CHÚNG TA NÓI GÌ VỚI NHỮNG NGƯỜI TRẺ KHÔNG CÒN CẦN ĐẾN CHÚA?
Nội dung

CHÚNG TA NÓI GÌ VỚI NHỮNG NGƯỜI TRẺ KHÔNG CÒN CẦN ĐẾN CHÚA?

 

Những bức thư gởi Alma, người không còn cần đến Chúa (Lettres à Alma qui n’a plus besoin de Dieu, Luc de Bellescize, nxb. Du Cerf)

Trong quyển sách này, linh mục Luc de Bellescize trao đổi thư từ với Alma, người tự hỏi những câu hỏi quan trọng mà mọi người đều tự hỏi trong sâu thẳm tâm hồn khi những thử thách của cuộc sống làm lay động lương tâm.

Trong cuộc trao đổi thư chỉ có câu trả lời của linh mục Luc de Bellescize, chúng ta khám phá Alma với hai con đường giao nhau và tìm kiếm nhau. Alma được nuôi dạy trong giáo dục kitô giáo nhưng mất đức tin. Cái chết của người bà yêu quý chất vấn cô. Liệu có một ngày nào cô gặp lại bà không? Linh mục nói với cô: “Tôi không nghĩ cô mất đức tin, nhưng đức tin của cô không còn tưới mát cho cuộc sống của cô. Nó là nguồn ẩn giấu chỉ chờ ngày bùng phát.” Cha De Bellescize trả lời các câu hỏi của Alma qua hành trình của mình. Qua các bức thư, cha nói lên mối liên hệ giữa đất và trời, giữa lý trí và đức tin. Vì sao lại chết? Vì sao yêu? Làm thế nào để được tự do? Vì sao chúng ta lại có ước muốn về cõi vĩnh hằng này?

Aleteia: Khi trao đổi thư từ với Alma, cha nói với cô về cuộc sống, cái chết, tình yêu, đức tin. Alma chống cự, tranh luận. Cha tìm cách bảo vệ kitô giáo hay đánh thức khát vọng trong tâm hồn cô? 

Linh mục Luc de Bellescize: Tôi không cố gắng bảo vệ kitô giáo vì có Đấng Bảo vệ vĩ đại hơn tôi vô cùng. Alma không tồn tại như một người cụ thể. Có thể nói Alma là kết tinh tất cả những cuộc gặp tôi đã có trong đời linh mục, chủ yếu khi tôi làm mục vụ đào tạo giới trẻ. Tôi không phải là chuyên gia về con người hay về Chúa, tôi không khẳng định những sự thật có sẵn, cũng không lãng phí thì giờ vào những tranh cãi vô ích. Nhưng qua chức linh mục của tôi, tôi đi vào trọng tâm mầu nhiệm của con người trước Đấng Hằng Hữu, từ bình minh cuộc sống cho đến hơi thở cuối cùng. Người linh mục phải làm chứng cho vẻ đẹp và sức mạnh của Tin Mừng. Tôi viết những bức thư này vì tôi không thể làm khác được, vì những lời này trước hết đã sống trong tâm hồn tôi, trước khi tôi nói chuyện với các bạn trẻ đã không còn giữ đức tin.

Mục đích của những thư này cũng là củng cố đức tin cho tín hữu, bằng cách cung cấp cho họ nội dung hợp lý để giải đáp những tranh cãi và thắc mắc mà đức tin đặt ra cho họ.

Alma nhận được giáo dục công giáo nhưng cô nghĩ cô có thể sống mà không cần Chúa, và thậm chí còn hơn thế nữa, không cần Giáo hội. Tôi muốn nói chuyện với cô, muốn tạo một kẽ hở trong tâm hồn cô, một nỗi khao khát, một nỗi lo lắng bồn chồn. Tôi không khẳng định bất cứ điều gì, tôi cố gắng lay chuyển bức tường thờ ơ của cô, dẫn cô đến logic cuối cùng về sự vắng mặt của Thiên Chúa. Tôi cố gắng đối diện với những mâu thuẫn của cô, bằng cách hỏi những câu hỏi mà cô không thể né tránh. Mục tiêu của những bức thư này cũng là củng cố đức tin của tín hữu, cung cấp cho họ nội dung hợp lý để trả lời cho những tranh cãi và thắc mắc mà đức tin đặt ra cho họ.

Cha nói về cuộc sống như một ơn và một thừa kế. Chúng ta đã nhận được gì khi ra đời?

Chúng ta nhận ơn của sự sống và di sản này là nền tảng cho sự tự do của chúng ta. Một số người như ông Gióp, sẽ nói cuộc đời là một gánh nặng. Có lẽ là cả hai. Niềm vui sống và bi kịch của cuộc sống. Ngày nay chúng ta nhượng bộ huyền thoại về tự do thuần túy bằng cách cho mình là người tuyệt đối sáng tạo ra chính mình. Sự tự do của chúng ta không phải là của thiên thần mà tự do của loài người. Đó là một thứ tự do có tuổi đời, được biến đổi, luôn có thể được hoán cải qua cuộc sống vĩnh cửu hoặc thoái lui thành nô lệ tội lỗi. Nhưng nó không thể tự giải phóng hoàn toàn khỏi di sản đã khắc sâu trong thân xác, tinh thần, lịch sử chúng ta. Trước hết chúng ta “tiếp nhận” chính mình, qua thân xác là của chúng ta, của gia đình, của đất đai, của tên tuổi chúng ta. Chúng ta cống hiến hết mình theo chừng mực, khi chúng ta đồng ý với “ơn được cho” này. Bám rễ là điều kiện để nâng cao.

