ĐI TÌM SỰ THÁNH THIỆN CỦA CON NGƯỜI
Nội dung

ĐI TÌM SỰ THÁNH THIỆN CỦA CON NGƯỜI

 

Đức Cha Pierre Lambert de La Motte - Kỷ niệm lễ giỗ lần thứ 345
Đức Cha Pierre Lambert de La Motte - Kỷ niệm lễ giỗ lần thứ 345
Giáo Hội Việt Nam đã chính thức khai mở án phong chân phước và phong thánh cho Đức Cha Pierre Lambert de La Motte. Sự kiện này chỉ là mở đầu cho một hành trình dài đầy gian nan phía trước, nhưng là niềm vui vỡ òa của nhiều người. Tên tuổi, cuộc đời và nhất là con đường tu đức thiêng liêng của Đức Cha nay đã được nhắc đến. Sau 345 năm từ trần, ngài được hồi sinh trong trí nhớ và tình yêu của Giáo Hội Việt Nam, một Giáo Hội mà ngài đã từng “lòng đau như cắt, mắt đẫm lệ”[1], trước cảnh huống đầy đau thương nơi miền đất truyền giáo, để đặt nền tảng cho sự lớn lên và trưởng thành như hôm nay.

Thánh thiện: con đường trọn hảo phải đi qua thập giá
Khai mở án phong thánh là hành trình đi tìm sự thánh thiện của con người. Thế nhưng, đâu là sự thánh thiện của con người, bởi lẽ như lời Thánh Vịnh 50 chân nhận rằng: “Lúc chào đời con đã vương lầm lỗi, đã mang tội khi mẹ mới hoài thai” (Tv 50,7). Thật vậy, bất cứ ai dấn thân trên hành trình tiến tới đức ái trọn hảo cũng đều cảm nghiệm tận xương máu sự bấp bênh trong nỗ lực và cố gắng của chính mình. Những ai cam kết làm cho cuộc đời mình trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô cũng đều cảm nếm tận căn khoảng cách diệu vợi giữa khao khát thánh thiện và thực tế, khoảnh khắc thánh thiêng và phàm tục, mạnh mẽ và yếu đuối của cuộc đời mình.
Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo mô tả hành trình này là sự tiến bộ về đời sống thiêng liêng hướng đến sự kết hợp ngày càng mật thiết hơn với Đức Kitô[2]. Bên cạnh đó, Giáo Lý còn nhấn mạnh rằng “Không thể có sự thánh thiện, nếu không có sự từ bỏ và cuộc chiến đấu thiêng liêng. Sự tiến bộ về đời sống thiêng liêng bao hàm sự khổ chế và hy sinh hãm mình, là điều từng bước dẫn tới việc sống trong bình an và hoan lạc của các mối phúc”[3].
Như thế, hành trình đi tìm sự thánh thiện của con người là hành trình không chỉ đi tìm những nhân đức anh hùng, mà còn đi tìm những giới hạn và yếu đuối, để thấy những chiến đấu liên lỉ của tâm hồn người môn đệ Chúa Kitô; thấy sự cương nghị của nội tâm để giữa bao thách đố, cám dỗ của thế gian vẫn quyết tâm theo đuổi những điều thiện hảo; thấy mỗi ngày tâm hồn ấy “chết đi đối với các giác quan và lý trí người đời, để chỉ sống bằng những châm ngôn và đời sống của Chúa Kitô”[4].

