Chủng sinh và đời sống thiêng liêng
Nội dung

Chủng sinh và đời sống thiêng liêng

 

Dưới ánh sáng của Công đồng vaticano II với Sắc lệnh về đào tạo linh mục, hành trình đào tạo linh mục tại Chủng viện đã được phác họa cách cụ thể hơn trong Ratio Fundamentalis, quen gọi là Ratio 2016, khởi đi từ bốn nét đặc trưng: một công cuộc đào tạo duy nhất, toàn diện, cộng đoàn và truyền giáo[1]Theo đó, công cuộc đào tạo linh mục xoay quanh bốn chiều kích căn bản là nhân bản, thiêng liêng, tri thức và mục vụ[2]. Trong đó, chiều kích thiêng liêng được coi như “linh hồn” của việc đào tạo, “quyết định phẩm chất của thường tác vụ linh mục...”[3].

“Đào tạo thiêng liêng nhằm nuôi dưỡng và hỗ trợ cho mối hiệp thông với Thiên Chúa và anh em, trong tình bằng hữu với Chúa Giê-su mục tử nhân lành, cùng thái độ ngoan ngùy với Chúa Thánh Thần… Tâm điểm của đào tạo thiêng liêng là kết hợp cá vị với Chúa Ki-tô, vốn được nảy sinh và nuôi dưỡng cách đặc biệt trong nguyện ngắm thinh lặng và lâu giờ…” Như thế, việc đào tạo chiều kích thiêng liêng là vô cùng quan trọng, nhằm giúp ứng sinh có một đời sống nội tâm sâu sắc. Trong đó, người ứng sinh qua đời sống thiêng liêng thẳm sâu sẽ xây dựng cho mình một mối liên hệ cá vị và thâm sâu với Thiên Chúa. Nhờ đó, chủng sinh sẽ kín múc được nguồn nghị lực thần linh và một sức mạnh thiêng thánh có thể giúp người linh mục tương lai đương đầu và sống trọn ơn gọi của mình. Để có được đời sống tâm linh sâu sắc và trưởng thành, người chủng sinh và các linh mục tương lai chắc chắn phải gắn bó đời mình với “bàn quỳ” và việc “bàn hỏi”. Để rồi từ việc yêu mến bàn quỳ và chân thành bàn hỏi với cha linh hướng, người chủng sinh được biến đổi nên những linh mục như lòng Chúa và Giáo hội ước mong luôn hân hoan bước lên bàn thánh. Đồng thời, với đời sống cầu nguyện gắn bó mật thiết với Chúa, người chủng sinh và linh mục tương lai chắc chắn sẽ đủ sức thực thi sứ mạng của mình với một bàn tay yêu thương và một bàn chân dấn thân trong một con tim đong đầy đức ái mục tử luôn sẵn sàng ra đi mang Chúa đến cho con người trong thế giới hôm nay.

1. Bàn quỳ (Cầu nguyện)
Đời sống cầu nguyện chắc chắn là điều cần thiết nhất để đánh giá và lượng định mức độ trưởng thành của một ứng sinh trong quá trình đào tạo. Chỉ khi có một đời sống cầu nguyện kết hợp với một đời sống nội tâm sâu sắc và liên lỉ, một ứng sinh linh mục mới có thể đứng vững trước những cám dỗ, không chỉ trong chủng viện nhưng còn suốt đời linh mục tương lai. Thật vậy, không có đời sống cầu nguyện, chủng sinh, linh mục hay bất cứ ai không thể kết hợp với Chúa và như thế, không thể có một khả năng để lắng nghe và thi hành ý Chúa trong sứ vụ và đời sống hằng ngày. Khi đó, đời sống của một người trở nên vô cùng tẻ nhạt, nghèo nàn, dễ sa vào cám dỗ và thất bại, thậm chí mất niềm tin.
Nói về đời sống thiêng liêng, Đức Thánh cha Phan-xi-cô nhắn nhủ các chủng sinh: ““Ai muốn trở thành linh mục, trước tiên phải là người của Thiên Chúa”, cần phải nuôi dưỡng quan hệ thân tình với Thiên Chúa bằng đời sống cầu nguyện, sống Thánh Thể, và siêng năng lãnh nhận bí tích Thống Hối, nhạy cảm đối với lòng đạo đức bình dân, vun trồng đời sống trí thức sâu rộng.”[4]

