Có lẽ đời ta mãi thế này?
Nội dung

Có lẽ đời ta mãi thế này?

Young man sitting looking upset

 

Người mới, người cũ

Con người mới[1] thời nay ở đây là một sự phóng đại dị thường[2]. Họ đầu tư và xoay xở kiếm chác, vung tay mọi hướng để vơ vét thật nhiều thật nhanh. Họ vẽ ra con đường ngắn nhất đến đích, ngang qua việc chấp hành nghiêm chỉnh những thứ luật không tên. Bất chấp là nguyên tắc hành động xác nhận sự vô đáy của lòng tham, dù có thời chính họ đã phủ nhận một cách có hệ thống mọi sở hữu cá nhân. Chỉ cái chung không cái riêng – một sự phóng đại tai hại.

Quên hẳn lời kinh „Chớ mê ăn uống“ nên việc ăn chung mâm được phóng đại đến tột đỉnh, và được cho là thủ tục nhất thiết phải có để giải quyết mọi công việc. Một hậu quả là chẳng còn có loại sinh vật nào tồn tại trên và dưới mặt đất mà lại không bị bắt ăn. Con người mới luôn động viên thúc giục nhau ăn nhanh uống lẹ bằng những khẩu hiệu đầy sát khí như trong chiến tranh. Họ cho đó là một nét văn hóa ăn uống thời thượng. Chẳng thiếu gì, nhưng lạ là họ không bao giờ tỏ ra no thỏa! Luôn đói khát dù thân xác ngày càng phình trướng. Ít ai đặt câu hỏi: Họ thực sự đói gì?

Các thành tích và các kỷ lục lập được (cao nhất, rộng nhất) không phản ảnh lại sự hiểu biết và sự tự tin mà họ muốn tỏ bày qua đó. Trái lại, chúng như là sự bào chữa cho những thua kém không được thừa nhận; hay để che đậy một sự xấu hổ khó chối, khi rất tinh vi khi thật vụng về. Những sản phẩm được nhiều giải thưởng của họ lộ ra mặt thật tả tơi đáng buồn sau dăm mùa mưa nắng.

Con người mới cổ xúy tôn giáo nhằm phục vụ việc trục lợi của họ. Đạo không là một con đường dẫn đến sự giải thoát, mà chỉ là một sự lợi dụng và lạm dụng trói cột họ chặt hơn vào những gì chiếm đoạt được. „Chúa họ thờ là cái bụng“ (Pl 3,19), nên mọi suy nghĩ chỉ quẩn quanh trong khuôn khổ vật chất có thể „ăn“ được. Do đó, tầm nhìn bị giới hạn, không thể chạm đến chân trời. Khi đề tài cho các câu chuyện cuộc đời hàng ngày chỉ quay quanh việc „ăn, say, gái“ hay „shows, shopping, hàng hiệu, thẩm mỹ viện“ thì hồn không thể cất cánh.

Họ nỗ lực hết sức, nhưng không chạm được điều sâu xa nhất. Nguyên nhân cũng vì không nhận ra rằng: „Cái họ lấy làm vinh quang lại là cái đáng hổ thẹn“ (Pl 3,19).

Một hiện tượng lạ của thời đại đáng chú ý là người vô thần mà „có đạo“. Cũng như những „kẻ có đạo“ mà vô thần – vì họ sống như không có Thiên Chúa trong đời. Những người này thích nghi đến mức mất cả vị mặn của muối; làm nhiều thỏa thuận đến nỗi không còn nét đặc thù. Nếu có ai hỏi một người mới về trách nhiệm cho thực tế đáng trách và các hậu quả cho các thế hệ sau, người đó sẽ đổ lỗi cho bậc trên hay cho hệ thống, hay cho hoàn cảnh. Những kẻ to mồm bỗng thấy mình nhỏ nhoi: lực bất tòng tâm. Ai cũng chỉ muốn nhìn thấy mình trong vai nạn nhân, vì chịu trách nhiệm là phần của thủ phạm.

