Chiếc nhẫn giao ước trong nghi thức khấn trọn đời
Nội dung

Chiếc nhẫn giao ước trong nghi thức khấn trọn đời

 

Chiếc nhẫn giao ước trong nghi thức khấn trọn đời

Nhẫn là một trong những món đồ trang sức, làm đẹp không thể thiếu đối với con người. Nó có thể làm làm bằng những chất liệu đơn giản trong tự nhiên như cỏ cây, sợi cói, gai dầu hoặc lau sậy xoắn vào nhau ; hay bằng chất liệu được chế tác từ da, gỗ, ngà voi, đồng, bạc, vàng, đá quý, kim cương. Dầu làm bằng chất liệu nào, khi được làm phép, chiếc nhẫn trở thành vật dụng thiêng liêng và mang một ý nghĩa rất quan trọng. Trong nghi thức cử hành hôn nhân, nhẫn được đeo vào tay biểu tượng cho sự gắn kết và tình yêu trường tồn vĩnh cửu ; bảo chứng cho sự ràng buộc và gắn bó thiêng liêng giữa vợ chồng. Trong nghi thức khấn trọn đời, chiếc nhẫn-nhẫn giao ước- được người đại diện trao cho ứng sinh biểu tượng cho điều gì và mời gọi họ sống như thế nào?

Chiếc nhẫn giao ước - Biểu tượng của tình yêu hoàn toàn thuộc về Đức Kitô

Qua lời tuyên khấn trọn đời, người tu sĩ cam kết chọn Đức Kitô làm bạn trăm năm duy nhất, ký kết một giao ước thánh thiêng vĩnh viễn với Tân Lang là Đức Kitô.

Chiếc nhẫn giao ước là ấn tín lời hứa của người tu sĩ với Đức Kitô, là dấu chỉ hữu hình của tình yêu Đức Kitô luôn hiện diện không thể phai nhòa. Nó nhắc nhở người tu sĩ luôn luôn khắc cốt ghi tâm mình hoàn toàn thuộc trọn về Đức Kitô cả hồn lẫn xác (x.1 Cr 7,34). Hoàn toàn thuộc trọn về Đức Kitô với tình yêu trung tín thủy chung dầu cuộc đời nhiều sóng gió gian truân trắc trở. Người tu sĩ yêu Đức Kitô đến nỗi như sách Diễm ca diễn tả : « nước lũ không dập tắt nổi tình yêu, sóng cồn chẳng tài nào vùi lấp » (Dc 8,7). Đây là tình yêu biểu lộ tính thánh thiện và thuần khiết nhất, như tình yêu của Đức Kitô đã trao hiến cho Hội thánh.

Chiếc nhẫn giao ước gắn kết người tu sĩ với Đức Kitô bằng một tình yêu trọn vẹn sâu đậm nhất đến nỗi họ cảm nhận và thân thưa rằng: “Lạy Đấng Tình Quân con tôn thờ. Con nay thuộc về Chúa, Chúa nay thuộc về con. Mũi tên nào say đắm bắn trúng con tim hồng. Để từ nay con sống là sống cho, cho tình yêu. Và dầu cho con chết là chết cho, cho tình yêu.” (Linh mục Ân Đức) Vậy, tự chiếc nhẫn không phải là tình yêu, mà là dấu chỉ biểu lộ tình yêu- một tình yêu hoàn toàn thuộc về người mình yêu. Vì xác tín hoàn toàn thuộc về Chúa Giêsu Kitô, nên người tu sĩ dâng hiến con tim, cống hiến thân xác và cuộc đời cho Người, để nên đồng hình đồng dạng với Người.

Chiếc nhẫn giao ước- Biểu tượng của tình yêu thuộc về Hội dòng

Trong nghi thức cử hành hôn nhân, hai người trao cho nhau chiếc nhẫn cưới là biểu lộ sự tuỳ thuộc lẫn nhau. Họ không thuộc về mình nữa mà thuộc về nhau, và hành trình của họ trở thành một vòng tròn hạnh phúc như vòng tròn của chiếc nhẫn. Trong nghi thức khấn trọn đời, khi người tu sĩ mang vào tay chiếc nhẫn giao ước ngoài việc họ thuộc trọn về Đức Kitô cả thần trí, tâm hồn và thân xác, thiết nghĩ họ còn thuộc về Hội dòng. Thuộc về Đức Kitô và thuộc về Hội dòng thôi thúc người tu sĩ sống trọn vẹn cho Đức Kitô và sống sung mãn với lời mình thề hứa bằng cả con người và cuộc sống, với ý thức và tự do, trong niềm vui và hạnh phúc. Vì thế, trước khi nghi thức tuyên khấn trọn đời kết thúc, người đại diện Hội dòng đón nhận ứng sinh là thành viên chính thức với mọi quyền lợi và nghĩa vụ ; mời gọi họ góp sức xây dựng, giúp Hội dòng chu toàn sứ mạng đối với Giáo hội và xã hội. Như vậy, chiếc nhẫn giao ước vừa biểu tượng cho lời cam kết trung tín, vừa biểu lộ một lời mời gọi- sống lối sống thuộc về bằng hành động cụ thể. Thuộc về Đức Kitô, tôi cần sống như thế nào ? Thuộc về Hội dòng, tôi cần sống như thế nào ? Thuộc về một ai đó là bắt chước giống người đó. Thuộc về Đức Kitô, người tu sĩ bắt chước giống Đức Kitô, mặc lấy chính Đức Kitô : bước theo sát dấu chân Người trên đường Thánh giá và say mê sống như Đức Kitô- đã chết và sống lại vì người mình yêu. Thuộc về Hội dòng, người tu sĩ sống họa lại rõ nét căn tính của Dòng. Căn tính ấy được thể hiện qua bản chất, đặc sủng, linh đạo, đặc tính, mục đích và sứ mạng của Dòng.

Chiếc nhẫn giao ước tình yêu mà người tu sĩ mang khi khấn vĩnh viễn ghi dấu ấn từ nay họ trung tín với Đức Kitô suốt đời và nhắc nhở họ tuân giữ những điều đã khấn hứa. Đồng thời, họ cũng cũng có trách nhiệm làm cho giao ước ấy được triển nở, bằng đời sống luôn gắn bó khăng khít với Chúa Giêsu và đi sâu hơn vào mối tương quan mật thiết với Người, bằng thông truyền tình yêu Đức Kitô cho mọi người ngang qua việc tuân giữ trọn vẹn ba lời khuyên Phúc âm và đời sống dấn thân phục vụ vì Nước Trời. Như thế, người tu sĩ trở thành chứng từ của Giáo hội, một lời chứng hùng hồn và lời công bố của Giáo hội giữa thế giới về giá trị của Tin Mừng. Vậy chiếc nhẫn không làm cho con người nên tu sĩ, nhưng người tu sĩ có thể làm cho chiếc nhẫn mà họ mang bên mình nên giá trị như một ngôi vị, vì nhẫn biểu tượng cho tình yêu hoàn toàn thuộc về Đức Kitô và thuộc về Hội dòng.

Chi tiết