Quả thật, trong một xã hội hiện đại và tục hóa, luôn ồn ào náo nhiệt và lung linh đầy vẻ huyền mơ, đời sống tu trì cũng không tránh khỏi những tác động và những xáo trộn. Theo đó, nếu không tỉnh thức và đào sâu đời sống nội tâm, những người sống đời thánh hiến trong đó có các chủng sinh rất dễ bị cuốn theo và bỏ bê đời sống cầu nguyện, để chạy theo những thứ hào nhoáng, nhộn nhịp, ồn ã bên ngoài để rồi thất bại trong đời tu. Vì thế, thời gian đào tạo chủng viện là giai đoạn quý báu nhằm giúp người chủng sinh rèn luyện và tạo cho mình một thói quen, một nhân đức cầu nguyện, hầu có đủ sức mạnh nội tâm và có đủ phương thế thiêng liêng để đáp ững những nhu cầu cho sứ vụ tương lai. Do đó, ngay tại chủng viện, ngoài việc yêu mến và tham dự thánh lễ, cùng với việc lãnh nhận các bí tích như nguồn lương thực, phương dược và nguồn sức mạnh nuôi dưỡng đời sống tâm linh, người chủng sinh phải tập cho mình lòng yêu mến và sự gắn bó mật thiết với bàn quỳ. Chính nơi bàn quỳ nơi các giờ cầu nguyện chung hay riêng qua các giờ kinh hay qua những giây phút thinh lặng, đời sống nội tâm của chủng sinh mỗi ngày được nuôi dưỡng và trưởng thành và nên vững mạnh. Bởi vì không thể có một linh mục cầu nguyện nếu không có chủng sinh cầu nguyện…

Thật vậy, bàn quỳ và nhà nguyện, nhất là Nhà Tạm luôn là nơi lý tưởng giúp người chủng sinh xây dựng đời sống nội tâm cá vị với Thiên Chúa vì được gặp gỡ và lắng nghe lời Ngài, chia sẻ với Ngài mọi ưu tư, buồn vui, sướng khổ trong ngày sống và cuộc đời. Nhờ đó, chủng sinh kín múc nguồn nghị lực để có thể vượt thắng những cơn cám dỗ, cũng như lãnh nhận nguồn sức mạnh giúp mỗi người luôn biết tín thác và trao phó trọn cuộc đời cho Ngài. Nhất là biết đứng dậy dù sau bao lần vấp ngã để tiếp tục hành trình dâng hiến và phục vụ.

Khi con người, nhất là một chủng sinh biết quỳ gối và cầu nguyện nhờ Kinh Thánh hay kinh nguyện, nhất là trong thinh lặng, học theo gương Chúa Giê-su, họ sẽ nhận ra chính mình, nhìn nhận con người thật và trần trụi của mình. Từ đó, mỗi chủng sinh sẽ xây dựng mối tương quan với Chúa thật sâu sắc. Đồng thời, họ cũng biết tập tính kiên nhẫn và biết hướng tới người khác, với sự quan tâm và cầu nguyện cho người khác, cũng như hợp với toàn thể Giáo hội cầu nguyện cho thế giới, cho Giáo hội và cho nhân loại trên thế giới cũng như cho chính mình. Nhờ đó, mối hiệp thông giữa con người với Thiên Chúa được nối lại và tăng triển hầu mưu ích cho con người trong thế giới hôm nay, vì “cầu nguyện không thay đổi thế giới, nhưng cầu nguyện thay đổi con người và con người thay đổi thế giới”.

Thực tế cho thấy một chủng sinh thiếu đời sống nôi tâm thường là những người gặp những vấn đề về tâm lý và vấp ngã trong cuộc sống và đời tu, dù bề ngoài có thể rất hào nhoáng hay đạo đức và tài năng. Nhiều người có đời tu hời hợt bởi vì không có đời sống nội tâm, bỏ bê cầu nguyện và nhất là không yêu mến bàn quỳ. Khi không còn gắn bó với bàn quỳ, người chủng sinh dễ rơi vào tình trạng kiêu ngạo khi không còn biết cúi mình để nhìn vào tận đáy lòng mà nhận ra sự yếu đuối và bất toàn của mình. Từ đó, những thái độ hời hợt, thậm chí hống hách dễ bộc lộ và khiến cho người đó ngày một xa cách Thiên Chúa, để rồi dù vẫn tiến bước trong đời tu, nhưng sẽ là một đời tu không hạnh phúc, thậm chí gây tổn thương cho Giáo hội và tha nhân. Cũng vậy, hầu hết những người bỏ bàn thờ, bỏ chức linh mục, hay thậm chí bỏ Giáo hội, thì trước đó đã bỏ bàn quỳ, bỏ kinh nguyện… nghĩa là không có đời sống cầu nguyện. Vì thế, khi gặp bão tố, lúc nguy nan không khó hiểu những chủng sinh, hay các linh mục dễ dàng ngã quỵ, thậm chí ngay tại những lúc tưởng như thành công nhất.