Định hướng cơ bản của xã hội coi nhẹ việc tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời, và coi nặng các thành tích của tiến bộ và tăng trưởng. Quan niệm phát triển đó đòi hỏi và thúc đẩy ngày một mạnh hơn sự mất phương hướng. Con người mới ngập lội trong vô số những kích thích liên lỉ đến từ bên ngoài và một biển thông tin đúng sai khó phân biệt, cùng với sự gia tăng của các phương tiện truyền thông là những áp lực đè nặng không ngơi và vì thế gây bệnh. Căng thẳng và rối loạn tâm trí trở thành tình trạng rất quen.

Nhìn bên ngoài thì địa bàn hoạt động của con người ngày càng mở rộng, nhưng bên trong thì dường như đang thu hẹp lại. Con người mới thực sự không biết phải làm gì với bản thân nữa. Họ bị lạc lối trong đời, chỉ biết nhai lại những điều đã cũ trong khi đang học theo lối sống mới khác.

„Tôi muốn ở lại nơi tôi chưa từng đến“[3]

Nghe thật lạ và có chút mâu thuẫn, nhưng lời này từ một bài thơ của nhà văn người Đức Thomas Brasch mô tả chính xác tâm trạng của con người mới hôm nay. Họ sống mà không có điểm hội tụ trong tim – vô hồn. Mọi thứ trong đời được định hình từ các ảnh hưởng bên ngoài. Các lí tưởng vĩ đại nằm ngoài là đích đến cho đời, nên con người mới mất liên hệ sống động với nội tâm. Đó là một phần đời bị bỏ hoang không được chăm sóc; chỉ còn là chỗ ở của những nỗi sợ gây ám ảnh: sợ mất mặt, mất quyền và mất tiền. Nhưng con người mới không sẵn lòng chia sẻ chúng với ai hết.

Muốn ở lại nơi người họ chưa hề biết đến – lời nghe ngược ngạo này cho thấy một sự khát khao tìm được một miền đất hứa, nơi họ có thể ở lại dù hoàn toàn xa lạ. Nơi không ai biết mình: họ muốn trốn đi. Một lời phản ánh sự không thỏa mãn với nơi họ đang sống, vì họ quá biết chỗ đó. Họ không tin rằng mình có tương lai an chắc ở đó. Chính vì vậy, họ đẩy con cái cháu chắt đi tìm tương lai ở nơi họ „chưa từng đến“ – cũng là nơi chính họ đã có thời nguyền rủa hay loại trừ khỏi tầm nhìn. Nói vậy, con người mới đã trở thành một kẻ không quê hương ngay trên mảnh đất họ đang bám chặt. Họ rất linh động, tìm kiếm và săn lùng liên tục nhưng không rõ mục đích việc mình làm. Họ chỉ biết phóng đại sự quan trọng của (chúng) mình, bám vào các khẩu hiệu và phương cách xưa, vì không có khả năng đón nhận cái mới. Thật ra, họ buộc phải hài lòng với cái ảo cái cũ – vì đã lỡ một lần (phải) trao tim.

Triết gia Friedrich Nietzsche (1844-1900) phân tích trong tập sách „Những suy gẫm không hợp thời[4]“ tâm trạng và nguyên do mất tâm điểm trong cuộc sống như vậy: “Tất cả chúng ta đều biết điều đó trong từng khoảnh khắc, là làm thế nào để chuẩn bị đời mình cách tỉ mỉ nhất để trốn tránh nhiệm vụ chính yếu của mình; làm thế nào để giấu kín cái đầu chỗ nào đó, làm như là cả trăm lương tâm không tóm bắt được ta; làm thế nào trao tặng vội vã con tim của mình cho nhà nước, cho việc kiếm thêm tiền hay ăn chơi với bè bạn hay cho khoa học. Mục đích là để không còn sở hữu con tim mình nữa, như khi chúng ta ham mê các công việc nặng nhọc, hăng hái đến mức bất tỉnh, làm như điều đó cần thiết cho sự sống. Bởi vì mọi người đều chạy trốn trước chính mình.

