Chữ Khiêm trong cuộc sống thường ngày
Nội dung

Chữ Khiêm trong cuộc sống thường ngày

 

Tác phẩm thư pháp: Khiêm Tốn

Trong một phòng triển lãm thư pháp, tôi đang đứng ngắm hai bức thư pháp: một bức có chữ “Nhẫn” bằng chữ Hán và một bức có chữ “Nhẫn” bằng chữ Quốc ngữ. Cũng có một nhóm người đến đứng sau lưng tôi để ngắm hai bức thư pháp ấy. Họ cùng nhau bình luận ý nghĩa của chữ “ Nhẫn”.

Đa số trong nhóm ấy cho rằng ý nghĩa của chữ “Nhẫn” rất là thâm thúy. Nhưng có một người trong nhóm phản bác cho rằng chữ “Nhẫn” không thâm thúy cho bằng chữ “Khiêm”. Vì “Nhẫn” đôi khi “bằng mặt chứ không bằng lòng”, có người “sống để bụng chết mang theo” cho nên tâm hồn của họ không thanh thản. Rồi người ấy nói tiếp: Người khiêm tốn thì bao gồm cả đức tính “Nhẫn” trong ấy và người ấy dẫn lời của J.C. Hace: “Khiêm tốn không có nghĩa là không biết đến những giá trị của mình mà biết nhận chân những giá trị ấy”

Ở Việt Nam không có nơi nào mà chúng ta bắt gặp chữ “Khiêm” nhiều cho bằng ở lăng vua Tự Đức. Từ nhà cửa, ao hồ, cầu thuyền… đều có chữ “Khiêm” như: Khiêm cung môn, Vụ Khiêm môn, Tự Khiêm môn, Lương Khiêm điện, Hòa Khiêm điện, Xung Khiêm tạ, Dũ Khiêm đình, Ích Khiêm các, Lễ Khiêm vu, Pháp Khiêm vu, Tòng Khiêm viện, Tuần Khiêm kiều, Do Khiêm kiều, Lưu Khiêm hồ, Tiểu Khiêm trì, Thuận Khiêm thuyền, Ổn Khiêm thuyền… và ngay cả tên lăng cũng mang tên Khiêm lăng.

Tại sao vua Tự Đức lại lấy chữ “Khiêm” mà đặt tên như vậy? Trong bài Khiêm cung ký vua Tự Đức viết: “Tất cả các tên phải có nghĩa, không phải tên không căn cứ: kìa như sao lấy đức Khiêm của trẫm mà khiến cho núi ấy, sông ấy, nhà ngoài ấy, nhà trong ấy cũng đều theo mà làm Khiêm, những cái ấy có lỗi gì đâu? Và quả có biết gì đâu? Tất cả cái tên mà đặt ép, quả đã được yên không? Mà ta có gì là Khiêm không? Đối với đức Khiêm quả có thực không? Kìa như đức Khiêm là kính, là nhường, có đức mà không ở, chịu khuất mình ở dưới người, vì chịu mang tội thẹn như thế, nhường không gì hơn, khuất không gì hơn, có tài năng công đức gì mà không ở ngôi chăng? Nhưng vì vốn chuộng thực thà đạm bạc, ở nhà vàng mà trong lòng thường như mặc áo trắng, trừ áo lộng lẫy ấy ra, không một chút gì là hoa lệ, hoặc cũng là nghĩa có đức mà không ở thêm vào đấy, từ ngày làm cung này, sét đánh điện Hòa Khiêm[1] dân gian làm loạn người mê hoặc, hoặc xâm phạm cửa cung[2], trời trách người oán, tiến đến bất kỳ, ta còn có lòng nào đâu mà chẳng dám chẳng kính nhường, chỉ biết trước sau hết lòng kính nhường, may có thể duy trì cứu chữa được phần nào, thì đối với chữ Khiêm đâu dám không thực, cho nên nhân thế mà đặt tên tất cả, cũng muốn vừa tiếp xúc, vừa cảm động để tự xét răn và tự chê…”[3]

Khiêm là đầu mối các nhân đức khác. Kinh “Cải tội bảy mối có bảy đức” của đạo Công giáo đã đề cao nhân đức Khiêm nhượng lên hàng đầu: “Thứ nhất khiêm nhượng chớ kiêu ngạo”.

