Chiến tranh giữa Israel và Palestina. Phản ứng của ĐTC Phanxicô
Nội dung

2016-08-04 Papa Francesco, visita pastorale ad Assisi Basilica di Santa Maria degli Angeli, Porziuncola

Hãy dừng các cuộc tấn công vũ trang“, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi như thế vào Chúa nhật, ngày 8 tháng 10, khi cuộc chiến tiếp tục diễn ra giữa Hamas và lực lượng Israel ở miền nam Israel gần biên giới với Gaza, và các máy bay Israel tiếp tục ném bom các tòa nhà ở thành phố Gaza. Ngài kêu gọi mọi người trên toàn thế giới “cầu nguyện cho hòa bình ở Israel và Palestine.”

Ngay sau khi chào hàng ngàn khách hành hương tham dự Angelus tại Quảng trường Thánh Phê-rô vào buổi trưa Chúa nhật vừa qua, Đức Thánh Cha đề cập đến cuộc tấn công bất ngờ của các tay súng Hamas từ Dải Gaza vào Israel vào ngày trước đó. Ngài bắt đầu chia sẻ nỗi ưu tư: Tôi đang theo dõi “với lo lắng và đau đớn… những gì đang xảy ra ở Israel, nơi bạo lực bùng phát nhanh chóng khiến hàng trăm người chết và bị thương”.

Ngài bày tỏ sự gần gũi với gia đình của những nạn nhân, cầu nguyện cho họ và cho “tất cả những ai đang trải qua những thời khắc kinh hoàng và lo lắng.”

Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Làm ơn, hãy ngừng các cuộc tấn công vũ trang lại! Hãy hiểu rằng khủng bố và chiến tranh không mang lại giải pháp mà chỉ có cái chết và sự đau khổ của nhiều người vô tội. Chiến tranh là một thất bại. Mỗi cuộc chiến là một thất bại. Hãy cầu nguyện để có hòa bình ở Israel và Palestine“.

Ngài kêu gọi mọi người cầu nguyện với kinh Mân Côi trong tháng 10 để những cuộc xung đột trên thế giới kết thúc, đặc biệt là xung đột ở “Ukraine yêu dấu, đang chịu đau khổ và đày đọa”.

 

Cuộc tấn công bất ngờ của Hamas vào Israel diễn ra vào ngày lễ Simchat Torah của người Do Thái, lễ kỷ niệm sự kết thúc chu kỳ thường niên của việc đọc công khai kinh Torah. Cuộc tấn công này xảy ra một ngày sau lễ kỷ niệm 50 năm từ khi bắt đầu cuộc chiến năm 1973, do Ai Cập và Syria dẫn đầu, bắt đầu bằng một cuộc tấn công bất ngờ vào Yom Kippur, ngày lễ linh thiêng nhất của đạo Do Thái.

Theo BBC, cuộc tấn công của Hamas đã làm cho hơn 400 người Israel thiệt mạng và gần 1.000 người bị thương, trong khi các cuộc tấn công của Israel vào Gaza đã giết chết hơn 320 người và làm bị thương gần 2.000 người, trong một cuộc xung đột mà nhiều người lo sợ có thể leo thang hơn nữa. Phía Israel cho biết đã tiêu diệt 400 tay súng Hamas.

Cũng theo BBC và các nguồn tin Israel, Hamas đã bắt giữ khoảng 100 con tin Israel, bao gồm cả binh sĩ và dân thường, đưa vào Gaza. Các nhà phân tích của BBC cho rằng các con tin có thể được sử dụng như một đòn chí mạng để đòi lại sự giải thoát cho nhiều người, nếu không phải tất cả, trong số 6.000 người Palestine hiện đang ở trong các nhà tù Israel. Trong khi đó, Israel cho biết lực lượng của họ đã bắt giữ các tay súng Palestine.

Cuộc tấn công này đã khởi phát từ Dải Gaza, nơi có mật độ dân số cao nhất thế giới với hơn hai triệu người trong một khu vực có diện tích 141 mét vuông. Trong câu trả lời cho một câu hỏi từ Mỹ vào ngày 28 tháng 9, liên quan đến việc Israel kiểm soát tất cả những gì đi vào và ra khỏi đó, Đức Thượng Phụ Latinh tại Giêrusalem, Đức Hồng y Pierbattista Pizzaballa, mô tả là “một nhà tù ngoài trời”. Theo BBC, hôm nay, Israel đã cắt nguồn cung cấp điện khi tấn công thành phố bằng các cuộc oanh tạc từ trên không.

Theo một nguồn tin cao cấp của Vatican nói với tạp chí America, diễn biến gây ra cuộc tấn công này “là kết quả của việc một số nhân tố then chốt trước đây đã rút lui”. Theo đó, trong thời gian gần đây, không có bất kỳ sáng kiến nghiêm túc nào để tìm kiếm một giải pháp đàm phán cho cuộc xung đột kéo dài nhiều thập kỷ giữa Israel và Palestine.

 

Đức hồng y Pizzaballa, đang ở Rome tham dự Thượng Hồi Đồng về Hiệp Hành, nói với báo Avvenire, tờ báo hàng ngày của Hội đồng giám mục Ý, rằng ông “lo sợ tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn” và lo sợ “sự bùng phát xung đột” do vụ bắt cóc con tin Israel.

Đức hồng y nhấn mạnh rằng: “Đầu tiên, cần phải dừng bạo lực, và sau đó đặt những áp lực ngoại giao để ngăn chặn chuỗi trả đũa tàn bạo đang tiếp tục leo thang.” Các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng lúc nào cũng “như một ngọn núi lửa sẵn sàng phun trào” và luôn có “sự không tin tưởng lẫn nhau” giữa người Palestine và người Israel. Ngài cũng khẳng định: “Đã đến lúc tìm ra các giải pháp khác nhau”. Các nhà lãnh đạo tôn giáo cần tìm cách “trấn an tâm hồn của dân chúng”.

Trong một tuyên bố được phát biểu vào ngày 7 tháng 10, ngài cũng đã từng nói rằng: “Các hoạt động được khởi xướng từ Gaza và phản ứng của Quân đội Israel đang đưa chúng ta trở lại giai đoạn tồi tệ nhất trong lịch sử gần đây của chúng ta. Những gia đình Palestine và Israel đều phải đối mặt với số lượng thương vong và bi kịch quá nhiều. Tất cả sẽ làm tăng thêm sự căm hận và chia rẽ, và sẽ phá hủy ngày càng nhiều bất kỳ triển vọng bình ổn nào. Chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế, các nhà lãnh đạo tôn giáo trong khu vực và trên thế giới, nỗ lực hết sức để giúp giảm căng thẳng, khôi phục sự bình yên và làm việc, để đảm bảo quyền cơ bản của nhân dân trong khu vực”. Một nguồn tin từ Vatican cũng cho biết: “Đây là một tình huống cực kỳ nguy hiểm, và hệ quả trong khu vực có thể rất lớn.” Cụ thể, sau khi có tin Hezbollah đã phóng tên lửa vào Israel, một cảnh sát Ai Cập đã bắn hai du khách Israel và một cuộc biểu tình ủng hộ người Palestine đang diễn ra ở Istanbul. (Americamagazine 08/10/23)

 

Trần Đỉnh, SJ

Chi tiết