Đức Cha Pierre Lambert: một con người vừa thực tế vừa thiêng liêng
Đọc lại cuộc đời của Đức Cha Pierre Lambert có lẽ sẽ thấy cả hai điều trên trong con người duy nhất của ngài. Ngoài những cảm nghiệm thiêng liêng mang tính thần bí, Đức Cha còn là người thực tế khi hoạch định một dự án tổng quát với những kế hoạch chi tiết và kinh phí cụ thể cho chương trình truyền giáo và xây dựng Giáo Hội địa phương[5]: Lập một chủng viện và một trường nội trú cho chủng sinh; lập một Dòng nữ bản địa; lập một nhà thương.
Sự hợp nhất hai chiều kích này nơi con người và cuộc đời của Đức Cha Lambert được sử gia Francoise Fauconnet-Buzelin mô tả như sau: Pierre Lambert de La Motte, một con người của Giáo Hội đặc biệt gây khó chịu cho người khác, một con người với cá tính vừa làm cho người ta xa lánh vì quá khắc khổ, nghiêm túc, không khoan nhượng, vừa thu hút bởi tính táo bạo, lòng can đảm khiêm nhường và sức thuyết phục lạ lùng, tỏa ra từ con người ngài[6]. Ở một chỗ khác sử gia Buzelin chỉ ra những vấn đề mà Đức Cha thể hiện sự không khoan nhượng của mình: “Ngài không bao giờ nhượng bộ khi cuộc tranh chấp đụng chạm tới các quyền của Tòa Thánh ban cho ngài hay tới tính nghiêm túc của luân lý và những đòi hỏi của đời sống thiêng liêng mà ngài coi là điều kiện thiết yếu, không thể mặc cả được cho sự hữu hiệu của truyền giáo”[7].
Chính sự không nhượng bộ này đã tạo nên những cuộc đụng độ mà cho đến nay người ta còn e ngại về đời sống thánh thiện và nhân đức của ngài, cho dù vào những ngày cuối đời, Đức Cha đã làm cử chỉ hòa giải để chứng tỏ tình bạn của ngài[8]. Có lẽ đây cũng là phận số của những người đứng ở tuyến đầu như Đức Cha Pierre Lambert, phải giải quyết các vướng mắc, các hệ lụy rất căng thẳng do chế độ bảo trợ để lại. Tuy nhiên, sử gia Buzelin lại nhận thấy nơi cách hành xử ấy của Đức Cha Pierre Lambert: “Một tình yêu nồng cháy đối với Chúa Kitô; một sự trung thành không lay chuyển với ơn gọi truyền giáo và một lòng tận tụy phục vụ Giáo Hội vô điều kiện”[9]. Theo bà, ba điểm gặp gỡ vượt lên trên những yếu đuối của con người như những hoàn cảnh lịch sử, làm thành ba tiêu chuẩn chính yếu của tính thánh thiện Công Giáo, dù có được đón nhận hay không[10].
Riêng tôi và có lẽ không chỉ mình tôi, những người chọn linh đạo Mến Thánh Giá làm con đường nên thánh cho cuộc đời mình, học nơi Đức Cha tình yêu đến quên mình như lời Kinh Thánh “Vì nhiệt tâm lo việc Nhà Chúa mà con đây phải thiệt thân” (Ga 2,17). Đức Cha Pierre Lambert khi dấn thân vào hành trình truyền giáo với cương vị Đại Diên Tông Tòa Tiên Khởi Đàng Trong chắc chắn ngài không cố gắng sống để người ta thấy mình thánh thiện, đạo đức; ngài cũng không hành xử để tìm lòng mộ mến của nhiều người, ngài chân thành đến mức: “Con có thiên hướng để cho mọi người kiểm duyệt con đường và hạnh kiểm của con mà không biện bạch gì cả”[11]. Đây chẳng phải là sự thánh thiện của Kinh Thánh sao!? “Lạy Chúa, xin dò xét để biết rõ lòng con, xin thử cho con biết những điều con cảm nghĩ; xin Ngài xem con có lạc vào đường gian ác, thì dẫn con theo chính lộ ngàn đời” (Tv 139, 23 – 24).

****************
[1] Francoise Fauconet-Buzelin, Người cha bị lãng quên của công cuộc truyền giáo hiện đại, Sư Huynh Lucien Hoàng Gia Quảng (chuyển ngữ), Nhà xuất bản Phương Đông, Tp. HCM 2015, 293.
[2] GLHTCG., s. 2014.
[3] Như trên., s. 2015.
[4] Đức Cha Pierre Lambert De la Motte, Bức tâm thư, trong Di Cảo, tr. 41.
[5] X. Đức Cha Pierre Lambert De La Motte, Thư gởi Đức Cha Francois Pallu: Dự án tổng quát, trong Di cảo, tr. 93 – 94.
[6] Người Cha bị lãng trên của công cuộc truyền giáo thế kỷ XVII, tr. 37.
[7] Như trên, tr. 36.
[8] Đức Cha Pierre Lambert De La Motte, Di chúc, trong Di cảo, tr. 193.
[9] Người Cha bị lãng quên của công cuộc truyền giáo thế kỷ XVII, tr. 40.
[10] Như trên.
[11] Đức Cha Pierre Lambert De La Motte, Thư gởi Cha Halle, trong Di cảo, tr. 191.

Tác giả bài viết: Ngọc Mỹ - MTGNT

Chi tiết