Vì thế, trước mọi biến cố, nhất là những biến cố quan trọng, không phải hành động mà cầu nguyện mới là điều cần thiết và tiên quyết giúp giải quyết mọi vấn đề mà mẫu gương đó chính là Chúa Giê-su, Đức Mẹ và các thánh. Do đó, tiến trình đào tạo luôn phải hướng chủng sinh tới bàn quỳ trước khi đưa chủng sinh tới các bàn hay các công việc khác, vì chỉ nơi đó, người chủng sinh và linh mục tương lai mới kín múc nguồn sức sống đich thực để tiến bước và trung kiên trong đời dâng hiến.

2. Bàn hỏi (Linh hướng)
Đời sống thiêng liêng trước hết là một cuộc bàn hỏi liên lỉ với Thiên Chúa ngang qua đời sống cầu nguyện và việc cử hành các Mầu nhiệm thánh, nhất là trong Thánh lễ, nơi mà mỗi ứng sinh linh mục có thể gặp gỡ thân tình với Chúa, để bàn hỏi và lắng nghe điều mà Chúa muốn thực hiện trên cuộc đời và sứ mạng của mỗi chủng sinh trong tương lai.

Trong tiến trình đào tạo tại chủng viện, việc linh hướng là điều vô cùng quan trọng và cần thiết giúp người chủng sinh phân định và lượng giá ơn gọi của mình. Chính nhờ việc linh hướng cách đều đặn và nghiêm chỉnh, người chủng sinh có cơ hội để bàn hỏi với các vị hữu trách, đặc biệt là các vị linh hướng, những người thay mặt Chúa để hướng dẫn dẫn đời sống tâm linh của các chủng sinh đi đúng với đường lối của Thiên Chúa.

Thật vậy, “linh hướng là phương thế ưu tiên cho sự phát triển toàn diện con người. Chủng sinh được hoàn toàn tự do chọn lựa cha linh hướng cho mình trong số các linh mục được Đức Giám mục chỉ định cho sứ vụ này. Chủng sinh chỉ thực sự có được thái độ tự do này khi mở lòng ra với cha linh hướng cách thành thật, tin tưởng và ngoan ngoãn. Những cuộc gặp gỡ không thể chỉ là ngẫu nhiên, nhưng phải được sắp xếp đều đặn theo kế hoạch; thật vậy, việc đồng hành thiêng liêng được tốt cũng góp phần vào sự thành công của toàn bộ tiến trình đào tạo…”[5]

Như thế, để công cuộc đào tạo có sự tiến triển, nhất là trong đời sống thiêng liêng, khi linh hướng, mỗi chủng sinh cần có thái độ cầu tiến, khiêm tốn để việc bàn hỏi với các cha linh hướng diễn ra trong bầu khí cởi mở, chân thành và trung thực, cùng với sự tin tưởng. Nhờ đó, các ứng sinh có đủ can đảm để giãi bày những điều sâu kín của tâm hồn, những trăn trở, những khó khăn và cả những vấp ngã đang cần chữa trị. Nhờ đó các vị linh hướng, trong vai trò người đồng hành thiêng liêng, mới có khả năng để đồng hành, cảm thông, chia sẻ, khuyên nhủ… và có thể chữa trị những vết thương nơi sâu kín tâm hồn mà chỉ nhờ sức mạnh của Chúa mới có thể chữa lành, mà Bí tích hòa giải khi linh hướng là liều thuốc hữu hiệu nhất.