E thẹn che giấu sự vội vàng cũng là một cách được ưa chuộng, bởi vì người ta muốn tỏ ra hài lòng và muốn đánh lừa những người nhìn sáng suốt hơn sự khốn khổ của mình. Nhìn chung là có một nhu cầu về các khẩu hiệu mới nghe thật kêu, để khi dùng chúng, cuộc sống chúng ta có thêm chút ồn ào của ngày lễ hội… Mọi sự xảy ra với chúng ta mang tính thần thiêng, mỗi khoảnh khắc của cuộc sống đều muốn nói với ta điều gì đó, nhưng chúng ta không muốn nghe thấy giọng nói đó của thần thánh. Chúng ta lo sợ khi ở một mình và yên tĩnh, rằng sẽ có điều gì đó thì thầm vào tai, và vì vậy chúng ta thù ghét sự thinh lặng và làm tê liệt mình với những bữa tiệc hay các sinh hoạt ồn ào.“[5]

Có lẽ ta đâu mãi thế này?

Lời thơ này của Nguyễn Công Trứ (1778-1858) có thể dùng để khai mào một cuộc canh tân đời sống. Nhưng để tự đặt câu hỏi như vậy, trước hết tôi phải can đảm nhìn nhận rằng mình thiếu bình an và không hạnh phúc với hiện trạng. Đây là một bước đi khó. Con người mới thích tìm đủ mọi cách để phủ lấp sự xôn xao gây khó chịu của tiếng lòng. Bữa ăn này tiếp theo bữa nhậu kia (x. Lc 16,19) nhằm trấn áp những áy náy đến từ đáy tim. Hô vang liên hồi các khẩu hiệu hay lặp lại không ngừng những lời đã hết giá trị, chỉ là để bịt kín những thổn thức của tiếng lòng.

Mọi mầm mống của thinh lặng giúp đưa con người về với lòng mình, đều bị bóp chết bằng những tiếng ồn làm đinh tai nhức óc, được nhiều người gọi là ca nhạc. Loại âm thanh lớn tiếng này cũng ưa được dùng để tra tấn nhau khắp mọi hang cùng ngõ hẻm, từ thành thị đến nông thôn hẻo lánh. Chưa được ghi nhận cách nghiêm túc là sự ô nhiễm âm thanh. Đó là một nguyên nhân chính cho những nóng nảy căng thẳng, cho nhiều căn bệnh nơi người (phải) nghe, và cho nhiều bạo lực chết người. Con người mới chưa thực sự biết đến thưởng thức – ở mức „chất lượng cao“.

Họ cần ngừng nghỉ cuộc chơi vô bổ một lát để nghe nhắc rằng: „Ta là thân cát bụi, sẽ trở về cát bụi.“ Đây là một lời trong nghi thức xức tro của ngày Thứ Tư Lễ Tro. Điều kiện không thể thiếu để làm mới đời sống là can đảm suy nghiệm tiếp lời nặng ý đó. Nghĩa là trả lời cho câu hỏi đầu tiên trong sách Giáo lý: „Ta sống ở đời này để làm gì?“ hay „Nhiệm vụ của tôi trong đời là gì?“ Đây là một câu hỏi định hướng toàn bộ cuộc sống. Muốn làm được vậy thì phải dành thời gian, tìm thinh lặng. Giáo hội Công giáo dành trọn 40 ngày trong năm cho công việc này: Mùa Chay.

Để bắt đầu lại thì theo Nguyễn Công Trứ cần ý thức rằng „còn trời, còn đất, còn non nước“. Và đừng quên rằng mình „đã từng tắm gội ơn mưa móc“. Một yếu tố thiết yếu khác cho cuộc làm mới đời mình là khả năng biết „thẹn mặt[6]“ – do nhận ra rằng: vì sống ảo nên tôi mới vướng nợ nần. Những gì tôi sở hữu không là hàng thật; bề ngoài phong lưu tài sắc chỉ là nhờ vào các đồ vay mượn. Các phụ kiện đắt đỏ không làm nên căn tính và giá trị con người tôi.

