mỹ, các nhà thờ trống rỗng chỉ còn lại ít chục ông già bà lão, trong khi sân vận động đầy ắp mấy chục ngàn người hò hét trong trận đấu bóng đá hay buổi trình diễn ca nhạc. Nhiều bạn trẻ không còn cầu nguyện, không còn tham dự thánh lễ để tìm về được với Chúa là nguồn của tình yêu, tư tưởng, niềm vui, hạnh phúc…

Đó là những người không đạt tới đích điểm cuối cùng. Vậy muốn đi trọn đường tình Giêsu, cần phải làm gì?

 

  1. Đi trọn đường tình Giêsu

2.1. Đường tình tuyệt vời

Trước hết cần xác tín rằng, Chúa Giêsu chính là con đường dẫn đến sự thật giải thoát toàn diện và sự sống thần hóa muôn loài. Đức Giêsu vừa là con đường, vừa là người chỉ đường cho ta theo và cũng là đích điểm ta phải đạt đến. Những ai kết hợp trọn vẹn với Đức Giêsu trong tình yêu sẽ hòa nhập thành một với Người, trở thành con đường tình yêu của Người. Đức Giêsu đã đi trọn con đường tình yêu bằng việc hoàn toàn vâng phục Chúa Cha dù phải chết trên thập giá, vì “Người đã yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và đã yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1)..

Thánh Phaolô qua thư gởi tín hữu Do Thái đã diễn tả tình yêu cứu độ đó: “Khi còn sống kiếp phàm nhân, Chúa Giêsu đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Người đã được nhận lời. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục, và khi chính bản thân đạt tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người” (x. Dt 5,7-9).

2.2. Gặp được Chúa Giêsu

Vì thế, để đi trọn đường tình Giêsu, điểm cốt yếu là phải gặp được Chúa Giêsu. Ở từng đoạn đường, mỗi tín hữu đều có thể gặp được Chúa Giêsu hiện diện như Người đã nói: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Bất cứ lúc nào những ai yêu thương trọn vẹn đều gặp được Người. Hơn nữa, trong mỗi đoạn đường đời, bất cứ ai gặp Chúa Giêsu đều nhận được những ơn lành: người đói khát được ăn uống no nê, người tật bệnh được chữa lành, người tội lỗi được tha thứ, thậm chí cả người chết được sống lại (x. Mt 9,22; Mc 4,40; 10,52; 11,22; Lc 7,50; 17,19; 18,42…).

Tôi xin được chia sẻ với các bạn cuộc gặp gỡ Đức Giêsu vừa mới xảy ra. Chúa nhật 17.3.2024, chúng tôi cùng đoàn y tế thiện nguyện đến Đại học Cửu Long ở huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, để khám chữa bệnh cho hơn 2.000 dân nghèo vùng đó. Đoàn có 280 người, gồm 70 bác sĩ, 22 nha sĩ, 16 dược sĩ, và hàng trăm điều dưỡng viên, kỹ thuật viên. Chúng tôi đã đem theo 12 ghế nha, 8 máy siêu âm, 4 máy đo điện tim, 2 xe Xquang và 3 máy đo khúc xạ làm kính. 250 tình nguyện viên gồm các thầy cô và sinh viên khoa Sức Khoẻ của trường Đại học giúp đỡ chúng tôi. Khoảng 3000 người cùng sinh hoạt, ăn sáng, ăn trưa, ăn chiều, uống nước trà chanh, nước cam, được phát thuốc, phát quà… Chúng tôi cảm nghiệm rõ ràng Chúa Giêsu đang ở giữa chúng tôi, đang làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, đang chữa lành bệnh nhân, đang nối kết tất cả trong tình yêu của Người dù chúng tôi khác nhau về nhiều mặt trong xã hội.

Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo nhiều lần nhắc nhở ta rằng: Đức tin là cuộc gặp gỡ giữa con người với Thiên Chúa, giữa một con người cụ thể là chúng ta với Thiên Chúa cụ thể là Đức Giêsu (x. GLHTCG, số 150-151).

Tuy nhiên, cuộc gặp gỡ quan trọng nhất, hiệu quả nhất, dẫn đến sự biến đổi trọn vẹn lại diễn ra ở đồi Canvê. Phải thú nhận rằng rất ít người dám có mặt ở đó, ngoại trừ Mẹ Maria, cô Madalena, một vài phụ nữ và Gioan, người môn đệ Chúa yêu. Chính Chúa Giêsu đã xao xuyến, đã sợ hãi tột độ khi nghĩ đến giờ phải chết để đi trọn đường tình: “Bây giờ tâm hồn Thầy xao xuyến! Thầy biết nói gì đây? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này. Nhưng chính vì giờ này mà con đã đến” (Ga 12,27). Tiếng vọng từ trời của Chúa Cha đã nâng đỡ Đức Giêsu cũng như nâng đỡ chúng ta: “Ta đã tôn vinh Danh Ta, Ta sẽ còn tôn vinh nữa!”.

Lúc ấy, chúng ta mới hiểu rằng, đi trọn đường tình Giêsu sẽ giúp ta vượt qua đau khổ,  bất hạnh, chết chóc, để cảm nghiệm được hạnh phúc trọn vẹn là kết hợp với Chúa Ba Ngôi, được chia sẻ sự sống kỳ diệu và trở thành ơn cứu độ cụ thể cho muôn loài.

LINH MỤC ANTÔN Nguyễn Ngọc Sơn

Chi tiết