Cùng với đó, trong quá trình đào tạo, việc bàn hỏi với anh em trong các việc thiêng liêng cũng như trong đời sống cũng là điều cần thiết giúp anh em hiểu nhau hơn và có thể giúp nhau thăng tiến trong đời sống ơn gọi, cách riêng là đời sống thiêng liêng. Khi biết bàn hỏi với nhau, mỗi chủng sinh có cơ hội mở lòng với nhau để học nơi nhau những phương thế cầu nguyện cũng như những cách thức nhằm giúp tăng triển đời sống thiêng liêng. Nhờ đó, đời sống thiêng liêng thêm trưởng thành để có thể tiếp tục bước tiếp hành trình ơn gọi mà mỗi anh em đã lựa chọn và tự do bước theo với một tâm hồn bình an và một đời sống nội tâm sâu sắc.

Tuy nhiên, trong đào tạo nói chung và trong đời sống thiêng liêng nói riêng, chính Chúa Thánh Thần mới là tác nhân chính, nên “người đồng hành không phải là người quyết định ơn gọi của người thụ huấn, cũng không phải là người nắm giữ mọi “bí mật” về tương lai của ứng sinh. Người đồng hành đóng vai trò của Gioan Tẩy Giả, người đưa môn đệ mình tới gặp Chúa, giới thiệu họ với Chúa, rồi từ từ rút vào bóng tối, để “Người lớn lên, còn tôi nhỏ lại” (Ga, 3,30) […] Do đó, điều cơ bản là người thụ huấn phải cảm nhận Chúa Thánh Thần như là bạn trung tín của mình, như là Đấng sẽ giúp họ am hiểu toàn vẹn và sự khôn ngoan của trái tim, như một người dẫn đường đăm đăm nhìn về Chúa Giêsu và những kẻ được kêu gọi, để làm cho họ trở thành chứng nhân của Chúa Giêsu. Một khi người thụ huấn nhận biết và cảm nghiệm Chúa Thánh Thần như là “bạn đường,” họ sẵn sàng đón nhận những người đồng hành mà không đòi hỏi người đồng hành phải hoàn hảo; họ dễ dàng đón nhận những phương tiện, điều kiện và cả những giới hạn nhân loại của người đồng hành. Hễ ai tin cậy Chúa Thánh Thần thì cũng tin cậy những trung gian của Người. Hễ ai biết phó mình trong tay Chúa Thánh Thần thì không lo sợ khi chia sẻ lịch sử đời mình với người đồng hành trong sự cởi mở, tin tưởng và phó thác.”

3. Tiến lên bàn thánh
Mục đích của việc đào tạo là cần phải “nên đồng hình đồng dạng với Chúa Ki-tô, “trước hết ứng sinh chức thánh phải được đào tạo cho có lòng tin thật sống động vào Bí tích Thánh Thể”, nhằm những gì họ sẽ sống sau khi được truyền chức linh mục.”[6] Do đó, để chuẩn bị cho việc tiến lên bàn thánh, nơi công việc mục vụ cao cả nhất là cử hành Thánh lễ và các Bí tích, nhất là Bí tích Thánh Thể, một chủng sinh cần phải có thái độ tôn kính và yêu mến bàn thờ như thân thể Chúa, mới có thể phục vụ bàn thờ cách thánh thiện trong tương lai.

Do đó, việc đào tạo chủng sinh có một trái tim mục tử, nhất là qua việc cử hành các tác vụ thánh trong tương lai phải được để tâm và đào luyện ngay trong giai đoạn chủng viện, nhất là trong thời gian đào tạo thần học. Nhờ đó, trái tim của một ứng sinh linh mục được biến đổi và nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô, hầu có thể đáp ứng những yêu cầu cho việc phục vụ sau này.

Việc phục vụ bàn thờ với một thái độ cung kính, trước hết qua các công tác như giúp lễ, phụng tự giúp người chủng sinh có một thái độ trang trọng và nghiêm trang khi biết phân định cách xác tín giữa những thực tại thánh và thực tại trần tục. Nhờ đó, người linh mục tương lai không bao giờ có thái độ bất kính đối với những thực tại thánh hay những đồ dùng thánh, nhất là trong cử hành Phụng vụ Thánh lễ. Tiếp đến, quá trình đào tạo tại chủng viện cũng giúp chủng sinh qua những công việc bổn phận, khi tiếp xúc với bàn thờ cũng dần cảm nhận được sự gần gũi và mối hiệp thông chân tình sâu sắc với Chúa Giê-su Thánh Thể, nhất là qua việc tham dự Thánh lễ, phục vụ bàn thờ cũng như đọc Sách Thánh và đặc biệt là Rước lễ. Nhờ đó, tâm hồn chủng sinh sẽ mỗi ngày cảm nếm được tình yêu mà Chúa dành cho con người, để những sứ vụ trong tương lai, dù có những thách đố, những vất vả, người linh mục vẫn luôn biết kín múc nguồn sống đích thực và vĩnh cửu nơi Thánh Lễ, qua việc hiến thân hằng ngày trên bàn thờ. Đồng thời, cũng qua việc phục  vụ bàn thờ, người linh mục cũng phân phát lương thực thần linh nuôi dân chúng với một tâm hồn thánh thiện và sốt sắng mỗi khi tiến lên bàn thánh.