Khiêm nhượng- Kiêu ngạo là cặp phạm trù đối lập nhau. Một vị chức sắc cao cấp của một tôn giáo nọ sau nhiều năm nghiền ngẫm đã đưa ra một số nguyên tắc dẫn đến thất bại cần phải tránh, cũng như những nguyên tắc dẫn đến thành công cần phải thực hiện và vị chức ấy đặt tên là “Thập đại thắng” và “Thập đại bại”.

Điều đầu tiên của “Thập đại bại” là: “Kiêu căng, xem người như máy móc, độc đoán chẳng chịu nghe ai, bảo thủ ý kiến”.

Điều đầu tiên của “Thập đại thắng”“Khiêm tốn trọng nhân phẩm mỗi cá nhân, uyển chuyển linh động, lắng nghe sáng kiến mọi người, rồi suy nghĩ lượng giá”.

Khổng tử dạy học trò: “Thông minh duệ trí, thủ chi dĩ ngu; công bị thiên hạ thủ chi dĩ nhượng; dũng lực chấn thế thủ chi dĩ khiếp; phú hữu tứ hải, thủ chi dĩ khiêm”(Người thông minh duệ trí, xem mình tựa hồ ngu; công trùm thiên hạ vẫn nhún nhường; sức mạnh hơn đời vẫn như nhát; giàu có bốn biển vẫn khiêm nhượng).

Sách Kinh lễ (Lễ ký), thiên đầu tiên là Khúc lễ thượng, ngay trang đầu tiên đề cập đến “Tứ bất khả” (4 điều không nên). Đứng đầu “Tứ bất khả” là : Ngạo bất khả trưởng (có ý niệm kiêu ngạo trong lòng thì phải diệt ngay, chớ để cho nó lớn lên)[4]. Chương IX sách Đạo đức kinh ghi: “Phú quí nhi kiêu tự di kỳ cữu” (Giàu sang mà kiêu ngạo là tự rước lấy họa)

Điền Tử Phương người nước Ngụy về đời Chiến quốc nói với Tử Kích rằng: “Làm vua mà kiêu ngạo thì mất nước, làm quan văn mà kiêu ngạo thì mất chức,làm quan võ mà kiêu ngạo thì mất nhà!”

Binh pháp có câu: “Muôn thuở kiêu binh thường thảm hại/ Mấy đời khinh địch lại thành công!”

Trong Kinh Dịch từ quẻ Kiền cho đến quẻ Vị tế gồm 64 quẻ, quẻ nào cũng có 6 hào, mà quẻ nào cũng có hào tốt hào xấu. Khiêm là một quẻ đứng hàng thứ 15 trong tất cả 64 quẻ, 6 hào trong quẻ Khiêm đều tốt cả!

Quẻ Khiêm gồm có quẻ Khôn ở trên và quẻ cấn ở dưới, tức là trong đất có núi. Thế đất thấp kém,mà núi là vật cao lớn, lại ở dưới đất, đó là Tượng Khiêm tốn.

Lời kinh trong quẻ Khiêm: “Khiêm hanh, quân tử hữu chung”(Có Khiêm thì mới hanh thông, người quân tử có thể giữ đức Khiêm cho đến lúc cuối cùng). Người quân tử ôm giữ đức Khiêm cho đến khi từ giã cõi trần.