Đời sống thiêng liêng cũng vậy. Đời sống thiêng liêng dựa trên hồng ân đầu tiên của Thiên Chúa, trên tình yêu nhưng không của Ngài. Trong sách, tôi trích dẫn lời cố hồng y Lustiger trong thánh lễ cuối cùng của ngài tại Nhà thờ Đức Bà Paris: “Anh chị em không rửa tội một cách tình cờ, nhưng đó là ơn Chúa, và thật buồn khi chúng ta sống ơn này như sự nô lệ.”

Với cha, tình yêu và cái chết giống như hai mặt của cùng một bí ẩn cuộc sống, và sự vĩnh cửu giống như “tình yêu được khám phá lại”. Điều này có nghĩa là gì?

Alma cho rằng, thực chất tôi đến với Chúa vì tôi sợ chết. Tôi nói với cô, không có gì phải xấu hổ khi sợ hãi trước thử thách của cái chết, trước sự suy yếu dần của sức khỏe. Nỗi sợ này chính là dấu hiệu cho thấy cái chết mà chúng ta trải qua là sự mâu thuẫn với bản chất của chúng ta và chúng ta được tạo dựng để sống mãi mãi. Nhưng tôi cảm nhận đến với Chúa vì khao khát sự sống hơn là vì sợ chết. Tôi đến với Ngài vì ước muốn sống, vì tôi đã được nếm qua những tình yêu lớn lao, qua những tình bạn chung thủy, trong những niềm vui trên trái đất, trong mọi ân sủng tôi nhận được tiếng gọi của một nét đẹp luôn cao hơn đang vẫy gọi tôi, như ánh sáng chiếu qua thủy tinh.

Mỗi hành động của chúng ta đều tràn đầy sự sống vĩnh cửu nếu nó được sống trong tình yêu và trong tự hiến.

Một cách tự nhiên, chúng ta nghĩ vĩnh cửu là cho ngày mai. Thực tế, nó đã có sẵn ở đó rồi, như trong sách Sáng thế ký đã viết. Mỗi hành động của chúng ta đều đậm đặc sự sống vĩnh cửu nếu nó được sống trong tình yêu và trong tự hiến, và trống rỗng hư vô nếu nó sống trong sự rút lui vào chính mình, để lần lượt chúng ta vượt qua, trong cuộc sống phù du này, một mùa Thiên đàng, một mùa địa ngục.

Cha không tránh né những câu hỏi và những chỉ trích có trong lòng Alma liên quan đến đức tin của Giáo hội, nhưng cha chọn một phong cách tế nhị nào đó. Vì sao cha chọn “chiến lược” này trong các thư của cha?

Mọi người đều viết bằng mực của trái tim mình và chỉ có thanh cao mới chạm đến được tâm hồn. Thánh Phanxicô Salê đã nói: “Mọi thứ đều nhẹ nhàng, không có gì bằng vũ lực”. Chúng ta không bắt ruồi bằng giấm, không thuyết phục trí thông minh bằng cách nhồi nhét vào đầu những ý tưởng đã định sẵn. Sự thật không ngồi im một chỗ, nó khiêm nhường tự hiến như một mầu nhiệm vượt quá chúng ta và chúng ta là tôi tớ của sự thật. Thiên Chúa không để cho chúng ta giữ Ngài như thần tượng bằng gỗ, bằng đá, như hình ảnh do bàn tay con người tạo ra hay hình ảnh có trong tưởng tượng của chúng ta. Người tín hữu không xây dựng đức tin của mình như một tiêu chuẩn xã hội hoặc chính trị độc quyền, người theo thuyết bất khả tri được soi sáng đều có điểm chung như người tín hữu, họ không cho mình có được sự thật hư một sự vật, nhưng tìm kiếm nó như một cuộc tìm kiếm. Đức tin chỉ lớn lên khi chúng ta luôn khao khát nó. Các tông đồ đã xin Chúa: “Xin thêm đức tin cho chúng con” (Lc 17:5). Điều này cũng đúng với tình yêu hay tình bạn. Tình yêu chỉ giữ được khi đào sâu vào cội nguồn của nó, mà không đặt quá nhiều vào sự chắc chắn của một mối quan hệ được thiết lập mãi mãi. Một tình bạn cao đẹp được duy trì như lửa, nếu không nó sẽ khô héo và tan thành tro bụi. Thực chất, chúng ta chỉ giữ lại những gì chúng ta luôn đi tìm. Tôi hy vọng có thể mở một cánh cửa nhỏ trong tâm hồn Alma để ánh sáng của Chúa Kitô chiếu xuyên qua và phục hồi cơn đói khát của cô với những gì thiết yếu. Với ân sủng của Thiên Chúa! 

Những bức thư gởi Alma, người không còn cần đến Chúa (Lettres à Alma qui n’a plus besoin de Dieu, Luc de Bellescize, nxb. Du Cerf)

Marta An Nguyễn dịch

Nguồn: Phanxico.vn

Chi tiết