Nói chung, nhờ việc yêu mến và cung kính phục vụ bàn thờ, người chủng sinh sẽ được lớn lên mỗi ngày trong cung cách phục vụ. Cùng với đó, mỗi chủng sinh sẽ trau dồi cho bản thân có đầy một trái tim mục tử để có thể hướng tới việc mục vụ giữa đời, nơi những con người đang cần lắm những đôi tay và đôi chân của các linh mục biết ra đi và đến với những tâm hồn đang khao khát Chúa và đang chờ đợi nơi mỗi mục tử của Ngài. Nhưng để có một tâm tình yêu mến và sốt sắng mỗi khi hân hoan tiến lên bàn thánh, mỗi chủng sinh ngay khi đang được đào tạo phải xây dựng cho mình một mỗi tương quan thân tình với Chúa bằng đời sống cầu nguyện thâm sâu, để có thể chống trả và vượt thắng mọi cạm bẫy, cám dỗ ngọt ngào của thời đại, cũng như ý thức và thực thi trọn vẹn sứ mạng của mình.

Tắt một lời, thật khó có một linh mục đạo đức thánh thiện, nếu chủng sinh đó không có đời sống cầu nguyện khi biết yêu mến và gắn bó đời mình trong tương quan sâu sắc với Chúa nơi bàn quỳ, cũng như không biết mở lòng ra với Chúa qua việc bàn hỏi với cha linh hướng và những người hữu trách. Cùng với đó, sẽ không có một linh mục giỏi giang, khiêm tốn và thấu cảm nếu chủng sinh đó không biết yêu mến sách vở, học hành nghiên cứu nơi bàn học hay trong cuộc sống, cũng như không biết khiêm tốn đón nhận sự khác biệt và sự phong nhiêu của anh em trong các cuộc bàn luận mang tính đối thoại huynh đệ.

Tóm lại, ơn gọi là một hồng ân và quá trình đào tạo và tự đào tạo là trường kì và suốt đời, nên dù trong bất cứ giai đoạn nào người sống đời thánh hiến cũng cần ý thức tự đào tạo mình. Nhất là thiết lập mối tương quan cá vị sâu sắc, xây dựng một đời sống cầu nguyện thân tình, để cho chính Chúa hướng dẫn ơn gọi và cuộc đời của mình mỗi ngày nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô mục tử, để mang ơn cứu độ cho muôn dân, để rồi dù trước bao sóng gió thử thách, thành công hay thất bại, tội lỗi hay thánh thiện, mỗi người luôn trở nên cây bút để Chúa tiếp tục viết và thực hiện kế hoạch yêu thương của Ngài.

Trích (có sửa đổi và bổ sung) trong bài viết: https://gpbuichu.org/news/Suy-tu/chung-sinh-va-nhung-cai-ban-15699.html

[1] Cf. Bộ Giáo sĩ - 2016, Đào tạo Linh mục, Hồng ân ơn gọi Linh mục, Nxb. Tôn Giáo, tr. 9

[2] cf. ibid., chương V

[3] Cf. ibid., số 89

[4] Cf. https://tgpsaigon.net/bai-viet/duc-thanh-cha-gui-thu-cho-cac-chung-sinh-41832

[5] Cf. Bộ Giáo sĩ - 2016, Đào tạo Linh mục, Hồng ân ơn gọi Linh mục, Nxb. Tôn Giáo, số 107

[6] Cf. Bộ Giáo sĩ - 2016, Đào tạo Linh mục, Hồng ân ơn gọi Linh mục, Nxb. Tôn Giáo,  số 104

Thất Nguyễn

Chi tiết