Trình Di đã giải thích lời Kinh ấy: “Quẻ Khiêm là quẻ có đạo hanh thông.Có đức mà không tự nhận gọi là Khiêm. Người ta lấy sự khiêm tốn tự xử thì đi đâu mà không hanh thông? “Đấng quân tử có sau chót” (quân tử hữu chung) nghĩa là đấng quân tử chí ở khiêm tốn hiểu lẽ, cho nên vui với mệnh trời mà không cạnh tranh; bên trong đầy đủ, cho nên tự mình lui nhún, mà không khoe khoang, yên lặng xéo noi theo sự Khiêm suốt đời mà không thay đổi, mình tự hạ mình mà người ta càng tôn lên, mình tự che cho tối đi, mà đức càng sáng tỏ; đó là đấng quân tử có sau chót (quân tử hữu chung). Ở tiểu nhân thì họ có sự ham muốn ắt phải cạnh tranh, có đức ắt phải hợm hĩnh, tuy có miễn cưỡng mến sự khiêm tốn, cũng không thể yên lòng mà làm, bền chí mà giữ, ấy là không có sau chót”[5]

Nhà văn hiện đại Ông Văn Tùng đã bàn luận lời Kinh trên của quẻ Khiêm như sau: “…là trực tiếp răn dạy con người vừa thấu đáo vừa nhẹ nhàng, vừa biến ảo phi thường, vừa tiến lùi hợp thức và trong ứng xử muôn hình, muôn vẻ vẫn “thụ ích” và không “chiêu tổn”, vẫn giữ được đức Khiêm, nhu, thuận, minh triết, bao dung, lùi bước mà tích cực, nhường nhịn mà không nịnh hót, chịu thua thiệt mà không hèn hạ, mềm mại mà không quanh co giả dối, tiến mà không tranh đoạt, miệt mài mà không mù quáng, yếu mà thành mạnh, buồn đau mà khang kiện, yêu đời. Không kín đáo một mình, khi sống giữa đám đông, khi lâm nguy, khi ở ngôi cao chót vót cũng như khi vùi dưới đất đen vẫn giữ được đức của người quân tử. Đức Khiêm giúp con người sống đẹp như trái núi phải chịu lún dưới đất, nhưng núi vẫn là núi, như ngọc bị cát vùi, ngọc vẫn cứ là ngọc. Và nếu đạt được mức Khiêm là đạt đến bản lĩnh làm người…”[6]

Nguyễn Văn Nghệ
Giáo xứ Cây Vông – Nha Trang

Chú thích:

1- Sét đánh điện Hòa Khiêm vào tháng 5 năm Bính Dần [1866]. Xem Đại Nam thực lục tập 7, Nxb Giáo dục, tr.996

2- Nhắc đến vụ những người dân phu xây dựng lăng vua Tự Đức dưới sự lãnh đạo của Đoàn Hữu Trưng kéo về kinh thành để lật đổ vua Tự Đức và đưa Ưng Đạo, cháu 5 đời của vua Gia Long lên ngôi vào tháng 8 năm Bính Dần [1866] nhưng cuộc khởi nghĩa bị thất bại. Sử sách gọi biến cố này là “Loạn Chày vôi”. Xem Đại Nam thực lục tập 7, tr.1009-1011.

3- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 7, Nxb Giáo dục , tr.1074-1075

4- Tứ bất khả gồm có: “Ngạo bất khả trưởng (có ý niệm kiêu ngạo trong lòng thì phải diệt ngay, chớ để cho nó phát triển); “Dục bất khả túng” (Phải kiềm chế dục vọng, chớ có buông lơi); “Chí bất khả mãn” (Chớ nên tự mãn về chí khí, vì kẻ tự mãn về chí khí không bao giờ lập được công nghiệp to); “Lạc bất khả cực” (Gặp lúc có việc vui mừng, chớ nên hưởng đến mức cùng cực).

5- Kinh Dịch trọn bộ (Ngô Tất Tố dịch và chú giải), Nxb Văn học, tr. 301-302.

6- Ông Văn Tùng, Chữ Khiêm, đăng trên báo Văn nghệ số 43 ra ngày 23.10.2005

7- Khiêm tốn “dởm” còn gọi là khiêm tốn “ống điếu” (ống vố). Hình thù ống điếu là cong xuống rồi lại ngóc đầu thẳng lên. Khiêm tốn “ống điếu” thuộc dạng : “ Một lần khiêm tốn, bốn lần tự kiêu”.

8- Dương Ngọc Dũng, Lê Anh Minh. Kinh Dịch và cấu hình tư tưởng Trung Quốc, Nxb Khoa học Xã hội, tr.163-164

Chi tiết