Đó là những nhận thức và khả năng thiếu nơi những con người mới. Họ đã trở nên vô sỉ – đã „mất đi dây thần kinh xấu hổ“ theo cách nói bình dân. Lương tâm trở nên chai đá vì tôn thờ tham sân si lâu năm; nó không còn khả năng đánh thức và nhắc nhở con người. Hơn nữa, tiếng nói của nó đã bị bạo lực và gian tham vô hiệu hóa. Đã trở nên trơ trẽn nên chân thiện mỹ khó có thể chạm hồn con người mới. Trời đất cũng bị phủ nhận một cách có hệ thống và chỉ tồn tại như đối tượng của việc „kinh doanh tâm linh“. Cái họ có nhiều là những nỗi sợ sản sinh ra bạo lực, giết chết thương yêu.

Một bắt đầu lại đòi hỏi không gian của Mùa Chay. Trong đó, con người đi tìm lại tương quan với Thiên Chúa, để rồi nhận biết rằng: „Tôi là tạo vật, không là Thiên Chúa“[7]. Tìm lại tương quan với bản thân, nghĩ lại cách ăn ở của mình qua việc giảm bớt mọi sự không thiết yếu. Học hành động ngược lại với những gì vẫn làm, là: buông bỏ thay vì vơ vét, cho đi thay vì chiếm hữu, chờ đợi thay vì đòi có liền… Và tập nhìn lại tương quan với đồng loại, nhân phẩm và công lý khi học đánh vần lại chữ bố thí. Mùa Chay là cơ hội để con người nhận ra rằng: „Giá trị của cuộc sống không phụ thuộc vào sự tán thành của người khác hay sự thành công, mà vào những gì chúng ta có bên trong.“[8] Vì vậy, tôi cần tìm lại con tim của mình, vì nơi đó Thiên Chúa nói với tôi. Đó là tiếng lương tâm.

Nhưng không có những khoảng thinh lặng dài đủ thì khó thực hiện cuộc thay đổi cách suy cách sống. Vì chỉ trong đó tôi mới có thể mở lòng ra với Chúa, nhận ra những gì cần buông bỏ hay cần thay đổi, cũng như cách thực hiện chúng. Ở đó, tôi mới nhận ra những nguy hiểm, mới học lắng nghe, cảm nhận được tự do và sự bình tâm. Chỉ trong thinh lặng tôi mới học hiểu bản thân. Nói vậy, thinh lặng là nơi tôi học chiến đấu chống tội lỗi để trở nên con người mới[9].

Hồn đói thật mà lại đeo đuổi cái ảo, cái thực dụng trước mắt, cái cạnh tranh so sánh và phô trương bên ngoài – cái không có độ bền trước thời gian sống vắn vỏi của một đời người – thì đúng là lạc lối. Sám hối là đổi hướng đi hướng sống đúng cho tương lai.

[1] “Con người mới” là mục tiêu cứu rỗi (Heilsziel) được các chế độ độc tài của thế kỷ 20 cổ xúy. Lí thuyết XHCN cho rằng con người mới hình thành ngang qua „một thời chuyển tiếp, thời ủ bệnh“, tức là giai đoạn „độc tài của giai cấp vô sản“, như nhà văn Christine Wolf trình bày trong tiểu thuyết Stadt der Engel oder The Overcoat of Dr. Freud, (Suhrkamp) Berlin 62011.

[2] Hình ảnh này lấy từ: Ludger Schulte, Gott suchen – Mensch werden. Vom Mehrwert des Christseins, Freiburg 2006.

[3] “Bleiben will ich, wo ich nie gewesen bin.“

[4] „Unzeitgemässe Betrachtungen“.

[5] Trích dẫn theo Ludger Schulte 2006.

[6] Từ bài thơ Than nghèo của Nguyễn Công trứ.

[7] Xem bài giảng của Giáo hoàng Phanxicô vào ngày Thứ tư lễ tro 2014.

[8] Sđd.

[9] Xem: Anselm Grün, Học sống thinh lặng (An Nguyễn chuyển ngữ). Antôn Đuốc sáng, San Diego-Montreal. Lm. Phêrô Nguyễn Đức Vinh, SVD

Chi tiết